Hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, có thể không?

12/02/2018 - 06:17

PNO - Sau nhiều thập kỷ đổ máu và xung đột, việc vận động viên hai miền Triều Tiên cùng thi đấu dưới một màu cờ sắc áo ở Thế vận hội Mùa đông 2018 là một tín hiệu mang thông tin tốt lành.

Nếu không phải là ông Moon Jae In, một vị tổng thống theo đường lối ôn hòa, một người có niềm tin vào sức mạnh của việc người Triều Tiên nói chuyện với người Triều Tiên khi giải quyết những tai ương dai dẳng trên Bán đảo Triều Tiên từ khi hai miền bị chia cắt, sự tan băng khó có thể xảy ra.

Hoa binh tren Ban dao Trieu Tien, co the khong?
Từ phải qua: Bà Kim Yong Jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, ông Kim Yong Nam, vị chủ tịch Quốc hội Triều Tiên năm nay 90 tuổi, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, đang xem trận đấu khúc côn cầu nữ tại Thế vận hội mùa đông 2018 hôm 10/2 - Ảnh: AP

Ông Moon luôn ôm ấp giấc mơ hòa giải, thậm chí khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa trong những tháng đầu tiên ông trở thành tổng thống, đặt ông vào thế phải có đường lối cứng rắn trong bối cảnh căng thẳng giữa Hàn Quốc và Mỹ với Triều Tiên.

Giờ đây, với lời mời gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở Bình Nhưỡng do đích thân em gái ông ta, bà Kim Yong Jong, chuyển lời bên lề Thế vận hội Mùa đông 2018, ông Moon hẳn đang bên bờ của một quyết định mang tính di sản.

Hoa binh tren Ban dao Trieu Tien, co the khong?
Kim Yong Jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, cùng Tổng thống Moon Jae In và các quan khách xem trận đấu khúc côn cầu trên băng Thụy Sĩ-Triều Hàn hỗn hợp ở Gangneung ngày 10/2 - Ảnh: AP

"Chóng mặt" là cách một tờ báo Hàn Quốc miêu tả cơn lốc xoáy ngoại giao trên bầu trời Bán đảo Triều Tiên, với tất cả những người chơi chính dường như mong muốn những điều khác nhau và ông Moon, nhiều trường hợp là người duy nhất bình tĩnh trong cơn bão.

Là con trai của người tị nạn từ miền Bắc và là người ủng hộ nhiệt thành chính sách Ánh dương hòa giải với Triều Tiên của chính phủ ôn hòa trước đó, cả đời mình ông Moon chờ đợi cơ hội này.

Câu hỏi bây giờ là liệu ông có thể thuyết phục người Triều Tiên, người Hàn Quốc và Washington ủng hộ cuộc chơi của mình hay không.

Ông Moon chưa chính thức chấp nhận lời mời của Triều Tiên, và Washington có lẽ cho rằng ông không nên đến thăm Bình Nhưỡng chừng nào Triều Tiên còn chưa đặt vấn đề hạt nhân lên bàn đàm phán.

Trong khi đó, nhiều người Hàn Quốc sống trong sự đe dọa của chiến tranh nhiều thập kỷ nay và được biết vụ 50 công dân Hàn Quốc bị tàn sát trong vụ tấn công được đổ lỗi cho Triều Tiên năm 2010, sẽ hết sức cảnh giác với bất cứ thỏa thuận nào không đảm bảo an ninh thực sự.

Ông Moon biết những rủi ro của mình, nên đến nay ông vẫn tiếp cận thận trọng lời mời của Bình Nhưỡng, nhưng sự thay đổi nhanh như chớp từ thù địch sang sự quý mến có thể là một cơ hội quá hấp dẫn để vượt qua.

Hoa binh tren Ban dao Trieu Tien, co the khong?
Tổng thống hàn Quốc Moon Jae In cùng các vị khách Triều Tiên xem trận khúc côn cầu Thụy Sĩ-Hàn Triều kết hợp - Ảnh: AP

Thật khó để tìm được một so sánh lịch sử chính xác với tình hình ông Moon lúc này. Đó không phải chuyến viếng thăm bất ngờ của Nixon đến Trung Quốc, đó cũng không phải là Reagan yêu cầu Liên Xô phá bỏ bức tường Berlin.

Có lẽ sự so sánh tốt nhất của ông Moon là với người ông gọi là "số mệnh" của mình, người cả đời theo đuổi chính sách hòa giải với Triều Tiên – cố Tổng thống Roh Moo Hyun.

Chàng thanh niên Moon lớn lên trong cảnh đói nghèo ở Busan do cha mẹ chạy trốn chiến tranh, bị bỏ tù do tham gia lật đổ các nhà lãnh đạo quân sự Hàn Quốc và buộc phải gia nhập lực lượng đặc nhiệm ưu tú như một sự trừng phạt.

Không thể trở thành một thẩm phán vì hoạt động thời sinh viên của mình, ông trở thành một luật sư nhân quyền tại một thời điểm công việc này thực sự bị nguy hiểm.

Khi ông Roh trở thành Tổng thống Hàn Quốc năm 2003, ông Moon chịu nhiều ảnh hưởng từ người thầy của mình - Roh Moo Hyun – và mang biệt danh “Thư ký quốc vương” và “Cái bóng của Roh Moo Hyun".

Ông Moon tham gia suốt lộ trình “Ánh dương” của cố Tổng thống Roh Moo Hyun, một sự tiếp nối chính sách từ cố Tổng thống Kim Dae Jung, người đoạt giải Nobel Hoà bình và cựu tù chính trị vào cuối những năm 1990.

Theo một bài xã luận trên nhật báo Hàn Quốc Kyunghyang Sinmun, chuyến thăm của bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, có thể "mở rộng cánh cửa" đàm phán liên Triều và đóng góp cho hòa bình khu vực.

Trong khi đó, tờ báo bảo thủ Dong-A Ilbo cảnh báo rằng Hàn Quốc có thể đánh mất lòng tin của Mỹ và Nhật Bản khi ve vãn Triều Tiên ngồi lại đàm phán, và Bình Nhưỡng có thể “triển khai chiến lược lợi dụng chính phủ Moon Jae In làm lá chắn đối với Mỹ”, khi biết rằng Seoul và Washington có kế hoạch nối lại các cuộc tập trận vào tháng 3/2018.

Tờ báo kết luận: "Tình hình hiện tại trên Bán đảo Triều Tiên rất ‘chóng mặt’ vì Hàn Quốc, Triều Tiên và Hoa Kỳ mỗi bên theo đuổi ý đồ riêng của mình”.

Cẩm Hà (Theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI