Đêm thứ sáu của chuyến hải trình dài tám ngày, tôi đã thấm thía nỗi nhớ đất liền da diết. Trên con tàu KN 290, từng sáng từng chiều, trước mắt tôi chỉ là bình minh và hoàng hôn, vô định bến bờ, thậm chí còn không phân biệt được ngày tháng. Có thế mới thấy thương quý vô cùng những người chiến sĩ hàng năm trời ở nơi đầu sóng ngọn gió, nhìn khắp bốn phương chỉ thấy một đường chân trời tít tắp; mới hiểu vì sao có người lính trẻ đã không kìm được nước mắt khi nhiều tháng ròng mới được nghe lại giọng nói từ đất liền...
|
Phút nghỉ ngơi của những người lính hải quân đảo Sơn Ca |
Ươm giấc mơ
Ngồi trước sân Trường tiểu học Song Tử Tây, thầy giáo Nguyễn Hữu Phú hồi tưởng lại chuyến ra đảo của anh hơn một năm trước. Tàu gặp bão, không vào đảo được, cả đoàn phải lênh đênh ngoài biển nửa tháng trời. “Ai cũng say sóng, mệt lả. Nhưng đến khi đặt chân lên đảo, thấy các em học sinh và người dân ra đón trong mừng vui, chúng tôi không ai còn cảm giác mệt mỏi nữa. Được dạy học ở Trường Sa, với tôi, là cả một giấc mơ lớn. Các em nhỏ ở đây rất dễ thương, trong sáng, ngoan hiền, không có gì ngăn cách giữa thầy và trò. Biết điều kiện học tập của các em không thể bằng đất liền, tôi muốn mang đến cho các em những gì tốt nhất” - thầy Nguyễn Hữu Phú tâm sự. Thầy Phú (37 tuổi) vẫn chưa có gia đình riêng, nhưng anh bảo, hết nhiệm kỳ tình nguyện, nếu được, vẫn sẽ đăng ký xin ở lại đảo dạy học.
|
Thiếu nhi Trường Sa tham gia giao lưu văn nghệ |
“Ai cũng nói cuộc sống trên đảo nhiều khó khăn, nhưng mình còn trẻ, khó khăn nào mà không vượt qua được. Hồi đó, gia đình tôi cũng thiếu thốn đủ bề, nhưng ra đảo mới thấy, điều kiện sống của mình khi xưa vẫn còn tốt hơn các bé bây giờ rất nhiều. Trước kia tôi dạy ở Nha Trang, nhưng luôn thấy trong lòng mình sự thôi thúc muốn được về với biển đảo. Khoảnh khắc đặt chân lên đảo Sinh Tồn, phải nói rằng, mọi thứ đều quá xa lạ, bỡ ngỡ. Nhưng khi quen dần, lại thấy thân thương. Các em nhỏ rất ham học. Ngoài giờ lên lớp, các bé hay lên trường chơi, rồi thầy dẫn đi tập bơi, tắm biển. Với tôi, năm tháng này không phải là công việc nữa, mà là mình được sống trọn vẹn niềm vui với các em” - thầy giáo Nguyễn Công Qua (sinh năm 1994, Trường tiểu học đảo Sinh Tồn) bộc bạch.
Món quà của những người thầy tình nguyện dành cho những mầm non của đảo không có gì ngoài bút viết, sách vở, những câu chuyện kể và tình yêu thương. Với các trò nhỏ, thầy còn là anh, là bạn. Chúng quấn quýt và tin cậy. Quà trò dành cho thầy, khi là trái bàng vuông, lúc viên đá, vỏ ốc biển. Những trao nhận lấp lánh yêu thương, trân quý. Dưới những tán bàng, tiếng trẻ con ê a đọc chữ. Nghe như thanh âm của những giấc mơ ngân dài bất tận.
Những đứa trẻ với đôi mắt sáng ngời, hồn nhiên nói rằng, mai này lớn lên, con sẽ trở thành thầy giáo, cô giáo, chiến sĩ hải quân… Nhìn chúng hào hứng với quà bánh, những que kem mát lịm - quà từ đất liền mang ra, mới thấy hạnh phúc của con trẻ thật đơn sơ mà huy hoàng. Chúng làm rộn rã không gian của người lớn bằng sự hồn nhiên, trong trẻo. Tôi vẫn nhớ khuôn mặt bụ bẫm, tinh nghịch của Nguyễn Lưu Nhật Huy “mê đọc sách, thích đi học”; Doãn Lữ Ái Nhi thích “chơi năm mười, hái lá dừa bắt cào cào”; bé Hạo Nam hồn nhiên bên những mắt lưới, ai nói gì cũng cười mắc cỡ, hiền lành; bé Thiên Lân ngày chưa biết chữ đã thích nghe thơ và có thể thuộc thơ rất nhanh…
|
Hoa bàng vuông lặng lẽ |
“Tôi mừng khi thấy con lớn lên, biết được rất nhiều thứ thuộc về đảo, về biển cả. Không so sánh được với điều kiện vui chơi của trẻ con ở đất liền, nhưng các bé ở đây lại có nhiều trò chơi khác gần gũi với thiên nhiên. Khi còn sống ở đất liền (xã Cam Tân, H.Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), tôi hay bị cảm, đau đầu, nhưng từ khi ra đảo sống, không khí trong lành, gần một năm nay tôi không thấy đau ốm gì. Ở đây, tôi cũng có thể dành thời gian chơi với con nhiều hơn, mừng vì thấy con ngày một lớn, biết yêu thiên nhiên, yêu biển” - chị Lữ Thị Kim Cúc (sinh năm 1989), Chủ tịch Hội Phụ nữ đảo Sinh Tồn, bày tỏ. Những chồi non của đảo, ươm xanh giấc mơ và niềm hy vọng cho người lớn. Chợt nhớ những câu thơ trong bài của Nguyễn Khoa Điềm: “Mai này con ta lớn lên/ Con sẽ mang đất nước đi xa/ Đến những tháng ngày mơ mộng…”.
Xanh hy vọng
Trên chuyến xe di chuyển đến Lữ đoàn 125, để bắt đầu chuyến hải trình, Bùi Minh Thắng - công dân trẻ TP.HCM 2017, chủ trang trại Nấm 10 Sài Gòn (H.Củ Chi) - hào hứng chia sẻ đề án trồng nấm của anh ở Trường Sa.
Thắng tham gia chuyến đi này cũng là để thực địa môi trường sống, điều kiện thời tiết trên từng điểm đảo, xem liệu có thể áp dụng mô hình phát triển vườn nấm được không. “Trước đây, tôi đã thực hiện thành công mô hình vườn nấm cho bộ đội tại đảo Thổ Chu (Phú Quốc, Kiên Giang). Phôi nấm dễ trồng, phát triển nhanh, có thể tái thu hoạch nhiều lần. Tuy nhiên, cần nhất vẫn là có đủ nguồn nước ngọt. Chỉ cần các đảo có máy lọc nước là có thể đảm bảo được môi trường sống cho nấm phát triển. Tôi rất hy vọng mô hình thành công, để có thêm nhiều vườn nấm tăng gia cho các chiến sĩ” - Bùi Minh Thắng nói. Ngày trở về, anh vui mừng cho biết, trước mắt có thể khởi động mô hình trồng nấm trên các đảo nổi: Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca và Trường Sa Lớn.
Trên các điểm đảo mà đoàn ghé thăm, kể cả đảo chìm như Đá Thị, Đá Lát, Núi Le A, Tiên Nữ, nhà giàn DK1/21… nước ngọt rất khan hiếm. Trong diện tích nhỏ hẹp, các chiến sĩ vẫn tổ chức trồng được những vườn rau thanh niên. Cải xanh, mồng tơi, rau dền, sam, rau đay, rau thơm... đều xanh um, tươi tốt. Giữa biển khơi, màu của sự sống, màu của hy vọng và đâm chồi sinh sôi ấy vẫn vươn lên, tràn đầy sức sống.
|
Bà Võ Thị Dung, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM thăm hỏi học sinh trên đảo Song Tử Tây |
Trong số hơn 800 phần quà đoàn công tác số 7 của Đảng bộ TP.HCM mang đến Trường Sa, có những cây đa, hoa giấy, đã được chuyển đến các điểm đảo và nhà giàn. “Như người lính can trường nơi đầu sóng/ Hoa e ấp rung rinh màu rực rỡ/ Sắc dịu dàng người em gái hậu phương/ Đưa hoa ra Trường Sa ta gởi tim mình ra đó”. Trao tặng hoa giấy cho Trường Sa, bà Võ Thị Dung, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM - Trưởng đoàn công tác đã viết thành thơ cảm xúc bồi hồi. Đêm Trường Sa, hoa bàng vuông lặng lẽ nở. Trường Sa bây giờ đã có thảm thực vật đa dạng, với hơn 1.500 cây xanh bao phủ. Nhiều công trình dân sinh được xây dựng. “Thủ đô của Trường Sa” - đảo Trường Sa Lớn cũng là nơi thường xuyên đón các đoàn công tác, ghé thăm từ đất liền. Trong chuyến thăm lần này, đoàn công tác số 7 cũng đã làm lễ gắn biển công trình Nhà văn hóa đa năng, do cán bộ, chiến sĩ và nhân dân TP.HCM trao tặng đảo chìm Đá Nam (trị giá 38 tỷ đồng).
Biển cả mênh mông và biển cả chở che. Tôi đã nhìn thấy bãi bồi trên đảo Sinh Tồn đang được phủ xanh bằng cây muống biển. Các chiến sĩ trên đảo cho biết, phải chờ thêm một thời gian nữa, khi san hô tan mềm trở thành mùn, lớp đất bồi ấy sẽ trồng được rau xanh. Có nghĩa là diện tích đảo cũng đang dần được mở rộng. Ở đâu có con người, ở đó sẽ có những bước chân mở cõi. Từng thế hệ lớn lên và chọn đến với đảo, bồi đắp niềm tin và tình yêu thương. Mỗi người một cách, góp vào lý tưởng chung, gìn giữ vùng biển vùng trời.
|
Đại biểu đoàn công tác thăm hỏi chiến sĩ trên đảo Tiên Nữ |
Đảo bình yên chim hót
Tôi đi tìm tiếng chim trên đảo Sơn Ca. Các chiến sĩ cho biết, tháng Tư không phải là mùa chim về làm tổ. Phải đến cuối năm, sơn ca cùng một số loài chim khác mới rủ nhau về. Nhưng trên những cây bàng vuông, vẫn còn “dấu tích” của những chú chim mới về đêm trước. Tôi đứng trên hải đăng, nhìn khắp bốn bề là nước, giữa biển khơi mênh mông như vậy, mà tiếng chim vẫn hót trên đảo Sơn Ca. Đất lành chim đậu. Hít một hơi thở dài vương mùi gió biển, thu vào tầm mắt mái chùa thanh yên hướng ra biển cả. Trong không gian yên tĩnh với trời biển của Tổ quốc mình, nghe như trong sóng nước là câu hát: “Em yêu anh em ra với đảo/ Đứng bên anh như đứng giữa quê nhà/ Giữa mênh mông xanh trời xanh biển/ Hát bên anh em thành chim sơn ca/ Ôi Sơn Ca giữa bao la ầm ào sóng vỗ…” (lời ca khúc Chim sơn ca trên đảo Sơn Ca, nhạc sĩ Doãn Nho).
|
Giao lưu văn nghệ trên đảo Sơn Ca |
Bình yên, xanh mát là cảm giác có thật của nhiều người trong đoàn công tác khi đặt chân lên đảo Sơn Ca. Đất trên đảo là cát san hô phủ một lớp mùn mỏng, trộn lẫn phân chim, nên màu mỡ hơn nhiều điểm đảo khác. Thảm thực vật đa dạng, ngoài bàng vuông, phi lao, muống biển… còn có các loại cỏ tự nhiên hoặc cây từ đất liền mang ra. Sơn Ca còn trồng nhiều loại cây ăn quả. Đảo bình yên chim hót đủ để gây thương nhớ cho người trở về đất liền.
Đặt chân lên đảo Trường Sa vào ngày gần cuối hành trình, thượng tá Nguyễn Văn Dũng - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn - đứng lặng trong góc riêng mà chảy nước mắt. Ông xúc động cho biết, 28 năm trước, ông từng là chiến sĩ Trường Sa.
“Hồi đó, Trường Sa không được rộng lớn, nhiều công trình dân sinh và đời sống tiện nghi, phát triển như bây giờ. Năm xưa gian khó vô cùng, đến nay tôi mới được trở lại, nhìn thấy mọi thứ đã phát triển, đổi thay quá nhiều, Trường Sa xanh bóng cây mà mừng vô hạn” - thượng tá Dũng nói.
Ngày 1/3/1988, ông cùng đồng đội bắt đầu đợt huấn luyện trước khi chính thức ra Trường Sa nhận nhiệm vụ thì ngày 14/3/1988 xảy ra sự kiện Gạc Ma. Gần 30 năm sau, những ký ức không quên trào ra thành nước mắt. Buổi chiều, chúng tôi ngồi quây quần trong khuôn viên chùa, cảm giác “gần lắm Trường Sa” hiện rõ ràng trong tâm tưởng. Trường Sa cách đất liền gần 1.200 hải lý, nhưng như thể nơi ấy cũng là nhà, là quê hương thanh bình và thiết thân của mọi người.
“Tổ Quốc Việt Nam của ta, trên bản đồ thế giới, trông như một bà mẹ gầy gò, đội nón lá, lưng còng gập, có lẽ vì phải gánh quá nhiều sứ mệnh lịch sử. Bà mẹ đáng thương ấy vẫn lặn lội thân cò, bước thập thững bên bờ sóng. Tấm lưng còng gập quay ra Biển Đông. Cái phên giậu giữ cho tấm lưng còng ấy khỏi lạnh chính là Trường Sa, Hoàng Sa đấy”. Nhà văn Trần Đăng Khoa đã viết như vậy trong tác phẩm Đảo chìm. Tôi đã một lần đến thăm “cái phên giậu” Trường Sa ấy, để được thấy dáng hình Tổ quốc mình, giữa trùng khơi, thật kiên cường, vững vàng. Đảo quê hương xanh bóng cây, mỗi ngày một phát triển bền vững trên vùng lãnh hải của đất nước và tràn đầy tình yêu thương của biển, của những tấm lòng từ đất liền.
|
Dáng hình của biển – nhìn từ hải đăng đảo Sơn Ca |
Đêm chia tay Trường Sa, nhiều người trong đoàn công tác đã rơi nước mắt khi tàu nhổ neo rời cầu cảng mà toàn quân, toàn dân của Trường Sa Lớn vẫn đứng mãi nơi ấy, tiếng hát vang trên đầu sóng. “Tổ quốc yêu Trường Sa”, “Trường Sa vì Tổ quốc”… Lời chia tay từ boong tàu và bến cảng cứ nối dài một tình yêu lớn. Nước mắt tôi rơi xuống, tan vào sóng nước Trường Sa. Con người, sống đến một lúc nào đó, đủ thấm thía những nỗi đau và can trường, có lẽ chỉ còn có thể khóc vì hạnh phúc và cho những điều thiêng liêng nhất.
Bùi Tiểu Quyên