Bộ VH-TT&DL vừa có văn bản gửi Sở VH-TT&DL, Sở VH-TT địa phương; các đơn vị nghệ thuật biểu diễn; Trung tâm VHNT các tỉnh, thành phố để rà soát việc hỗ trợ nghệ sĩ bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19. Bộ đề nghị các đơn vị thực hiện một số nội dung.
Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, chính xác nội dung Nghị quyết 68/NQCP và quyết định số 23/2021/ QĐ-TTg để các cá nhân, tổ chức nhận thức đầy đủ về chính sách của Nhà nước nhằm hỗ trợ lực lượng nghệ sĩ, diễn viên đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, qua đó kịp thời động viên, khích lệ lực lượng nghệ sĩ, diễn viên tiếp tục cống hiến, lao động sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật.
Văn bản cũng nhấn mạnh trong quá trình rà soát các đối tượng để thực hiện việc hỗ trợ, các cơ quan, đơn vị cần công khai minh bạch, tạo sự đồng thuận của tập thể đơn vị, không áp dụng cứng nhắc, rập khuôn để việc hỗ trợ được kịp thời, đúng đối tượng, phù hợp với hoàn cảnh của từng nghệ sĩ, diễn viên, không làm phát sinh thủ tục hành chính.
Đây là động thái mới nhất của cơ quan quản lý sau việc danh sách 99 nghệ sĩ thuộc 6 nhà hát ở Hà Nội nhận hỗ trợ có tên những diễn viên ăn khách hiện tại như: Hồng Đăng, Thanh Hương, Ngọc Quỳnh...
|
Danh sách nhận hỗ trợ từ nhà nước do ảnh hưởng dịch COVID-19 có Hồng Đăng, Thanh Hương khiến dư luận xôn xao |
Việc hỗ trợ cho nghệ sĩ thuộc các đơn vị công lập được quy định tại chương VIII của quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Trong đó, điều 28 ghi rõ đối tượng hỗ trợ là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, hoạ sĩ có chức danh nghề nghiệp hạng IV, tạm dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên (tính từ 1/5 đến 31/12/2021) theo yêu cầu từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.
Đơn vị sẽ lập danh sách đảm bảo đúng điều kiện này gửi đến Sở VH-TT&DL hoặc Sở VH-TT địa phương (hạn nhận hồ sơ chậm nhất đến 31/1/2022). Trong 3 ngày, cơ quan này tổng hợp, thẩm định trình UBND cấp tỉnh. Trong 2 ngày nhận được danh sách, UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ, đồng thời chỉ đạo thực hiện hỗ trợ. Trong trường hợp không phê duyệt, phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Nhiều đơn vị cho rằng với quy định này, họ lập hết danh sách viên chức hạng IV theo yêu cầu, không bỏ ai. Do vậy đã có những trường hợp gây xôn xao dư luận như vừa xảy ra trong thời gian qua. Động thái của Bộ VH-TT&DL được đánh giá là cần thiết để tránh những ồn ào tương tự. Nhưng thực tế công tác hỗ trợ vẫn cần nhiều hơn thế.
Làm sao để "đúng người đúng việc" và không bỏ sót những đối tượng cần hỗ trợ vẫn là bài toán khiến nhiều đơn vị trăn trở. Mỗi nhà hát đều có lực lượng công nhân, nhân viên hậu đài, âm thanh, ánh sáng. Họ cũng đóng vai trò hết sức quan trọng để vận hành hoạt động của nhà hát, quyết định sự thành bại của một tác phẩm nghệ thuật. Bên cạnh đó, có cả những nghệ sĩ thuộc hạng viên chức bậc III nhưng thu nhập thấp, hoàn cảnh sống khó khăn. Nhưng theo quy định, họ không nằm trong đối tượng được hỗ trợ.
Chưa kể, đặc thù tại TPHCM có rất nhiều đơn vị xã hội hoá (chiếm khoảng 80%), giữ vai trò khá quan trọng trong việc duy trì đời sống văn hoá, giải trí của trung tâm kinh tế lớn bậc nhất cả nước. Nghệ sĩ lẫn nhân viên hậu đài, kỹ thuật của những đơn vị này đều thuộc diện được hỗ trợ. Trong khi đó, các sân khấu xã hội hoá hoàn toàn không có nguồn thu, hoặc nguồn vốn để trả lương cho nhân viên như đơn vị công lập.
|
Nhiều đối tượng gặp khó khăn trong lĩnh vực nghệ thuật vẫn chưa nằm trong đối tượng hỗ trợ theo chính sách của nhà nước. Nhiều đơn vị xã hội hoá gồng mình trước khó khăn trong gần 2 năm qua. |
Thời gian qua, bản thân các nhà hát, đơn vị cũng phải tự thân vận động. Tại TPHCM, hai đơn vị là Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội và Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam thì anh em nghệ sĩ trong nhà hát đóng góp để hỗ trợ lẫn nhau. Họ cũng nhận được sự hỗ trợ từ Hội Sân khấu TPHCM cũng như Sở VH-TT TPHCM, chủ yếu là nhu yếu phẩm.
Hội Nghệ sĩ Sân khấu TPHCM cho biết trong đợt dịch này đã hỗ trợ được 181 anh em công nhân hậu đài của các đơn vị công lập, xã hội hoá trên địa bàn thành phố. Mỗi phần gồm 1 triệu tiền mặt và gạo, mì gói.
Ông Hồ Hoàng Vũ - Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội cho biết, công nhân hậu đài là đối tượng luôn được quan tâm đầu tiên trong việc hỗ trợ. “Ở Nhà hát, anh em công nhân hậu đài, hành chính nhận lương thấp hơn nhiều so với nghệ sĩ. Trong khi đó, họ cũng khó có thêm nguồn thu bên ngoài. Tôi nghĩ rằng nên đưa đối tượng này vào danh sách những người cần được hỗ trợ và cần phải có một văn bản hướng dẫn cụ thể”, ông Hoàng Vũ chia sẻ.
Nhà hát nghệ thuật Hát Bội cũng đã có trao đổi với Sở VH-TT TPHCM về những đối tượng thực sự cần được hỗ trợ. Trong một cuộc trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, NSƯT Tấn Minh (Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long) cũng cho biết anh sẽ có buổi gặp gỡ, trao đổi thêm với Sở VH-TT Hà Nội để việc hỗ trợ nhân viên, nghệ sĩ của các nhà hát được tốt hơn.
Đồng quan điểm, NSƯT Trịnh Kim Chi cho biết thêm: “Tôi rất mong sự quan tâm của Sở VH-TT cũng như các cấp để việc hỗ trợ cho các sân khấu được tốt hơn. Quy định hiện nay còn nhiều điều chưa sát với nhu cần thực tế, cần được xem xét và tháo gỡ kịp thời. Sự hỗ trợ không đơn thuần chỉ là vật chất mà còn có ý nghĩa động viên tinh thần rất lớn, tránh cảm giác tủi thân vì bị bỏ quên trong dịch bệnh. Điều này sẽ khích lệ tất cả những người làm nghề cùng chung tay xây dựng lại sân khấu sau dịch”.
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn nhấn mạnh: "Tư nhân hay công lập đều đóng góp cho văn hoá nghệ thuật. Chưa kể tại TPHCM nhiều đơn vị xã hội hoá hoạt động rất hiệu quả, nhưng đến nay sau 19 tháng khó khăn chúng tôi vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ từ nhà nước. Tôi cho rằng, sự năng động, tự thân vận động của các cơ quan ban ngành địa phương có thể sẽ giải quyết được những vấn đề ngay trước mắt, trong khi chờ đợi những giải pháp, quyết định mới từ Bộ VH-TT&DL".
Trung Sơn