“Hoa hậu Thế giới Việt Nam" chấp nhận thí sinh qua phẫu thuật thẩm mỹ

31/03/2021 - 15:14

PNO - Đây là chủ đề thu hút được sự quan tâm của nhiều cô gái khi nghị định 144/2020/NĐ-CP được ban hành.

Từ ngày 1/2, nghị định mới 144/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực. Theo đó, thí sinh dự thi các cuộc thi người đẹp trong nước không còn bị ràng buộc phải có vẻ đẹp tự nhiên. Nghĩa rằng, các cuộc thi có quyền chấp nhận thí sinh qua phẫu thuật thẩm mỹ. 

Bà Phạm Kim Dung, trưởng Ban tổ chức Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2021 cho rằng: “Đây là tín hiệu vui để những cô gái có khiếm khuyết hình thể tự tin dự thi các cuộc thi sắc đẹp. Hơn nữa, bất kỳ phụ nữ nào cũng có nhu cầu hoàn thiện bản thân. Chúng tôi ủng hộ quy định mới này”.

Tuy nhiên, việc phẫu thuật thẩm mỹ đến đâu vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp cụ thể. 

Trong buổi họp báo ra mắt cuộc thi năm nay vào sáng 31/3, Bà Phạm Kim Dung cho biết cụ thể hơn: “Việc đánh giá cụ thể sẽ tuỳ thuộc vào khi ban tổ chức, ban giám khảo gặp gỡ thí sinh. Dĩ nhiên, trường hợp từ 0 lên 10 điểm là khó thể vượt qua. Chúng tôi sẽ có một tiêu chuẩn tương đối theo tiêu chí “có bột mới gột nên hồ”, ví dụ, nếu gương mặt đã xinh nhưng mũi chưa đẹp, miệng đẹp nhưng răng chưa đẹp, hoặc khiếm khuyết một chút trên cơ thể có thể điều chỉnh hoàn hảo hơn. 

Hơn hết, cuộc thi sắc đẹp cũng ảnh hưởng đến quan niệm của nữ giới về cái đẹp. Vì thế, chúng tôi luôn quan niệm sẽ có điểm dừng để các bạn trẻ không quá sa đà vào việc phẫu thuật thẩm mỹ”.

Bà Phạm Kim Dung, trưởng BTC Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2021
Bà Phạm Kim Dung, trưởng Ban tổ chức Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2021

Việc đánh giá mức độ chỉnh sửa của thí sinh sẽ do bác sĩ thẩm mỹ chuyên khoa thực hiện trong vòng sơ loại.

Rút kinh nghiệm từ việc từng cử nhiều đại diện Việt Nam nhưng đều bị nhiều hạn chế bởi khả năng giao tiếp, bà Kim Dung cho biết năm nay sẽ tăng cường các hoạt động để rèn luyện kỹ năng này cho thí sinh. 

Chẳng hạn, phần thi Head to head sẽ đưa ra các chủ đề để thí sinh trình bày quan điểm, hùng biện, tranh luận, được phát sóng công khai. Bên cạnh đó, cuộc thi sẽ tăng cường nhiều hoạt động bên lề không được phát sóng để thí sinh rèn luyện kỹ năng nói trước đám đông. 

Lý giải điều này, bà Dung cho biết: “Khi không có máy quay, không có áp lực về mặt khán giả, thí sinh sẽ có sự thoải mái hơn. Chúng tôi muốn tạo nên sự thay đổi từ những điều căn bản nhất. Trước tiên phải cho các em niềm tin, động lực để dám đứng lên phát biểu. Chúng tôi muốn hoạt động nói, trình bày ý kiến sẽ diễn ra hằng ngày với thí sinh như bài tập về nhà. Sau đó, sẽ hướng các em đến việc nói sao cho thu hút, hấp dẫn. Điều đó sẽ giúp lời nói của các em có trọng lượng hơn”.

Tuy nhiên, thực tế khả năng giao tiếp, ứng xử của các cô gái chịu sự ảnh hưởng lâu dài bởi nền giáo dục, những quy chuẩn vô hình của văn hoá Á Đông như e thẹn, nền nã... Vì thế, bà Dung cho rằng nếu muốn sự thay đổi nhanh chóng là khó thể xảy ra. Nhưng trong khuôn khổ cuộc thi sẽ cố gắng hết sức để giúp thí sinh thay đổi ít nhiều.

Đương kim Hoa hậu Thế giới Việt Nam Lương Thuỳ Linh
Đương kim Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019 - Lương Thuỳ Linh

Với những cô gái đạt danh hiệu cao nhất, ban tổ chức sẽ tiếp tục rèn giũa. Một xu hướng dễ thấy là để các người đẹp tham gia làm MC cho các sự kiện, chương trình truyền hình.

Cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2021 đã bắt đầu nhận hồ sơ của thí sinh. Vòng sơ khảo dự kiến diễn ra tại TPHCM và Hà Nội vào tháng 9. Vòng bán kết diễn ra tháng 10. Vòng chung kết diễn ra tháng 11 tại Vũng Tàu. 3 người đẹp đạt ngôi vị cao nhất sẽ đại diện Việt Nam tham gia Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Quốc tế Hoa hậu Hoà bình Quốc tế.                                                                                                                   

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI