Câu hỏi đắt giá trong đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Philippines 2020
Trong vòng thi ứng xử tại Hoa hậu Hoàn vũ Philippines 2020, mỗi thí sinh nhận 2 câu hỏi, trong đó có 1 câu hỏi chung: “Trong thời điểm dịch bệnh, chúng ta nhận thấy rõ những điều thiết yếu và không thiết yếu. Cuộc thi hoa hậu đứng ở đâu trong thời điểm khủng hoảng này?”.
Người đẹp đoạt ngôi vị cao nhất Rabiya Mateo trả lời: “Tôi muốn giúp đỡ cộng đồng. Tôi muốn có được sức mạnh lan toả, tác động trên phạm vi rộng lớn, và đó cũng là bản chất của cuộc thi nhan sắc. Nơi đây cho chúng tôi sức mạnh để tạo ra sự khác biệt”.
Maria Ysabella - Á hậu 1 chỉ ra thực tế cuộc thi hoa hậu có sức ảnh hưởng lớn tại Philippines, luôn là điều khiến hàng triệu khán giả trông đợi mỗi năm. Cô nói qua cuộc thi, mỗi cá nhân đều có cơ hội phát triển tốt, tạo cơ hội để họ được giúp đỡ cộng đồng trong tương lai. “Tôi nghĩ, trong thời điểm này, chúng ta có thể giúp nhau tốt hơn thông qua bất kỳ khía cạnh nào để đẩy lùi sự tiêu cực”, người đẹp chia sẻ.
Michele Muchabao - Á hậu 2 cho rằng một cuộc thi diễn ra trong thời điểm này là minh chứng cộng đồng không chỉ có sự thất bại, bất lực trước dịch bệnh, mà hơn cả là sức mạnh, ý chí để vượt qua nghịch cảnh.
|
Maria Ysabella trong phần thi ứng xử |
Khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt Philippines là một trong những quốc gia có số ca nhiễm cao nhất Đông Nam Á (365.000 ca nhiễm, hơn 7.000 trường hợp tử vong) thì câu hỏi trên không dễ để trả lời thấu đáo, tuy nhiên, 5 cô gái đã vượt ải khá tốt.
Ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Philippines 2020 đã có cái nhìn khá sát với thực tế, giúp các cô gái thể hiện quan điểm với cộng đồng. Điều này cũng bắt kịp xu thế của những cuộc thi hoa hậu trên thế giới, nơi vẻ đẹp của người phụ nữ đang được định vị khác hơn, không chỉ diện mạo bên ngoài. Đó là cơ hội để họ được thể hiện quan điểm cá nhân, trí tuệ với nhiều vấn đề thời sự nóng hổi như: bầu cử tổng thống, lạm dụng tình dục phụ nữ, bất bình đẳng giới, hợp pháp hóa cần sa, tình trạng người tị nạn vượt biên…
Ít hoặc nhiều, giá trị tiếng nói của phụ nữ được nâng tầm. Gần 1 năm trôi qua, thông điệp về việc giáo dục trẻ em gái tư duy lãnh đạo mà Zozibini Tunzi thể hiện trong đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ 2019 vẫn còn được nhắc nhớ.
|
Rabiya Mateo - Hoa hậu Hoàn vũ Philippines 2020 |
Việt Nam đã thay đổi nhưng cần mới hơn
Tại Việt Nam, trong 2 năm gần đây, vòng thi ứng xử của một số cuộc thi cũng bắt đầu được đổi mới, đó là một tín hiệu tích cực.
Chẳng hạn, tại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019, nhiều vấn đề mang tính thời sự xã hội cũng được đặt ra như phong trào nữ quyền; phẩm chất cao quý nào của con người mà robot không thể thay thế; hashtag cộng đồng trên mạng xã hội chỉ mang tính nhất thời… Hoa hậu Việt Nam 2018 cũng đưa ra một số câu hỏi khó hơn những mùa trước: có chỗ đứng nào cho hoa hậu, người đẹp trong cuộc cách mạng 4.0 không; cuộc sống không còn lòng nhân ái khi con người ngày càng mất mát tình cảm trong xã hội hiện đại…
Nhưng những vấn đề được đặt ra trên đây vẫn nằm trong vùng hiểu biết khá an toàn đối với phụ nữ, chứ chưa thể hiện được tính thời sự, gắn với xã hội, có tính đột phá, để từ đó thấy được quan điểm, sự quan tâm của các người đẹp với tình hình chung.
|
Khánh Vân trong vòng thi ứng xử của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019 |
Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận khác đi theo lối mòn. Chẳng hạn tại Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019, 5 câu hỏi được đặt ra khiến người xem ngán ngẩm bởi quá lỗi thời: “Theo bạn, hình mẫu đại diện cho phụ nữ Việt Nam hiện đại cần thay đổi gì so với hình mẫu truyền thống?”, “Nếu là người thắng cuộc và nói với những người không may mắn như mình, bạn sẽ nói gì?”, “Vì sao bạn nghĩ mình có thể trở thành hoa hậu?”, “Giá trị sống tích cực nhất đọng lại trong bạn sau khi cuộc thi kết thúc là gì?”, “Khoảnh khắc đẹp nhất của bạn trong cuộc thi đến nay là gì?”.
Hay như cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu 2018 cũng không khá hơn: kể tên một số huyện đảo trong 12 huyện đảo của Việt Nam; lý do dự thi cuộc thi này; cảm xúc khi nghe những ca khúc hát về biển đảo Việt Nam…
Các đơn vị tổ chức đều mong muốn giới thiệu hình ảnh phụ nữ Việt Nam hiện đại qua cuộc thi. Trong bối cảnh phụ nữ Việt đang tham gia rất nhiều vào những công việc chính yếu của xã hội, đất nước thì trong vòng thi ứng xử, tiếng nói của phụ nữ vẫn bị giới hạn, đôi lúc nghèo nàn đến khó hiểu.
Dẫu biết sự thay đổi lớn không diễn ra sau một đêm chung kết, hay sau một vòng thi ứng xử nhưng ít nhiều, hãy để phụ nữ được lên tiếng một cách văn minh, tiến bộ hơn, phù hợp với sự phát triển hiện tại.
|
Lương Thuỳ Linh trả lời ứng xử tại đêm chung kết Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019 |
Đã đến lúc các cô gái cần bước ra khỏi cái vòng lẩn quẩn người đẹp - đại gia, hay sau khi đăng quang em sẽ làm gì?... tồn tại mấy chục năm qua. Khi đặt những câu hỏi tầm thấp, phải chăng chính ban tổ chức cũng đang hoài nghi, hoặc xem nhẹ tiếng nói, trí tuệ của phụ nữ?
Không phủ nhận đã có không ít sự cố xảy ra trong vòng thi ứng xử, từ đó khiến các ban tổ chức cũng dè chừng để tạo ra một khoảng an toàn. Nhưng mãi như thế, khi nào chúng ta sẽ thực sự tiến bộ?
Nếu xem cuộc thi hoa hậu như một kỳ thi, thì đề thi khó buộc thí sinh phải tự rèn luyện tư duy, trau dồi kiến thức tốt hơn để vượt qua. Khi không có những thước đo mới thì sẽ khó, hoặc chẳng bao giờ có sự thay đổi. Bất kỳ sự phát triển nào cũng cần có những cú bật, không bây giờ thì bao giờ khi cả thế giới đã đi trước.
Trung Sơn