Vợ chồng tôi mở quán cơm ở một khu du lịch. Khách đến rất đều nhưng vì tiền thuê địa điểm đắt đỏ nên lời lãi chẳng xứng với công sức bỏ ra. Bởi thế, tôi luôn suy tính việc phải có được một nơi chốn mình là chủ nhân. Rồi tôi mua được một mảnh đất khá rộng cách thành phố 20km, vẫn còn là vùng ven đầy cỏ dại nên giá khá rẻ. Tôi dự định dành dụm đủ tiền sẽ mở một quán cà phê vườn với hy vọng lúc đó, nơi này đã trở thành phố thị.
Trước tiên là bắt tay vào việc trồng hoa.
Tôi thích trồng hoa xuống đất vì nghĩ cây cối sẽ phát triển tươi tốt ở nơi rộng rãi (và đỡ tốn tiền mua chậu). Chồng tôi trêu chọc rằng cái tính chi li đàn bà trong trường hợp này là vô lý, rằng phải trồng cây trong chậu để sau này tiện việc thiết kế, trang trí quán.
Trong thâm tâm, tôi công nhận chồng mình có lý nhưng để thừa nhận điều này thành lời thì… không bao giờ. Tôi hăm he: “Em duyệt chi cho anh tiền mua chậu nhưng nếu cây ốm yếu thì… cho anh ngắm một mình”.
Chồng tôi cũng không vừa, anh tuyên bố sẽ chứng minh bằng cách trước hết sẽ trồng mai vì đây là… một trong những loại cây gầy ốm nhất “để xem khi mùa xuân đến thì em có năn nỉ xin ngắm hay không”. Tôi chành miệng: “Chậu mai mùa xuân thì có gì là lạ!”.
|
Ảnh INTERNET |
***
Thời gian đầu mới mua mảnh đất, tôi siêng cùng chồng lui tới nhổ cỏ và bàn bạc, sau vì công việc lu bu mà cà phê vườn là dự định còn xa nên tôi giao khoán hết cho chồng, phần tôi lo quán cơm. Trước đây, tôi lo trong bếp còn chồng lo việc bưng bê và tiếp khách, nay chỉ mình tôi coi ngó tất cả nên khá mệt. Mỗi khi hình dung về “quán cà phê của mình” - nơi không có mùi hành tiêu tỏi ớt, ngập sắc màu và hương hoa… tôi lại thấy mình đủ sức gồng gánh và bươn chải.
Dịch COVID-19 ập tới. Đợt một, rồi đợt hai… giãn cách và phong tỏa; khu du lịch vắng tanh, hàng quán cũng vắng tanh. Tôi cầu mong đến tết sẽ đỡ hơn nhưng rồi ngay những ngày cuối năm, cơn dịch đợt ba lù lù xuất hiện cắt đứt mọi hy vọng vào việc mở quán ăn trở lại. Tôi rơi vào cảnh thất nghiệp toàn phần.
May mà phần lớn những chậu hoa chồng tôi chăm sóc đã kịp trổ bông. Tôi ngắm nghía những rực rỡ lộng lẫy và nói “cảm ơn anh đã trồng hoa trong chậu để em… mang đi bán có tiền chi tiêu”. Chồng tôi cười khì. Mấy khi được vợ chịu xuống nước cho nên anh được thể vênh mặt, kiểu như “em hãy tận hưởng, em hãy thu vào mắt vẻ đẹp và hít thật sâu mùi hương trước khi hoa về nhà người khác”.
Thế nhưng mấy cái chậu nhỏ bé thấp tè kia, thân cây chỉ bằng hai gang tay mà chẳng có cái hoa nào, tận hưởng kiểu gì? Tôi cà khịa nhắc lại lời thách thức “sẽ trồng mai” của chồng. Anh cười bí ẩn: “Em ơi, đó chính là điều đặc biệt của mùa xuân, chỉ chủ nhân của nó mới được thưởng thức, như khi ta pha một ấm trà…”. Hừm, từ ngày dính dáng tới hoa, chồng tôi cũng đâm ra hoa lá cành quá thể. Tôi nghiêm mặt: “Đừng sến súa nữa, anh nói rõ đi, mấy chậu mai chiết cành tí hon này có thể ra hoa đúng ngày không? Lỡ khách quen mua về mà hoa không nở, họ mắng vốn đầu năm thì kỳ lắm đó”.
Chồng tôi lắc đầu:
- Anh không dám trả lời câu hỏi gây hấn của em đâu. Anh chỉ là người làm vườn nghiệp dư, chỉ biết nâng niu cây. Em hãy trả lời với khách rằng mai nở đúng ngày là ước mong của cả người bán lẫn người mua. Chẳng phải mùa xuân là mùa dành cho những ước mong đẹp đẽ sao?
- Không cần màu mè vậy đâu. Anh làm ơn nói rõ mấy chậu mai tí hon đó có bán thành tiền được không. Sắp đến hạn trả tiền nhà rồi. Hay là mình trả mặt bằng quán ăn cho người ta để khỏi phải lo tiền thuê, mai mốt tính sau?
Chồng tôi nhăn mũi, như thể nhìn thấy tôi thay đổi đến tội nghiệp, như thể tôi đổ thừa cho khó khăn vì dịch bệnh mà trở thành kẻ tầm thường chỉ biết quan tâm tới tiền. Anh lại cười bí ẩn. Tôi rành kiểu cười này quá nên cho bưng mấy chậu cây lên xe chở đi luôn.
|
Ảnh: Phùng Huy |
***
Tôi bán hoa vì tình thế chứ không cố ý trồng để bán nên số lượng hoa không nhiều. Trong khi những “đồng nghiệp bán hoa” than thở dịch bệnh khiến việc buôn bán chậm, chắc phải qua giao thừa mới về nhà được thì đến chiều 29 tết, tôi đã xong chậu cuối cùng. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Mấy hôm gần tết, vợ chồng tôi giao nhà cửa cho hai đứa con dọn dẹp mà đàn bà muôn đời vẫn thấy công việc nào không có mình nhúng tay vào là… không xong.
Về đến nhà, tôi hò hét chỗ kia còn luộm thuộm, chỗ nọ còn bầy hầy… Chồng và hai đứa con vừa tuân lệnh tôi vừa liếc mắt nhìn nhau cười độ lượng. Rồi thì cũng đâu vào đó.
Như một ảo thuật gia, chồng tôi vén rèm cửa sổ cho tôi nhìn thấy chậu mai nhỏ bé nằm trên bệ. Dáng cây hơi nghiêng và có một nhánh nhỏ ở giữa thân nghiêng về hướng ngược lại tạo thành chữ Y. Tấm thiệp đong đưa dòng chữ “Cầu mong năm mới an lành để em bớt vất vả”. Hừ, thường ngày sến súa lắm mà không ngờ thiệp chúc tết lại ghi nhận thực tế nhường này. Nếu tôi tỏ ra cảm động thì ai kia sẽ vênh mặt cho mà xem, vậy nên tôi chỉ trề môi.
Chín cái lá xanh non rung rinh trong gió. Tôi đếm được 18 cái nụ bé xíu. Mấy hôm bán hoa cho tôi chút kinh nghiệm, những cái nụ này rất kiên cường… Bỗng nhiên tôi xúc động, thấy mình cũng như chậu hoa nhỏ này. Dịch bệnh khiến công việc làm ăn của tôi lao đao nhưng cũng khiến tôi kiên nhẫn và mạnh mẽ.
Hai đứa con tranh nhau nói, rằng “ba chọn ra chậu hoa có hình chữ Y này để tặng riêng má đó”. Nhìn khuôn mặt chồng ra vẻ tinh tế, tôi định cà khịa một câu nhưng sợ con tưởng ba mẹ cãi cọ rồi buồn nên tôi mỉm cười. Tôi cười với cái lườm dài tràn đầy yêu thương cho xứng với chữ Y để hai đứa con hớn hở thấy ba má mình vẫn tình tứ, để thấy mùa xuân vẫn tràn trề niềm vui, bất chấp.
Mặc kệ hoa lys trong cái bình gốm sang chảnh trên bàn, hai đứa nhỏ hớn hở “tự sướng” với cây mai hình chữ Y chưa nở cái bông nào mà đã khiến không gian quanh tôi bừng sáng rạng rỡ.
Tôi nhìn ngắm con mình đứa này chụp hình cho đứa kia rồi chụm đầu chọn xem “nên đăng tấm nào lên Facebook cho ngầu”. Cây mai bé xíu vậy mà có thể ngầu được sao? Ồ, má lạc hậu quá đi, ngầu đâu có nghĩa là hầm hố gai góc. Giọng chồng tôi thầm thì bên tai: “Anh nghĩ ra rồi, quán cà phê của tụi mình sẽ trồng 100 chậu mai. Em thấy tên quán là Trăm Năm có hay quá không?”.
Lại sến nữa rồi. Tôi bĩu môi, mà mắt cay cay.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
***
Những cơn gió giao mùa lại về. Dịch bệnh đợt bốn kéo dài gần nửa năm và mùa xuân này có thể xem là đợt dịch thứ năm. Do đã có kinh nghiệm đối phó nên sự giãn cách và phong tỏa không còn quá gay gắt như trước, quán ăn được phép bán. Tình hình chung vẫn khó khăn nhưng đã dễ thở hơn. Tôi chia tay khu du lịch quá đắt đỏ, chuyển quán cơm về nhà mình trên một con đường nhỏ.
Giờ đã qua rằm tháng Giêng, tôi đặt chậu mai trên tủ kính, nơi bày món ăn. Có người nói vị trí đó không thích hợp để chưng hoa, lại là loài hoa của mùa xuân. Người thì nói nhà có vườn sao không chuyển cây mai vô đó để chồng chăm bón cho đến khi ra hoa thì bưng về chưng là vừa.
Song, tôi thích tự tay chăm sóc cái cây này. Tôi nhìn thấy mình trong chậu hoa nhỏ thầm lặng cứng cáp từng ngày và tôi thích mỗi khi mở cửa quán, mắt mình lại nhìn thấy chữ Y của tình yêu anh dành cho tôi.
Nguyên Hương