Hoa đỗ quyên ngủ đông Trung Quốc có độc hại?

19/01/2018 - 06:37

PNO - Hoa đỗ quyên khô nhập từ Trung Quốc, được giới thiệu có thể hồi sinh và nở như hoa tươi khi cắm trong nước từ 10-15 ngày hiện đang gây “sốt” thị trường hoa tết, nhưng cũng gây tranh cãi về việc có thể độc hại cho NTD.

Khoảng hơn 1 tháng qua, thị trường hoa tết xuất hiện loại hoa đỗ quyên ngủ đông thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng nhờ cơ chế hồi sinh độc đáo: hoa nhập về dạng hoa khô, khi cắm vào nước những cánh hoa đã héo khô sẽ tươi lại, tỏa hương và dần bung nở.

Theo những người bán, loại hoa này đang bán rất chạy nhờ rất có ý nghĩa trong dịp năm mới: “hồi sinh”, đổi vận, khởi sắc là điều may mắn. Với những người trẻ, nó còn được lồng ghép thêm ý nghĩa “trái tim được đánh thức” hay tình yêu chung thủy.

Mặt khác, đây là một sản phẩm có vẻ lạ, độc nhưng giá khá rẻ, trung bình 170.000-200.000 đồng/bó (khoảng 40 cành hoa) nên hợp túi tiền nhiều người.

Tuy nhiên, sự hồi sinh kỳ diệu của sản phẩm hoa cũng khiến một số người tiêu dùng hoang mang, đặt nghi vấn về việc hoa đã được tẩm ướp hóa chất thế nào trước khi đem sấy để có thể nở lại.

Do hoa nhập về Việt Nam đều ở dạng thành phẩm nên người bán không biết quy trình xử lý ra sao.

Hoa do quyen ngu dong Trung Quoc co doc hai?
Quá trình hồi sinh của đỗ quyên ngủ đông được các kênh bán hàng giới thiệu.

Theo đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu hoa tại đường Lê Hồng Phong, Q.10, TP.HCM, loại hoa này nhập từ Quảng Châu, là hoa thu hoạch từ cây tươi, sau đó xử lý bằng công nghệ sấy lạnh, nên sẽ nở lại khi cắm vào nước mà không cần dùng đến dưỡng chất hay hóa chất nào.

Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện nhiều thông tin cho rằng hoa được ép “ngủ đông” bằng hóa chất chứ không phải bằng công nghệ sấy. Mặt khác, còn có những cảnh báo là loại hoa này ở dạng tươi cũng có khả năng gây hại do trong thân, lá, cành, rễ… đều chứa chất độc andromedotoxin và arbutin glucoside có thể gây ngộ độc cho người (buồn nôn, tiêu chảy, chảy nước dãi, nôn mửa, uể oải, chóng mặt, khó thở…) khi ăn phải; nhất là với trẻ em.

Để tìm câu trả lời cho vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ với một số đơn vị quản lý các loại nông sản nhập khẩu nhưng chỉ nhận được những lời từ chối khéo; cho rằng đây là sản phẩm nhập khẩu theo đường tiểu ngạch nên chưa có thông tin về sản phẩm.

Hiện một số nhà khoa học trong nước đã lên tiếng cảnh báo về loại hoa này; hầu hết cho rằng công nghệ sấy lạnh hoa hiện chưa được sử dụng ở nhiều nước. Có người còn lo ngại sản phẩm có thể bị tẩm ướp hóa chất trong giai đoạn xử lý sau khi sấy.

Cụ thể, sau khi sấy khô sẽ được xông khí SO2 để chống mốc. Đây là phương pháp bảo quản phổ biến cũng đang được sử dụng tại Việt Nam. Loại chất này sẽ tự bay hơi trong quá trình sử dụng do ở dạng khí và không gây độc hại (?).

Có người còn đặt câu hỏi về lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên hoa trước khi sấy liệu có nằm trong mức độ an toàn cho phép? 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI