Nhưng hơn hết, tôi muốn họ thật “nhiều sức khỏe và công việc cứ trôi chảy, thuận chiều” - đúng như giấc mơ của họ.
Hơn 10 giờ đêm, con đường Mã Lò, đoạn cắt ngang Lê Văn Quới (Q.Bình Tân) vắng lặng. Trời bỗng dưng nổi một cơn gió nhẹ, những chiếc lá khẽ khàng rơi… Chị Nguyễn Thị Nhung, nữ công nhân tổ vệ sinh 4, đội vệ sinh Q.Bình Tân vẫn nhịp nhàng tay chổi.
Bắt đầu vào ca từ 7 giờ tối, lúc này, chị đã đi đến đoạn cuối con đường, còn xíu nữa là xong công việc của ngày gom rác. Tối nay Nhung “đi tour” thay cho một nữ đồng nghiệp được xuống ca. Do mới vào công ty vài tháng nên Nhung không có tuyến đường cố định để trực, mà mỗi chiều chị lại nhận một trục đường mới theo phân công của tổ trưởng.
Nhung cười hiền lành kể: “Không có đường cố định để làm, mà cứ được phân công việc là vui liền. “Đi tour” biết nhiều đường hơn là công nhân làm “đường chết”.
Kể rồi, chị lại lẳng lặng làm tiếp công việc đang dang dở. Tôi nghe trong tiếng gió có tiếng chổi tre của chị. Thi thoảng một chiếc xe chạy băng ngang, rồ ga, hú còi, rít thắng. Tôi hỏi chị sợ không? Nhung đưa tay quệt nhẹ vệt mồ hôi trên trán lắc đầu: “Cái này chưa đến mức sợ đâu!”.
Nghe tôi hỏi câu tương tự, chị Nguyễn Thị Ly, ở tổ vệ sinh 1, trực chết các tuyến đường ở khu phố 1, 2, 3 và 4, P.An Lạc A, Q.Bình Tân, nói: “Sợ nhất là lúc 12 giờ đêm kìa. Đó là lúc tụi tôi phải ra giữa đường dọn quét con lươn và các dải phân cách. Nguy hiểm lắm. Ngày nào cũng vừa quét vừa cẩn thận nhìn trước sau. Nhìn cho mình rồi nhìn cho đồng đội. Xe chạy ẩu, phóng nhanh không để ý là tai nạn như chơi”.
Ly chưa kịp kể xong, sáu chiếc xe máy rú ga, nẹt pô băng ngang, suýt va vào cái thùng rác màu cam của chị. Đám thanh niên trên xe còn quay lại cười nắc nẻ. Nhìn những chiếc xe tải hàng, taxi, xe máy… chạy rào rào trong đêm, nghĩ các chị đang làm việc ngay giữa tim đường, bất cứ sơ sẩy từ phía nào cũng thật bất an. Tay tôi cũng run theo. Ly nói tôi thôi về đi, đêm nay quét xong sớm, nhưng xe ép rác còn chưa tới, chị chờ.
Đêm đó là đêm 5/3
Sáng hôm sau, tôi gọi điện, Ly hồ hởi kể: “Hôm qua gặp em, hên đủ điều. Sáng thì công ty báo tin mỗi người được tăng thêm 5.000đ tiền cơm/ngày. Tối hôm qua xe ép rác lại tới sớm, về tới nhà vừa đúng 12 giờ”.
Tôi chợt chạnh lòng 5.000đ/ngày, quy ra mỗi tháng các chị có thêm 150.000đ - cũng thành niềm vui!
Chị Huỳnh Thị Kim Loan, nữ công nhân ở tổ 2, nói: “Vui chứ sao không, chút tiền dù nhỏ cũng là sự quan tâm của mọi người dành cho nghề của mình. Lương mỗi tháng có hơn 4 triệu đồng. Thêm thu nhập, dù chút xíu cũng là an ủi”.
Chị Loan sinh năm 1972, là công nhân có thâm niên hơn 20 năm trong nghề. Cũng là người hạnh phúc bởi lúc nào trong công việc cũng có chồng, con kề vai sát cánh.
Ngày của một nữ công nhân vệ sinh “trái khoáy” so với người lao động bình thường. Do đêm nào cũng 1-2 giờ sáng mới về tới nhà nên sáng người nào cũng tranh thủ “ngủ nướng” cho lại sức.
Thức dậy, các chị lại lo “thiên chức”: cơm nước, dọn dẹp, giặt giũ cho tổ ấm của mình. Chị nào may mắn, như chị Kim Loan, có chồng làm việc tự do, hay cùng ngành thì còn được ăn chung cả nhà bữa cơm trưa, bởi 12 giờ các chị lại vào ca mới. Rõ ràng, nếu chồng làm công nhân, nhân viên bình thường ở các công ty xí nghiệp hay công sở khác thì coi như “thua toàn tập”.
Chị Kim Âu, tổ phó tổ vệ sinh số 5 đội vệ sinh Bình Tân, ngậm ngùi: “Bảy năm theo nghề. Mình về tới nhà thì chồng con đã ngủ. Sáng mình chưa thức thì ông xã đã phải dậy đi lái xe”.
Điều khiến Âu tiếc nuối nhất chính là không có thời gian bên con. Thời bé còn mẫu giáo, cấp I, chị toàn phải “chạy trường” gửi con học bán trú. Khi con trai vô cấp II, thì người mẹ ấy toàn để cháu tự bơi, hậu quả là hết lớp Tám, cậu nhỏ đã buông, không học nữa.
Chị Âu chỉ biết an ủi mình: “Con chưa biết nghĩ, chỉ là không học nổi…”. Tuy vậy, trong sâu thẳm đáy lòng, chị vẫn day dứt: “Giá mà thời gian quay ngược lại, tôi sẽ tìm cách gần con hơn…”.
Đội vệ sinh Bình Tân (chi nhánh Gia Định thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM) có 186 công nhân, trong đó 74 người là nữ. Tuy thể lực kém hơn nam, nhưng quy định của ngành không phân biệt giới tính. Dù nam hay nữ họ cũng phải quét hết các tuyến đường. Luân phiên nhau, trưa vào ca thì đi lấy rác dân lập, tối quét rác, cách một ngày thì rửa 180 thùng rác hai ngăn ven các tuyến đường. Cứ một tuần, lúc 12 giờ đêm cùng quét con lươn, dải phân cách.
Anh Lê Hoàng Vững, tổ trưởng tổ 1, chia sẻ: “Đôi lúc thấy các chị cực quá, có chị thiệt tình báo ngày tới tháng, tôi cũng phân công để các anh chia sẻ. May là cùng việc, cùng hiểu, nên các anh em choàng gánh cho nhau. Mà choàng xíu vậy thôi, chứ công việc ai cũng nặng nề nên hầu như các chị cũng cố gồng, không nỡ để anh em chúng tôi chịu thiệt”.
Không so đo, tính toán, không cầu ước gì nhiều cho mình, mỗi nữ công nhân vệ sinh tự hiểu về nghề nghiệp của mình: công việc nặng nhọc, độc hại nhưng có ích cho cuộc sống.
Như lời chị Loan: “Nghề nghiệp này là lựa chọn cuối cùng thời con gái. Vậy mà tôi và chồng, giờ đây là cả con trai tôi nữa, cùng sống được với nghề. Hơn 20 năm, đủ chứng minh nghề này vẫn có thể nuôi mình, nuôi gia đình mình. Cứ vậy mà thương và trân trọng công việc của mình. Tôi và các chị em công nhân chỉ tâm niệm có nhiều sức khỏe, có công việc ổn định để tiếp tục làm. Vậy thôi, không mong gì hơn nữa đâu”. Chị cười nhẹ tênh.
Trong tiếng cười trong trẻo ấy, chị Kim Âu bật mí: “8/3 này công ty lại cho nữ công nhân nghỉ một ngày đi du lịch. Nghe đâu về làng nổi Tân Lập, làng cổ Phước Lộc Thọ ở Long An. Nghe mà nôn nao, vui lắm”.
Trước khi ghé thăm đội công nhân vệ sinh Bình Tân, tôi cứ nghĩ phải nhìn toàn những gương mặt sạm đen, khắc khổ vì nắng, vì gió. Nhưng không phải vậy. Các chị vẫn thật duyên dáng, dịu dàng. Những phút nghỉ giữa ca, họ vẫn bấm điện thoại để học công thức nấu ăn, dạy kỹ năng làm đẹp… Vui những niềm vui đơn giản như được nghỉ một ngày…
Trước những mong ước giản dị, hồn nhiên đó, ngày 8/3, tôi chợt muốn tặng các chị một đóa hồng như lời cảm ơn của cuộc đời dành tặng những người phụ nữ lặng thầm từng ngày, làm đẹp cho thành phố.
Nghi Anh