Xong lễ một trăm ngày của bà, ông đã nghĩ đến chuyện “xí” cho mình một khoảnh đất. Ông không có yêu cầu gì đặc biệt, chỉ cần ở cạnh bà có gì còn đỡ đần. Không biết về “dưới kia” bà có tỉnh táo không, ông lo bà lơ ngơ đi lạc.
Ông vẫn sợ khi nghĩ đến bận ấy. Chợ xuân, ông đưa bà đi chợ, chợ đông, bà như đứa trẻ lần đầu ra ngõ, gì cũng thích, gì cũng muốn. Nhìn bà vui vẻ, ông bất giác nhớ lại thời bà còn là cô thiếu nữ đội nón lá trắng tinh, lấy khăn mùi xoa làm quai nón che ngang mặt, chỉ nhìn thấy đôi mắt cười đen láy.
Ông đã phải “lập mưu” bao bận mới làm cái quai nón ấy rơi xuống, để vầng trăng rằm hiện ra. Lâu thật lâu sau đó, ông bà mới được về một nhà sau khi đền cho bà một chồng nón lá quét nhựa thông thơm lựng.
Ông giật mình khi thấy tay trống không, mới tay núm tay níu đó mà đã không thấy bà đâu. Lơ đãng một chút, quá khứ đầy sắc màu hạnh phúc đã khiến ông chìm đắm. Với ông, bà vẫn là cô thôn nữ ngày nào, mặc kệ nếp nhăn, mặc kệ cau có, mặc kệ tất cả, bà vẫn nguyên vẹn vậy, trong ông.
Nhìn quanh, chợ không đông lắm nhưng tuyệt không thấy màu áo nào giống bà, chỉ những xanh đỏ làm ông hoa mắt hoảng hốt. Ông toát mồ hôi, chạy đôn chạy đáo tìm, gặp ai cũng níu lại hỏi...
Hóa ra bà sà xuống hàng bỏng ngô, say sưa ngắm những cánh hoa bỏng màu trắng, hít hít mùi hương dìu dịu của nó. Bà thích bỏng, khi nấu cơm thường ngồi cạnh bếp, chờ có hạt lúa nào sót trong mớ rơm rối, nổ tách một cái, một bông hoa bỏng trắng muốt hiện ra...
Sau phiên chợ xuân ấy bà ốm, hoa bỏng cũng không khiến bà vui, những bông ngọc lan trắng như ngón tay thời trẻ cũng không khiến bà nhìn đến. Bà nằm thiêm thiếp, chỉ có những ngón tay hơi co lại khi ông đặt tay mình trong tay bà.
Ông không rời bà nửa bước, sợ sẽ lạc bà như trong phiên chợ. Khi ông tìm thấy bà, nước mắt đã ướt đẫm má, bà ngơ ngác bên thúng bỏng. Cô bé bán bỏng bảo cháu mời cách nào bà cũng không nhận, bảo không có tiền. Cháu có lấy tiền đâu, bà cứ nhìn rồi khóc.
Ông mua cho bà một ống bỏng, bà ôm ghì vui sướng suốt đường về, tíu tít khen chợ thật đông vui, khen bỏng thật thơm.
Ngay cả những phiên chợ vui cũng không níu được bà. Một tháng sau, bà bỏ ông đi, nhẹ nhàng trong giấc ngủ, trên cái tủ đầu giường vẫn còn túi bỏng thơm dìu dịu. Đám tang bà, bầy chim sà xuống rất đông, chúng lích rích nghiêng ngó nhặt tìm những bông hoa bỏng bé xíu trắng muốt thơm tho.
Vợ chồng thằng con trai về đón ông vào ở với chúng nó, viện cớ thằng Tũn bắt đầu biết nghịch, cần ông trông coi. Ông thắp hương lên bàn thờ bà, bảo bà đi cùng, tôi vào với chúng nó, tôi biết chúng lo, sợ bố ở một mình nghĩ quẩn. Con nó có hiếu thế, cũng là niềm tự hào của vợ chồng mình, chỉ tiếc bà đi sớm quá không chờ được lúc con báo hiếu. Bà yên tâm, tôi sẽ thay bà thương yêu vợ chồng nó cùng thằng cháu nội.
Thành phố xa lạ, thế giới của ông là căn phòng hơn mười mét vuông và cái sân chung cư chiều về rộn tiếng trẻ con. Có lần ông nghe như có mùi thơm của bỏng, tìm quanh tìm quất chỉ nghe hương thoảng xa xa, lại tần ngần thành phố làm gì có thóc lúa, gạo xát kỹ trắng tinh, tìm không ra hạt thóc. Nấu nướng bằng bếp gas, bếp điện, làm gì có chỗ cho bỏng nảy ra.
Ông nhớ quê, nhớ bà nhưng không đành lòng nói với con. Vợ chồng con trai đi làm suốt, về nhà cũng không ngơi tay, lắm khi đến nửa đêm hai vợ chồng vẫn ôm hai máy vi tính, nói bố ngủ trước đi, chúng con còn bận tí việc.
Ông đành lủi thủi về phòng, không giúp được gì cho chúng, chưa bao giờ ông thấy bất lực thế này. Con cái, rồi đứa cháu sẽ nhanh chóng rời khỏi vòng tay ông, ông lại thành người để chúng bảo bọc. Nhưng như thế cũng là may nếu so với những cảnh con không nhận cha, hắt hủi mẹ.
Đón thằng Tũn về, thằng bé reo lên: - Chim bồ câu kìa ông ơi, nhiều quá!
Bà hàng xóm cho chim ăn, đàn bồ câu dạn dĩ xuống ăn ngay trên tay người, vừa ăn vừa nghiêng ngó bằng đôi mắt bé long lanh. Nhìn những hạt thóc vàng ươm trên tay bà, ông tưởng mình hoa mắt. Hỏi ra mới biết bà tên Hậu, ở cùng tầng với ông, cách ba căn, gần cầu thang bộ. Bà Hậu cũng ở với con trai.
Ông xin ít thóc về rang, những hạt thóc nhảy nhót trên cái chảo không dính, chúng không có mùi thơm như lúa quê. Nhìn hoa bỏng ông nhớ bà quay quắt, ông bỏ nhúm bỏng vào cái dĩa bày lên bàn thờ. Bà dùng tạm cho đỡ nhớ, mai kia về quê, tôi rang lúa quê mình cho bà. Cây ngọc lan góc vườn nhà mình chắc lớn lắm rồi, đám trai làng biết nhà mình đi vắng, thế nào chả leo vào vườn hái hoa cho bạn gái.
Ngày xưa, mỗi ngày tôi dúi cho bà một nắm gói trong cái khăn tay nho nhỏ, hẳn bà vẫn chưa quên? Cây ngọc lan ấy, không biết đã xe duyên kết nối cho bao đám trai gái thành vợ thành chồng.
Bà Hậu nhìn chăm chú những hạt bỏng, còn lấy tay sờ thử. Bà Hậu dân thành phố, có biết ruộng vườn là gì. Ông kể chuyện cũ, bà ngẩn người ngồi nghe, ngày trở nên ngắn hơn.
Mẹ bà Hậu khi xưa có sạp đồ khô ở chợ, con gái lớn lên, mẹ giao cho, và cái sạp nhỏ hơn một mét vuông đã đóng khung cuộc đời bà. Con trai đã lớn, nó không muốn bà lụm cụm với mấy đồng bạc lẻ nên lén mẹ bán sạp, đòi bà lên ở với nó, nhà cũ đóng cửa để đó.
- Tôi có nhà ở thành phố mà như đi ở nhà thuê.
Ông hiểu nỗi niềm của bà Hậu. Nhớ quê, ông cũng cố nhịn, sợ con trai con dâu lo lắng. Chúng nó kiếm sống cũng không dễ dàng, ông không muốn mình thành gánh nặng của con. Đêm đêm, ông nói chuyện với bà cho nhanh sáng. Già rồi ngủ mấy, ban ngày đâu bận bịu gì, ngủ bù cũng không sao.
|
Ông bà xa lạ với ồn ào phố xá, với những bức tường bê tông lạnh lẽ, im lìm |
Bà Hậu ốm, ông nghe tiếng con dâu cùng tiếng nồi chảo khua. Hằng ngày bà Hậu nấu cơm chờ con về, nay bà nằm một chỗ, đã không giúp được gì còn để con dâu phục vụ.
Ông sang, bà ứa nước mắt, tội chúng nó đi làm đã mệt, về còn phải hầu hạ bà già ốm đau. Tôi bảo chúng nó cho mẹ về nhà cũ mà nó không chịu, nói nhà người ta đang thuê, đâu phải muốn lấy lại là lấy.
Tôi đâu cần cả cái nhà, chỉ cần gian nhà dưới là được. Đành rằng con đâu cha mẹ đấy, nhưng tôi muốn về nhà mình, tôi sợ không còn được nhìn thấy nó.
Ông gạt đi, đừng nói gở, bà còn khỏe lắm, bà không nghĩ đến thân mình thì cũng nghĩ cho con cháu, cho tôi với. Vắng bà, tôi biết kể chuyện quê cho ai nghe. Thấy bà nằm im, ông mừng mừng, đôi khi một lý do rất “người dưng” cũng đủ níu người ta lại.
Ông ra về lúc cô con dâu bà Hậu mang cháo vào phòng, mặt quạu đeo mệt mỏi. Ông khẽ ngoái nhìn, lại nhớ bà nội cu Tũn, ngày con dâu mới về, nhăn mặt khi thấy móng tay mẹ chồng đen sì nhựa rau xới cơm cho cả nhà.
Thấy con trai hầm hừ, bà gọi con vào nói nhỏ, vợ là một nửa của mình, có gì từ từ khuyên bảo nhau, to tiếng nóng giận không giải quyết được gì, anh em cùng cha cùng mẹ mà nhiều khi còn hục hặc, nói gì hai người xa lạ về cùng một nhà, gì cũng phải chín bỏ làm mười, mười vo thành hai mươi mới được.
Không biết con trai nói vợ thế nào mà con dâu chủ động gặp bà xin lỗi, mẹ chồng nàng dâu hòa thuận thế cho đến khi bà đi. Bà là thế, cả đời chẳng biết cáu gắt với ai, dù “ghê gớm” ra trò, bằng chứng là ngày xưa, để mang bà về cùng một nhà, ông đã tốn bao mồ hôi công sức.
Con dâu đưa cho bố chồng túi trái cây để ông đi thăm bệnh, còn đùa: - Con tưởng không còn ai hiền như mẹ. Nghe bố kể mà con tưởng kể mẹ nhà mình.
Ông ngẩn người, ừ nhỉ, thảo nào ông thấy bà Hậu thật thân thuộc, hay người phụ nữ nào cũng như vậy, giống nhau?
Con trai cười, ông bà có định về chung nhà không để chúng con còn chuẩn bị lễ. Ông cười: “Hay anh muốn đẩy bố anh đi cho nhẹ nợ?”
Ông vui cả buổi tối, đêm ngủ rất ngon, sáng ra nhìn hình bà tần ngần, đêm qua tôi không nói chuyện, bà có giận tôi không? Bà Hậu chân chưa lấm bùn bao giờ nhưng có nhiều nét giống bà, cũng thích mùi hoa bỏng. Những buổi chiều cho đàn bồ câu ăn bây giờ có ông với thằng Tũn phụ. Đàn bồ câu ấy chẳng phải của bà Hậu đâu, thấy chúng tha thẩn thì bà cho ăn, vậy thôi.
Bà Hậu bệnh nặng hơn, con trai bà nói đưa mẹ về nhà cũ cho bà thỏa nguyện, có gì còn có bà con khu phố. Ông nghe buồn, một mình ra chợ mua cân thóc, thay bà cho đàn bồ câu ăn. Đám chim sà xuống, thấy người lạ nên không hào hứng như mọi ngày. Cũng có thể chúng cảm nhận được người cho thóc không có tinh thần. Ông định chiều nay nói con trai chở đi thăm bà Hậu một lần, dầu gì cũng quen biết bấy lâu.
Con dâu bà Hậu đi làm về giữa buổi, nói bác ơi bà nhà cháu chắc không qua được rồi. Chồng cháu bảo về gấp. Khổ thế cơ chứ! Cháu về đón con rồi phải đi ngay, bác gọi hộ cháu cái taxi với.
Ông tần ngần nhìn túi thóc, về nhà bắc chảo lên bếp, khuấy nhè nhẹ đôi đũa, chờ những tiếng reo và hoa bỏng bung nở trắng xóa. Có đôi hạt cháy khét ngả màu, chắc bà chẳng giận đâu, bà Hậu nhỉ?
Ông đùm nắm hoa bỏng, dúi vào tay con dâu nhà hàng xóm, tôi gửi cho bà ấy. Cô con dâu vâng ạ, vừa đi vừa kéo khóa áo khoác, túi hoa bỏng tuột một bên quai rơi lả tả xuống hành lang, hoa tràn ra, trắng muốt. Cô thụp xuống khom hai tay vơ vào, bật khóc “con xin lỗi bác”.
Ông hất hất bàn tay gầy guộc của mình, hối chị đi nhanh kẻo muộn. Taxi chờ nãy giờ.
Ông ngồi nhặt những bông hoa bỏng trắng tinh còn ấm, chợt nhớ những bông hoa bỏng rắc bên mộ bà ngày nào, chúng lẩn nhanh xuống đám cỏ xanh nhưng vẫn bị đàn chim tìm thấy. Lũ chim mang hoa bỏng đến cho bà, hẳn chúng biết bà ở đâu...
Nguyễn Thị Thanh Bình