Vương miện đội lên, tri thức... rơi xuống
Chị bạn tôi có cô con gái 19 tuổi, cao gần 1,8m, hiện đang du học ngành y tại Mỹ. Cô có gương mặt sáng, đôi mắt bồ câu, mũi thẳng và thon, bờ môi cong quyến rũ. Nhiều người nói: “Con gái chị mà thi hoa hậu thì thắng chắc”. Chị cười nhạt: “Nó muốn thành bác sĩ, chứ không phải một cô gái có danh hoa hậu”.
|
Các thí sinh hoa hậu trồng cây vì môi trường |
Thực ra, người mẹ ấy từng gợi ý con gái thi nhan sắc, cô bé thì nhất quyết không: “Nếu có là hoa hậu, con cũng phải vào bệnh viện làm việc của mình. Giá trị con vươn tới là tri thức có ích cho mọi người cần con”.
Nếu không đội vương miện hoa hậu, Nguyễn Thu Thủy, cô gái sinh ra trong một gia đình trí thức, có thể đã là một nhà ngoại giao sắc sảo, bởi khi trở thành hoa hậu vào năm 1994, Thủy đang là sinh viên Học viện ngoại giao. Sau khi đăng quang, việc học của cô gặp khá nhiều trục trặc.
Hình ảnh Thu Thủy hiện tại đi cùng với những tai tiếng như nợ tiền quần áo, giật chồng. Người ta còn biết đến cô như là người hay... lý lẽ trên Facebook, với nhiều phát ngôn gây tranh cãi, như: “Vẻ đẹp cao hơn cả đức hạnh và trí tuệ”.
Năm Mai Phương Thúy đăng quang cũng là năm cô thi đỗ Trường đại học Ngoại thương Hà Nội với số điểm 24,5. Cô cũng là hoa hậu ba lần đoạt học bổng toàn phần của Đại học RMIT. Thúy đã rời trường Ngoại thương để theo học RMIT, chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Trải qua tám năm, hoa hậu mới chính thức... tốt nghiệp.
Có lần, trò chuyện với mẹ hoa hậu Kỳ Duyên, bà tiếc rằng, nếu không đội vương miện, có lẽ con gái bà đã là một người bình thường, kế thừa cái bảng điểm cao chót vót thời phổ thông, và trở thành một nhà khoa học như mơ ước của cô từ nhỏ. Vương miện khiến người ta biết đến một cô bé học giỏi trường chuyên, rồi từ đó biết đến một cô gái đầy tai tiếng: hút thuốc, say xỉn, vướng các scandal tình ái và đường học vấn đến giờ vẫn chưa đâu vào đâu.
Sống có giá trị và sống bằng vương miện, bạn chọn gì?
Nguyễn Thiên Nga, Hoa hậu Việt Nam năm 1996, sau khi giành vương miện vẫn tiếp tục việc học tại Trường đại học Ngoại thương và học tiếp thạc sĩ ở Mỹ. Chị nói muốn được sống cuộc sống của một phụ nữ có giá trị hơn là một hoa hậu. Ở Mỹ, vừa học vừa làm, Thiên Nga vẫn phụng dưỡng hai Mẹ Việt Nam anh hùng. Lấy chồng, ý thức mình là phụ nữ Việt, chị vừa làm việc vừa nỗ lực vun vén gia đình yên ấm. Những giá trị mà Nguyễn Thiên Nga tạo dựng, theo chị, không được quyết định bởi cái vương miện. Vương miện chỉ là yếu tố cộng thêm để nhắc chị sống có trách nhiệm hơn.
Từ câu chuyện của Nguyễn Thiên Nga, có thể thấy vương miện không có lỗi với cuộc đời sóng gió của một cô hoa hậu. Nếu không như Thiên Nga, nếu cô gái xem vương miện như một thứ định giá bản thân, để kiếm chồng giàu, có cuộc sống phú quý, thì chắc chắn cái gì cũng có giá.
Hai mươi tuổi, lên ngôi hoa hậu, Phan Thu Ngân trở thành con dâu một gia đình giàu có và quyền thế, gác lại mọi tham vọng sự nghiệp. Sau khi gia đình này dính đại án, Phan Thu Ngân chông chênh một thời gian dài và giờ sống cuộc đời ẩn dật. Cũng “nổi loạn” cho hết tuổi trẻ, Phạm Thị Mai Phương (Hoa hậu Việt Nam 2002) đi du học, về nước, lấy chồng và làm một công việc bình thường. Đến giờ, cô học sinh Trường Năng khiếu Trần Phú (Hải Phòng) trước đây chỉ nói: “Phụ nữ ai chẳng mong ấm êm, mình cứ nổi bão với đời mình làm gì”.
Bây giờ, mở mắt ra là thấy một hoa hậu mới, giở báo ra là thấy lùm xùm liên quan đến hoa hậu. Người ta hình như không còn tin các cuộc thi hoa hậu là nơi tôn vinh cái đẹp tiêu biểu của hình thức, trí tuệ và tâm hồn, thay vào đó là sự thương mại hóa như cái chợ. Và vương miện là thứ có thể mua được bằng tiền.
Thương con, bạn có thể mua cho con cái vương miện hoa hậu. Nhưng đẩy một cô gái 18, 20 tuổi ra trước sóng gió dư luận, bạn có nỡ lòng không? Có người cha người mẹ nào chấp nhận cảnh cả đám đông đưa con mình ra chế tác hình ảnh đủ kiểu, chửi bới và mổ xẻ?
Ngọc Khánh cũng như Ngọc Trinh
“Phong trào hoa hậu” bùng nổ có lẽ từ khi Phạm Hương, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đăng quang. Từ một cô gái dừng lại ở top 7 một cuộc thi người mẫu, chinh chiến qua nhiều sân chơi, Phạm Hương đã truyền cảm hứng cho các cô gái khác về chuyện không thể thành có thể.
Không kinh doanh lớn, cũng chẳng nổi tiếng đến mức thống lĩnh cả thị trường giải trí, nhưng sau khi thành hoa hậu, Phạm Hương ngồi trên xe đắt tiền, tay xách túi tiền tỷ, giàu lên nhanh chóng. Theo bước chân Phạm Hương, các cô gái nhao nhao đi thi hoa hậu. Cằm chưa thon thì bơm, mũi chưa thẳng thì nâng, da còn đen thì tắm trắng. Vương miện có thể mua. Hoa hậu chính là công cụ đổi đời.
Giống như, xem xong Vòng eo 56, nhiều thiếu nữ nghĩ rằng chẳng cần học hành, chỉ cần đẹp hoặc sửa cho đẹp, thì sẽ giàu như Ngọc Trinh. Khi đích đến đã rõ như vậy, thì Ngọc Khánh hay Ngọc Trinh cũng gom về một rọ. Ai sẽ nhớ một vẻ đẹp ấn tượng, vượt lên sóng gió cuộc đời như hoa hậu Ngọc Khánh hay chỉ nhớ người đẹp để có tiền như Ngọc Trinh?
Nhưng, dù cuộc đời có không công bằng với Ngọc Khánh, cô vẫn là một phụ nữ có giá trị.
Giá trị quan trọng đối với phụ nữ Việt chính là sự ấm êm, nhưng đời sống danh tiếng đã khiến không ít người đẹp mất rất nhiều thời gian để tìm lại nó. Qua bao truân chuyên, Hà Kiều Anh mới nhận ra: “Đẹp đến mấy cũng cần là người phụ nữ của gia đình. Tôi chấp nhận đứng sau chồng, con để ngăn những sóng gió của đời mình lại”.
|
Hoàng Nguyên Vũ