Hoa gừng Kỳ Sơn - đặc sản miền núi “hạ sơn”

22/12/2020 - 06:21

PNO - Nếu không phải người trồng gừng, bạn khó hình dung hoa gừng như thế nào. Thật ra, đây mới chỉ là búp hoa.

Từ lâu, người dân huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) đã trồng và canh tác rất nhiều gừng. Thế nhưng, người phương xa chỉ biết đến gừng Kỳ Sơn vài năm trở lại đây. Trước đây, hoa gừng chỉ được sử dụng để làm thuốc còn hiện nay, người ta dùng nó để chế biến món ăn. Loại thực phẩm vốn được ví von như một thứ măng ngọt này dần dần được nhiều người thành phố biết đến khi về xuôi.

Hoa gừng xào mực
Hoa gừng xào mực

Món ăn “kỳ hoa dị thảo” của người miền cao

Hoa gừng trồi lên bụ bẫm giữa những cành lá xanh đậm là lời báo hiệu mùa thu hoạch gừng không còn xa. Những người trồng gừng thường chẳng để ý đến những búp xanh nhỏ xinh. Chỉ khi nào cái búp ấy chịu xòe hết những cánh hoa mỏng manh ra, rồi vào độ hoa gừng rụng hết, cành lá cũng vàng héo đi, người ta mới nhổ bụi gừng lên lấy củ.

Nhưng những người nông dân Kỳ Sơn vốn đã “thuộc” hết các đặc tính của loài cây được xem là thảo dược này. Họ không để lãng phí một phần nào của bụi gừng. Những búp hoa gừng xanh nõn nà đó, chỉ cần dùng kéo cắt khéo léo, rửa sạch, chẻ đôi là sẽ cho ra nhiều món ngon, từ xào thịt bò, xào măng, xào tỏi, bò lúc lắc, chiên với trứng… đến nấu canh chữa cảm mạo.

Một bụi gừng cho từ 8 - 20 búp hoa gừng. Bụi nào khỏe có thể cho nhiều hoa hơn. Với số lượng đó, người trồng gừng lại có thêm một nguồn thu nhập sớm hơn vụ gừng củ.

  Hoa gừng xào thịt bò
Hoa gừng xào thịt bò

Từ nhiều năm trước, người miền xuôi có dịp công tác hoặc du lịch ngang qua các chợ biên giới Kỳ Sơn, miền Tây xứ Nghệ, rất tò mò, thích thú khi bắt gặp những bó hoa gừng giản dị mà lạ lùng được bày bán như một thứ rau ngon.

Nếu không phải người trồng gừng, bạn khó hình dung hoa gừng như thế nào. Thật ra, đây mới chỉ là búp hoa. Bởi nếu hoa đã bung ra, tức đã già thì không ăn được nữa.

Hoa gừng Kỳ Sơn búp nõn nà hơn hoa gừng ở những nơi khác (như Lào Cai, Lạng Sơn…). Có lẽ một phần cũng do thổ nhưỡng, khí hậu vùng này hạp với loại gừng núi.

Từ tháng Bảy âm lịch trở đi, hoa gừng rộ lên ở những nơi nổi tiếng với nghề trồng gừng núi như Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Đây cũng được xem là thời điểm vàng để dân thành thị săn lùng loại đặc sản miền núi xanh sạch.

Đâu đó những chuyến rau chuyển về thành thị thỉnh thoảng lại lấp ló vài thùng hoa gừng. Loại đặc sản của dân núi nay được san sẻ về xuôi, chẳng mấy chốc mà trở thành hàng hiếm.

Bình hoa gừng lạ mắt
Bình hoa gừng lạ mắt

Ăn hương ăn hoa

Hoa gừng đặc biệt ở chỗ nó mọc lên từ củ. Vậy nên, muốn lấy hoa gừng mà không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của củ, phải cắt thật khéo, thật bén. Một đĩa hoa gừng xào phải từ 20 búp trở lên. Những búp hoa xanh mướt chỉ bằng ngón tay cái, chẻ dọc chẻ ngang cũng chỉ được chừng một đĩa nhỏ. Nhưng với người sành ăn thì chỉ chừng đó thôi là đủ.

Những búp gừng đó vừa có mùi thơm của củ gừng, vừa có hương của một loài hoa, vừa nồng nàn lại vừa ngọt nhẹ.

Búp hoa gừng có độ giòn, ngọt và tươi ngon. Búp hoa chẻ đôi xào với thịt bò, măng, gà, tôm… sẽ cho ta những món xào ngọt lành. Cái màu xanh mướt và hình dáng “ngồ ngộ” của thứ rau miền núi xen lẫn giữa màu đỏ au của tôm rất biết “làm màu” để kích thích tất cả giác quan.

Gắp một đũa hoa gừng lên, đừng vội ăn mà hãy tranh thủ hít hà cái mùi thơm đầy quyến rũ của nó. Có rất nhiều loài hoa có thể ăn được, thậm chí ăn rất ngon (bí, so đũa, thiên lý, điên điển…) nhưng trong đó, có hoa nào vừa đãi người cả hoa lẫn hương như hoa gừng? Bảo sao người ta không ghiền, ăn một lần là thòm thèm, ngóng mỏi mòn đến mùa hoa năm sau.

Muốn ăn thì phải đợi kỳ

Hoa gừng nõn nà như cô sơn nữ tuổi trăng tròn. Người miền núi xem nó là một loại rau bình dị. Song, về đến thành phố, thứ “hoa sơn nữ” ấy lại được chào đón một cách hồ hởi. Người Sài Gòn đang chộn rộn với các trang bán hàng online “nhá hàng” bằng hình ảnh những bó hoa gừng mướt mắt.

Dẫu hoa gừng chẳng phải hàng ngoại nhưng cái sự đỏng đảnh của người bán khiến không ít “thượng đế”… phát hờn. Là bởi vì người bán rất biết đánh vào tâm lý “đợi kỳ” mòn mỏi của những người nghiện hoa gừng. Những người khác vì tò mò, cũng muốn nếm thử thứ hoa lạ lùng này.

Trong khi các loại đặc sản vùng miền khác mỗi khi vào mùa thường tràn lan, thì hoa gừng cũng chỉ thủng thỉnh dôi ra một ít cho “hạ sơn” chứ không đại trà. Có lẽ bởi càng hiếm nên càng quý. Người ở thành phố phải canh các tay buôn hàng vùng cao hở ra thùng nào về là chia ngay thùng nấy, chậm chân chỉ có tiếc ngẩn ngơ.

Mấy ngày này, dạo quanh các trang mạng xã hội, thấy chị em chộn rộn hẳn lên. Có người hí hửng khoe một bình hoa gừng rất nghệ thuật. Những cái búp xinh xắn đó bỗng trở nên thật đặc biệt khi được o bế trên bàn làm việc. Vừa làm, vừa ngửi mùi hương dễ chịu từ hoa gừng cũng là một liệu pháp thư giãn, xả stress hiệu quả. Hoa gừng chưng một, hai ngày rồi mang xào gà, vịt hoặc chần sơ tước mỏng trộn gỏi tôm thịt cũng rất ngon.

Với tôi, hoa gừng bằm nhuyễn chiên cùng trứng vịt là đơn giản nhất. Món này tôi học được từ clip nấu ăn của gia đình một anh bộ đội biên giới Kỳ Sơn. Điều khiến tôi ấn tượng là hình ảnh đứa con gái bé bỏng của anh xúm xít xem bố xắt hoa gừng. Thỉnh thoảng, cô bé nhón một búp hoa, đưa vào miệng gặm ngon lành, rồi lại nhè ra, cười nắc nẻ. Hình ảnh đó khiến tôi tò mò tìm hiểu về hoa gừng và cách chế biến món ăn từ nó.

Chỉ đơn cử như cái búp hoa gừng bé tí teo này đã ẩn trong mình bao nhiêu thứ hay ho. Từ thứ củ hăng nồng với rất nhiều công dụng chữa lành, chống viêm, giải cảm đến chữa nghén, detox thải độc da, giúp phụ nữ sau sinh lấy lại eo thon, bụng phẳng…

Những búp hoa gừng non xanh mướt  rất đẹp mắt
Những búp hoa gừng non xanh mướt rất đẹp mắt

Lá gừng lót nồi cá trê kho tộ ngon không tả nổi. Nếu cá trê chiên giòn phải chấm nước mắm gừng mới hạp. Cũng con cá trê đó mang kho tộ mà thiếu lá gừng là thiếu hẳn cái mùi vị đậm đà thơm thắm.

Rồi nay, người ta khoan khoái khám phá ra ngay đến cái hoa gừng cũng là một món ngon tuyệt vời. Nhất là trong cái tiết trời mưa nắng thất thường, sớm tối ủ ê này, có bó hoa gừng sẵn trong nhà, mang nấu tô canh chữa lành chứng cảm mạo là hạp nhất.

Ông bà dạy “đói ăn rau”. Nay người ta ăn thứ “rau” miền núi nhiều hơn chẳng phải chỉ vì đói. Mà việc săn được thứ hoa gừng thanh sạch này còn là cái thú vui rất lạ lùng. Bởi đâu phải ai cũng có duyên để mua được mớ hoa gừng mà thưởng thức. 
Tuy nhiên, để có được món ăn ngon mà không bị cảm giác như “nhai cỏ”, người mua cần cẩn thận lựa chọn hoa gừng non. Hoa già cọng cứng, búp nhiều xơ, mùi nồng, nhẫn, rất khó ăn.

Hiện nay, hoa gừng được bán online nhiều trên các chợ mạng, giá dao động từ 50.000 - 70.000 đồng/kg. Muốn có hoa gừng chất lượng, tốt nhất bạn nên đặt từ mối quen.

Trần Huyền Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI