Những lựa chọn bắt nguồn từ trái tim

Họ xứng đáng nhận ở chúng ta một cử chỉ cúi đầu

27/02/2021 - 07:30

PNO - “Qua rằm, chị mới đi nhà thương”. Sáng sớm, khi cái tết còn vương vít trong những bông hoa sót lại trên cành mai trước sân nhà, trong bữa cơm sáng với món cải chua dưa kiệu, ngồi loay hoay với bài học online cùng học sinh, tôi nghe thấp thoáng lời mẹ nói với ai đó và tự dưng giật mình.

Nghề nào trên đời cũng tốt đẹp, cần thiết và xứng đáng được trân trọng, tôn vinh. Nhưng nghề y thật sự nhọc nhằn. Nhọc nhằn không hẳn là những đêm thức trắng, những lúc căng thẳng trong phòng mổ hay cấp cứu hồi sức mà đó là sự trăn trở, là tình yêu thương khi mỗi ngày, họ phải trực tiếp chứng kiến những cơn đau, những căn bệnh và cả sự ra đi của biết bao phận người. Trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, y, bác sĩ chính là đội ngũ luôn tiên phong trên tuyến đầu, sẵn sàng đối diện hiểm nguy để giữ bình an cho cộng đồng…

Tôi đã từng nghe “nhà thương” suốt một thời ấu thơ từ bà cố, ông bà nội và ba mẹ cũng như rất nhiều ông bà, cô bác xung quanh mình. Hồi ấy, nghe từ “nhà thương” cũng bình thường như từ chợ búa, trường học, kênh rạch vậy thôi. Thế mà lâu quá, giờ nghe chợt giật mình. Ý nghĩ cứ luẩn quẩn mãi vào hai tiếng “nhà thương”, nơi có những chiếc áo blouse trắng, bước chân rất nhanh và nói rất ít. Nơi ấy có rất nhiều bạn bè thân thiết, có anh chị em gái tôi. 

Chợt nghĩ, sao tiếng Việt mình có những từ ngữ gợi xa gợi sâu và thương không thể tả vậy nhỉ? Nhà thương! Ừ, người ta có thể may một bộ trang phục bằng cả một niềm đam mê, có thể dành nhiều thời gian để chế biến món ăn mới, phát minh ra những thiết bị ngày một hiện đại để phục vụ cuộc sống của con người. Tất cả cũng bởi mong muốn đem đến cuộc sống tiện nghi tốt đẹp hơn cho con người. Thế nhưng, ngành y khác. 

Một hình ảnh đẹp
Một hình ảnh đầy ân cần của bác sĩ với bệnh nhân trong đại dịch COVID-19

Tôi vẫn không cho nghề y là nghề bình thường như tất cả những ngành nghề mà ai cũng phải chọn để mưu sinh. Nghề nào trên đời cũng tốt đẹp, cần thiết và xứng đáng được trân trọng, tôn vinh. Nhưng nghề y thật sự nhọc nhằn. Nhọc nhằn không hẳn là những đêm thức trắng, những lúc căng thẳng trong phòng mổ hay cấp cứu hồi sức.

Nhọc nhằn nhất đó là sự trăn trở, là tình yêu thương khi mỗi ngày của đời mình, đội ngũ y, bác sĩ trực tiếp chứng kiến những cơn đau, những căn bệnh và rất nhiều sự ra đi vĩnh viễn của biết bao phận người. Tình yêu thương, nỗi mong muốn mình có thể giúp một tay để làm vơi đi nỗi đau, sự lo sợ của bệnh nhân khiến họ như thể không dưng chụp một tấm lưới vào đời mình. Buộc mình với mọi người, bằng những sợi dây chằng chịt ấy, họ xứng đáng được tôn vinh.

Không ai ép họ phải làm thế. Nhưng đó là bản năng yêu thương và lòng trắc ẩn của con người với con người. Nó như một chất keo, neo giữ con người sống cùng nhau suốt hàng thiên niên kỷ, giúp con người đi qua biết bao tai ương tưởng chừng không thể.

Gần hai mươi năm đồng hành với học sinh cuối cấp, luôn có mặt bên cạnh các em trong những thời điểm quan trọng gần như nhất đời, đó là thời điểm đặt bút viết những con chữ chọn nghề nghiệp của mình, tôi luôn khuyên các em có hai nghề tuyệt đối phải cân nhắc kỹ, không đơn thuần là vì ánh hào quang để “cho sang” hay vì ba mẹ muốn hoặc bạn bè rủ rê. Đó là nghề y và nghề giáo.

Và cứ mỗi lần thấy một em học sinh sau nhiều suy nghĩ vẫn chọn nghề là tôi nghe nặng lòng yêu thương và an tâm ghê gớm lắm. Lúc ấy, tôi cứ nghĩ đến những con sóng biển, đến những điều tốt đẹp, dẫu nhọc nhằn nhưng nhất định không bao giờ dừng lại. Luôn là sự tiếp nối cho đến vô cùng vô tận.

Xin đừng bảo đó là việc của họ và nghề của họ. Nỗi trăn trở, tình yêu thương, giọt nước mắt chảy ngược vào trong… Đó không còn là nhiệm vụ nữa. Đó là nỗ lực tận cùng, bằng tình thương, bằng trái tim quả cảm quyết giành giật với tử thần không chỉ là một sinh mệnh. Tôi chắc chắn như thế: không chỉ là một sinh mệnh! Họ - đội ngũ áo trắng ấy - đã hồi sinh những gì gọi là trách nhiệm, yêu thương, tận hiến mà đôi khi chúng ta đã đánh rơi đâu đó trong những toan tính đời thường. Họ xứng đáng nhận ở tất cả chúng ta một cử chỉ cúi đầu. Họ xứng đáng nhận ở chúng ta những nghẹn ngào biết ơn sâu sắc.

“Tôi sẽ luôn nhớ rằng, nghệ thuật chữa bệnh hay khoa học cần sự ấm áp và cảm thông. Điều đó có thể lớn hơn cả con dao của bác sĩ phẫu thuật hoặc thuốc của người dược sĩ” (trích lời thề Hippocrates).

Chưa bao giờ tôi nghe rõ lời thề của ngành y đến thế. Chưa bao giờ tôi nghe ấm áp như vậy. Sự ấm áp khác xa những ấm áp do người thân thương mình mang đến. Nó quả thật diệu kỳ. Nó không phải là sự thỏa mãn hay hạnh phúc riêng tư nữa. Nó đã thắp lên cái thứ cao hơn rất nhiều, đó là niềm tin vào những điều tốt đẹp sẽ không bao giờ rời bỏ con người. 

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI