Hoa hậu môi trường Việt Nam Nguyễn Thanh Hà: Cây xanh nhắc nhở chúng ta về giá trị sống

05/02/2023 - 09:11

PNO - 18 tuổi, cô gái đến từ Bến Tre Nguyễn Thanh Hà trở thành hoa hậu từ cuộc thi cấp quốc gia hướng tới thông điệp bảo vệ môi trường lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Hà nói, cô không xem đó là trọng trách mà là đam mê để trao đi những giá trị tích cực đến cộng đồng nhằm thay đổi nhận thức về việc giữ gìn và bảo vệ môi trường.

 

Không chỉ gây được thiện cảm với mọi người từ cuộc thi, ngoài đời, Thanh Hà luôn để lại ấn tượng tốt đẹp vì sự nhiệt tình, trách nhiệm. Bên cạnh các hoạt động thiện nguyện hướng đến trẻ em mồ côi vì COVID-19, trẻ bị ảnh hưởng của chất độc da cam, học sinh nghèo hiếu học, Hà còn tích cực tham gia nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Hà nói cô trưởng thành và học được nhiều từ những hoạt động thực tiễn này.

Tháng 2/2023, Hà sẽ đại diện Việt Nam tham gia Miss Eco International 2023. Hành trang cô mang theo là những kiến thức và khát khao đóng góp nhiều hơn nữa cho các hoạt động bảo vệ môi trường mang tính bền vững của Việt Nam trong tương lai. Tất nhiên, không thể thiếu tình yêu của gia đình - những người thân yêu luôn ở bên cạnh động viên, ủng hộ cô.

Vai trò hoa hậu giúp lan toả thông điệp về môi trường 

Phóng viên: Giữa rất nhiều cuộc thi nhan sắc, việc trở thành hoa hậu môi trường, hưởng ứng sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ về dự án trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa như thế nào đối với Hà?

Hoa hậu môi trường Việt Nam Nguyễn Thanh Hà: Dự án trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với quá trình cải thiện môi trường tại khu vực đô thị, nông thôn và rừng. Những cây xanh trồng trong giai đoạn này sẽ mang chức năng phù hợp với từng khu vực, như cây xanh trong đô thị được trồng tại công viên, quảng trường, bệnh viện, trường học, khu công nghiệp... nơi người dân cần nhiều bóng mát và không khí trong lành hơn, để chất lượng cuộc sống tốt hơn, hài hòa hơn với không gian. Ở nông thôn, cây xanh được trồng trong đất vườn nhà, bờ thửa, giúp phòng hộ, chống sạt lở, tránh sa mạc hóa... 1 tỉ cây xanh này cũng bao gồm khoảng 310 triệu cây rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đúng loài cây bản địa phù hợp tại khu vực đó. 

Tại lễ ra mắt Quỹ Chắp cánh - quỹ học bổng hướng nghiệp tại Bến Tre
Tại lễ ra mắt Quỹ Chắp cánh - quỹ học bổng hướng nghiệp tại Bến Tre

Thời điểm tôi trở thành Hoa hậu Môi trường Việt Nam cũng là lúc các đơn vị, phường xã, quận ở TPHCM thực hành sáng kiến này. Tôi được đi theo các cô chú, anh chị đến những con hẻm, công viên ở chung cư, các khu phố cùng trồng cây xanh, tặng cây xanh, học hỏi kinh nghiệm xây dựng không gian xanh. Tôi học được rằng chất lượng cuộc sống bắt đầu từ những sự quan tâm mỗi ngày như vậy. Cây xanh nhắc nhở về giá trị sống, giá trị ta muốn dành cho người thân yêu để họ được thở trong bầu không khí trong lành, có không gian xanh để vui chơi... Khi tham gia những hoạt động đó, tôi mới hiểu "Vì một Việt Nam xanh" chính là vì mỗi người mình yêu thương mà mình chăm sóc, cải thiện môi trường. Đó cũng là vì Việt Nam của tương lai.

* Sau khi đăng quang, vai trò của các người đẹp khác thường chỉ xoay quanh các hoạt động thiện nguyện, hoạt động cộng đồng như hỗ trợ trẻ em, truyền cảm hứng cho phụ nữ. Tuy nhiên, vai trò của Hà mở rộng hơn. Với bạn, trọng trách này có nhiều áp lực?

- Tôi không nhìn nhận những việc mình làm là trọng trách. Đam mê của tôi từ trước khi đăng quang Hoa hậu Môi trường Việt Nam là giúp lan tỏa nhiều hơn, xa hơn thông điệp về môi trường. Việc đảm nhận vai trò hoa hậu sẽ giúp tôi lan tỏa thông điệp đó đi xa hơn, với cảm xúc tích cực hơn. Tôi còn nhớ khi được đi trồng cây cùng bà con ở quận 8, TPHCM, mọi người rất thích thú vì có hoa hậu đi cùng. Khi tôi cùng ban tổ chức tặng cây xanh cho các cô chú, mọi người hỏi chuyện rất nhiều, vậy là tôi có thêm cơ hội chia sẻ về môi trường.

Câu chuyện ấy, tôi đem đến nơi khác kể lại. Cứ thế, hành động tích cực về môi trường lan đi như những vòng tròn trên mặt nước. Để làm được điều đó, danh hiệu hoa hậu hỗ trợ rất hiệu quả. Khi tham gia đạp xe, tổ chức đố vui về vai trò của nước sạch, bảo vệ nguồn nước, đi trồng cây... tôi thấy những thông điệp mình đi cùng bước vào đời sống và góp phần tăng chất lượng cuộc sống cho mọi người. Đây là niềm vui khi tôi được đem sức lực nhỏ bé của mình đóng góp cho cộng đồng.

* Lúc còn là học sinh, bạn đã từng tiếp cận hoặc tham gia những hoạt động bảo vệ môi trường?

-Tôi không lớn lên ở Bến Tre nhưng hình ảnh những cánh đồng lúa xanh rì, những vườn bưởi sum suê, những rừng dừa rợp bóng từ những chuyến theo chân cha về thăm quê vẫn in đậm trong ký ức. Cho đến năm 2016, ngồi nhà xem ti vi và thấy cảnh những cánh đồng khô cằn, nứt nẻ vì hạn mặn, những giọt nước mắt mặn đắng của người nông dân, có chút gì đó vừa thương cảm vừa thôi thúc bởi tôi chưa bao giờ nghĩ Bến Tre - quê hương trù phú của mình - có ngày như vậy.

Theo thời gian, tình trạng hạn mặn diễn ra ngày càng trầm trọng hơn không chỉ ở Bến Tre mà còn tại nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tất cả điều này là minh chứng chân thực và rõ nét nhất cho tình trạng biến đổi khí hậu, mà nếu không hành động ngay bây giờ, tương lai chúng ta sẽ chẳng còn gì. Tôi dần hiểu ra môi trường không phải là việc của ai khác.

Thú thật, trước khi trở thành hoa hậu môi trường, tôi chỉ là một nữ sinh bình thường và có ít hoạt động. Tôi từng nghĩ môi trường không phải là việc của mình cho đến khi trường đóng cửa vì COVID-19. Suốt hơn 2 năm đó, những bạn trẻ như tôi đã mất đi thời gian quý giá được học và lớn lên cùng bạn bè. Tôi cũng tự hỏi, chúng ta đã làm gì thiên nhiên, đã xâm phạm thế nào đến đời sống của các loài, đã phá vỡ cân bằng hệ sinh thái ra sao... Những gì chúng ta làm hôm nay sẽ để lại hệ quả cho tương lai.

Tôi muốn được hành động, muốn sứ mệnh bảo vệ môi trường có thêm nhiều bàn tay cùng góp sức, cùng hành động. Việc trở thành hoa hậu môi trường đã cho tôi cơ hội được kết hợp giữa sở thích cá nhân với giá trị cộng đồng mà tôi muốn góp sức. Sau khi đăng quang, tôi tập trung toàn thời gian cho những hoạt động môi trường.

Tham gia FOODEX 2022 (bên phải là doanh nhân Kao Siêu Lực)
Tham gia FOODEX 2022 (bên phải là doanh nhân Kao Siêu Lực)

Bảo vệ môi trường không phải là trách nhiệm không phải là trách nhiệm của người khác 

* Cụ thể đó là những hoạt động nào?

-Trong hơn nửa năm qua, tôi đã tham gia các chương trình trồng cây "Vì một Việt Nam xanh" cùng thành phố. Tôi cũng có cơ hội đi cùng các dự án cổ vũ sinh viên, giới trẻ sử dụng xe đạp nhiều hơn trong khu vực TPHCM. Tôi tham gia một số chương trình radio, tổ chức cuộc thi đố vui cùng bạn trẻ để nói về an toàn nguồn nước, tránh khai thác nước ngầm và sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt hằng ngày. 

Một trong những điều khiến tôi rất vinh dự là trở thành đại sứ cho Triển lãm Quốc tế về Lương thực và Thực phẩm HCMC FOODEX 2022. Tôi tin rằng bảo vệ môi trường về lâu dài phải đi kèm các hoạt động bền vững, trong đó có nông nghiệp. Tại triển lãm này, nhiều doanh nghiệp giới thiệu những sáng kiến canh tác và các sản phẩm đặc sản  hữu cơ, gieo trồng và thu hoạch an toàn... Tất cả đã giúp tôi hiểu nếu sản xuất nông nghiệp khoa học, có trách nhiệm trong nền kinh tế tuần hoàn thì môi trường sống sẽ được cải thiện rất nhiều. 

“Tôi tin rằng tiếng nói, thời gian và sự sẵn sàng tìm hiểu là những gì tôi có thể ủng hộ cho các tổ chức đang hoạt động bảo vệ môi trường. Đây là điều không chỉ mình tôi mà bất kỳ bạn trẻ nào cũng có thể làm được. Đó mới chính là sự thay đổi cần thiết cho các hoạt động môi trường. Như việc những bạn trẻ hằng năm đến Côn Đảo tình nguyện chăm sóc rùa vào mùa sinh sản. Các bạn dành thời gian và sự sẵn sàng học hỏi để bảo vệ một loài động vật. Sự nhiệt tình đó giúp cải thiện được tình trạng môi trường đang xấu đi ở khắp nơi. Mọi người có thể nói về quỹ, về kinh phí... nhưng trong hoạt động môi trường, không phải lúc nào tiền cũng đem lại sự cải thiện tốt. Hành động là điều quan trọng tạo ra thay đổi”.

Hoa hậu môi trường việt nam Nguyễn Thanh Hà

Tôi vừa vinh dự được chọn trở thành Đại sứ Văn hóa, du lịch và môi trường Côn Đảo, nơi mang bề dày giá trị lịch sử anh hùng của Việt Nam đồng thời là một trong những khu bảo tồn quốc gia quan trọng. Tôi hy vọng có thể cùng các cán bộ địa phương lan tỏa vẻ đẹp của Côn Đảo, khiến những vị khách đến Côn Đảo càng trân trọng hơn nơi này.

Trong tháng 2/2023, tôi còn cùng Quỹ Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long ra mắt tập sách Hướng nghiệp 4.0 - biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Sách sẽ được tặng cho học sinh, giáo viên nhằm thúc đẩy nhận thức xã hội về biến đổi khí hậu. Các bạn trẻ lớn lên trong giai đoạn có nhiều thay đổi về môi trường cần được tiếp sức bằng nhiều cách để có thể xây dựng thái độ sống trước những biến đổi nghiêm trọng đó.

* Nhận thức về môi trường của Hà thay đổi thế nào trước và sau khi đăng quang?

- Trước đó, với tôi, môi trường như một khái niệm mơ hồ; gắn liền với những điều thật to tát, ở tầm vĩ mô. Trong khi thực tế, bảo vệ môi trường bắt đầu từ những hành động rất nhỏ, thực hiện hằng ngày, trong thời gian dài; thậm chí phải thay đổi cả phong cách sống... thì sự bảo vệ đó mới thực sự có ý nghĩa. Ví dụ, nếu cả thành phố đều sử dụng nước sạch có trách nhiệm, nguồn nước sẽ được bảo vệ, sử dụng lâu dài. Đó không thể nào là việc làm theo phong trào, trong một tuần hay trong một mùa, mà phải là thái độ sống mỗi ngày, qua nhiều năm tháng. 

Từ thay đổi cách sống và hưởng thụ cuộc sống, mỗi người sẽ chọn những hành động ít gây hại hoặc tạo ra ảnh hưởng tích cực hơn đến môi trường. Người làm nông nghiệp quan tâm hơn đến đất của mình; doanh nghiệp quan tâm hơn đến không khí, nguồn nước nơi công ty họ vận hành cho đến quy trình sản xuất... Mỗi đứa trẻ lớn lên biết đặt câu hỏi, biết chọn hành động bảo vệ nơi các em đang sinh sống. Mỗi cha mẹ sẽ chọn hành động để con cái mình có môi trường sống tốt hơn, không bị tổn hại vì những chọn lựa xâm hại môi trường kéo dài. Thay đổi từng đó thứ trong mỗi con người là điều cực kỳ khó nhưng đã đến lúc chúng ta phải làm. 

* Theo bạn, thách thức lớn nhất trong công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay là gì?

- Chính là thay đổi suy nghĩ của cả cộng đồng và mỗi cá nhân hiểu rằng môi trường không phải của "người khác". Khi môi trường là một khái niệm mơ hồ, mọi người nghĩ đó là việc của người khác, của ai đó không liên quan đến mình. Không thấu hiểu về môi trường dẫn đến không đồng cảm với những mất mát và tổn thương về môi trường sống, mất mát các sinh vật, mảng xanh xung quanh, cuối cùng là không hành động. 

Giải thích và thuyết phục cho mỗi người hiểu hành vi tác động đến môi trường của họ chính là hạt mầm gieo cho con cái, người thân, cha mẹ họ... là rất khó nhưng cần thiết.

Đối thoại giúp thay đổi nhận thức 

* Hoa hậu H’Hen Niê là một trong số những người đẹp hiếm hoi chịu lăn xả với hoạt động trồng rừng, bảo vệ thiên nhiên. Hà học được gì từ cô ấy? 

- Tôi được truyền cảm hứng từ rất nhiều anh chị như chị H’Hen Niê. Bảo vệ môi trường không phải là hành động kiểu mẫu để được danh hiệu, quảng bá bản thân mà bất kỳ ai cũng có thể làm và càng nỗ lực thì chính chúng ta, thế hệ con cháu ta sẽ được thụ hưởng. Những mảng xanh không có tên, cũng như người trồng cây có thể là bất kỳ ai. Môi trường cần hàng triệu bàn tay để hành động. Tôi đã học bài học đó từ tất cả những nhà hoạt động môi trường.

Tham gia chương trình Đạp xe vì môi trường
Tham gia chương trình Đạp xe vì môi trường

* Nếu một doanh nghiệp/nhãn hàng mà Hà đang đại diện thương hiệu có những hoạt động không thân thiện với môi trường, bạn sẽ làm thế nào?

- Hiện nay, tôi chọn làm đại sứ cho những thương hiệu nỗ lực tạo ra sự thay đổi tích cực và giảm tác động đến môi trường trong cách sản xuất và các hoạt động của công ty. Tôi chưa biết trong tương lai sẽ thế nào nhưng tôi sẵn sàng trò chuyện và đối thoại với đơn vị mình hợp tác khi xảy ra những điều như chị vừa giả định. Hành động về môi trường đến từ những tác động bền bỉ giúp thay đổi nhận thức và đối thoại là một trong số đó.

* Cha mẹ đã ảnh hưởng như thế nào đến lựa chọn của bạn?

- Cha tôi làm trong ngành nước nhiều năm. Các đồng nghiệp của cha tôi đã góp phần đem nguồn nước sạch đến với người dân thành phố. Thỉnh thoảng có các chương trình hướng dẫn sử dụng nước sạch cho học sinh, sinh viên, tôi thường được cha mẹ cho đi cùng. Từ những chuyến đi đó, tôi học được giá trị của nước sạch và ý thức được rằng những ứng xử hằng ngày của mình có thể ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm của thành phố và tương lai. Bài học đó theo tôi từ nhỏ đến lớn, giúp tôi hiểu ra lựa chọn bảo vệ môi trường không đến trong ngày một, ngày hai, mà đến từ rất nhiều phía, nhiều hoạt động. Chính các hoạt động càng tự nhiên, gần gũi càng tạo động lực và sự gắn kết. Tôi học được rất nhiều từ cha. Tôi muốn mình có thể lan tỏa, tiếp nối được những điều ý nghĩa như cha tôi đã làm và như mẹ tôi vẫn thường phụ giúp cha tôi mỗi khi gia đình tôi làm từ thiện, giúp đỡ cộng đồng.

* Hà có dự định theo học chuyên ngành nào về môi trường?

-Trong 2 năm nay, tôi sẽ tiếp tục các hoạt động về môi trường đồng thời chuẩn bị tham dự cuộc thi Miss Eco International 2023 tại Ai Cập. Tôi sẽ học tiếp lên sau khi có thời gian hiểu rõ hơn những khao khát về sự nghiệp của mình trong tương lai. “Hoa hậu” đã trở thành một bước tiến trong thử thách tôi chọn. Đến thời điểm này, hành trình đó thật thú vị. 

* Cảm ơn bạn đã chia sẻ. 

 

 

Nhã Ca (thực hiện)

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI