"Hố tử thần" trên đường Trường Sa: Nhà thầu Trung Quốc đã hết trách nhiệm

06/08/2016 - 12:45

PNO - Bản thân nhà thầu Trung Quốc khi thực hiện gói thầu cũng đã gặp rất nhiều tai tiếng, thi công chậm tiến độ.

Việc người dân phát hiện vỉa hè và một phần đường Trường Sa (đoạn qua cầu số 5, phường 14, quận Phú Nhuận, TP.HCM) xuất hiện tình trạng sụt lún nghiêm trọng, khu vực sụt lún lan rộng là vỉa hè bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến hết làn đường dành cho ô tô và dài khoảng 7-8 m, có điểm lún sâu đến nửa mét khiến dư luận đặc biệt quan tâm trong những ngày qua.

Ngày 5/8, trao đổi trước thực trạng trên, ông Lê Văn Thịnh - nguyên trưởng phòng quản lý chất lượng công trình xây dựng 1 Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: "Dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một dự án lớn với nhiều hạng mục công trình trải rộng trên diện tích 3.300 ha.

Dự án do Sở Giao thông Công chính TP.HCM làm chủ đầu tư, Công ty tư vấn quốc tế của Mỹ - CDM Smith Inc làm tư vấn thiết kế và giám sát thi công.

Người dân phát hiện vết nứt trên đường Trường Sa. Ảnh: Người Lao Động

Theo kế hoạch, dự án được thực hiện trong giai đoạn 2003-2007. Do tính chất phức tạp của công trình, dự án được chia làm nhiều gói thầu. Mặc dù dự án được khởi động từ năm 2003, nhưng cho đến nay mới chỉ có năm gói thầu được thi công nhưng tiến độ rất chậm.

Còn khu vực đang xảy ra sụt lún thuộc gói thầu số 10, của nhà thầu China State Construction Engineering Corporation (CSCEC) - Trung Quốc.

Bản thân nhà thầu này khi thực hiện gói thầu cũng đã gặp rất nhiều tai tiếng, thi công chậm tiến độ. Khi thi công thì công việc chủ yếu của nhà thầu là nạo vét kênh, sản xuất, đóng cừ bê tông".

Về biện pháp khắc phục, theo ông Thịnh, phía Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TPHCM (chủ đầu tư) đã có một gói thầu 10D do Tổng công ty Xây dựng số 1 TNHH Một thành viên (CC1) - thi công xử lý khe hở tường cừ, gia cố mố cầu của dự án vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đây là công tác khắc phục lại những khiếm khuyết nhà thầu Trung Quốc để lại.

Tất nhiên CC1 làm rất cẩn thận nhưng không thể kiểm soát được hết, bởi cả một bờ kênh như vậy, xử lý kiểm tra rất khó, bình thường nếu đi nhìn bằng mắt, xem dưới kênh cũng không biết chỗ nào rò rỉ. Cho nên, việc khắc phục của CC1 không thể triệt để, dù bài bản.

Cho nên, theo ông Thịnh, tình trạng này sẽ tiếp tục xảy ra, chứ không chỉ lần này, dù trước đó đã nhiều lần xảy ra sự cố.

"Chúng ta có rất nhiều biện pháp để có thể khắc phục, nhưng vừa mất công lại vô cùng tốn kém. Ở đây, phải có cách để cho đất không trôi ra được. Biện pháp tích cực nhất CC1 đã làm, đó là phát hiện chỗ nào bị hở thì bơm vữa xi măng xuống, đây là biện pháp hay và tích cực nhất, hiện đã làm rồi.

Họ bơm từ trên xuống, bên dưới dùng hệ thống ghe thuyền, ghép cốt pha tại chỗ, rồi bơm, bao giờ đông cứng lại thì thôi", ông Thịnh chỉ rõ.

Về trách nhiệm, theo vị chuyên gia trên, việc sụt lún trên là do nhà thầu thi công Trung Quốc, chất lượng thi công kém, không đảm bảo chất lượng. Nhưng do đã hết thời hạn bảo hành, bảo trì nên không thể yêu cầu họ chi tiền sửa chữa.

Cho nên, chủ đầu tư phải đảm nhận việc bảo trì, nhưng hiện nay Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP.HCM đã bàn giao lại Khu quản lý giao thông đô thị số 1, nên thực tế họ đã hết trách nhiệm. Và bây giờ trách nhiệm bảo trì thuộc về chủ quản lý sử dụng công trình.

Vì vậy, ông Thịnh khẳng định: "Biện pháp tốt nhất hiện nay, đó là tiếp tục bảo trì, thuê CC1 đứng ra làm, với biện pháp kiểm tra thường xuyên, chỗ nào tường cừ hai bên bờ kênh bị hở thì họ ghép cốt pha rồi bơm vữa xi măng vào.

Công trình nào cũng phải bảo trì, không có gì lạ, ngay cả một ngôi nhà bình thường nếu không có sự duy tu, bảo trì thì cũng dễ bị hư hỏng.

Trước đó, đầu giờ chiều ngày 4/8, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM đã cử cán bộ xuống hiện trường vụ sụt lún đường Trường Sa để kiểm tra làm rõ nguyên nhân. "Phải kiểm tra các vết nứt, đào lên mới có thể biết nguyên nhân, yêu cầu đơn vị thi công sửa lại được" - một cán bộ của Ban Quản lý cho hay.

Tại hiện trường, miệng hố rộng khoảng 4 mét, dài khoảng 6 mét và khoét hàm ếch rộng bên dưới. Vệt nứt kéo dài khoảng 4-5 m. Khu vực sụt lún lan rộng là vỉa hè bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến hết làn đường dành cho ô tô và dài khoảng 7-8 m, có điểm lún sâu đến nửa mét.

Phía Sở GTVT TP. HCM cho biết, đoạn đường này đã từng gặp sự cố lún nứt vào tháng 4/2016. Sau đó được sửa chữa và mới bàn giao lại 2 ngày thì xảy ra sự việc. Trách nhiệm này thuộc về Ban Quản lý dự án Vệ sinh môi trường TP. HCM.

Theo tìm hiểu của PV, lãnh đạo TP HCM đã đầu tư hơn 554 tỷ đồng cho dự án cải tạo đường Trường Sa và Hoàng Sa tạo cảnh quan trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trở thành hai tuyến đường đẹp của thành phố.

Phong Lộc (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI