Hiện Hoa hạnh nhân đang được trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật Van Gogh (Amsterdam, Hà Lan) - được lập bởi chính người cháu trai mà ông đã vẽ tặng vào ngày người cháu này ra đời. Tại bảo tàng, bức tranh được giới thiệu “là tác phẩm dành cho những ai đang tìm kiếm sự trân trọng vẻ đẹp và ý nghĩa của cuộc sống”.
|
Bức tranh Hoa hạnh nhân của danh họa Van Gogh, vẽ năm 1890 |
Danh họa Van Gogh đã vẽ rất nhiều hoa nhưng có lẽ Hoa hạnh nhân (Almond Blossoms) là bức họa tràn ngập sắc xuân nhất của vị nghệ sĩ u sầu nức tiếng này.
Trong 10 năm theo đuổi sự nghiệp hội họa của đời mình, danh họa Van Gogh đặc biệt quan tâm vẽ tranh về các loài hoa. Ngày nay, bảo tàng nào trên thế giới có liên quan Van Gogh ắt hẳn đều trưng bày ít nhất một tác phẩm về hoa của danh họa tài hoa mệnh bạc này.
Hoa mang nhiều ý nghĩa tinh thần đối với Van Gogh. Hoa tượng trưng cho niềm đam mê cuộc sống, đồng thời có lúc lại là biểu trưng cho một thế giới đầy tính bi quan của Van Gogh, về những gì hiện hữu nơi trần thế. Hoa còn là đối tượng lý tưởng cho việc thí nghiệm về màu sắc của sự vật, thay đổi theo dòng thời gian của hoa lẫn của người vẽ hoa.
|
Bức tranh Hoa hạnh nhân tạo cảm hứng trang trí đồ gia dụng, thời trang, phụ kiện… |
Nói cách khác, việc vẽ hoa đã giúp ích rất nhiều cho quá trình phát triển nghệ thuật hội họa của Van Gogh. Đồng thời, vẽ hoa giống như một liệu pháp trị liệu cho các cơn tâm thần thường trực của Van Gogh - một kiểu “liệu pháp nghệ thuật” có phần đi trước thời đại (ông từng phải nhiều lần vào điều trị chính thức tại các bệnh viện tâm thần).
Điều thú vị là trong 10 bức tranh của Van Gogh được bán với giá đắt nhất tính đến thời điểm hiện tại, có 3 tác phẩm là tranh vẽ hoa, bao gồm: Tĩnh vật, cái bình với hoa cúc và hoa anh túc (Still life, Vase with Daisies and Poppies vẽ năm 1890 - bán với giá 62 triệu USD vào năm 2014), Hoa diên vĩ (Irises vẽ năm 1889 - bán với giá 54 triệu USD vào năm 1987), Hoa hướng dương (Sunflowers vẽ năm 1889, bán với giá 40 triệu USD vào năm 1987). Bức Hoa hướng dương này là 1 trong 7 bức thuộc loạt tranh Hoa hướng dương Van Gogh đã vẽ ở Arles.
Hoa trong cuộc đời nghệ sĩ
Thông thường, mỗi khi nghe nhắc đến “tranh vẽ hoa của Van Gogh”, người yêu tranh sẽ nghĩ ngay đến loạt tác phẩm Hoa hướng dương. Nhưng trên thực tế, Van Gogh từng vẽ rất nhiều loại hoa, ngoài hoa hướng dương còn có hoa diên vĩ, hoa hồng, hoa mẫu đơn, hoa cúc, hoa tử đinh hương, hoa anh túc... Đặc biệt, Van Gogh sẵn sàng vẽ hoa ở mọi giai đoạn trong vòng đời của chúng. Dường như mỗi bông hoa, ở từng thời khắc tồn sinh đều có điều gì đó để gửi gắm lẽ sống cao đẹp cho người nghệ sĩ cô độc bậc nhất này. Không phải ngẫu nhiên mà Van Gogh từng chia sẻ: “Nếu bạn thực sự yêu thiên nhiên và cuộc sống, bạn sẽ tìm thấy vẻ đẹp ở khắp mọi nơi, mọi lúc”.
Với điểm nhìn như thế, Van Gogh không ngại ngần vẽ hoa vào lúc chúng đã úa tàn. Người xem tranh có thể thấy rõ thái độ cởi mở lẫn bao dung của ông khi vẫn tôn vinh bất kỳ bông hoa nào đó đã qua thời điểm rực rỡ. Bởi lẽ những bông hoa già đi cũng giống như con người già đi, vẫn còn vẻ đẹp riêng. Sự thấu cảm của Van Gogh với thế giới muôn màu đa đoan của loài hoa đã giúp ông tiệm cận với thế giới tự nhiên, biểu đạt mạnh mẽ và hiệu quả trong nghệ thuật hội họa, với lối vẽ tranh hoa bằng tốc độ chóng mặt so với bất kỳ họa sĩ đương thời lẫn hậu thế. Chẳng hạn, chỉ trong mùa hè năm 1886, Van Gogh đã vẽ liền tay 30 bức tranh tĩnh vật về hoa.
Hoa mùa xuân nở muộn của Van Gogh
Nếu loạt tranh Hoa hướng dương chủ yếu nhằm gây ấn tượng và chào đón người bạn họa sĩ Paul Gauguin (1848-1903) - làm khách ở phòng khách nhà Van Gogh tại vùng Arles vào những tháng cuối năm 1988 - thì Hoa hạnh nhân lại là tác phẩm nghệ thuật được sáng tác đặc biệt dành riêng để chào mừng một “mầm xanh”, cũng là đón mùa xuân mới của đại gia đình ông.
Vào ngày 31/1/1890, em trai Van Gogh là Theodorus (Theo) van Gogh - người làm việc trong một công ty môi giới tranh, đồng thời là nhà tài trợ họa phẩm cùng mọi sinh kế trong suốt đoạn đời 10 năm vẽ tranh của Van Gogh - đã biên thư báo tin cho danh họa rằng cháu trai của ông vừa ra đời, mang tên Vincent Willem van Gogh. Để kỷ niệm điều phúc lành này của gia đình, Van Gogh bắt đầu vẽ một bức tranh dành riêng cho vợ chồng em trai mình, treo trong phòng ngủ nhà họ. Đó chính là bức Hoa hạnh nhân, về sau đã trở thành một trong những bức họa mang tính biểu trưng mãnh liệt và rực rỡ về cuộc sống mới.
Bố cục Hoa hạnh nhân không hề giống bất kỳ bức tranh nào khác của Van Gogh. Những cành cây hạnh nhân cùng với hoa nở phủ trắng như đang bồng bềnh trên nền trời xanh. Các cành cây và hoa như muốn vươn ra ngoài khung tranh, chạm vào thế giới thực của người xem tranh, nhất là với hiệu ứng từ các đường viền màu tối phác thảo các nhánh cây. Màu sắc tươi sáng của bức tranh cũng phản ánh tâm thức của những bức tĩnh vật hoa, được Van Gogh thực hiện ở Arles - một thành phố thuộc tỉnh Bouches-du-Rhône và vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur của Pháp.
Với Van Gogh, hoa hạnh nhân đại diện cho tính thức tỉnh và niềm hy vọng. Ông rất thích chúng về phương diện thẩm mỹ, luôn tìm thấy nhiều niềm vui khi vẽ những cây hạnh nhân đang nở hoa.
Đó cũng là “mặt trời” Van Gogh luôn khao khát tìm kiếm ở vùng Provence phía nam nước Pháp, thứ ánh sáng rực rỡ có thể làm nổi bật các chi tiết và đơn giản hóa hình dáng cảnh vật, như tranh khắc gỗ Nhật Bản. Van Gogh từng nhận xét Arles chính là “Nhật Bản của phương Nam nước Pháp”. Ở nơi đây, nghệ sĩ cảm thấy rất rõ rằng hiệu ứng làm phẳng của mặt trời bởi độ chói sáng mãnh liệt sẽ củng cố các đường viền màu tối trên tranh, giảm các sắc thái tương phản của màu sắc trong bố cục chung xuống một vài độ, khiến chúng trở nên sống động lẫn rung động hòa ái với nhau.
Hoa và mỹ cảm nghệ thuật liên thông xuyên biên giới của Van Gogh
Chính là bởi Hoa hạnh nhân phản ánh sự quan tâm đặc biệt của Van Gogh đối với các bản in khắc gỗ Nhật Bản như với các họa phẩm thuộc thể loại ukiyo-e (khắc họa những chủ đề đẹp mắt bằng các hoa văn màu dưới dạng phẳng và không có bóng) của nghệ sĩ lừng danh người Nhật Utagawa Hiroshige (1797-1858) - một trong những bậc thầy vĩ đại cuối cùng trong thể loại ukiyo-e. Van Gogh đã sưu tập hàng trăm bản in khắc gỗ của Nhật Bản để nghiên cứu kỹ thuật và mỹ cảm của một phương cách tạo hình truyền thống đến từ châu Á.
Những bức tranh mang phong thái an tĩnh từ hội họa Nhật Bản đã giúp Van Gogh rất nhiều trên hành trình tìm kiếm sự thanh thản trong một tâm hồn chứa đựng muôn vàn bi thương của kiếp người. Điều này từng được ông mô tả, trong một lá thư gửi em trai mình: "Anh muốn có được sự thanh thản này càng nhiều càng tốt, mặc dù người ta biết rất ít hoặc thậm chí không có gì chắc chắn về nó. Và có lẽ đó là phương thuốc tốt hơn cho mọi bệnh tật của anh, hơn tất cả những thứ trị liệu được bán ở cửa hàng hóa học". Những bức tranh mang phong thái an tĩnh cũng giúp danh họa Hà Lan khám phá các giá trị tinh giản từ hệ thẩm mỹ trong nền hội họa Nhật Bản. Bức tranh Hoa hạnh nhân có phần tương đồng với nghệ thuật cắm hoa Ikebana của Nhật Bản, ở sự đơn giản và gợi lên hy vọng, cũng như cách sử dụng không gian trống rỗng một cách trang trọng.
Châu Quang Phước - Nguồn ảnh: Internet