Đăng quang ngôi vị Hoa hậu Việt Nam 2018, Trần Tiểu Vy được đánh giá cao nhờ sắc vóc, diện mạo cuốn hút. Điều khiến nhiều người bất ngờ là tân hoa hậu sinh năm 2000, chỉ mới 18 tuổi, vừa tốt nghiệp THPT. Tiểu Vy là một trong những người đẹp đăng quang ở độ tuổi rất trẻ trong các cuộc thi nhan sắc tại Việt Nam.
|
Trần Tiểu Vy - Hoa hậu Việt Nam 2018 |
Khoảnh khắc đăng quang của Trần Tiểu Vy:
Hàng loạt người tiền nhiệm của Trần Tiểu Vy cũng đăng quang ở tuổi 18 như: Hoa hậu Việt Nam 2014 - Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Hoa hậu Việt Nam 2008 - Thùy Dung, Hoa hậu Việt Nam 2006 - Mai Phương Thúy. Đặc biệt, Hoa hậu Việt Nam 1988 - Bùi Bích Phương và Hoa hậu Việt Nam 2002 - Phạm Thị Mai Phương đăng quang ở tuổi 17. Cá biệt, Hoa hậu Việt Nam 1992 - Hà Kiều Anh - đội vương miện khi mới bước sang tuổi 16.
|
Hoa hậu Hà Kiều Anh đăng quang ở tuổi trẻ nhất trong các hoa hậu tại Việt Nam |
“Tuổi thọ” của hoa hậu thường rất thấp. Vì thế, người đẹp đăng quang ở độ tuổi càng trẻ thì thời gian tồn tại càng cao, trước khi bị "đào thải". Những cô gái ở tuổi 18, với nguồn năng lượng trẻ trung, luôn dễ dàng thu hút công chúng. Hơn nữa, những người đẹp ở độ xuân thì có nhiều thời gian, cơ hội để rèn luyện, hoàn thiện bản thân trước công chúng.
Dẫu thế, việc một người đẹp ở tuổi quá trẻ đăng quang cũng bộc lộ nhiều vấn đề. Thiếu kinh nghiệm sống, sự non nớt của những cô gái mới bước vào đời khó làm hài lòng số đông công chúng. Điển hình như trường hợp của Trần Tiểu Vy. Màn trả lời ứng xử thiếu thuyết phục, kỹ năng giao tiếp hạn chế của người đẹp 18 tuổi trong các buổi giao lưu sau đăng quang khiến dư luận hoài nghi. Một khoảng thời gian ngắn nữa, Tiểu Vy sẽ lên đường tham dự Hoa hậu Thế giới 2018 - nơi người đẹp phải cạnh tranh với nhiều đối thủ khác; trong đó kỹ năng giao tiếp, ứng xử vô cùng quan trọng; lại càng khiến khán giả lo lắng.
|
Màn ứng xử trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2018 của Trần Tiểu Vy không được đánh giá cao, bởi sự non nớt |
Hoa hậu Kỳ Duyên cũng từng khiến công chúng phản ứng dữ dội vì sự non dại trong cách hành xử sau đăng quang - từ việc để bố mẹ xách hành lý tại sân bay, để mẹ chỉnh váy trên thảm đỏ... cho đến việc phì phèo thuốc lá, hút bóng cười... Trả giá cho những điều ấy, cô mất quyền đồng hành, trao vương miện cho người kế nhiệm tại Hoa hậu Việt Nam 2016.
Sự non nớt, thiếu kinh nghiệm cũng các cô gái cũng sẽ gây khó khăn trong việc vượt qua những khủng hoảng khi cuộc sống thay đổi theo danh hiệu và chiếc vương miện. Sự soi xét của dư luận là một trong những áp lực đè nặng lên vai của những hoa hậu tuổi 18, đôi mươi. Trong khi đó, những đóa hoa nở ở tuổi 22 trở đi lại có khả năng thích ứng với điều này tốt hơn, khi đã tích góp đủ kinh nghiệm và ở ngưỡng trưởng thành của người phụ nữ.
Là một trong những hoa hậu giữ được hình ảnh sạch sẽ sau đăng quang, nhưng việc đội vương miện ở tuổi 17 cũng khiến Mai Phương đối diện trước nhiều áp lực. “Vì đăng quang ở tuổi còn quá trẻ, mọi thứ đến quá bất ngờ, nên có những thời điểm tôi rất khủng hoảng. Khủng hoảng bởi một cô gái 17 tuổi lúc đó chưa thể lường trước được những áp lực của việc trở thành người nổi tiếng. Nhất cử nhất động - từ lời ăn, tiếng nói, phong cách, ứng xử… đều phải chuẩn chỉnh và mẫu mực”, Hoa hậu Việt Nam 2002 từng chia sẻ.
Năm 2008, Hoa hậu Thùy Dung vướng scandal về chuyện học vấn sau đăng quang. Niềm vui với chiếc vương miện chưa trọn vẹn thì cô gái 18 tuổi đã đối diện với hàng loạt chỉ trích. Dẫu sau đó, Thùy Dung đã tốt nghiệp THPT, “vết gãy” năm 18 tuổi khiến Hoa hậu Việt Nam 2008 cứ loay hoay, lặn ngụp suốt 10 năm qua.
|
Vết gãy năm 18 tuổi khiến Hoa hậu Thùy Dung loay hoay suốt 10 năm qua |
Việc các người đẹp quá trẻ đăng quang cũng ảnh hưởng ít nhiều đến con đường học vấn, nếu không có sự định hướng rõ ràng, chuẩn mực của ban tổ chức, gia đình sau khi đăng quang. Làng giải trí Việt không hiếm những trường hợp các người đẹp sau đăng quang đã chểnh mảng chuyện học hành. Khi được hỏi đến, người vu vơ để qua chuyện, người lại xin không đề cập. Trong khi đó, những người đẹp ở tuổi 21, 22 trở đi - khi đã tốt nghiệp hoặc đang trong quá trình hoàn thiện bậc đại học, ít nguy cơ dang dở hơn.
Từ những được, mất này, việc chọn hoa hậu là nụ hay hoa nở vẫn thường gây tranh cãi tại các cuộc thi nhan sắc. Ban tổ chức, ban giám khảo có lý lẽ riêng, tính đường dài cho người đăng quang, nhưng công chúng lại mong muốn một hoa hậu trưởng thành, chín chắn sau khi đội vương miện.
Thực tế, không ít hoa hậu trên thế giới đăng quang ở độ tuổi rất trẻ: Hoa hậu Thế giới 1975 - Wilnelia Merced (đăng quang năm 18 tuổi, Puerto Rico), Hoa hậu Quốc tế 1979 - Melanie Marquez (đăng quang năm 15 tuổi, Philippines), Hoa hậu Thế giới 2000 - Priyanka Chopra (đăng quang năm 18 tuổi, Ấn Độ), Hoa hậu Thế giới 2006 - Tatana Kucharova (đăng quang năm 18 tuổi, Cộng hòa Séc), Hoa hậu Hoàn vũ 2009 - Stefania Fernandez (đăng quang năm 19 tuổi, Venezuela), Hoa hậu Thế giới 2010 - Alexandria Mills (đăng quang năm 18 tuổi, Mỹ)…
|
Hoa hậu Quốc tế 1979 - Melanie Marquez - đăng quang ở tuổi 15 |
Danh vị và vương miện hoa hậu không có sự giới hạn nào về tuổi tác. Những người đẹp được đề cập bên trên đều thành công nhất định trong nhiệm kỳ của họ, dẫu tuổi còn nhỏ. Sau đó, họ đều trở thành những tên tuổi có tầm ảnh hưởng nhất định. Điểm chung dễ nhận thấy ở họ là bản lĩnh và sự trưởng thành.
Tại các quốc gia Âu, Mỹ, trẻ em thường tự lập rất sớm, cho họ sự chín chắn trong tư duy, suy nghĩ. Những nước như Venezuela, Philippines… các cô gái trẻ được đào tạo tại các trung tâm nhan sắc để chuẩn bị cho hành trình trở thành hoa hậu. Sự trưởng thành của họ được nhìn thấy rõ trong từng phát ngôn, hành động sau đăng quang. Tuy nhiên, tại Việt Nam, xuất phát từ văn hóa gia đình và cách giáo dục đặc trưng, nhiều bạn trẻ vẫn chưa chín chắn khi ở ngưỡng cửa vào đời. Có lẽ, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các hoa hậu trẻ tuổi gặp nhiều vấn đề sau đăng quang.
Vì thế, dư luận cũng cần có sự thông cảm để các người đẹp Việt trẻ tuổi có cơ hội hoàn thiện, bởi nền tảng về văn hóa, giáo dục, tư duy khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, về đường dài, sự phát triển bền vững của mỗi cá nhân lại phụ thuộc phần lớn vào chính họ. Chọn nụ hay hoa không là vấn đề lớn ở các cuộc thi nhan sắc mà quan trọng chính là bản lĩnh và sự trưởng thành theo năm tháng của người đội vương miện, để nhận thức và mang lại những giá trị tích cực, đúng đắn. Trong hành trình này, trách nhiệm của ban tổ chức và gia đình đóng vai trò cực lớn, bên cạnh những tố chất nội tại của hoa hậu.
Thành Lâm