Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên, sắp tới một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP sẽ được sửa đổi. Theo đó, sẽ không có việc người đẹp có danh hiệu mới đi thi quốc tế, hoặc người đẹp không cần phải được sự cho phép của cơ quan quản lý Nhà nước mới được đi thi.
“Quy định phải có danh hiệu chính một cuộc thi nhan sắc quốc gia mới được đi thi quốc tế đã không còn phù hợp nữa. Thời gian qua nhiều người đẹp không có danh hiệu đi thi lại có thành tích cao và ngược lại. Đã đến lúc phải thay đổi điều này, nới lỏng quy định cho phù hợp. Chỉ cần tổ chức mời họ đi thi là được, và họ chỉ cần báo cáo lại khi về là được”, Thứ trưởng Vương Duy Biên nói.
Ý kiến này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi chỉ trong đầu năm 2017 này đã có rất nhiều trường hợp thi chui, ồn ào nhất chính là trường hợp của Nguyễn Thị Thành.
Để tìm hiểu, chúng tôi đã liên hệ với một số hoa hậu của các nước để được rõ về quy định tại đất nước họ.
|
Natasha Manuela |
Theo chia sẻ từ Hoa hậu Indonesia 2016 Natasha Manuela (Á hậu 2 Hoa hậu Thế giới 2016): “Sau khi tôi chiến thắng danh hiệu Hoa hậu Indonesia, nghiễm nhiên tôi trở thành đại diện của quốc gia mình tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới. Đơn vị tổ chức Hoa hậu Indonesia cũng là nơi giữ bản quyền của Hoa hậu Thế giới tại đất nước tôi. Tôi đến Mỹ để tham dự Hoa hậu Thế giới năm vừa rồi chỉ theo thư mời từ phía tổ chức Hoa hậu Thế giới chứ không cần xin phép chính quyền trong nước. Ai đi thi cuộc thi nào cũng vậy, chỉ cần có danh hiệu tương ứng và đi thôi”.
|
Hoa hậu Thế giới Thái Lan 2016 Jinnita Buddee |
Hoa hậu Thế giới Thái Lan 2016 Jinnita Buddee khá bất ngờ khi chúng tôi đề cập đến việc tại Việt Nam muốn đi thi quốc tế phải xin phép từ phía Cục Nghệ thuật biểu diễn: “Không, không cần, ở nước chúng tôi không có như vậy. Sau khi đăng quang Miss ThaiLand World, điều chúng tôi cần chính là thư mời từ phía tổ chức Hoa hậu Thế giới. Ở nước chúng tôi có rất nhiều cô gái muốn tham gia các cuộc thi và chúng tôi không cần sự đồng ý của cơ quan nhà nước”.
Hoa hậu Thế giới Myanmar 2016 Myat Thiri Lwin cũng cho câu trả lời tương tự 2 nhan sắc trên: “Tại nước tôi, không có thủ tục xin phép cơ quan nhà nước đâu, chỉ cần thư mời từ phía tổ chức mà bạn tham dự. Còn tôi không biết ở các quốc gia khác như thế nào”.
|
Myat Thiri Lwin |
Liên lạc với người đẹp Diana Croce Garcia, đại diện cho cường quốc hoa hậu Venezuela ở Miss World 2016, người đẹp sinh năm 1997 này cho biết: “Như bạn biết đấy, thương hiệu của cuộc thi Hoa hậu ở nước chúng tôi rất mạnh. Sau khi chúng tôi đăng quang những ngôi vị cao nhất thì luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Chúng tôi ra nước ngoài dự thi thoải mái lắm, không cần những thủ tục từ phía nhà nước, nhưng bắt buộc phải có danh hiệu tương xứng trong nước, bản quyền thuộc tổ chức Hoa hậu Venezuela và thư mời tham dự. Không có chuyện chúng tôi muốn ra nước ngoài dự thi mà không có danh hiệu trong nước hay tham gia với tư cách thí sinh tự do được”.
|
Diana Croce Garcia |
Trường hợp của Diana cũng khá đặc biệt, bởi theo thông lệ Á hậu 1 của Hoa hậu Venezuela sẽ được dự thi hoa hậu quốc tế được tổ chức vào năm sau, nghĩa là cô gái này phải tham dự Miss International vào năm 2017. Tuy nhiên, năm vừa rồi Venezuela không tổ chức Hoa hậu Thế giới Venezuela nên Diana được chọn đi thi, và cô vẫn nằm trong top 3 của cuộc thi Hoa hậu cấp quốc gia.
Khi được hỏi, Hoa hậu Thế giới Nhật Bản 2016 Priyanka (Top 20 Hoa hậu Thế giới 2016) giải thích rất cặn kẽ: “Ở nước chúng tôi có những cuộc thi lớn như Miss Japan, Miss Universe Japan, Miss Grand International Japan, Miss Supranational Japan, Miss International Japan. Nếu bạn muốn đi thi quốc tế thì bạn phải chiến thắng những cuộc thi trong nước và có danh hiệu. Với tôi, tôi đi thi Hoa hậu Thế giới là nhờ chiến thắng từ danh hiệu tương ứng là Hoa hậu Nhật Bản. Còn việc phải xin phép cơ quan nhà nước thì không có, chỉ cần thư mời từ phía ban tổ chức các cuộc thi thôi”.
|
Priyanka Yoshikawa |
Thực tế, điểm chung hầu hết của các nước này là luôn có cuộc thi “con” – phiên bản quốc gia của cuộc thi quốc tế - và người đoạt giải cao nhất sẽ tham dự cuộc thi “mẹ”. Việt Nam gần như khác hẳn. Hiện tại chỉ có cuộc thi Hoa hâu Hoàn vũ Việt Nam là phiên bản quốc gia của Hoa hậu Hoàn vũ, và người đoạt giải sẽ tham dự Hoa hậu Hoàn vũ (gần đây là Phạm Hương) còn lại gần như chưa có bất kỳ cuộc thi con nào khác.
Phiên bản Hoa hậu Thế giới tại Việt Nam, vì vướng quy định (mỗi năm chỉ có 2 cuộc thi Hoa hậu) nên đành phải đổi tên thành Hoa khôi Áo dài Việt Nam. Tuy nhiên, các người đẹp đoạt giải tại sân chơi này không chỉ tham dự Hoa hậu Thế giới mà còn “bao sân” nhiều cuộc thi khác như Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Siêu quốc gia…
Trước đó, Á hậu các dân tộc Việt Nam 2013 Nguyễn Thị Loan được trao quyền thi Miss Grand International 2016, Á hậu Việt Nam 2014 Huyền My được trao quyền thi Miss Grand International 2017, Á khôi Thể thao 2012 Khả Trang được trao quyền thi Miss Supranational 2016… và điều đó ít nhiều khiến tình trạng thi nhan sắc tại Việt Nam khá hỗn loạn.
|
Nguyễn Thị Loan và trang phục dân tộc tại Miss Grand |
Theo một bầu sô, vẫn còn nhiều điều đáng cân nhắc từ việc nới lỏng quy định này. Đến với các sân chơi nhan sắc danh giá của thế giới, dù muốn dù không đó cũng chính là hình ảnh đại diện cho Việt Nam. Họ phải là những người được chọn lựa kĩ càng, có nhan sắc, tri thức và đủ để công chúng tin tưởng.
“Còn chuyện thắng thua ở các cuộc thi nhan sắc, đó là điều khó nói trước được. Điển hình như cường quốc nhan sắc Venezuela, chỉ mới năm 2016 đây, họ đều trắng tay tại 2 sân chơi lớn nhất hành tinh: Hoa hậu Thế giới và Hoa hậu Hoàn vũ. Vậy có căn cứ nào để chúng ta tin rằng không có danh hiệu, không ràng buộc luật sẽ đạt giải cao”, bầu sô này nói.
Thuỵ Khuê