Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long Nam Em: Phía sau nụ cười là nước mắt

07/08/2016 - 12:22

PNO - Nếu chỉ nhìn Nam Em trên sân khấu hay trong các cuộc vui, sẽ chẳng thể nào hiểu được trọn vẹn về cô - một cô gái bước lên từ thương tổn lớn lao.

Hoa khoi Dong bang song Cuu Long Nam Em: Phia sau nu cuoi la nuoc mat
Hoa khôi Nam Em

Như bao người đẹp khác, Nam Em không bỏ lỡ việc tận dụng nhan sắc cho mục tiêu của mình. Cô tham dự các cuộc thi, kiên nhẫn và chăm chỉ. Từ cuộc thi nhan sắc, cô bước sang ca hát - lĩnh vực mà cô vốn đam mê từ khi còn bé xíu. Nhưng, nếu chỉ nhìn Nam Em trên sân khấu hay trong các cuộc vui, sẽ chẳng thể nào hiểu được trọn vẹn về cô - một cô gái bước lên từ thương tổn lớn lao.

Cha ơi, con phải làm gì?

Nam Em rất có biệt tài chọc cười người khác. Cô có kiểu nói “tưng tửng” và sự khôi hài khá “lầy” - từ mà nhiều người xung quanh hay dùng cho cô với nhiều thiện cảm. Ít có tình huống nào, câu chuyện nào qua sự diễn đạt lại của cô mà không gây cười. Cái tưng tửng khiến nhiều người cười ngặt nghẽo ấy từng khiến cô nung nấu ý định tìm đường đến với sân khấu hài.

Nụ cười của Nam Em lúc nào cũng rạng rỡ trên môi, cùng một tinh thần lạc quan trước mọi khó khăn. Nam Em truyền nguồn năng lượng tích cực ấy đến với bất kỳ người xung quanh nào mà mì nh gặp. Chỉ là, phía sau nụ cười ấy là một câu chuyện đẫm nước mắt. Nước mắt hiện diện khi cô còn là một đứa trẻ, ngơ ngác, không thể nào hiểu được mâu thuẫn của người lớn.

Tuổi thơ của cô đã chứng kiến quá nhiều bi kịch. Đó là những ngày ba mẹ cô triền miên cãi vã, để rồi sau đó là những trận đòn cha trút vào mẹ, mà có lần va trúng cả cô. Cái đau của thân thể không là gì so với những điều mà trái tim cô phải gánh lấy. Ba anh em cô - anh trai, cô và người chị sinh đôi của mình - chỉ biết sợ hãi co rúm trong góc nhà mà khóc. Và, điều gì đến cũng đến: ba mẹ cô chia tay. Cho đến bây giờ, Nam Em vẫn không thể nào quên buổi chiều ấy, khi mẹ cô dắt chị gái ra khỏi nhà, để cuộc đời mỗi người sau đó là chuỗi ngày chia cắt.

Không còn mẹ và sau đó cũng không còn cha. Cha cô, một người đàn ông lầm lạc, không việc làm, không phương kế mưu sinh, đã gửi con của mình cho em gái ông chăm sóc. Một vài lần gặp con gái mình trên đường quê, ông giúi vào tay con ít tiền, có khi là 100.000 đồng - số tiền nhiều nhất mà ông có được - rồi đi.

Ngày ba anh em cô gặp lại cha lần nữa cũng là ngày mất ông vĩnh viễn. Ông về với đất lạnh, xung quanh không có một ai, trên môi còn vương cọng bún và trong túi còn đúng 2.000 đồng. Lời xin lỗi như có lần ông ngập ngừng muốn nói khi đứng trước con gái, đã vĩnh viễn không còn cơ hội để thốt ra.

Nam Em nói, tuy cô không hiểu vì sao cha lại chọn để con mình cho người khác chăm sóc, nhưng cô chưa bao giờ giận cha. Trái lại, cha luôn là điểm tựa mà mỗi khi ngã quỵ, cô lại gọi tên và đứng lên. Anh em Nam Em về với cô ruột vào những ngày đang lớn, và sau đó là những ngày quần quật với trại heo nái lên đến cả trăm con của người cô: tắm, cho ăn, đỡ đẻ… Cô đùa rằng đó là những ngày ăn cùng heo, ngủ cùng heo và chơi đùa cùng heo, đến mức có lúc không còn nhớ mình là ai.

Người cô ruột chăm sóc cháu theo cách của mình, và dù cố gắng đến mấy cũng không thể nào lấp được khoảng trống của cha và mẹ chúng. Sự thiếu thốn ấy, với Nam Em, bây giờ vẫn như cơn gió lùa lạnh buốt mỗi khi được nhắc nhớ. Điều cô có được là nhan sắc rạng rỡ mà chẳng hiểu sao sự vất vả tay chân kia không làm suy suyển được. Cô lớn lên, thanh mảnh và đài các như con nhà tiểu thư. Cũng như, dù cơ cực nhưng niềm đam mê ca hát, đam mê diễn xuất trong cô lại chẳng bao giờ bị vùi lấp. Chỉ là, ngày ấy, đến việc học văn hóa, cô còn có nguy cơ không theo được, nói gì đến đam mê nghệ thuật.

Vài người họ hàng của cô khi nghe đứa cháu gái hồn nhiên bảo rằng lớn lên con muốn làm ca sĩ, đã nói như tát vào mặt: “Cha với mẹ thế mà còn đòi làm ca sĩ. Để tao chống mắt coi mày làm ca sĩ kiểu gì”. Câu nói ấy đến giờ vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ Nam Em, để cô mang ra tự nhắc nhở mình mỗi khi gặp khó khăn trong đời. Cô thừa nhận, tất cả những cố gắng của cô, cho đến thời điểm này, là để trả lời cho câu hỏi đó, và để cho gia đình của mình đừng thất vọng, để người cha đi xa của mình có thể tự hào.

“Nếu nói rằng tôi chưa từng muốn bỏ cuộc là nói dối. Nhiều lúc mệt quá chỉ muốn buông xuôi, nhưng rồi tôi ngước lên trời mà hỏi “cha ơi con phải làm gì?”. Thật lạ là lúc nào tôi cũng có cảm giác cha đi theo mình, nâng đỡ mình. Điều đó khiến tôi làm lại từ đầu mà không sợ hãi nữa”, Nam Em bộc bạch.

Hành trình nào cũng cố gắng hết mình

Thỉnh thoảng, ngồi kiểm lại những gì đã qua, Nam Em cứ tưởng đó là một giấc mơ. Chỉ ba năm trước, cô còn không thể kiếm ra được 100.000 đồng, giờ cô đã làm được hơn thế rất nhiều. Chỉ mới đây thôi, cô còn chạy hỏi mượn từng chiếc váy đi thi nhưng không ai cho, giờ đã khác. Trước đó nữa, vì biết gia đình không có tiền nên bằng mọi cách, cô ôn luyện để thi vào khoa Thanh nhạc Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân Đội, vì trường ấy miễn học phí cho sinh viên. Cô đã làm được. Giờ cô đã đủ sức đón mẹ và chị lên Sài Gòn sống cùng, dù chỉ là ở nhà thuê. Cô giúp đỡ một ít cho người anh trai hiện đã lập gia đình, đang sống ở quê. Cô cũng chuyển việc học từ Hà Nội vào TP.HCM cho thuận tiện…

Hoa khoi Dong bang song Cuu Long Nam Em: Phia sau nu cuoi la nuoc mat

Thỉnh thoảng, nhìn lại những gì đang có sau bao nhiêu cơ cực, Nam Em có một niềm tin rằng ông trời không bao giờ để ai chịu khổ mãi; ngược lại, những cay đắng từng có trong đời sẽ khiến người ta mạnh mẽ hơn. Những tháng năm đó đã khiến cô luôn phải biết nắm bắt cơ hội, để đi được đến ngần này. “Bây giờ thì bỏ tôi ở đâu tôi cũng sống được”, cô nói với lửa sáng trong mắt. Cũng những tháng năm đó đã cho cô một cái nhìn khác về cuộc sống. Cô nhìn sự việc nhẹ như không và mỉm cười trước mọi chê bai, cô thốt lên “tất nhiên rồi” khi bị hoài nghi… Để rồi, nếu có thất bại, cô lại nghĩ “chắc ông trời muốn thử thách mình chút xíu” mà làm lại, không oán thán.

Nam Em nghĩ, bất kỳ ai cũng có nỗi khó khăn của riêng mình, giàu thì khó khăn theo kiểu giàu và nghèo thì khó khăn theo kiểu nghèo. Cuộc đời cô, giờ nếu phải dựa vào ai đó mỗi khi gặp biến cố, thì đó là cha cô và chỉ là chính bả n thân mì nh. Câu nói mà cô tự nhắc nhở mình là: “Đừng bao giờ hy vọng vào sự giúp đỡ của người khác; chỉ mình mới giúp được mình”.

Những ngày này, Nam Em lại tất bật với việc chuẩn bị cho hành trình đến với sân chơi nhan sắc quốc tế, Hoa hậu Trái đất 2016. Cô còn quá trẻ để tự đóng khung mình chỉ vào khái niệm “người đẹp” hay chỉ chăm chăm làm ca sĩ. Cô muốn tận dụng tất cả những gì mình có, cứ đi thế, rồi tự khắc sẽ có đường riêng. Chỉ cần bất cứ hành trình nào cô cũng cố gắng hết sức, là đủ.

Nguyên Vĩnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI