Hoa hồng tháng Bảy

31/08/2020 - 14:01

PNO - Tôi biết, dù có bứt hết lá rừng cũng không thể đếm hết công lao người mẹ. Nếu phải tìm một từ ngữ nào đó để ca ngợi tình mẹ, tôi đành bất lực, vì ngôn từ không tải hết tình thương…

Mùa gặt năm đó, khi cái thai cuối kỳ đã oằn thấp, dù chân bước cấn bụng nhưng mẹ vẫn quảy gánh ra đồng, trước là coi sóc đám ruộng đang thuê người cắt, sau còn tranh thủ xin gánh rơm cho bò, thêm được nắm nào đỡ nắm nấy. 

Bạn sẽ bức xúc hỏi ba tôi đâu mà để mẹ đã tới ngày sinh nở phải bươn bả ra đồng? Thật là một chuyện không ai muốn, từ lúc mẹ mang thai tôi cũng là lúc ba phải vắng nhà. Xin cho phép không nói lý do, nhưng mãi đến khi tôi biết nói, ba mới về.

Nhìn một phụ nữ vác cái bụng thè lè ra đồng, chắc là bất nhẫn quá nên ruộng nhà được mấy cô bác làm gọn gàng, thóc rơm đâu đó. Còn đôi gióng của mẹ, không cần phải đi xin thì cũng có người nhét đầy rơm. Mẹ phải bám chân trên con đường ướt mưa, nặng nề từng bước một để gánh rơm về. Được nửa đường thì bụng co lên từng hồi đau quặn, mẹ bình tĩnh đặt gánh xuống đứng thở.

Bác Tám lại đưa vai vào gánh đỡ rồi lầm bầm: “Sắp đẻ rồi còn ham làm, coi chừng đẻ rớt ngoài đường bây giờ”. Mẹ cười: “Sắp rớt chứ chưa...”. Về tới nhà, mẹ đi thẳng xuống bếp, bắc ấm nước lên đun, nhờ cô Năm hàng xóm đi kêu giùm bà mụ. Mẹ gội đầu, tắm rửa xong thì vỡ ối.

Sau này mẹ thường bảo tôi, khổ lúc còn nằm trong bụng là đủ rồi, ráng học để mai mốt không phải làm nông nuôi bò, sống khổ sở, trầy trật như mẹ. 

Trầy trật như mẹ là mồ côi từ lúc còn nằm trong bụng, lấy chồng mồ côi, sinh mười đứa con và làm trụ cột gia đình. Cực nhọc lắm, nhưng mẹ chủ trương đứa nào cũng phải đi học. Chỉ có học mới không khổ.

Ảnh minh họa
Dù có bứt hết lá rừng cũng không thể đếm hết công lao người mẹ. Ảnh minh họa

Có lần đi học, tôi nghe tin mẹ vào viện. Cái tin ấy làm tôi bàng hoàng. Thì tại mẹ tôi xưa nay làm “lở núi lở non”, nhức đầu sổ mũi hay đau vai mỏi cổ cũng chỉ ở nhà uống thuốc khơi khơi, chứ nhất định không chịu đi viện. Mẹ gang thép vậy mà nhập viện thì chắc là bất khả kháng rồi. Tôi mếu máo, sấp ngửa chạy ào vô viện. Mẹ tôi nằm đó, còm cõi, võ vàng. Căn bệnh xuất huyết đường ruột đã làm cơ thể người đàn bà lực điền suy sụp thê thảm. 

Trên giường bệnh, mắt mẹ cứ lơ mơ rồi nhắm nghiền, người hầm hập sốt. Nằm mê man ba ngày hai đêm nhưng khi tỉnh dậy, mẹ đuổi các con về hết. Mẹ bảo đang mùa cao điểm, đứa ở nhà không thể bỏ ruộng bỏ lúa, đứa đang học hành không được bỏ trường bỏ lớp. Làm nông thì ruộng vườn là tài sản lớn nhất, đi học thì chữ nghĩa phải đặt hàng đầu, mẹ tự lo liệu được.

Dù không đành bỏ mẹ nằm viện một mình, thì anh em tôi cũng không biết thu xếp sao cho ổn, vậy là chia nhau về. Anh lo mùa vụ, tôi lo thi học phần. Khi mọi thứ xong xuôi thì mẹ cũng xuất viện.
Ca dao có câu: Mẹ hiền như thể trăng sao/ Một mai trăng lặn đất trời lung lay.

Tôi biết, dù có bứt hết lá rừng cũng không thể đếm hết công lao người mẹ. Nếu phải tìm một từ ngữ nào đó để ca ngợi tình mẹ, tôi đành bất lực vì ngôn từ không tải hết tình thương…

Vâng, tháng Bảy này, tôi sẽ làm như lâu nay vẫn làm. Vu Lan, tôi sẽ lại cài lên ngực mình một bông hồng đỏ thắm - như tình mẹ bất diệt, để cầu mong mẹ khỏe mạnh sống đời... 

Nguyễn Thị Bích Nhàn
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI