Họ vẫn ở đó khi cả thế giới sợ hãi

12/02/2020 - 11:59

PNO - “Sao dũng cảm vậy!”, đó là câu quen thuộc mà bác sĩ Hoàng Vũ Mai Phương, Trưởng khoa Vi-rút Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thường nghe khi có người biết chị và các đồng nghiệp là những người tiếp xúc với vi-rút Corona chủng mới (2019-nCoV) trong gần một tháng nay.

Cũng nhờ đó mà ngày 7/2, Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia nuôi cấy thành công loại vi-rút này, cùng với hai nước phát triển là Nhật Bản và Pháp.

Gặp bác sĩ Phương trong buổi làm việc không hẹn trước, khi Bộ Y tế công bố tin vui về thành công của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cách đó chỉ vài tiếng. Sự xuất hiện đường đột của chúng tôi dường như khiến chị lúng túng bởi một bàn làm việc bừa bộn được che lấp bởi đủ loại giấy tờ, tài liệu... 

Tin vui giữa mùa dịch

Nói về thành công nuôi cấy, phân lập vi-rút Corona chủng mới vừa được công bố, bác sĩ Hoàng Vũ Mai Phương cho rằng, một phần do Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu SARS-CoV (năm 2003) và cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1 (năm 2004). Cùng với đó là sự phối hợp của nhóm nghiên cứu Trung tâm Cúm quốc gia và Phòng thí nghiệm các bệnh lây truyền trực tiếp từ gia cầm sang người, đã phân lập vi-rút Corona chủng mới.

Có những bác sĩ trẻ làm việc 12 tiếng/ngày trong gần một tháng nay
Có những bác sĩ trẻ làm việc 12 tiếng/ngày trong gần một tháng nay

Sau khi cập nhật thông tin nghiên cứu của các phòng thí nghiệm trên thế giới, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn tế bào cảm nhiễm phù hợp để tiến hành phân lập. Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân được xác định dương tính đầu tiên với 2019-nCoV tại miền Bắc Việt Nam, được dùng để phân lập trên dòng tế bào Vero (dòng tế bào thận khỉ thường trực). 

Trước đây, Việt Nam đã thành công với việc phân lập vi-rút SARS-CoV 2003, dòng tế bào này được chuẩn bị và cung cấp bởi Phòng thí nghiệm Hữu nghị của Đại học Nagasaki tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Quá trình phân lập được tiến hành trong phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Sau khi gây nhiễm bằng việc cho vi-rút tiếp xúc với tế bào cảm nhiễm, tế bào gây nhiễm được theo dõi và quan sát hằng ngày bằng kính hiển vi và xác định sự có mặt của vi-rút bằng phương pháp Real-time RT-PCR hằng ngày.

“Sau khoảng thời gian từ 72g gây nhiễm, vào ngày 6/2, viện đã phát hiện có sự xuất hiện của vi-rút trên tế bào cảm nhiễm. Ngày 7/2, vi-rút  Corona chủng mới được nhận diện thông qua hình ảnh kính hiển vi điện tử truyền qua bằng phương pháp nhuộm âm bản - soi mẫu trực tiếp và được xác định vật liệu di truyền của vi-rút”, bác sĩ Phương cho biết.

Với vai trò là viện nghiên cứu, bên cạnh việc chẩn đoán nhanh, chính xác tác nhân gây bệnh, đặc biệt các tác nhân mới, việc nghiên cứu đặc điểm vi-rút học của tác nhân gây bệnh luôn được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, việc phân lập được 2019-nCoV hoàn chỉnh có ý nghĩa hết sức quan trọng. 

Khi có được vi-rút, chúng ta có thể tìm hiểu được nguồn gốc của vi-rút với độ chính xác cao, nghiên cứu về độc lực, cơ chế gây bệnh, tính sinh miễn dịch của 2019-nCoV với tế bào chủ, phát triển các sinh phẩm chẩn đoán và đặc biệt là phát triển vắc-xin phòng bệnh.

Độ nguy hiểm của vi-rút Corona cũng được đánh giá cao hơn so với nhiều loại dịch bệnh trước đó. Tại Trung tâm Cúm quốc gia, với các vi-rút gây bệnh đường hô hấp thông thường như cúm, Adeno, RSV có thể thực hiện tại phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 2. Đối với 2019-nCoV, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và US CDC, việc phân lập phải thực hiện tại phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 3. “Vì đây là loại vi-rút mới nên các công đoạn thực hiện đều phải rất cẩn thận”, bác sĩ Phương chia sẻ.

Đón tết cùng… vi-rút Corona

Thời điểm dịch bệnh diễn biến xấu cũng là lúc cả nước bắt đầu bước vào kỳ nghỉ tết Nguyên đán. Cũng như những “người lính” khác trong cuộc chiến phòng dịch, bác sĩ Hoàng Vũ Mai Phương cũng bước vào “cuộc chiến” chưa có hồi kết này một cách vội vàng, bỏ lại đằng sau trách nhiệm của một người mẹ, người vợ.

Từ ngày 23/1 (tức 29 tết), Khoa Vi-rút và Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm là hai khoa chính thực hiện xét nghiệm bệnh phẩm nghi nghiễm 2019-nCoV và điều tra các thông tin dịch tễ học. 

Đa số cán bộ nhân viên của Khoa Vi-rút là nữ nên trong dịp tết vừa qua, hầu hết mọi người đều phải nhờ sự giúp đỡ của “hậu phương” để lo việc gia đình. Có những bác sĩ có con còn rất nhỏ, chưa đầy 1 tuổi, vẫn phải đi làm 10-12 tiếng/ngày. “Mọi người vẫn tâm sự với nhau, có lẽ em bé cũng hiểu được sự vất vả của mẹ nên không quấy khóc, đòi mẹ. Và từ đó tới nay, các đồng nghiệp của tôi làm việc không kể ngày tết hay ngày nghỉ, vẫn duy trì cường độ lên tới 12 tiếng/ngày”, bác sĩ Phương kể. Cũng vì vậy, mùng Một tết, khi cả gia đình đi chơi, chúc tết họ hàng thì bác sĩ Phương lại đón tết bên vi-rút Corona - cái tên đang gây lo lắng cho cả thế giới.

Nói đến loại vi-rút đang hoành hành này, có những câu chuyện buồn của các bác sĩ chống dịch, làm việc tại các bệnh viện có khu cách ly người lây nhiễm bị nhiều người xa lánh, không cho thuê trọ. Vậy chẳng phải, với những người ngày ngày làm việc với vi-rút Corona như bác sĩ Phương sẽ chẳng có ai dám đến gần? Nữ trưởng khoa bình thản nói: “Khi mình lựa chọn công việc này là đã chấp nhận đối mặt với nguy hiểm”. 

Tuy nhiên, những bác sĩ nghiên cứu vi-rút được bảo vệ bởi các trang thiết bị hiện đại. Khi cần tiếp xúc với nguồn bệnh, các bác sĩ sử dụng trang bị phòng hộ cá nhân với quy trình chặt chẽ. “Chúng tôi tuyệt đối nghiêm túc trong việc mặc trang phục bảo hộ cá nhân khi làm việc, đồng thời cũng giải thích cho người thân hiểu về công việc của mình. Ngoài ra, chúng tôi cũng thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới về đeo khẩu trang và rửa tay”, bác sĩ Phương nói.

Chúng tôi lại nhớ đến hình ảnh các bác sĩ trong tâm bão của dịch bệnh đó là Vũ Hán (Trung Quốc). Đôi bàn tay rướm máu và vết hằn đỏ ửng trên khuôn mặt của những nữ bác sĩ sau quy trình đeo khẩu trang, rửa tay được lặp đi lặp lại suốt nhiều ngày. Vậy nơi đây thì sao? Bác sĩ Phương rất đồng cảm, bởi với những y bác sĩ có thời gian làm việc trên 10 năm tại viện này, việc sử dụng trang phục bảo hộ, chất tẩy trùng đã quen thuộc. Đó là sự hy sinh nhưng cũng là trách nhiệm của những người đã khoác lên mình áo blouse trắng và đọc lời thề y đức. 

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI