Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, có diện tích tự nhiên 95.792ha, dân số trên 19 triệu người, là nơi thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân; ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế, xã hộ của các địa phương.
Quang cảnh hội nghị
Theo Bộ Xây dựng, trong khoảng thời gian từ 5-6 năm trở lại đây, thiên tai, lũ lụt làm 1.500 người chết, trên 500.000 căn nhà bị hư hỏng, hơn 42.000 nhà bị sập đổ, nước lũ cuốn trôi. Riêng năm 2010, thiên tai làm 282 người chết, trên 87.000 nhà bị hư hỏng và hơn 3.500 nhà bị sập đổ cùng nhiều tài sản bị cuốn trôi; hơn 500 xã bị ngập sâu trên 1,5m, trong đó nhiều địa phương bị chia cắt, cô lập, gây khó khăn trong ứng cứu, hỗ trợ của chính quyền.
Từ thực trạng trên, ngày 14/6/1012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 716, triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ lụt vùng Bắc Trung bộ và Duyên Hải miền Trung. Theo đó, Bộ Xây dựng đã triển khai xây dựng chòi phòng, tránh lũ, lụt cho 700 hộ nghèo tại 14 xã bị ảnh hưởng nặng thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên (mỗi tỉnh 2 xã, mỗi xã 50 hộ).
Chòi tránh lũ, lụt có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt tại vị trí xây dựng; diện tích xây dựng sàn vượt lũ tối thiểu rộng 10m2; các kết cấu chính như móng, khung, sàn tương đương với kết cấu của nhà ở xây dựng kiên cố, có giá thành xây dựng tối thiểu 30 triệu đồng/chòi. Mỗi hộ được Trung ương hỗ trợ 10 triệu đồng, vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội 10 triệu đồng; huy động các nguồn vốn khác từ cộng đồng và đóng góp của gia đình tối thiểu 10 triệu đồng.
Qua gần 1 năm triển khai xây dựng (8/2012), hiện đã có 697/700 chòi hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng kinh phí đã giải ngân 27,89 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương 6,92 tỉ đồng, hộ gia đình đóng góp và huy động 14, 6 tỉ đồng. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, đa số các chòi được xây dựng tiếp giáp với nhà đã có, một số chòi được xây dựng độc lập nhưng vẫn đảm bảo thuận tiện cho việc di chuyển khi có lũ; chất lượng các chòi tránh lũ, lụt tương đương với nhà kiên cố có khung bê tông cốt thép, sàn bê tông hoặc bằng gỗ, mái được lợp bằng phibrô xi măng, bao che bằng tường gạch; phần lớn các chòi được xây hai tầng có giá thành từ 30-40 triệu đồng, một số nhà giá thành từ 50-60 triệu đồng được người dân kết hợp làm nhà ở.
Chòi tránh lũ, lụt được người dân kết hợp làm nhà ở
Trong quá trình xây dựng còn có những hạn chế, tồn tại như, tiến độ thực hiện chưa đồng đều; một số địa phương chậm trễ trong việc chỉ đạo thực hiện, nhất là việc chỉ đạo bổ sung thay thế đối tượng hỗ trợ đối với những trường hợp hộ dân đã có trong danh sách phê duyệt nhưng do chưa sẵn sàng cho việc hỗ trợ nên xin rút khỏi danh sách, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung; kết quả bố trí vốn từ Ngân sách địa phương để hỗ trợ cho các hộ nghèo còn rất hạn chế (đến nay mới có hai tỉnh bố trí vốn ngân sách địa phương hỗ trợ cho hộ nghèo nhưng vốn bố trí chưa nhiều; việc huy động vốn từ các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp giúp các hộ nghèo xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt là còn rất hạn chế và khó khăn...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án tổng thể phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai cho người dân trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Đề án đã đề ra nhiều giải pháp, bao gồm các giải pháp trước mắt và lâu dài như trồng rừng, khơi thông dòng chảy các sông suối; gia cố hệ thống đê điều; bố trí, di dời các hộ dân vùng ngập lụt tới nơi an toàn; xây dựng các công trình công cộng như trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế có sàn vượt mức ngập lụt để người dân tạm trú khi có lũ, lụt; các hộ dân làm bè, làm gác lửng trong nhà để tránh lũ và cất giữ tài sản.... Thủ tướng khẳng định, mô hình xây dựng chòi phòng, tránh lũ, lụt là phù hợp với thực tế, được người dân đồng tình, ủng hộ. Mô hình chòi phòng tránh lũ, lụt có nhiều ưu điểm nổi trội so với các mô hình khác và có tính thực tiễn rất cao, vì ngoài chức năng phòng tránh lũ, lụt thì còn có thể sử dụng để ở. Để đạt hiệu quả cao hơn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cần tiếp tục triển khai thí điểm tại một số nơi bị ảnh hưởng nặng bởi lũ, lụt trước khi triển khai trên diện rộng.
Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành phải tính toán lại cho phù hợp với điều kiện ngân sách khó khăn hiện nay để có thể nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà tránh lũ, lụt cho người nghèo lên 12 triệu đồng, mức vay ưu đãi lên 15 triệu đồng/hộ và được vay một lần thay vì chia làm hai giai đoạn như chương trình thí điểm. Việc nâng mức hỗ trợ và vay ưu đãi xây nhà tránh lũ, lụt cho 60.000 hộ trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung từ nay đến năm 2015, ngân sách phải bỏ ra khoảng 1.500 tỉ (trong đó hỗ trợ từ ngân sách 600 tỉ, vốn vay ưu đãi 900 tỉ), Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành liên quan phải cân nhắc kỹ, đưa vào Dự thảo Chương trình hỗ trợ xây nhà ở tránh lũ, trình Thủ tướng quyết định vào đầu tháng 10/2013. Theo Thủ tướng, việc hỗ trợ người nghèo xây nhà tránh lũ, lụt là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa sâu sắc, tuy nhiên cần phải được lồng ghép cùng với các chương trình khác để tránh chồng chéo, mang lại hiệu quả cao trên tinh thần Nhà nước hỗ trợ, làng xóm, cộng đồng xã hội giúp đỡ.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc. Tôi tin tưởng rằng với những kết quả đã đạt được và sự nỗ lực của các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, sự ủng hộ của nhân dân, chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả việc triển khai thực hiện trên diện rộng tại vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, đảm bảo người dân có cuộc sống an toàn ổn định, giảm thiểu thiệt hại do lũ, lụt gây ra.
TÂM NHƯ