Hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 68/CP: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

27/08/2021 - 07:02

PNO - Việc triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP ban hành ngày 1/7/2021 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị quyết 68 - hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trong tình hình dịch COVID-19) tại một số tỉnh miền Trung đang gặp rắc rối. Nguyên nhân thì nhiều, trong đó có sự chậm phổ biến, tuyên truyền, thực hiện của chính quyền và những bất cập của chính sách.

Nơi làm rốp rẻng, nơi chậm chạp

Trong số các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68, lao động không có giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) sẽ là đối tượng khó xác định nhất. Thế nhưng, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đã triển khai hỗ trợ cho các đối tượng này.

Ông Trần Hữu Thảo - Phó chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn - cho biết, thị xã rà soát các trường hợp khó khăn theo Nghị quyết 68, lập hồ sơ và triển khai hỗ trợ liền cho người dân từ 17/7/2021. Theo quy định, việc xét duyệt hồ sơ không quá bảy ngày, song chỉ đạo của chính quyền các cấp của thị xã là đẩy nhanh tiến độ, xét duyệt không quá hai ngày với những hồ sơ đúng và đủ, vì “giai đoạn này bà con đang rất cần sự hỗ trợ”, theo lời ông Trần Hữu Thảo. 

Hướng dẫn viên đón tàu du lịch quốc tế cập cảng Chân Mây (H.Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) trước ngày dịch COVID-19 bùng phát - ẢNH: THUẬN HÓA
Hướng dẫn viên đón tàu du lịch quốc tế cập cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) trước ngày dịch COVID-19 bùng phát - Ảnh: Thuận Hóa

Đến nay, toàn tỉnh Bình Định có 29.000 đối tượng thuộc diện hỗ trợ theo Nghị quyết 68 với tổng số tiền hỗ trợ lên đến 42 tỷ đồng. 

Tại Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh hiện có khoảng 2.900 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ, nhưng chỉ khoảng 1.700 thẻ còn thời hạn. Ông Trần Hữu Thùy Giang - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: hiện đã có 350 hướng dẫn viên nộp hồ sơ, 270 người đủ điều kiện được chi trả trong vòng hai ngày với số tiền hỗ trợ một lần là 3.710.000 đồng/người.

Với các trường hợp chưa đủ điều kiện như thiếu HĐLĐ, thẻ hành nghề chưa kịp gia hạn… đơn vị sẽ tạo điều kiện cho bổ sung sau và đề xuất UBND tỉnh có giải pháp hỗ trợ.

Ông Đặng Hữu Phúc - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết thêm, tỉnh đã tạm cấp kinh phí 22,41 tỷ đồng hỗ trợ cho các đối tượng. Riêng với đối tượng lao động không có giao kết HĐLĐ, tỉnh đang dự thảo đề án hỗ trợ.

Tại Quảng Nam, 44 tỷ đồng đã đến tay người lao động, chín doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn. Tỉnh cũng đã hỗ trợ những người đang điều trị COVID-19 hơn 1,8 tỷ đồng.

Đối với các công ty, doanh nghiệp, người lao động gặp khó do vướng cơ chế, lao động tự do không có HĐLĐ, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - nói: “Quan điểm của tỉnh là đúng người, đúng đối tượng. Đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp”.

Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, anh Dương Văn T., 26 tuổi (ở xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành), một lao động trở về từ Bình Dương, không có HĐLĐ cũng như bảo hiểm, bùi ngùi: “Thôi, tôi không đi làm các thủ tục, hồ sơ để được hưởng hỗ trợ đâu, không nắm rõ cách khai, rồi chờ đợi mệt mỏi lắm”. 

Bà Đỗ Thị S., 56 tuổi, buôn gánh bán bưng kiếm sống vừa trở về từ TPHCM cũng nói rằng: “Hết dịch, cô vào lại Sài Gòn. Còn kê khai để hỗ trợ cô không biết phải làm sao”. 

Rối hơn nữa là trường hợp của anh Dương Văn L., 28 tuổi, ở huyện Sơn Tịnh, làm thợ cơ khí ở Đồng Nai, nhưng không HĐLĐ, không bảo hiểm, lại bị mất toàn bộ giấy tờ tùy thân trên đường chạy xe máy về quê. 

Tại thị xã Đức Phổ - tâm dịch - đang có gần 11.000 lao động thuộc nhóm đối tượng “lao động tự do”, không có giao kết hợp đồng, cần được hỗ trợ. Ngành chức năng thị xã này đang chờ UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định để làm căn cứ thực hiện việc kê khai.

Chuyện chậm triển khai Nghị quyết 68 đang diễn ra ở nhiều nơi. Đến ngày 6/8, ở Quảng Ngãi vẫn còn bốn địa phương là TP. Quảng Ngãi và các huyện Sơn Tịnh, Sơn Tây và Minh Long chưa có văn bản triển khai thực hiện.

Theo Nghị quyết 68, việc hỗ trợ cho nhóm đối tượng lao động tự do (không có giao kết HĐLĐ) và một số đối tượng đặc thù khác, Chính phủ giao cho các tỉnh, thành phố căn cứ điều kiện cụ thể và ngân sách địa phương để ban hành chính sách hỗ trợ. Nhưng theo bà Nguyễn Thị Ánh Lan - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi - hiện nay, UBND tỉnh đang trình Thường trực HĐND tỉnh xem xét phê duyệt. Nghĩa là dân vẫn phải chờ. 

Những bất cập từ việc thực hiện nghị quyết 

Theo báo cáo nhanh của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, đến ngày 9/8 Đà Nẵng có 57.942 người đủ điều kiện được hỗ trợ, đã chi hơn 15 tỷ đồng cho 173.735 đối tượng; Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã chi cho vay 208 triệu đồng cho 53 đối tượng để trả lương ngừng việc.

Nhưng không phải tất cả đều hanh thông. Tại phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, đến thời điểm hiện tại vẫn còn hơn 200 hồ sơ chưa đủ điều kiện, vì các đối tượng lái xe, phụ xe phải chờ xác nhận của đơn vị thuê xe.

Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế kiểm tra việc triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ tại H.Quảng Điền - ẢNH: THUẬN HÓA
Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế kiểm tra việc triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ tại huyện Quảng Điền - Ảnh: Thuận Hóa

Anh Nguyễn Đăng Huy, chủ hãng xe du lịch Đồng Hành Limousine, cho biết, dịch khiến hãng xe phải dừng hoạt động, cắt giảm gần hết nhân viên. Về chủ trương nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68 anh chưa được phổ biến nên những nhân viên cũ vẫn chưa được hỗ trợ.

Ông Nguyễn Văn Duẩn - Giám đốc điều hành khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng - cho hay, từ năm ngoái tới nay khách sạn phải đóng cửa vì không có khách. Tập đoàn vẫn hỗ trợ 30-50% lương cho nhân viên, nên không nằm trong diện được hỗ trợ. Nhưng khó khăn thì chồng chất.

Ông Nguyễn Văn An - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng - nhận xét, việc triển khai Nghị quyết 68 có nhiều điểm nghẽn. Ví dụ, theo Quyết định 23/TTg thì doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động ít nhất 15 ngày để phòng, chống dịch thì mới được hưởng hỗ trợ, ngành du lịch không dừng nhưng cũng không có khách.

Thứ hai là việc vay cũng đang rất khó khăn. Ngân hàng Chính sách Trung ương hướng dẫn phải vay từng tháng, nhưng nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa từ ba tháng nay. Đến tháng Tám họ muốn vay để trả lương ba tháng trước thì ngân hàng chỉ cho vay từng tháng một. Cụ thể là vay tháng Năm rồi đóng bảo hiểm xong mới được vay tháng Sáu… Quy định này gây bức xúc cho doanh nghiệp, họ kêu sao không cho vay ba tháng luôn mà lại bắt vay từng tháng.

Thứ ba là nhiều nơi trong thành phố đang bị phong tỏa, nên lao động tự do gặp khó khăn trong việc xác nhận từ chủ lao động, xã, phường…

“Chúng tôi đề nghị Trung ương gỡ vướng mắc cho những cái khó khăn lớn. Ví dụ như cho vay ngân hàng để trả lương thì cho vay luôn ba tháng chứ cứ lắt nhắt vậy thì khổ cho doanh nghiệp. Còn như ngành du lịch thì nên tháo bớt quy định, như điều kiện buộc phải có văn bản hoặc lệnh cấm hoạt động của người có thẩm quyền để phòng, chống dịch.

Hai năm nay Đà Nẵng bùng phát dịch bệnh nhiều lần nên không có khách, vì vậy doanh nghiệp mặc nhiên dừng hoạt động dù thành phố không yêu cầu dừng” - ông Nguyễn Văn An đề xuất.

Nhóm phóng viên miền Trung

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI