Độc đáo nghi lễ bôi tiết gà
Tết của người Khơ Mú rất gần với Tết Nguyên đán. Cái tết ấy không chỉ là dịp các thành viên trong gia đình đoàn tụ, mà còn là cách người Khơ Mú mừng 1 vụ mùa bội thu, đón những bông lúa óng vàng về bản.
Trước tết cả tháng, nhà ông Quàng Văn Biên (bản Nậm Pù, xã Hổi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) đã gom củi. Những ngày sương hòa cùng mây bao trùm khắp bản, từng bó lúa nếp nương treo nơi gác bếp được dỡ xuống; vợ chồng ông thay nhau đập lúa, giã gạo để chuẩn bị gói bánh cho ngày tết.
|
Gia đình ông Quàng Văn Biên chuẩn bị đón tết |
Như mọi gia đình Khơ Mú, nhà ông Biên chuẩn bị đôi gà 1 trống, 1 mái, 2 vò rượu cần, 1 đĩa trầu cau. Họ Quàng nhà ông Biên thờ con hổ nên gia đình ông phải mổ thêm con heo.
Ông Biên bảo lễ cầu phúc, cầu may (Mạ Grợ) chính là cái tết lớn nhất trong năm của người Khơ Mú; là dịp để con cháu dâng lễ lên tổ tiên, mời tổ tiên về ăn tết; làm lễ cầu sức khỏe cho các thành viên; tiễn năm cũ và mong một năm mới nhiều sức khỏe, may mắn; gia đình ấm no, hòa thuận.
Tết diễn ra ở từng gia đình nhưng có sự tham dự, chúc phúc của cả họ hàng và bà con dân bản.
|
Họ hàng, xóm giềng tham dự lễ - tết cùng gia chủ |
Đầu buổi lễ, tại gian thờ, ông Biên cầm chén tiết gà, cầm bông hoa mào gà nhúng vào chén tiết của con gà trống rồi xoa lên đầu gối các thành viên trong gia đình - thứ tự từ em bé nhỏ nhất đến người lớn tuổi nhất. Vừa bôi, ông Biên vừa khấn cho mọi thành viên được khỏe mạnh, may mắn… Những người dự lễ đồng thanh khấn theo ông - chúc phúc, cầu may cho gia đình gia chủ. Ông Biên là người cuối cùng được bôi tiết gà, do vợ ông thực hiện.
|
Nghi thức bôi tiết gà cầu sức khỏe, may mắn |
Người Khơ Mú tin rằng bôi tiết gà trống vào đầu gối sẽ xua đuổi tà khí, ốm đau bệnh tật và đôi chân sẽ thêm vững bước trên đường đời. Còn gà mái là tượng trưng cho ước mong năm mới no ấm, đủ đầy, mùa màng tươi tốt.
Sau nghi thức này, cả 2 con gà được đem đi làm thịt để sửa soạn mâm cúng.
Dính xôi lên tóc, lên mâm
Cỗ tết giản dị với 5-7 chiếc bánh lớn cỡ bắp tay; đĩa khoai môn tím, bí đỏ, bí xanh luộc; gói bánh quy và chút trái cây.
|
Cỗ tết giản dị |
Vợ chồng ông Biên ngồi cạnh vò rượu cần. Vợ ông cầm sừng trâu tiếp nước vào rượu. Ông Biên 1 tay vít cần rượu, 1 tay gắp bã rượu từ trong vò bỏ vào cái lỗ dưới sàn gỗ mời cha mẹ (đã khuất). Xong nghi lễ, những người lớn tuổi nhất ngồi xuống cùng uống rượu cần, ăn củ quả. Từ già đến trẻ, ai cũng vừa uống rượu vừa cảm ơn gia đình ông Biên và cầu chúc cho các thành viên trong gia đình ông.
Trên chiếc mâm vuông đựng đồ lễ cầu hồn, vía là 1 bát khoai môn, bí luộc; con gà luộc cũng được chặt ra bày lên mâm, 1 tô canh rau, 1 đĩa xôi trắng lớn bày giữa mâm, 1 chén muối ớt nhỏ và 4 chiếc muỗng, 4 đôi đũa đặt ở 4 góc. Chiếc mâm này vốn được treo ở gian thờ, chỉ được hạ xuống khi sắp mâm cúng chuẩn bị làm lễ.
|
Làm lễ trước ban thờ gia tiên |
Mâm cúng đã đủ, ông Biên thắp nhang, kính cẩn cúi đầu trước ban thờ gia tiên; nơi đó treo ảnh Bác Hồ và cờ Tổ quốc. Lễ vật trên ban thờ cũng giản dị: 1 con gà luộc, 1 đĩa xôi trắng, 1 hộp bánh bông lan, 1 đĩa đựng chung bánh trái, cau trầu.
Làm lễ xong, ông Biên lấy xôi vê nhỏ, chấm vào các đồ lễ rồi dính lên tóc hoặc trán các thành viên trong gia đình - vẫn theo thứ tự từ bé nhất đến lớn nhất. “Tiêu chuẩn” là mỗi người được dính 2 miếng, nhưng nhà nào con cái không về được thì phụ huynh sẽ được dính thêm 1 miếng xôi.
|
Ông Biên dính xôi lên tóc đứa cháu nhỏ tuổi nhất nhà |
Kết thúc lễ, ông dính xôi vào mặt chiếc mâm vuông. Lúc dính xôi cho các thành viên trong gia đình, những người có mặt cũng khấn theo ông Biên - xin thần linh, tổ tiên phù hộ cho gia chủ khỏe mạnh, may mắn. Khi mời tổ tiên về ăn tết, ông Biên cùng mọi người còn xin tổ tiên phù hộ cho mùa màng tươi tốt, gia súc, gia cầm sinh sôi.
Các nghi lễ đã xong, các thành viên trong gia đình ông Biên cùng họ hàng, xóm giềng ăn cỗ tết. Chiếc sừng trâu liên tục thêm nước vào các vò rượu cần. Men lá chếnh choáng, những bước chân, những vòng múa xòe càng thêm phần rộn rã.
Càng về khuya, những nụ cười càng sáng bừng gương mặt người tham dự; những vệt bí đỏ, khoai môn bôi lên mặt nhau như sự sẻ chia tài lộc, phúc đức của chủ nhà. Ngoài sân, tiếng gõ sạp càng khiến những bước chân, điệu múa thêm rộn rã.
Ngọc Minh Tâm