Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga: Chưa bao giờ khóc vì vương miện

03/09/2018 - 17:00

PNO - Năm 1996, Nguyễn Thiên Nga đăng quang Hoa hậu toàn quốc (tiền thân của Hoa hậu Việt Nam). Ba năm sau, người đẹp lần thứ hai đội vương miện tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam để tham gia cuộc thi Hoa hậu Hữu nghị Thế giới.

Thanh xuân của chị thực sự rực rỡ với hai chiếc vương miện mà hàng triệu cô gái khao khát.

Hoa hau Nguyen Thien Nga: Chua bao gio khoc vi vuong mien
Nguyễn Thiên Nga thời mới đăng quang Hoa hậu Việt Nam 1996

Hơn 20 năm, từ ngày cô sinh viên ngoại thương trở thành hoa hậu, Thiên Nga vẫn giữ được vẻ đẹp thách thức thời gian. Chị cởi mở và hài hước trong cách giao tiếp. Có lẽ, sự lạc quan và năng lượng sống tích cực này đã cho Thiên Nga những tháng ngày hạnh phúc, dù có phải vượt qua chông gai, thử thách. Dẫu đôi lúc những mục tiêu, tham vọng trong sự nghiệp đành gác lại nhưng với Thiên Nga, khi hiểu mọi thứ là quy luật hiển nhiên, cô không hề hối tiếc.

Không bao giờ nghĩ mình phải đánh đổi

Phóng viên: Nhan sắc, tài năng, trí tuệ hay may mắn đã giúp chị được hai lần đội vương miện, trong khi đó hàng triệu cô gái chỉ mong một cơ hội như thế...

Hoa hậu Thiên Nga: Thi nhan sắc, ai cũng muốn trở thành hoa hậu, nhưng vương miện chỉ có một. Nhan sắc, kiến thức là những nền tảng cần nhưng vẫn phải nhờ một chút may mắn. Năm 1996, dự thi Hoa hậu toàn quốc, tôi không áp lực nhiều, vì chưa có tên tuổi.

Đêm chung kết, vào đến vòng ứng xử, tôi rất run, chỉ nói được khoảng 50% ý tứ đã nghĩ vì trước đó chưa có cơ hội nói trên sân khấu lớn. Nhưng có lẽ ban giám khảo hiểu được nên chấm cho tôi ngôi vị cao nhất.

Lần thứ hai tôi thi hoa hậu vào năm 1999, khi Bộ Văn hóa - Thông tin (tiền thân của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - PV) tìm đại diện Việt Nam thi Hoa hậu Hữu nghị Thế giới. Họ mời tất cả người đẹp đã có danh hiệu cao tại các cuộc thi trong nước cùng tranh tài. Lần này, tôi gặp áp lực bởi nếu không may lại mất luôn giá trị danh hiệu trước đó.

Tôi phân tích thế mạnh, khả năng của bản thân và quyết định dự thi. Tôi biết mình có gì để mang đến cho ban tổ chức những điều mà họ cần. Với bất kỳ cuộc thi nào tôi đều có sự chuẩn bị tâm lý, chuẩn bị hành trang khá kỹ. Tôi có kế hoạch hẳn hoi và cố gắng đến cùng cho mục tiêu đặt ra.

Hoa hau Nguyen Thien Nga: Chua bao gio khoc vi vuong mien
Gia đình ba thế hệ của hoa hậu Thiên Nga (gồm hoa hậu Thiên Nga cùng bố và con trai)

* Cuộc đời mỗi cô gái sau đêm đăng quang luôn bước sang trang mới, chị cũng không là ngoại lệ?

- Trước khi thi Hoa hậu Việt Nam 1996, tôi đang là sinh viên Đại học Ngoại thương. Gia đình tôi rất êm ấm, đủ đầy. Tuy nhiên, năm tôi 18 tuổi, mẹ tôi qua đời vì ung thư. Tôi không thể chia sẻ nỗi buồn với ai và bắt đầu thu mình lại.

Khi thi hoa hậu và đạt vương miện, tôi có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội. Tôi nhận ra xung quanh còn nhiều mảnh đời bất hạnh hơn mình. Tôi chia sẻ, cảm thông với họ nên nỗi buồn vơi đi ít nhiều.

Hào quang của chiếc vương miện rất hấp dẫn. Tôi như được chắp cánh để bay lên. Tôi được nâng đỡ về tinh thần rất nhiều trong những ngày tháng đó. Tôi đã bước một nấc thang quá lớn trong cuộc đời. Từ năm 1996 đến 2001, tôi đi diễn nhiều, quen biết thêm nhiều người mới. Họ thú vị và mang lại cho tôi nhiều kinh nghiệm sống. Tôi trưởng thành hơn trong suy nghĩ.

Ngày trước, cuộc sống của tôi dù ấm êm nhưng hạn hẹp. Khi trở thành hoa hậu, tôi được hòa mình vào xã hội. Mọi thứ được mở rộng, tâm hồn, sự hiểu biết của tôi cũng vì thế mà được mở rộng theo.

* Thế giới giải trí đầy màu sắc, nhiều cơ hội nhưng cũng lắm góc khuất. Một cô gái đôi mươi đã vượt qua những cám dỗ thế nào?

- Showbiz phức tạp và nhiều cám dỗ. Tuy nhiên, khi đã có nền tảng kiến thức và đạo đức tốt, bạn sẽ biết giữ mình. Showbiz là thế giới của vật chất, ai thiếu thốn ắt dễ bị cám dỗ. Tôi may mắn vượt qua mọi thứ vì có cuộc sống khá ổn định. Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ phải đánh đổi tư cách hay bất kỳ thứ gì để lấy những giá trị trong showbiz.

* Vương miện dù nhẹ nhưng sức nặng lại vô cùng lớn. Có giọt nước mắt nào đó đã rơi vì món trang sức lộng lẫy này chưa, thưa chị?

- Sau khi trở thành hoa hậu, đi bất kỳ nơi đâu tôi vẫn luôn nhắc nhở mình giữ gìn khuôn phép từ lời ăn tiếng nói đến cách hành xử. Vương miện có hai mặt, bạn trở thành trung tâm của sự chú ý, được chào đón nhưng chỉ một lỗi lầm nhỏ sẽ bị chỉ trích nặng nề.

Tôi không khóc vì vương miện nhưng suy nghĩ, trăn trở không ít lần. Tôi nhìn thấy những khó khăn nhưng hào quang, quyền lợi chúng mang lại không hề nhỏ, nên việc quan trọng nhất là tập thích nghi.

* Sự chỉ trích, áp lực dư luận được xem là cái giá mà hoa hậu phải trả. Điều này theo chị có hợp lý?

- Tôi lại nghĩ đó là thách thức. Không chỉ hoa hậu, đã là người của công chúng thì phải chịu sự soi xét của họ. Những cô gái theo đuổi các cuộc thi nhan sắc nên chuẩn bị tinh thần tốt cho quy luật hiển nhiên này.

Hơn nữa, ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam đã có cơ chế quản lý, hỗ trợ thí sinh sau đăng quang rất nhiều. Việc này thực sự cần thiết để định hướng cho hoa hậu, hướng họ đến những giá trị đúng, vượt qua áp lực tốt hơn. Thời của chúng tôi phải tự ứng biến nên năng lực tự thân sẽ quyết định sự tồn tại trong lòng công chúng.

* Mẹ - điểm tựa vững nhất - không còn, ai đã dìu chị qua những ngày tháng đầy hào quang nhưng cũng lắm gian nan đó?

- Thời điểm đó tôi đều phải tự xoay xở. Với một cô gái đôi mươi, thật sự nặng nề, áp lực. Tuy nhiên, tôi đã học được nhiều thứ để trưởng thành, mạnh mẽ hơn. Thế giới xung quanh dẫu phức tạp nhưng tôi luôn quan niệm bản thân hãy ngay thẳng trước đã.

Ban đầu khi gia nhập showbiz, tôi cũng cố làm hài lòng mọi người, nhưng dần nhận ra rằng, dù chúng ta có tốt, có giỏi, có đẹp đến mấy cũng không thể làm hài lòng được tất cả.

Sự hy sinh cho gia đình hoàn toàn xứng đáng

* Gần 20 năm sang Mỹ, có bao giờ chị quên mình từng là hoa hậu?

- Tôi sang Mỹ để học tập và lập gia đình nên không thông báo với mọi người. Tôi không muốn ồn ào nữa, vì phải tập trung tạo dựng nền tảng cuộc sống thật vững nơi xứ người.

Anh hùng, mỹ nhân hay bất kỳ ai đều bị lớp bụi thời gian phủ mờ. Mọi người hay gọi tôi là hoa hậu bí ẩn. Tuy nhiên, tôi vẫn sống một cuộc sống bình thường, tại nơi nhộn nhịp bậc nhất thế giới - thung lũng Silicon. Tôi chỉ không xuất hiện trên truyền thông mà thôi.

* Những ngày đầu tiên sang Mỹ có thực sự khó khăn với chị khi mọi thứ đều thay đổi, hào quang của danh hiệu cũng không còn?

- Tôi may mắn khi được một người bạn, sau này là ông xã của tôi, giúp đỡ. Anh ấy là giáo sư và có sự nghiệp ổn định. Anh ấy giới thiệu và dạy cho tôi cuộc sống không vương miện. Anh lo lắng tôi sẽ không chịu được những áp lực, khó khăn. Tôi cũng thoáng buồn và sốc khi không còn hào quang của vương miện, sự chào đón như ở Việt Nam. Dẫu vậy, tôi không bỏ cuộc. Với tôi, mọi khó khăn chỉ là thử thách.

* Khi người bạn đời đã có nền tảng học thức và sự nghiệp ổn định, một người phụ nữ khá cá tính như chị có cảm thấy áp lực?

- Thời điểm đó, tôi bắt đầu học cao học nên mọi thứ vẫn diễn ra tự nhiên. Khi bắt đầu buông được vương miện, tôi thấy nhẹ nhàng, tự do, thoải mái hơn. Tôi tự lập nhưng bước đầu phải nhờ anh hỗ trợ, giúp đỡ. Đến khi lập gia đình, chúng tôi cùng chung tay tạo lập mọi thứ. Tôi luôn có mục tiêu rõ ràng và lên kế hoạch để hoàn thành chúng. Trước khi có con, tôi và anh đã cố gắng gầy dựng được một khối tài sản đủ để có cuộc sống ổn định.

Nhưng cuộc sống muôn hình vạn trạng, đâu thể mục tiêu nào cũng đi đến đích suôn sẻ. Có những lúc gia đình gặp khó khăn bởi công việc của chồng tôi vận động theo chu kỳ kinh tế. Khi đó, thay vì trách móc, than thở, tôi đối diện và tìm hướng giải quyết vấn đề.

* Công việc hiện tại của chị như thế nào, chỉ nghe rằng nhiều người bảo Thiên Nga tại trời Tây rất giỏi...

- Lúc mới sang Mỹ, tôi làm trong lĩnh vực tài chính, đầu tư. Sau đó, tôi học thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh của Đại học San Jose State. Tôi được mời làm cố vấn kinh doanh cho Silicon Valley Small Business Development Center. Nơi đây tập trung những công ty hàng đầu về lĩnh vực IT của thế giới.

* Người phụ nữ luôn đầy tham vọng để chinh phục những mục tiêu có khiến ông xã chị an tâm, hài lòng?

- Chồng tôi chỉ muốn tôi là người phụ nữ truyền thống của gia đình. Có lúc, tôi ở nhà chăm con, vun vén gia đình. Đây thực sự là khoảng thời gian thử thách tôi rất nhiều, vì làm chậm mục tiêu của tôi. Tuy nhiên, để gia đình trong ấm ngoài êm, đôi lúc chúng ta phải biết nhượng bộ nhưng cũng có lúc chúng ta cần kiên quyết.

Với gia đình tôi, những người phụ nữ có truyền thống hy sinh, xem chồng, con là trên hết. Nhưng khi làm điều đó vì tình yêu, bạn sẽ thấy vui vẻ. Nếu đã hiểu đó là quy luật hiển nhiên khi ta trưởng thành, có gia đình thì không có gì để hối tiếc cả. Sự hy sinh cho gia đình hoàn toàn xứng đáng. Theo tôi, những người phụ nữ không hy sinh có lẽ hoặc là do đặt cái tôi quá cao, hoặc người đàn ông chưa khiến họ yêu thương thật nhiều.

* Trước sự hy sinh của vợ, ông xã chị có sự hồi đáp đủ làm chị ấm lòng?

- Ông xã tôi thuộc kiểu đàn ông truyền thống. Anh ấy có trách nhiệm với gia đình nhưng khô khan, bởi công việc của anh liên quan đến kỹ thuật, logic. Tuy nhiên, tôi thấy được những điều tích cực bên trong lớp vỏ khô cứng đó. Anh ấy giúp tôi có được sự an toàn trong cuộc sống.

Hạnh phúc tùy duyên

* Công việc và cuộc sống bận rộn như thế, vợ chồng chị có nhiều thời gian để hâm nóng tình cảm hay không?

- Anh ấy rất bận nhưng cuối tuần vẫn cố gắng dành thời gian cùng tôi đi chợ, siêu thị, mua đồ ăn về nhà nấu nướng. Tuy nhiên, những khoảnh khắc hạnh phúc này chỉ còn trong quá khứ. Chồng tôi qua đời cách đây ba năm vì bị nhồi máu cơ tim. Ngày mẹ mất, tôi có chuẩn bị tâm lý, nhưng khi chồng qua đời, tôi hoàn toàn chới với bởi mọi thứ xảy ra quá bất ngờ. Mọi thứ như đảo lộn.

Hoa hau Nguyen Thien Nga: Chua bao gio khoc vi vuong mien
Hoa hậu Thiên Nga hát Còn tuổi nào cho em trên sân khấu gala 30 năm Hoa hậu Việt Nam

* Trong ba năm qua, chị đã dần quen với cuộc sống vừa phải làm mẹ, vừa đảm nhận vai trò người cha hay chưa?

- Hai năm sau đó, tôi bị sốc và rơi vào trầm cảm. Tôi mất ngủ liên tục, không muốn ăn, tinh thần trở nên vô định, lúc nào cũng lơ đãng. Tôi sốc vì mọi thứ vô thường, có đó lại mất đó.

Tôi đi chùa và làm mọi thứ để tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống. Tôi tìm đến những tổ chức y tế để được hỗ trợ về tinh thần. Rồi tôi nhận ra, mình vẫn còn con trai bên cạnh và phải trở thành chỗ dựa cho bé. Từ khi chồng tôi qua đời, đêm nào con cũng khóc. Tôi phải dỗ dành bé mới ngủ. Trong hai năm đó, việc tôi làm được duy nhất là vực dậy tinh thần của con.

Tôi ít nhìn mọi việc với quan điểm tiêu cực. Tuy nhiên, một thoáng nào đó tôi từng nghĩ nếu không có bất hạnh này, tôi đã có một gia đình hạnh phúc trọn vẹn. Nhưng trong mọi hoàn cảnh xấu, việc tốt nhất chúng ta có thể làm là cố gắng hết sức để giải quyết từng chút một. Chúng ta có thể phơi bày những khó khăn nhưng đừng nên phàn nàn, vì chẳng giải quyết được gì.

Hoa hau Nguyen Thien Nga: Chua bao gio khoc vi vuong mien

* Nhưng chắc chắn chị vẫn còn niềm hy vọng khi cậu con trai ngày một lớn và có thể chia sẻ tâm tư với mẹ?

- Bé mang tư tưởng hiện đại của thiếu niên Mỹ, của nền giáo dục Tây phương. Bé học được cách biểu lộ cảm xúc văn minh dù vui hay buồn. Ngày đưa tiễn chồng tôi, mọi người mời bé lên phát biểu. Bé nói chuyện rất vững vàng, rành rọt dù chỉ mới 10 tuổi. Về gương mặt, tính cách bé thừa hưởng hoàn toàn từ bố. Tôi cũng kỳ vọng con sẽ thụ hưởng được trí tuệ từ anh.

Tôi không bao giờ bắt ép hay thúc giục con phải thế này, thế kia. Tôi để bé phát triển trong môi trường tự do. Nhưng tôi mạnh về xã giao, kinh tế nên mong muốn con sau này có cuộc sống giàu cảm xúc hơn. Hiện tại, bé vẫn còn ham chơi lắm. Bé thích đọc sách về thế chiến, tìm hiểu chiến lược... Tôi đi làm đến chiều về, tối sẽ ngồi trò chuyện với con về chuyện học hành, mọi thứ xung quanh.

Hoa hau Nguyen Thien Nga: Chua bao gio khoc vi vuong mien

* Điều gì quan trọng với chị ở hiện tại?

- Công việc ổn định, cuộc sống lại thoải mái nên tôi vẫn cố gắng giúp con phát triển thật tốt. Bé còn nhỏ nên cần tôi rất nhiều. Niềm vui của tôi hiện tại là công việc và con cái. Lúc nào, tôi cũng nhớ mình còn trách nhiệm nên khi xảy ra bất kỳ việc gì không thể buồn bã quá nhiều, không được phép buông tay. Hạnh phúc thường được nghĩ phải có cặp, có đôi, tìm được một nửa đi hết đời với mình. Ai cũng tin như vậy nhưng với tôi giờ đây hạnh phúc tùy duyên. Nếu một nửa đó thực sự tồn tại thì dẫu sớm hay muộn vẫn sẽ tìm thấy nhau.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ.

Luôn cố cho con tiếp cận văn hóa Việt

Con tôi đi học được ba năm thì bắt đầu quên tiếng Việt. Tôi chỉ có thể dùng những từ đơn giản để nói với bé ở nhà. Những câu nào nhiều tính từ phải nói bằng tiếng Anh bé mới hiểu được. Tuy nhiên, về văn hóa ứng xử nền tảng của người Việt như cách xưng hô, trò chuyện, giao tiếp, tôi đều rèn giũa kỹ cho con.

Tôi về Việt Nam cũng đưa con theo để tiện chăm sóc. Dẫu thời tiết nóng nực, bé vẫn thích, không phàn nàn. Về đây, bé rất vui khi được gặp anh em họ, ông bà vì ở Mỹ, chúng tôi không có người thân. Bé cũng rất thích món ăn Việt Nam và khám phá được nhiều điều thú vị.

Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga

Thành Lâm (thực hiện)
Ảnh: Lê Duy
Trang phục: Đỗ Mạnh Cường
Trang điểm: Mai Lan
Phụ kiện: Charnes

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI