Hóa chất trong nhà: Hiểm họa cho trẻ

16/04/2015 - 19:44

PNO - PN - Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, trong năm qua bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận hơn 50 ca ngộ độc hóa chất. Tuy không để lại hậu quả nặng nề cho trẻ, nhưng điều đáng nói là tình trạng trên xuất phát từ sự bất cẩn của người lớn.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngộ độc thuốc ngừa thai

Chị Anh Thư (Bình Thạnh, TP.HCM) kể, do tính chị hay quên nên luôn để vỉ thuốc ngừa thai ở đầu giường. Tối hôm đó chuẩn bị đi ngủ chị phát hiện vỉ thuốc không nằm đúng nơi quy định, còn bị mất hết mấy viên. Bên ngoài, cô công chúa nhỏ của chị nằm lăn lộn trên ghế, người đầm đìa mồ hôi, bé liên tục kêu mệt. Nghi ngờ bé uống thuốc của mình, chị vội vã đưa con vào bệnh viện. May mắn được cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bé.

Tương tự, bác sĩ Tiến cho biết, bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng từng tiếp nhận trường hợp ngộ độc thuốc ngừa thai của một cậu bé năm tuổi. Trong lúc lấy ví của mẹ chơi, trông thấy vỉ thuốc bé nghĩ là kẹo mẹ giấu nên lấy… ăn ngon lành.

Hoa chat trong nha: Hiem hoa cho tre
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo bác sĩ Tiến, bất kể loại thuốc nào cũng có khả năng gây ngộ độc cho trẻ, tác hại của nó phụ thuộc vào tác dụng của thuốc mà trẻ uống phải. Trẻ bị ngộ độc thuốc nhiều nhất là các loại thuốc an thần, cảm, ho hoặc paracetamol (sử dụng quá liều) vì thường được trữ trong gia đình. Ngộ độc thuốc có biểu hiện ngay tức thời như trẻ bị nôn ói, khó thở hoặc ngủ li bì. Nặng có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng lâu dài cho trẻ.

Nguyên nhân trẻ ngộ độc thuốc thường là do trẻ luôn nhầm tưởng thuốc là kẹo, nên cứ thấy thuốc là bỏ vào miệng. Bác sĩ Tiến khuyến cáo: Trẻ dưới ba tuổi chưa phân biệt được thuốc và kẹo cũng như tác hại của thuốc, gia đình nên để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ. Đối với các loại thuốc dành cho trẻ, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để tránh trường hợp uống quá liều.

Ngộ độc từ giấm, nước tro tàu

Không gây ra biểu hiện nhất thời, giấm, nước tro tàu âm thầm phá hủy cơ thể trẻ nếu chẳng may bé uống phải. Giấm được sử dụng làm dưa chua, nước tro tàu dùng để làm bánh. Do chúng được sử dụng để chế biến thức ăn nên nhiều gia đình không biết được tác hại của nó.

Ngộ độc giấm, nước tro tàu thường không có biểu hiện thay đổi sắc thái bên ngoài nên rất khó nhận biết. Biểu hiện ngộ độc cũng không xảy ra ngay sau khi trẻ uống, nhưng dần dần chúng gây viêm chít hẹp thực quản làm cho trẻ không ăn được cơm, dễ nhầm với việc trẻ biếng ăn. Sau đó càng ngày thực quản càng hẹp lại dẫn đến trẻ không ăn được cháo rồi đến không nuốt trôi nước, điều trị rất vất vả và phức tạp, nhiều trường hợp phải cắt bỏ thực quản.

Trẻ còn bị ngộ độc xăng, dầu lửa, cồn công nghiệp. Nhiều cha mẹ đựng những loại hóa chất này trong chai nước trà xanh, nước suối làm cho trẻ nhầm là nước uống. Ngoài ra trẻ còn bị ngộ độc thuốc diệt chuột, vì gia đình thường pha thuốc diệt chuột vào thức ăn để làm mồi cho chuột, không ngờ trẻ tìm thấy và ăn, đưa đến ngộ độc đáng tiếc.

Bác sĩ Tiến khuyến cáo: Đối với các loại hóa chất có khả năng gây ngộ độc cho trẻ, khi bảo quản không nên đựng vào các chai, lọ dễ gây nhầm tưởng với nước uống. Gắn nhãn mác lên chai và luôn để xa tầm tay trẻ. Tập cho trẻ thói quen uống nước bằng ca hoặc ly, đặt nước, ly uống nước ở một vị trí nhất định trong nhà.

Ngộ độc nước

Chị Kim Cúc (Quận 2, TP.HCM) kể, con trai chị 13 tuổi, bé rất thích chơi thể thao và thường xuyên luyện tập. Sau mỗi lần luyện tập, con thường kêu đau đầu. Tuy nhiên, vài tiếng đồng hồ sau trẻ bình thường trở lại. Lo lắng cho con, chị theo dõi và phát hiện các triệu chứng chỉ xuất hiện sau khi con uống rất nhiều nước.

Hoa chat trong nha: Hiem hoa cho tre
Ảnh minh họa. Nguổn: Internet

Theo bác sĩ Tiến, khả năng con chị Kim Cúc bị ngộ độc nước, bởi khi uống quá nhiều nước so với nhu cầu của cơ thể sẽ dẫn đến tình trạng giảm Natri trong máu xuống dưới mức bình thường. Người bị ngộ độc nước sẽ có cảm giác choáng, mệt mỏi, đau đầu. Ngộ độc nước nặng có thể dẫn đến hôn mê và tử vong. Trường hợp trên có thể bé bị ngộ độc nước ở mức nhẹ, cơ thể tự điều chỉnh được.

Ngộ độc nước còn xảy ra ở tình trạng tự sơ cứu cho trẻ. Như khi phát hiện trẻ uống nhầm hóa chất, gia đình thường ép trẻ uống nhiều nước, nhằm mục đích để chất độc bị loãng hoặc để trẻ nôn. Nhưng do trong nước bình thường không có chất điện giải từ đó dẫn đến tình trạng trẻ bị ngộ độc nặng thêm.

Bác sĩ Tiến khuyến cáo: Khi phát hiện trẻ uống nhầm các loại hóa chất, thuốc tây, cách tốt nhất là đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Biện pháp dùng ngón tay “móc họng” ép nôn dễ dẫn đến tổn thương đường thở, có thể làm tắc nghẽn đường thở gây khó thở.

Nhận biết từ hiện trường

Hiện trường là một trong những dấu hiệu đầu tiên nhận biết việc trẻ bị ngộ độc. Như hộp thuốc bị mở nắp, thuốc rơi trên nền nhà, chai nước bị mở nắp hoặc các vật này đặt để không đúng vị trí thường ngày. Bên cạnh đó là biểu hiện sắc thái của trẻ thay đổi, bé có thể tím tái hoặc đỏ lự, nôn ói, mệt mỏi, vật vã. Việc nhận biết ngay từ đầu của gia đình góp phần rất lớn vào việc cứu chữa kịp thời cho bé.

Ngoài ra không loại trừ khả năng bé bị ngộ độc hóa chất từ thực phẩm, rau củ. Vì vậy khi chế biến thức ăn cho trẻ, gia đình nên lựa chọn sản phẩm tươi sạch, rửa đi rửa lại nhiều lần bằng nước sạch.

“Trẻ nhỏ vốn hiếu động và tò mò trong khi đó khả năng nhận thức lại chưa hoàn thiện. Ở độ tuổi này khó để dạy trẻ nhận biết và phân biệt, hơn nữa tai nạn thường do “vô tình”. Vì vậy các bậc cha mẹ cần phải cẩn trọng khi đặt để các vật phẩm gây nguy hiểm cho trẻ trong nhà, bởi sẽ rất khó lường hết được hậu quả của nó” - Bác sĩ Tiến lưu ý.


LINH GIANG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI