PNO - Ở góc giao giữa phố Hàng Đồng và phố Lò Rèn (quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) có một cửa hàng quanh năm nhọ nhem. Bên cái bễ đỏ lửa, người đàn ông tóc muối tiêu với gương mặt màu đồng hun đều tay quai búa. Ông là người thợ cả duy nhất đang gìn giữ nghề rèn lẫy lừng suốt mấy trăm năm của phố cổ.
Vài mét vuông gói cả đoạn trường
Giữa hàng trăm biển quảng cáo xanh đỏ, cửa hàng của ông Nguyễn Phương Hùng vỏn vẹn mấy chữ “Hùng 26 Lò Rèn” kèm số điện thoại trên tấm bảng tí teo. Ấy vậy mà cửa hàng vài mét vuông này lại là điểm nhấn sống động của cả mấy khu phố bán buôn sầm uất. Mỗi ngày từ đây vang lên tiếng búa, tiếng đe và những chùm hoa lửa hồng rực tóe ra như pháo bông.
Nếu tính làm nghề rèn trên chính phố Lò Rèn này, ông Hùng mới là đời thứ ba. Nhưng tính theo truyền thống gia tộc (quê gốc ông ở làng rèn Hòe Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm - nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm) thì cũng đã mấy trăm năm.
![]() |
Người thợ rèn Nguyễn Phương Hùng và bễ lò giữ lửa phố cổ Hà Nội |
Thế kỷ XVI - XVII, nhờ cuộc cải cách kinh tế của vua Lê Thánh Tông, các làng nghề thủ công trong nước theo nhau phát triển. Đất Kẻ Chợ thành chốn làm ăn, nơi dựng nghiệp của thợ thủ công khắp nơi. Vừa quai búa để gò thanh kim loại hồng rực, ông Hùng vừa kể chuyện nghề làng, nghề phố: “Giờ Lò Rèn thuộc khu phố cổ, chứ trước đây là đất thôn Khai Thái của huyện Thọ Xương đấy nhé!”.
Những dấu ấn lịch sử nghề rèn cứ như thực, như mơ trong câu chuyện của ông Hùng. Càng nghe kể, tôi càng nhận thấy trong âm thanh sống động và hơi nóng tỏa ra từ lửa than đá - lịch sử mấy trăm năm thật chẳng quá xa xôi.
Hơn hai trăm năm trước, nghề rèn cực thịnh, cánh thợ trong phố dựng đình thờ tổ nghề và thờ những bậc tiền nhân có công đưa nghề rèn về đất Thăng Long. Vì vậy ngày nay vẫn còn mái đình Hành Tích (tên gọi khai sinh của đình Lò Rèn) rộng hai mươi mét vuông ngay trên con phố sầm uất này.
Giọng ông Hùng lúc chùng trầm, lúc đanh như một thanh thép nguội, lúc lại ấm như bếp lửa ngày đông: “Bố tôi kể ngày trước đình rộng hàng trăm mét vuông. Dần dần nhà dân mọc lên, diện tích đình hẹp lại. Nghiệp đoàn thợ rèn thời kỳ Cách mạng tháng Tám và Liên đoàn thợ rèn (năm 1954) đã ra đời từ đây. Khoảng 70 năm trước, gian thờ tự được đưa lên tầng hai, tầng một làm hợp tác xã, trường mẫu giáo, thậm chí cho thuê làm xưởng in. Cả phố đã bỏ nghề, người thợ rèn chuyển sang sản xuất, kinh doanh khung nhôm, hàn tôn, inox… song tên của họ vẫn còn trong Hội phường rèn. Những ngày sóc, vọng hay giỗ tổ, nhiều người vẫn đến thắp nhang”.
“Nghề chọn mình thì biết tránh sao!”
Thực ra ông Hùng đã có nhiều năm quay lưng với nghề rèn. Sáu tuổi đã biết phụ quay bễ, xúc than, nên cậu bé Hùng sớm thấm thía những nhem nhuốc, vất vả mà ông cha đổ xuống lò rèn. Chứng kiến phố nghề ngót dần theo thời cuộc, nghĩ đến tương lai nghề rèn như màu than đá và bồ hóng phủ kín gian xưởng, ông quyết định đi học trung cấp cơ khí ba năm để làm thợ sửa chữa ô tô. “Giai đoạn đó, sửa ô tô là nghề oách lắm” - ông Hùng kể.
Khi bố ông Hùng ngày một yếu, cái hữu hạn của kiếp người ngày một gần. Ông cụ rủ rỉ: “Cái máy dệt lụa đầu tiên của làng Vạn Phúc là do ông nội con làm, dựa theo thiết kế máy dệt người Pháp mang sang. Đời bố đã cùng những người thợ trên phố này ngày đêm rèn vũ khí phục vụ kháng chiến… Bảy anh em con ăn học, khôn lớn cũng nhờ nghề rèn của gia đình. Trong bảy đứa, chỉ có con là thạo việc, đừng để uổng phí tay nghề…”.
“Bố tôi nói vậy, thế là tôi quay về với cái bễ. Nghề chọn mình thì biết tránh sao!”, ông Hùng tưng tửng nói. Dù vậy, nghe cách ông say sưa kể về nghề rèn, tôi biết, sâu trong quyết định ấy là người con không đành để cha trăn trở khi nghề truyền thống gia đình không người tiếp nối. Trong huyết quản “người giữ lửa phố Thợ Rèn” ấy luôn âm ỉ niềm tự hào về những dấu ấn cha ông đã ghi khắc với nghề.
20 năm nay, ngày ngày nai lưng nện búa, dần dà cái bễ đỏ lửa, tiếng xèo xèo của kim loại nung đỏ nhúng vào nước - với ông Hùng như cơm ăn, nước uống. Ngày mưa to gió lớn, cửa hàng không mở được là hôm đó ông thấy bứt rứt, thấy thiêu thiếu...
Nhịp kéo bễ của ông Hùng vừa mang đậm chất thợ nghề sành sỏi, vừa pha chút gì đó “phớt đời” kiểu “giai phố cổ”: Dù mở cửa hàng lúc 7 giờ sáng hay 11 giờ trưa, thì ông chủ kiêm thợ cả cũng phải nhâm nhi tách cà phê trước khi vào việc. Giờ giải lao là cữ trà mạn cùng thợ phụ hoặc những người hàng xóm. Một bàn trà chậm rãi, thư thái, giản dị, đúng cái nếp sinh hoạt bao đời của cư dân nội thành.
Cuối năm, người đến phố Lò Rèn đặt hàng cho nhu cầu sửa sang nhà cửa dày hơn. Không thể tíu tít, tấp nập bằng mọi năm, nhưng cũng đủ để xua bớt những ảm đạm thời dịch bệnh.
Quen với địa chỉ 26 phố Lò Rèn đã mấy chục năm, hầu như năm nào ông Lê Mạnh Hải cũng dăm bảy lần từ bên kia sông sang phố cổ đặt làm đồ sắt. Có món ông Hùng làm mươi phút là xong, nhưng cũng có món tỉ mỉ, công phu hơn. “Mươi phút hay vài tiếng thì tôi cũng phải chờ, vì có đi chỗ khác cũng khó thấy ưng. Nhà tôi bây giờ vẫn sử dụng một số món được rèn từ thời ông cụ đấy”, ông Hải khoe.
Nhiều khách tò mò hỏi bí quyết nghề, ông Hùng cười: “Nghề này hơn thua ở sự kiên trì, nhẫn nại và sức chịu đựng. Bởi để một sản phẩm hoàn thiện, phải qua nhiều công đoạn tỉ mẩn. Không có quy tắc nào cả, làm mãi mà thành quen, tự đôi tay khắc biết phải đập búa ở mức nào cho đủ, tự đôi mắt nhìn màu đỏ thanh kim loại là biết đã được hay chưa”.
Nhìn sẹo bỏng xếp hàng trên hai cánh tay, nhìn mồ hôi đẫm trên gương mặt nâu như tượng đồng của người thợ cả duy nhất trên phố Lò Rèn, tôi chợt thấy bí quyết làm nên một sản phẩm hoàn hảo từ đôi tay tài hoa người thợ chính là tình yêu. Mùa hè vốn đã nóng bức, mấy ai muốn và chịu được khi ngồi bên bễ than đỏ rực? Mùa đông thì ấm thật đấy nhưng mặt mũi, chân tay lúc nào cũng đầy những mảng da châm chích, nứt nẻ; chưa kể muội than bám lấy quần áo, đầu tóc.
Con trai tốt nghiệp Đại học Bách khoa, theo nghề xây dựng; con gái làm kế toán cho một công ty của Nhật. Hỏi ông có chạnh lòng khi nghề rèn của gia đình không người tiếp nối? Ông Hùng nhún vai: “Buồn chứ! Nhưng tôi tôn trọng sự lựa chọn của các con. Thế hệ nào có đời sống và nhiệm vụ của thế hệ đó. Tôi vẫn liên tục tuyển và đào tạo thợ phụ, hy vọng sẽ tìm được người hữu duyên để giữ lửa phố Lò Rèn”.
Dứt câu, ông Hùng lại miệt mài quai búa. Tiếng búa dội chan chát xuống thanh kim loại hồng rực trên đe hòa cùng tiếng vù vù của bễ rèn như thổi thêm hơi ấm cho cả dãy phố mùa đông.
Bài và ảnh: Sơn Nam Thượng
Chia sẻ bài viết: |
Tính đến cuối tháng 2/2025, tổng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực du lịch (bao gồm lưu trú và ăn uống) tại TPHCM đạt gần 57.000 tỉ đồng...
Từ tháng 1/2025, chuỗi siêu thị/cửa hàng WinMart/WinMart+/WiN (thuộc WinCommerce) chính thức trở thành đại lý ngân hàng của Techcombank.
Giá vàng tiếp tục duy trì đà tăng, so với ngày hôm qua, giá vàng đã tăng thêm 900.000 đồng/lượng, thiết lập đỉnh lịch sử mới là 102,1 triệu đồng/lượng.
Giá gas trong nước tháng Tư duy trì mức giá như tháng Ba, do giá gas thế giới bình quân tháng Tư không thay đổi so với tháng trước.
Trong tuyển dụng nhân sự, ngày càng nhiều doanh nghiệp yêu cầu ứng viên biết sử dụng AI.
Masan Consumer ghi dấu ấn với danh mục thương hiệu mạnh và chiến lược kết hợp hiệu quả cùng hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ của Masan Group.
Từ ngày mai (1/4), giá thịt heo thuộc chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TPHCM tiếp tục được điều chỉnh tăng theo quyết định của Sở Tài chính TPHCM.
Không chỉ tăng mức độ gắn kết của khách hàng, MSB và Popplife còn muốn tạo nhiều điểm chạm khách hàng trên các nền tảng của nhau.
So với phiên giao dịch cuối tuần trước, giá vàng tiếp tục tăng 500.000 đồng/lượng, xác lập mức đỉnh lịch sử mới là 101,2 triệu đồng/lượng.
Trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, khu vực kinh tế tư nhân vẫn gặp nhiều rào cản, trở ngại như thiếu vốn, thủ tục hành chính nhiêu khê…
Giá vàng miếng SJC đang duy trì ở mức đỉnh lịch sử là 100,7 triệu đồng/lượng, giá vàng thế giới cũng lập đỉnh mới là 3.086 USD/ounce.
Giá heo hơi tại TPHCM và nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam giảm mạnh trong vòng 3 tuần trở lại đây, về gần mức 72.000 đồng/kg (giảm khoảng 10.000 đồng).
Ngày 29/3/2025, lễ khởi công Dự án xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn đã được tổ chức tại Công viên Bến Bạch Đằng, Quận 1, TPHCM.
Mặc dù cao 1m58, nặng 60kg, nhưng Phượng rất chật vật trong việc tìm mua những mẫu quần áo phù hợp với mình tại các nhãn hàng thời trang của Việt Nam.
Ngày 25/3, Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam phối hợp (trực thuộc Trung ương Đoàn) cùng nhãn hàng Number One đã tổ chức lễ trao giải thưởng “Bền Đam Mê”.
Thời gian qua, lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ liên tục có những động thái thể hiện quyết tâm thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.
So với ngày hôm qua, giá vàng tăng thêm 1,5 triệu đồng/lượng, hiện đang niêm yết mức 100,4 triệu đồng/lượng.
Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả thêm cho các sản phẩm xanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đối mặt với thách thức về giá cả, tính minh bạch.