Hoa hậu Hòa bình Quốc tế chưa hòa bình

26/10/2022 - 18:58

PNO - Sau đêm chung kết, những lùm xùm xảy ra cho thấy thông điệp về hòa bình dường như chưa được xem trọng đúng mức tại sân chơi này.

Thiên Ân - đại diện Việt Nam trong đêm chung kết Miss Grand International 2022 diễn ra tối 25/10, tại Jakarta, Indonesia
Thiên Ân, đại diện Việt Nam trong đêm chung kết Miss Grand International 2022 diễn ra tối 25/10, tại Jakarta, Indonesia

Trưa 26/10, mạng xã hội “dậy sóng” với đoạn video ông Nawat, Chủ tịch cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế - Miss Grand International nói đại diện Việt Nam Đoàn Thiên Ân dừng chân ở top 20 chung cuộc là hợp lý. Ông nhận xét Thiên Ân có những nhược điểm hình thể như: lưng dài, chân ngắn, hông to. 

Việc này khiến nhiều khán giả không hài lòng. Bởi những năm qua, tại nhiều cuộc thi nhan sắc trên thế giới, thông điệp về việc cổ vũ phụ nữ tự tin, tôn trọng vẻ đẹp đa dạng luôn được đề cao.

Việc chống miệt thị hình thể, ngưng bạo lực mạng nhiều lần được đề cập trong các cuộc thi hoa hậu ở cấp quốc gia, quốc tế. Thậm chí đã từng xuất hiện những trào lưu, hashtag trên mạng xã hội nhằm tôn vinh vẻ đẹp thực tế của phụ nữ từ những cuộc thi này. Vì thế, phát ngôn của ông Nawat, người đứng đầu một tổ chức hoa hậu tầm cỡ quốc tế, lại đi ngược với xu thế phát triển của xã hội, là điều khiến không khỏi ngỡ ngàng.

Thậm chí, ông đã từng ngồi ở hàng ghế khán giả, lắng nghe Thiên Ân trả lời ứng xử tại đêm chung kết Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 về thông điệp tôn trọng hòa bình, chấm dứt bạo lực rằng: “Tôi từng là nạn nhân của bạo lực, bodyshaming (miệt thị hình thể - PV) sau khi tôi tăng cân. Chúng ta luôn nghĩ rằng việc nói những câu bông đùa không có hại đến người khác. Nhưng nó là ngọn giáo vô hình xuyên thấu trái tim người nghe. Chúng ta là phiên bản độc nhất, không ai giống ai, không ai hoàn hảo. Không có quy chuẩn nào đặt ra cho chúng ta. Mọi người cần lên tiếng để ngăn chặn bạo lực ngôn từ và rời bỏ thế gian này vì tổn thương từ lời nói của người khác”.

Thiên Ân trình diễn trang phục thể thao khi vào top 20 chung cuộc
Thiên Ân trình diễn trang phục thể thao khi vào top 20 chung cuộc

*Thiên Ân dừng top 20, giành 2 giải phụ tại cuộc thi:

 

 

Ồn ào không dừng lại tại đây. Chiều 26/10, bà Teresa, phó chủ tịch cuộc thi nói trong một đoạn livestream: “Việt Nam luôn ở trong trái tim tôi”. Sau đó, ông Nawat tiếp lời: “Bây giờ thì không”. Động thái của ông Nawat càng làm thổi bùng căng thẳng giữa khán giả và cuộc thi.

Tính đến chiều 26/10, trang Instagram của Miss Grand International đã giảm hơn 2,1 triệu lượt người theo dõi. Con số này bắt đầu giảm từ khi Thiên Ân trượt top 10, trong đêm chung kết vào tối 25/10.

Trước đó, trong nhiều vòng thi phụ, ban tổ chức đưa ra quy định khán giả phải nhấn theo dõi trang của tổ chức này thì lượt bình chọn mới được tính hợp lệ. Đây cũng là lý do giúp tài khoản Instagram của tổ chức này tăng lên nhanh chóng trong khoảng 1 tháng qua. 

Sau khi lượt theo dõi giảm sâu, ông Nawat đăng đàn chỉ trích khán giả, bày tỏ không hài lòng. Trong đó, có một bài đăng ông chỉ đích danh khán giả Việt Nam đã thực hiện động thái này. Sự việc khiến khán giả bàn thảo sôi nổi trên nhiều diễn đàn, trong đó cũng có không ít ý kiến chỉ trích thái độ, cách hành xử của ông Nawat. 

Chiều 26/10, trang Instagram của cuộc thi còn 4,4 triệu người theo dõi. Trước đêm chung kết, con số này là 6,5 triệu.
Chiều 26/10, trang Instagram của cuộc thi còn 4,4 triệu người theo dõi. Trước đêm chung kết, con số này là 6,5 triệu

Một bộ phận khán giả đến từ Philippines và một số nước Mỹ Latinh bất bình, lên tiếng cho biết họ cũng bỏ theo dõi tài khoản của cuộc thi, chứ không riêng khán giả Việt Nam, nên không được quy chụp.

Sau đêm chung kết, lẽ ra thông tin về người chiến thắng, định hướng hoạt động… nên được lan truyền rộng rãi. Nhưng tất cả đều bị lu mờ bởi những ồn ào đang xảy ra. 10 năm qua, Miss Grand International định hướng là nơi truyền đi thông điệp về hòa bình, chấm dứt chiến tranh, bạo lực. Nhưng thực trạng hiện tại cho thấy hai từ hòa bình, dường như chưa được đặt ở vị trí đúng. Hòa bình không chỉ là việc chấm dứt súng đạn, chiến tranh, mà ngọn nguồn phải xuất phát từ sự cảm thông, chia sẻ, hành xử mực thước.

Phản ứng trái chiều của khán giả là thực tế thường xảy ra tại các cuộc thi nhan sắc. Cách hành xử thiếu cân nhắc của ban tổ chức không thể làm dịu đi sự căng thẳng, mà càng dễ khiến xảy ra những “cuộc chiến”, đặc biệt trên môi trường nhạy cảm như mạng xã hội.

Ông Nawat - chủ tịch cuộc thi Hoa hậu Hoà bình Quốc tế
Ông Nawat, Chủ tịch cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế

Sự việc hiện đã lan rộng, và được dư luận thế giới quan tâm. Khán giả Việt Nam càng phải ý thức được thực tế này. Bởi lẽ, mọi hành động, phản ứng của mỗi cá nhân, cộng đồng đều được gắn mác với quốc gia. Một cuộc chơi khép lại, có thể khiến khán giả trong nước không hài lòng, nhưng đây chỉ là một thực tế ngắn hạn. Còn hình ảnh quốc gia, con người Việt Nam là giá trị lâu dài, phải được giữ gìn, đặt lên vị trí hàng đầu.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI