Đã trễ hạn gần năm tháng
Nhà ông Nguyễn Văn Thảo A, 42 tuổi, ở thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế thật ra chỉ là cái chòi nằm lọt thỏm giữa vườn tràm, xung quanh là những dự án, công xưởng của khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Chòi mới được ông Thảo A dựng lại sau khi nhà ông bị bão số 13 đánh sập vào tháng Mười năm ngoái.
|
Ông Nguyễn Văn Thảo A đang mong nhận được tiền hỗ trợ để sửa lại nhà |
Gần mười năm trước, ông Thảo A lập gia đình, được bố mẹ cho miếng đất rồi cất nhà ở riêng. Gần đây, sau khi vợ chồng ly hôn, căn nhà là nơi trú ngụ của ông và hai con trai bốn tuổi và tám tuổi đang đau bệnh. Mới đây, ông Thảo A làm đơn “xin” được công nhận hộ nghèo, nhưng chưa được duyệt. Để giúp đỡ gia đình ông Thảo A, chính quyền xã Lộc Vĩnh đã hỗ trợ ông gần 300 con gà giống, nhưng cùng với căn nhà, đàn gà cũng đã bị bão thổi bay. Bố con ông Thảo A phải dọn về tá túc tạm tại nhà bố mẹ. “Tui tưởng sẽ sớm được hỗ trợ để làm lại nhà, nhưng chờ hoài, nửa năm rồi, vẫn chưa thấy. Rất mong Nhà nước quan tâm để cha con tui có chỗ chui vô chui ra” - ông Thảo A nói.
Tại thôn Thủy Yên Thôn, xã Lộc Thủy, H.Phú Lộc, ngôi nhà của anh Mai Đình Đông, 32 tuổi, còn lại khung sườn, nhưng phần mái đã bay đi mất, tôn và đòn tay vẫn còn vương vãi tận ngoài ngõ. Vợ chồng anh Đông cùng ba con nhỏ, có cháu mới chín tháng tuổi, bồng bế nhau vào Đà Nẵng làm thuê kiếm sống.
Hỏi, sao cứ để mái nhà trống hoác vậy, anh Đông cho biết: “Để rứa mới có bằng chứng. Chứ không khi đoàn về kiểm tra lại nói mình gian dối, không thuộc đối tượng được hỗ trợ”.
Nhà của vợ chồng chị Trần Thị Nhung, tổ 7, thị trấn Phú Lộc, H.Phú Lộc cũng bị hư hại nặng sau các đợt mưa bão dồn dập hồi tháng mười năm ngoái, nhưng chị vẫn chưa được hỗ trợ gì.
Nghị quyết số 165 của Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng về nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng mười năm 2020 trên địa bàn một số địa phương miền Trung và Tây nguyên, trong đó có Thừa Thiên - Huế, quy định: những hộ dân có nhà bị sập, đổ, trôi hoàn toàn, được ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ; đối với nhà bị hư hỏng nặng ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/hộ.
|
Vợ chồng chị Trần Thị Nhung đang tìm cách sửa chữa tạm lại ngôi nhà của mình |
Căn cứ mức độ thiệt hại về nhà ở và mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương, các địa phương chủ động sử dụng ngân sách của mình và huy động thêm các nguồn lực hợp pháp khác để quyết định mức hỗ trợ các hộ dân cho phù hợp. Chính phủ cũng ấn định việc hỗ trợ người dân phải hoàn thành chậm nhất trước ngày 15/12/2020. Nghị quyết 165 cũng không quy định chỉ hộ nghèo, cận nghèo có nhà bị hư hỏng nặng hay sập thì mới được hỗ trợ, nhưng lãnh đạo H.Phú Lộc lại xem đây là điều kiện tiên quyết để xem xét hỗ trợ.
Thống kê của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn H.Phú Lộc cho biết, toàn huyện có tổng cộng 1.311 nhà dân thuộc 17 xã, thị trấn bị bão số 13 làm hư hại; kinh phí các địa phương đề xuất hỗ trợ cho bà con ban đầu là trên 4 tỷ đồng. Thế nhưng đến nay, đã gần năm tháng, rất nhiều hộ chưa được hỗ trợ.
Cái cần không dùng, lại dùng cái không cần
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Đề - Phó chủ tịch UBND H.Phú Lộc - nhìn nhận, việc chậm chi hỗ trợ cho người dân là do khâu xác định “hộ nghèo, cận nghèo”.
Để làm rõ sự việc, ông Đề giới thiệu chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn H.Phú Lộc. Ông Thông khẳng định là huyện đã chi (từ ngân sách) hỗ trợ người dân sửa lại nhà bị hư hại nặng và sập, và công việc này do Ủy ban Mặt trận tổ quốc huyện đảm trách. Tuy nhiên, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận tổ quốc H.Phú Lộc phủ nhận việc này rằng: Mặt trận tổ quốc chỉ tiếp nhận, điều phối những đóng góp của các tổ chức, cá nhân thiện nguyện hoặc mặt trận cấp trên đưa về.
Phản hồi của Ủy ban Mặt trận tổ quốc huyện khiến ông Thông lúng túng. Ông Thông kiểm tra lại quy trình thủ tục rồi khẳng định, huyện đã nhận danh sách đề xuất từ các địa phương, nhưng chưa chi hỗ trợ từ ngân sách cho người dân có nhà hư nặng, sập trong bão lũ do chưa xác định những hộ này có thuộc hộ nghèo, cận nghèo hay không theo quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ (quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội).
Ông Thông cho biết, qua rà soát lựa chọn hộ nghèo, cận nghèo bị hư nhà, sập nhà theo tiêu chí của Nghị định 136 thì còn 26 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo với tổng số tiền đề xuất hỗ trợ trên 257 triệu đồng. Nhưng đến thời điểm này huyện vẫn chưa chi cho những hộ dân này do chậm ở khâu “thẩm định, rà soát”. Chúng tôi dẫn Nghị quyết 165 về hỗ trợ người dân thiệt hại nhà cửa nặng do thiên tai trong tháng 10/2020 mà không quy định bắt buộc phải là hộ nghèo, cận nghèo thì ông Thông lấy làm ngạc nhiên vì mới biết nội dung này.
Trong lúc H.Phú Lộc giải thích chậm chi là do khó khăn trong khâu xác định hộ nghèo, cận nghèo mà không áp dụng Nghị quyết 165 thì tại H.Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế), lãnh đạo huyện cho biết là còn phải đánh giá mức độ thiệt hại!
Và thật là bất ngờ, khi trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, tỉnh đã phân bổ kinh phí từ trung ương hỗ trợ cho tỉnh theo Nghị quyết 165 của Chính phủ cho các huyện, hoàn tất việc hỗ trợ sửa chữa nhà cửa hư hại do bão lũ năm 2020 từ lâu!
Làm việc với chúng tôi, bà Trần Thị Hoài Trâm - Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, UBND tỉnh đã có công văn 10480 ngày 20/11 năm 2020 báo cáo Bộ Tài chính xác định nhu cầu và số lượng nhà ở sụp đổ, trôi hoàn toàn hoặc phải di dời khẩn cấp do bão lũ và đề nghị Trung ương hỗ trợ 4,18 tỷ đồng, nhưng cho đến nay chưa có kinh phí phân bổ của Trung ương. Trong thời gian Trung ương chưa phân bổ, tỉnh yêu cầu các địa phương chủ động sử dụng ngân sách của cấp mình để chi cho các hộ dân.
Thuận Hóa