Hòa bình trên đầu súng

08/07/2019 - 10:00

PNO - "Nếu cả Mỹ và Trung Quốc đều theo đuổi các hành động cứng rắn, đó sẽ là thời khắc nguy hiểm tại Biển Đông..."

“Dưới thời Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã nâng tầm các lực lượng tên lửa của họ đến mức nhiều tên lửa trong kho vũ khí của Trung Quốc giờ đây ngang ngửa hoặc vượt trội so với các tên lửa Mỹ. Sự thay đổi mạnh mẽ này có thể khiến các tàu sân bay Mỹ - vốn là xương sống của uy thế quân sự Mỹ - trở nên lỗi thời trong một cuộc xung đột với Trung Quốc”. 

Hoa binh tren dau sung
Tên lửa DF-21D

Mẩu tin trên của Reuters khiến mọi người yêu hòa bình trên thế giới phải e ngại. Và mới đây nhất, trong tuần cuối tháng 6/2019, các nguồn tin Mỹ cho biết, Trung Quốc đã tiến hành một loạt thử nghiệm vũ khí trong vòng 5 ngày ở Biển Đông.

Theo các nhà quan sát, loại tên lửa đạn đạo chống hạm mà Trung Quốc phô diễn là DF-21D. Loại tên lửa này được thiết kế để có thể vận chuyển trên đường bộ và đường thủy, triển khai tới các đảo mà Trung Quốc chiếm giữ ở Hoàng Sa hoặc bảy đảo nhân tạo tại Trường Sa.

Theo các nhà phân tích quân sự Trung Quốc và phương Tây, DF-21D có khả năng nhắm mục tiêu vào các tàu sân bay và các tàu chiến khác đang di chuyển trên biển ở cự li lên tới 1.500km. Nếu được đưa vào sử dụng, những tên lửa này sẽ đem lại cho Trung Quốc khả năng hủy diệt mà không lực lượng quân đội nào khác có được. Các nhà phân tích quân sự nước ngoài cho rằng, điều đó phát đi tín hiệu Trung Quốc có khả năng chống lại sự can thiệp khi nước này mở rộng quyền kiểm soát đối với các vùng rộng lớn ở Biển Đông, tăng cường các lực lượng xuất kích của hải quân và không quân xung quanh Đài Loan và mở rộng hoạt động sang vùng lãnh thổ mà nước này tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.

Không chỉ phô trương vũ khí. Trước đó không lâu, vào tháng 3/2018, nhóm các nhà nghiên cứu do chính phủ Trung Quốc tài trợ đã công bố bằng chứng mới thể hiện đường chữ U là đường biên giới trên biển của Trung Quốc. Tuy công trình nghiên cứu này đã bị nhiều học giả trên thế giới phê phán, nhưng nó cho thấy Trung Quốc tiếp tục dai dẳng với tham vọng trên Biển Đông.

Tiến sĩ Ian Storey là nhà nghiên cứu cấp cao làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore cho rằng, phản ứng của Trung Quốc trước các lời chỉ trích tại Đối thoại Shangri-La tháng 6/2018 tiếp tục theo công thức tuyên bố Trung Quốc có quyền triển khai các vũ khí phòng thủ tới Trường Sa để bảo vệ chủ quyền quốc gia và các hoạt động này không đe dọa tự do hàng hải và ổn định trong khu vực. Ngược lại, đại diện Trung Quốc tham gia Đối thoại Shangri-La cáo buộc Mỹ đang quân sự hóa tranh chấp bằng việc tiến hành các hoạt động khiêu khích dưới chiêu bài tuần tra bảo vệ tự do hàng hải.

Tiến sĩ Ian Storey dẫn theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, “Trung Quốc có đủ khả năng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông và sẽ không tha thứ cho các hành động khiêu khích từ bất kỳ quốc gia phương Tây nào. Nếu cả Mỹ và Trung Quốc đều theo đuổi các hành động cứng rắn, đó sẽ là thời khắc nguy hiểm tại Biển Đông”. 

Đáng chú ý, theo cuốn sách Các cường quốc và đại chiến lược - Ván bài mới trên Biển Đông (Great Powers, Grand Strategies: The New Game in the South China Sea), do Anders Corr làm chủ biên, xuất bản năm 2018 bởi nhà xuất bản Học viện Hải quân (Naval Institute Presss), Maryland, Mỹ, ngay trong phần mở đầu, chủ biên Anders Corr đã nhấn mạnh, cuốn sách sử dụng cụm từ “xung đột” trên Biển Đông thay vì “tranh chấp” trên Biển Đông do mức độ quân sự hóa cao độ, trong đó nổi bật nhất là các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại đây, đồng thời va chạm trên Biển Đông, ở nhiều hình thức khác nhau, thậm chí đã dẫn tới tổn thất về tính mạng của hàng trăm người. 

“Thời khắc nguy hiểm” mà tờ Thời báo Hoàn Cầu nêu ở trên dường như ngày càng đến gần hơn… 

Kim Yến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI