Hỗ trợ việc làm cho người sau cai nghiện, người bán dâm

14/03/2013 - 22:49

PNO - PNO - Ngày 14/3, tại TP.HCM, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo “Thực hiện chính sách hỗ trợ người sau cai nghiện, người bán dâm và người nhiễm HIV”.

 Bác sĩ Đỗ Hữu Thủy, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết: người nhiễm HIV hiện nay ở Việt Nam vẫn chủ yếu là người nghiện chích ma túy, người bán dâm, không có nghề nghiệp ổn định. Họ gặp những khó khăn đặc thù như thiếu vốn (92,8%), bị kỳ thị (56,3%), thiếu năng lực sản xuất (22,2%) do phần lớn trình độ học vấn thấp. Nhu cầu hàng đầu của họ là chăm sóc sức khỏe (31,7%), việc làm và thu nhập ổn định (26,3%), không bị kỳ thị (3%).

Ho tro viec lam cho nguoi sau cai nghien, nguoi ban dam

Ông Lê Đức Hiền - Phó Cục trưởng Cục phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho rằng:, để hỗ trợ cho người sau cai nghiện ma túy, bán dâm sau chữa trị và bị ảnh hưởng bởi HIV nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng và không tái nghiện, cách tốt nhất vẫn là tạo cho họ việc làm và có thu nhập ổn định.

Từ năm 2006 - 2010, các Trung tâm trong cả nước đã tổ chức học nghề cho 30.697 người cai nghiện, 10.896 người bán dâm được dạy nghề, tạo việc làm và có 353 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp nhận 15.310 người sau cai, người bán dâm sau chữa trị và người bị ảnh hưởng bởi HIV vào làm việc. Năm 2011, có 4.635 người đã được giải quyết việc làm sau cai và 389 người được hỗ trợ vay vốn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách dạy nghề cho người sau cai nghiện ma túy, bán dâm sau chữa trị và bị ảnh hưởng bởi HIV vẫn còn những khó khăn, bất cập như: nghề được dạy chưa phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp (DN) cũng như khả năng, sức khỏe của người học; các chương trình đào tạo chủ yếu dựa vào sự lồng ghép của các đoàn thể địa phương; thời gian dạy nghề còn thấp, chất lượng chưa cao.
Ngoài ra, còn thiếu các chính sách tín dụng ưu đãi khuyến khích cá nhân, tổ chức, DN tạo việc làm cho người sau cai nghiện, người bán dâm, người nhiễm HIV. DN thiếu tin tưởng khi tiếp nhận người sau cai, người nhiễm HIV vào làm việc.

Trong khi đó, chính quyền xã, phường, thị trấn là nơi trực tiếp giải quyết việc làm chỉ mới chú trọng công tác quản lý đối tượng trên địa bàn mà không có biện pháp phù hợp hỗ trợ họ cũng như gia đình họ về công ăn việc làm và ổn định thu nhập.

Do đó, cần đẩy mạnh và mở rộng việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh đối với người bệnh nhiễm HIV/AIDS thông qua hệ thống bảo hiểm y tế. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ vay vốn, tổ chức đào tạo nghề và tạo việc làm cho họ; tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như các chính sách huy động sự tham gia các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vào công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Mai Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI