Hoa đời để lại

24/01/2015 - 15:08

PNO - PN - Hàng loạt trang tin lớn của Trung Quốc nhiều ngày qua tràn ngập câu chuyện nữ hoàng nhạc phim Diêu Bối Na qua đời ở tuổi 34, sau bốn năm chống chọi với căn bệnh ung thư vú di căn đến não và phổi. Người hâm mộ tiếc thương và...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hoa doi de lai

Ca sĩ Diêu Bối Na - Ảnh: Facebook

Dù biết mình cận kề cái chết nhưng Diêu Bối Na vẫn mạnh mẽ đối mặt với số phận. Cô tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền phòng chống ung thư vú và lan tỏa nghị lực, tình yêu cuộc sống đến với nhiều người khác.

Dòng chia sẻ cuối cùng của Diêu Bối Na trên mạng xã hội khiến bao người rưng rưng: “Tôi đã nằm trên giường suốt một tháng. Tôi cảm thấy thật khó chịu và muốn được hát. Hy vọng tôi có thể khá hơn và được cười thật lớn. Các bạn đừng quá lo lắng cho tôi”.

Các bác sĩ tham gia phẫu thuật cấy ghép giác mạc của Diêu Bối Na vô cùng thán phục cô. Họ bất ngờ vì thần tượng của hàng ngàn người trẻ Trung Quốc vẫn bình thản trong những phút cuối của cuộc đời. Các bác sĩ này cho rằng, việc Diêu Bối Na hiến giác mạc sẽ trở thành tấm gương cho người khác làm theo, hay chí ít cũng giúp lan tỏa sự tử tế giữa người với người.

Hoa doi de lai

Diêu Bối Na tuyên truyền cho chiến dịch phòng chống ung thư vú - Ảnh: Sina

Tấm lòng cao cả như Diêu Bối Na không phải là duy nhất ở Trung Quốc. Năm 2012, một bà mẹ ở Thâm Quyến quyết định giải thoát cho con trai khỏi đời sống thực vật sau khi cậu bé bị liệt não vì tai nạn. Ngay sau đó, bà hiến tặng nội tạng của con để cứu sống năm người xa lạ, khiến thế giới phải nhắc đến và xúc động.

Nhưng không phải ai cũng vô tư và tận hiến một phần cơ thể của mình vì sự sống còn của người khác. Ngoài một số trường hợp bán những bộ phận cơ thể (như máu, tóc) không gây nguy hiểm cho người bán thì hiện nay ở nhiều quốc gia, đặc biệt Trung Quốc, việc mua bán nội tạng dưới bất kỳ hình thức nào vốn bị pháp luật quốc tế ngăn cấm lại trở thành lĩnh vực kinh doanh béo bở của nhiều đầu nậu.

Hoa doi de lai

Chàng trai nhận giác mạc đã hồi phục - Ảnh: CCTV

Càng bị cấm, những kẻ làm trái pháp luật càng cố tìm mọi cách, không từ thủ đoạn tàn độc nào để kiếm tiền. Năm 2013, dư luận bàng hoàng và xót thương trước hình ảnh bé trai Quách Bân Bân (sáu tuổi) ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc nằm trên giường bệnh với đôi mắt mù vĩnh viễn. Em bị một phụ nữ bắt cóc, khoét mắt rồi vứt em nằm chơ vơ, người bê bết máu tại một cánh đồng.

Những vụ bắt cóc, mổ bụng nạn nhân để lấy nội tạng ngày càng trở thành nỗi ám ảnh của người dân Trung Quốc và thế giới. Năm 2012, Zhang Yongming (56 tuổi) khiến dư luận kinh hoàng và căm phẫn khi giết người hàng loạt ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) rồi bán nội tạng người chết ở chợ.

Vì số người hiến tặng nội tạng quá ít so với nhu cầu, theo số liệu Trung Quốc công bố năm 2013, có 10.000 người hiến tặng so với 1,5 triệu người cần được cấy ghép mỗi năm nên người nhà bệnh nhân hoặc chính bệnh nhân đôi khi “đồng lõa” với tội ác. Phải chăng, những người như Diêu Bối Na vẫn là thiểu số trong cái thế giới còn lắm chụp giựt này?

Hoa doi de lai

Bé Quách Bân Bân điều trị tại bệnh viện sau khi bị khoét mắt - Ảnh: Daily Mail

Nhà thơ người Anh John Donne sống vào thế kỷ XVII từng nói: “Cái chết của bất kì ai cũng làm cho chính tôi bé đi vì tôi là một thể thống nhất với toàn nhân loại. Do đó, anh đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai, chuông nguyện chính hồn anh đó”.

Cái chết đem lại sự sống từ câu chuyện Diêu Bối Na, hay những tâm hồn cao thượng khác trong hành trình hiến tạng phải chăng cũng là “chuông nguyện hồn” nhắc nhở chúng ta hãy chắt chiu cuộc sống, thậm chí ngay khi đã chết, để dành tặng cho cõi nhân gian này.

ANH THÔNG
(Theo Tân Hoa xã, Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI