Hoa, kiểng tết miền Tây sẵn sàng khoe sắc

26/01/2024 - 06:11

PNO - Những ngày này, nông dân trồng hoa, cây kiểng ở đồng bằng sông Cửu Long đang chạy nước rút để kịp cung ứng cho thị trường các sản phẩm bắt mắt, trong đó có nhiều sản phẩm độc, lạ để chưng tết.

Cung ứng hàng triệu chậu hoa, kiểng 

Ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, người trồng hoa, kiểng tết đang chăm sóc hoa ở thời kỳ ươm nụ. Gia đình ông Trần Văn Tú (xã Long Thới) chuẩn bị xuất bán khoảng 1.000 chậu cúc mâm xôi. Ông cho hay, năm nay, giá vật tư nông nghiệp tăng, giá cúc mâm xôi có dấu hiệu bị chựng lại ở mức 160.000-170.000 đồng/cặp. Với giá này, nông dân vẫn có lãi nhưng không nhiều. 
Sát vườn ông Tú, gia đình ông Phan Văn Khởi (xã Long Thới) cũng huy động các thành viên tưới nước cho hơn 1.000 chậu cúc mâm xôi. Số chậu cúc này đã được ông bán cho thương lái từ nhiều ngày trước, giờ chỉ chăm sóc, chờ đến ngày họ tới chở đi. “Năm nay, thời tiết khá thuận lợi, nhà vườn lại chăm kỹ hơn mọi năm nên hoa đẹp, màu sắc tươi thắm, nụ hoa nở nhiều và đều” - ông Khởi nhận xét.

Ông Huỳnh Thanh Tâm (xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) bên trái bưởi được tạo hình thỏi vàng, in chữ tài, lộc
Ông Huỳnh Thanh Tâm (xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) bên trái bưởi được tạo hình thỏi vàng, in chữ tài, lộc

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách - cho biết, toàn huyện có khoảng 600ha hoa, kiểng, được trồng tập trung ở các xã Long Thới, Phú Sơn, Vĩnh Thành, Vĩnh Hòa với hơn 9,5 triệu sản phẩm các loại cung ứng cho thị trường tết. Trong đó, sản phẩm chủ lực là cúc mâm xôi, mai vàng, bông giấy, tắc kiểng, vạn thọ, mào gà. 
Theo ông, cũng như các năm, bây giờ là lúc nông dân tất bật chăm sóc hoa, kiểng và liên hệ với thương lái để bán sản phẩm. Năm nay, do tình hình kinh tế không khả quan, lại có nhiều nơi cùng sản xuất hoa, kiểng tết nên số đơn đặt hàng và giá bán cùng giảm khoảng 30% so với thời điểm này năm ngoái. “Gần đây, xuất hiện nắng nóng và mưa trái mùa nhưng không ảnh hưởng đến năng suất do nông dân đã chủ động áp dụng những biện pháp kỹ thuật phù hợp. Điều bà con mong nhất là bán được giá cao để có lãi nhiều” - ông Bùi Thanh Liêm nói.

Ở làng hoa Sa Đéc (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), nông dân trồng khoảng 950ha với hơn 1,2 triệu sản phẩm, hơn 2.000 chủng loại hoa, kiểng, nhiều nhất là cúc mâm xôi. Ông Trần Văn Tiếp - Chủ nhiệm Hội quán Tôi yêu màu tím (TP Sa Đéc) - cho biết hơn 30 thành viên của hội quán đang dồn sức chăm sóc các loài hoa, kiểng như sao nháy, thược dược, cẩm nhung, thạch thảo, lúa kiểng lá tím bông xanh, lúa kiểng lá xanh bông tím… Các loại hoa, kiểng đều phát triển tốt và đã có thương lái đặt mua. 

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, Festival hoa, kiểng Sa Đéc lần thứ nhất do UBND tỉnh tổ chức từ ngày 30/12/2023 - 5/1/2024 đã thu hút hơn 245.000 lượt khách tham quan, trong đó có gần 2.000 khách quốc tế, doanh thu du lịch ước đạt 98 tỉ đồng.

Đa dạng trái cây tạo hình 

Ông Võ Trung Thành - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bưởi hồ lô xã Phú Hữu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) - cho biết, năm nay, các thành viên của câu lạc bộ sẽ cung ứng cho thị trường hơn 1.000 trái bưởi tạo hình hồ lô, tạo chữ (tài, lộc hoặc phúc, lộc, thọ). Đến nay, khách hàng gần xa đã đặt mua khoảng 80% số sản phẩm trên, thời điểm giao hàng là khoảng 1 tuần trước tết. Năm nay, giá bưởi tạo hình loại trái đẹp dao động từ 1-1,4 triệu đồng/cặp, giảm nhẹ so với các năm trước. 

Ông Thành kể, hơn chục năm về trước, ông tình cờ thấy trái bưởi mắc kẹt giữa 2 nhánh cây nên có hình thù kỳ lạ; sau đó, thấy trên truyền hình chiếu bộ phim có bình hồ lô, ông bèn nảy ra ý tưởng tạo ra những trái bưởi có hình dáng hồ lô. Sau khi thử nghiệm tạo nhiều hình dáng, cuối cùng, ông chọn mẫu trái bưởi hồ lô có 2 chữ tài, lộc nổi trên bề mặt để chưng tết, bán rất chạy. Ông tiếp tục thử nghiệm tạo hình thỏi vàng, đồng tiền in chữ nổi và hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều người khác. 

Ông Võ Hồng Quốc (cùng huyện Châu Thành) thì đang chăm sóc cho vườn đào tiên tạo hình. Năm nay, ông sản xuất khoảng 200 trái đào tiên in chữ tài, lộc, giá bán từ 400.000-600.000 đồng/trái. 

Mỗi dịp tết, ông Huỳnh Thanh Tâm (xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cũng tạo hình các loại trái cây như bưởi, dừa để bán. Năm nay, ông Tâm sẽ cung ứng cho thị trường tết khoảng 2.000 trái dừa tạo hình hồ lô, in chữ phúc, lộc, thọ và tài, lộc cùng 1.500 trái bưởi tạo hình hồ lô, thỏi vàng, hoa mai, đồng tiền… Để có thể tạo ra hàng ngàn sản phẩm độc, lạ này, ông đã đầu tư nhiều kinh phí nhằm cải tiến khuôn mẫu, thay đổi phông chữ nổi cho đẹp hơn, sắc sảo hơn. 

Ông Bùi Văn Thức (xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) thì tập trung chăm chút các loại trái cây như đu đủ, dừa, mãng cầu, và nhiều nhất là xoài có in chữ thư pháp với giá bán tại vườn khoảng 150.000-180.000 đồng/trái. Ngoài việc bán lẻ, ông Thức còn cung cấp trái cây tạo hình theo mâm ngũ quả gồm “cầu, sung, dừa, đủ, xoài”, có giá dưới 1 triệu đồng/mâm. 

Huỳnh Lợi - Thanh Lâm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI