Năm 2014, N.T.P., sinh năm 1985, ở Q.6, TP.HCM bị tuyên phạt bảy năm tù với tội danh mua bán ma túy. Nhưng mức án ấy chưa là gì, bởi chị còn nhiều “chiến tích” khiến ai cũng phải kiêng dè - như cách P. nhìn nhận về mình. Cờ bạc, hành nghề, nhiễm HIV, những vết sẹo cũ - mới rải rác từ mặt xuống tay, chân, chứng tỏ P. đã chọn sống cuộc đời thừa sóng gió.
Trong ngôi nhà ổ chuột
Tôi được mời ngồi trên chiếc ghế nhựa thấp sát đất, ngay ngạch cửa. 1 giờ trưa, nhà nóng hầm hập, không có chỗ ngồi. Sự tuềnh toàng của căn nhà khiến cho tất cả vật dụng bên trong “trưng” hết ra bên ngoài. Những cái bọc ni-lông được vo tròn nhét vào đủ góc, hằn lên cái màu bẩn cũ, càng khiến ngôi nhà chẳng khác một “ổ chuột”.
Nghe tôi hỏi thăm về đứa con trai, P. đứng dậy trở bước đến chỗ cầu thang án ngữ giữa nhà để gọi con. Cầu thang gần như dựng đứng chỉ đủ để một người len lách xuống, lên. Phía trên là gác xép tối om. P. gọi đến lần thứ ba, rồi rút cái roi mây nhét sẵn ngay góc nào đó đập mạnh vào miếng ván cầu thang thì thằng con mới nhừa nhựa đáp lại rồi lò dò đi xuống. Cái nắng giữa trưa khiến nó chau mày. Nó im lặng nhìn ra đường với ánh mắt không cảm xúc.
Hiện tại, Trung tâm CTXH Ánh Dương có tất cả 48 nhân viên, trong đó phần lớn là cộng tác viên hoạt động tình nguyện, không có kinh phí.
Trong 5 năm, từ 2016 đến nay, trung tâm đã tiếp cận tham vấn xét nghiệm và trả kết quả cho 14.885 khách hàng, trong đó phát hiện, hỗ trợ cho 773 ca dương tính HIV, phối hợp hỗ trợ 58 trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo hành và giúp 8 ca tái hòa nhập cộng đồng.
Với rất nhiều hoạt động ý nghĩa và hiệu quả, trung tâm CTXH Ánh Dương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và UBND TP.HCM vinh danh trong lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” lần thứ 4.
|
“Chỉ mình em nói được nó. Nó biết em thương nó”, P. nói với tôi, như lời giãi bày cho sự lặng im của con. Không thể giao tiếp với thằng bé, tôi quay sang hỏi “chị ổn không?” khi nhớ đến những bước đi tập tễnh của P. trước đó. P. đưa bàn tay phải của mình lên rồi co duỗi những ngón tay, như để chứng minh không chỉ cái chân, mà cánh tay từng mất khả năng vận động, di chứng của lần đột quỵ trong trại giam Thủ Đức năm 2018, rồi nói: “Em đi châm cứu, đỡ nhiều rồi. Em tự đi, nay đạp xe vèo vèo”.
Tôi “mừng trong bụng” khi nghe câu nói đó từ P. Nó giống như cách mà các nhân viên công xác xã hội (CTXH) thắp lên tia hy vọng dù là nhỏ nhoi trong quá trình dài tính bằng năm mà họ tiếp cận, đeo bám để hỗ trợ một “ca nặng” như P. tái hòa nhập cộng đồng.
“Em không còn gì để mất”
Cuối năm 2018, Trung tâm CTXH Ánh Dương tiếp nhận P. khi chị vừa hồi gia. Là cộng tác viên của trung tâm phụ trách địa bàn Q.6, hơn hai năm qua, chị Nguyễn Thị Thúy Phượng liên tục “vãng gia” để nắm bắt nhu cầu nhằm kết nối các nguồn lực địa phương trong việc hỗ trợ P. Để đáp ứng nguyện vọng được bán đồ ăn sáng tại nhà của P., Hội LHPN P.6, Q.6 đã trao ba đợt vay vốn không lãi xoay vòng 15 triệu đồng. Cả ba lần vay, P. đều trả đúng hạn, nhưng hiện tại việc buôn bán không thể tiếp tục vì ế ẩm. Ngoài những phần quà lễ tết, địa phương đã hỗ trợ chống dột, nâng sân, làm mái che trước nhà để P. tận dụng cho thuê mặt bằng (2 triệu đồng/tháng) để chi tiêu. Ngoài ra, chị Phượng còn liên hệ cơ sở làm dù, nhận nguồn hàng về cho P. làm kiếm thu nhập nuôi con. Tay phải yếu giữ đinh, tay trái đập búa. Công việc giúp P. kiếm được vài chục ngàn mỗi ngày. Cũng nhờ đó mà P. bớt mặc cảm và mở lòng hơn với những người xung quanh.
|
Sau hồi gia, Trung tâm Công tác xã hội Ánh Dương tích cực hỗ trợ, giới thiệu việc làm để chị N.T.P. có thu nhập ổn định cuộc sống |
Thế nhưng, việc hỗ trợ an sinh xã hội vẫn chưa đủ. Sau những lần vay vốn buôn bán thất bại, P. mất phương hướng và nản chí. “Em không còn gì để mất” là câu cửa miệng của chị trong ngày đầu tiên Danh Minh Trí, tình nguyện viên của Trung tâm CTXH Ánh Dương, xuống gặp thân chủ cách đây ba tháng. Nói dối, cung cấp thông tin giả nhằm dẫn dắt, lèo lái để đạt mục đích cuối cùng là có được tiền từ Mạnh Thường Quân... là cách P. thể hiện với bất kỳ ai muốn tiếp cận mình. “Em nghĩ không quá 50%” - Trí thận trọng trả lời câu hỏi của chị Phạm Ý Niệm, người trực tiếp chỉ đạo, đồng hành với Trí trên con đường giúp P. hoàn lương, rằng: Trí có bao nhiêu phần trăm tự tin để thay đổi P. theo hướng tốt? Thế nhưng, 50% ấy đã “không còn một phần trăm nào” ở lần tiếp xúc thứ hai, khi Trí thấy P. tỏ ra bi quan, nghĩ rằng mình sẽ chết khi dính HIV. Suy nghĩ đó khiến chị buông xuôi, trông chờ vào nguồn tài trợ xã hội để sống được ngày nào hay ngày đó, thậm chí còn “dọa” quay lại con đường cũ khi không hài lòng với sự hỗ trợ của địa phương.
Hành trình vẫn còn dài
Nhưng “không còn phần trăm nào” không có nghĩa là từ bỏ. Trí chọn cách khác với những gì mình đã hình dung trong đầu.
Thay cho việc vận động nguồn tài trợ xã hội để… xin tiền cho P., Trí đã cố gắng kết nối các cơ sở y tế để đưa P. đi châm cứu, tập vật lý trị liệu, với mong muốn “cơ thể P. phải khỏe thì tâm lý mới vui vẻ, tích cực, khi đó mới tính chuyện đường dài”. Được P. đồng ý và tự giác duy trì việc điều trị là một tín hiệu mừng đối với Trí, với những nhân viên của Trung tâm CTXH Ánh Dương. Sau tuần đầu được Trí đích thân đưa đi châm cứu thì những lần sau P. tự đạp xe đi.
Thời gian còn lại, Trí dành nhiều hơn để nói chuyện với bé H. (con của P.), một đứa trẻ mất khả năng nghe, bỏ học và tương lai sẽ vùi đầu vào bóng tối với những cơn nghiện game nếu không có sự can thiệp kịp thời. Năm 2014, đứa trẻ vừa lên bảy thì mẹ vào tù. Ông ngoại, người dành hết tình yêu thương để chăm sóc H. cũng mất năm 2018. Không bị khiếm thính bẩm sinh, màng nhĩ hoàn toàn không tổn thương, cho nên “không nghe được” chỉ là kết quả của một cú sốc tâm lý, một cơ chế tự phòng vệ của cơ thể khi đứa trẻ không muốn nghe ai nói, không muốn quan tâm đến bất kỳ điều gì xung quanh mình.
|
Nhân viên công tác xã hội truyền thông về HIV cho cộng đồng |
Ngày đưa được đứa trẻ ra khỏi nhà để đến CED (Trung tâm Nghiên cứu và giáo dục người khiếm thính) xin hỗ trợ máy trợ thính, với Trí có quá nhiều cảm xúc. P. muốn được đi cùng con. Nhìn cách P. đưa hai ngón tay lên diễn tả động tác cái kéo, ám chỉ nếu tai không nghe được sẽ bị cắt bỏ để thuyết phục bé H., Trí có niềm tin, bên trong người mẹ này vẫn còn chỗ cho những kỳ vọng về tương lai con mình. Đó là chỗ dựa cho Trí quyết định tiếp tục hỗ trợ P. thông qua đứa con. “Tôi sẽ cố gắng thay đổi đứa trẻ với hy vọng đánh thức lương tri của người mẹ. Nếu nhìn thấy con thay đổi tích cực, tôi nghĩ chị P. sẽ tin tưởng và sống tốt hơn”, Trí chia sẻ.
Mất ba tháng để Trí và những nhân viên Trung tâm CTXH Ánh Dương nhìn thấy những điều họ có thể hy vọng về sự thay đổi của P., mặc dù rất nhỏ. Thế nhưng, như lời Danh Minh Trí “hãy lần tìm các nút thắt mà tháo gỡ”.
Cách của Trí là mỗi ngày trò chuyện với bé H., khơi gợi những ký ức về ông ngoại em khi còn sống. Trong khi đứa trẻ dùng cách đập phá đồ đạc để từ chối việc lắng nghe thì Trí kiên trì… dùng giấy. “Chú vui khi gặp con. Mình đi rửa chén nha…”, những dòng chữ của Trí dài theo trang giấy, cũng như hành trình của Trí và những nhân viên Trung tâm CTXH Ánh Dương vẫn còn rất dài phía trước.
Từ thiện và CTXH là hai phạm trù hoàn toàn khác biệt. Người làm CTXH phải được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, kỹ năng như những ngành nghề khác. Ngoài cái tâm, công việc đòi hỏi nhân viên xã hội làm việc trong tinh thần xả thân vì những hoàn cảnh đặc biệt, những đối tượng yếu thế nhất trong xã hội.
Tìm đến sự giúp đỡ của trung tâm chúng tôi, ngoài đối tượng yếu thế trong xã hội, còn có người bị HIV, phụ nữ và trẻ em bị bạo hành… Vậy nên đòi hỏi mỗi nhân viên xã hội phải luôn nỗ lực trong các hoạt động trợ giúp cho các đối tượng này. Thậm chí, thỉnh thoảng nhân viên xã hội phải đối mặt với tình trạng quá tải trong tiến trình tham gia hỗ trợ thân chủ giải quyết vấn đề của họ. Lúc này, nhân viên xã hội giữ vai trò quan trọng, góp phần trợ giúp về tâm lý, pháp lý và kết nối dịch vụ xã hội đảm bảo quyền lợi tối đa cho đối tượng.
Khó khăn lớn nhất đối với nhân viên CTXH đang làm việc tại Trung tâm CTXH Ánh Dương hiện nay là ngoài mức hỗ trợ nghề nghiệp còn quá thấp so với mặt bằng chung, thì môi trường làm việc, công việc có tính chất độc hại (khi tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS và các bệnh cơ hội có lây…).
Mặc dù CTXH vẫn đang là một ngành nghề còn non trẻ ở Việt Nam nhưng với nỗ lực, nhiệt huyết và sự dấn thân của những người làm nghề, tôi tin rồi đây nó sẽ phát triển không ngừng.
Bà Võ Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm CTXH Ánh Dương
|
Thu Lê