Hỗ trợ gì để nữ doanh nhân vượt khó?

24/11/2023 - 06:20

PNO - Các nữ chủ doanh nghiệp ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về quy trình thủ tục, điều hành sản xuất, tiếp cận thị trường… Họ cần được hỗ trợ để duy trì, phát triển doanh nghiệp.

 

Ngày hội Gia đình HAWEE được tổ chức  hồi tháng 6/2023 với nhiều gian hàng  trưng bày sản phẩm mới, giúp hội viên  có cơ hội tiếp cận thị trường - ẢNH: T.L
Ngày hội Gia đình HAWEE được tổ chức hồi tháng 6/2023 với nhiều gian hàng trưng bày sản phẩm mới, giúp hội viên có cơ hội tiếp cận thị trường - Ảnh: T.L

Phải tự mình “bơi”

Bà Lâm Thúy Ái - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Thương mại Sản xuất Mebipha - kể, năm 2003, bà mở công ty sản xuất dược phẩm thủy sản trong bối cảnh chưa có tiêu chuẩn gì rõ ràng về thuốc thú y. 
Mãi đến năm 2007, các bộ mới soạn dự thảo tiêu chuẩn thực hành sản xuất thuốc tốt theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dành cho người lẫn vật nuôi.

Do đó, khi thành lập công ty, bà Thúy Ái phải tự mày mò, tìm hiểu để viết kế hoạch sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường. Khi đó, thị phần thuốc dùng cho thủy sản ở Việt Nam do các tập đoàn nước ngoài nắm giữ. Họ nhập sản phẩm về, đóng gói ở Việt Nam chứ không có nhà máy đạt chuẩn ở Việt Nam. 

“Bấy giờ, không có hồ sơ tiếng Việt nào hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng nhà máy đạt chuẩn về thuốc thú y. Chúng tôi phải thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn cách xây dựng nhà máy đạt chuẩn, nhưng khi trình, các nhà quản lý của Việt Nam lại nói không phù hợp” - bà nhớ lại.

Doanh nhân nữ vẫn đang chịu những áp lực riêng về giới như cân bằng giữa công việc và chăm sóc gia đình, định kiến xã hội về vai trò, khả năng kinh doanh của phụ nữ.

 Bà Nguyễn Phương Thảo 
- Phó chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam 
(thuộc Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam)

Khởi công từ năm 2010, đến năm 2012, nhà máy sản xuất thuốc thú y của Mebipha mới hoàn thành và được Cục Thú y Việt Nam cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn để sản xuất. Để có tên trong danh sách nhà cung cấp thuốc thú y cho các tập đoàn chăn nuôi, bà Thúy Ái mời đại diện WHO đến đánh giá nhưng họ từ chối do nhà máy chưa hoạt động. 

Theo bà Thúy Ái, ngoài quy trình lập công ty, lập nhà máy, bà còn gặp khó khăn về vốn, về việc đáp ứng rất nhiều yêu cầu từ hàng chục cơ quan quản lý. Bà phải tự “bơi”: tự tìm kiếm thông tin, mang dự án đi thuyết minh với các ngân hàng để kêu gọi hỗ trợ vốn, từng bước điều chỉnh quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu, quy định của các bộ, sở, ngành.

Bà Mã Thị Thanh - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng - cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2023, tỉnh này có khoảng 1.000 doanh nghiệp phá sản hoặc ngưng hoạt động. Trong vai trò hỗ trợ nữ chủ doanh nghiệp, bà thấy nỗi nhọc nhằn của nữ doanh nhân, nhất là sau đợt dịch COVID-19: vốn không còn, sức mua quá yếu.

Bà nhận xét: “Chính phủ có những chính sách rất tốt để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng để được hỗ trợ, doanh nghiệp phải đáp ứng những yêu cầu, điều kiện khó. Có những chính sách chưa, hoặc không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi. Chúng tôi đã kiến nghị các giải pháp giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp nhưng không nhận được câu trả lời. Do đó, các chủ doanh nghiệp cảm thấy đơn độc và bất lực”.

Cần cởi bỏ rào cản thủ tục

Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cũng nhận định, khi dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ đã nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng có vẻ quan tâm nhiều hơn đến việc chống dịch, ít quan tâm cải cách thủ tục để giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn: “Chỉ có chính sách giảm thuế là được cảm nhận rõ ràng nhất. Các thủ tục hành chính khác vẫn rất nhiêu khê nên các chính sách hỗ trợ chưa thực sự đi vào cuộc sống”.

Các nữ công  nhân đang  làm việc tại  nhà máy của  Công ty cổ  phần Ba Huân - ẢNH: HOA LÀI
Các nữ công nhân đang làm việc tại nhà máy của Công ty cổ phần Ba Huân - Ảnh: Hoa Lài

Theo bà Minh Thảo, doanh nghiệp không chỉ đối mặt khó khăn nội tại hay đáp ứng các tiêu chí chất lượng của thế giới mà còn phải vượt “ải” thủ tục: “Nếu giảm bớt các rào cản về thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn trong thủ tục đầu tư thì sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước sẽ tốt hơn nhiều. Hầu hết các nước đều chú trọng cải cách thủ tục để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chứ không động viên, khuyến khích suông”. 

Bà Lành Huyền Như - quản lý dự án Chuỗi cung ứng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu Việt Nam thuộc Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam - nhận xét, khi muốn tiếp cận chuỗi cung ứng quốc tế, các nữ chủ doanh nghiệp ở Việt Nam thường bị thiếu thông tin về thị trường, văn hóa bán hàng, cách tiếp cận thông tin, tiếp đến là giá cả, chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng. 

Theo bà Huyền Như, để sản phẩm đến được với thị trường thế giới, cần đáp ứng ESG - bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay không chỉ đáp ứng yêu cầu về chất lượng mà còn phải đảm bảo tính trách nhiệm đối với con người và môi trường trong suốt quá trình sản xuất. Nhiều quốc gia đã luật hóa kinh doanh có trách nhiệm với con người và môi trường.

“Nếu chúng ta nắm bắt xu thế, sẽ nắm bắt cơ hội, biến nó thành thế mạnh doanh nghiệp. Sẵn sàng thay đổi, nữ doanh nhân mới có thể gia nhập thị trường, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu” - bà nói. 

Nhiều rào cản đối với doanh nghiệp nữ

Ngày 17/11, tại TPHCM, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, thuộc Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tiếp cận thị trường - Chính sách, thực tiễn và giải pháp”. Tại hội thảo, ban tổ chức đã giới thiệu “Xu hướng doanh nghiệp phát triển bền vững và bình đẳng giới” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nâng cao năng lực tiếp cận chuỗi cung ứng, tiếp cận thị trường.

Theo số liệu điều tra của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), năm 2021, tỉ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ là 22,1%, trong đó 90,7% có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chỉ 2,2% có quy mô lớn, trung bình. 61,3% doanh nghiệp do nữ làm chủ xuất phát từ mô hình kinh doanh gia đình, hộ kinh doanh cá thể, phần lớn làm dịch vụ, thương mại, thị trường bó hẹp trong nước. Còn theo điều tra của VCCI về doanh nghiệp do nữ làm chủ dưới tác động của dịch COVID-19, nữ chủ doanh nghiệp đối mặt với 4 khó khăn lớn nhất gồm tìm kiếm khách hàng, tiếp cận vốn, biến động thị trường, tìm kiếm nhân sự phù hợp. Trong đó, số nữ chủ gặp khó khăn về tìm kiếm khách hàng chiếm 64,3%. Số doanh nghiệp do nữ làm chủ chiếm hơn 22% tổng số doanh nghiệp nhưng chỉ bán được 1% sản phẩm công tư.

Tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, kết nối giao thương

Để hỗ trợ nữ doanh nhân tiếp cận thị trường, năm 2022, Hội Nữ doanh nhân TPHCM (HAWEE) đã tổ chức sự kiện Nhịp cầu ASEAN++, quy tụ nhiều lãnh sự quán các nước tại TPHCM và đại diện 600 doanh nghiệp. Sự kiện này đã tạo điều kiện cho các nữ doanh nhân trong HAWEE tiếp xúc với lãnh đạo các doanh nghiệp, sứ quán, lãnh sự quán của 15 quốc gia; tọa đàm về xu thế phát triển bền vững của doanh nghiệp gắn với kinh tế xanh, trách nhiệm với xã hội. 

Hằng năm, HAWEE tổ chức ngày hội giao thương “Chợ tết Việt” để các nữ chủ doanh nghiệp buôn bán hàng hóa, trao đổi kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường. Tháng 4/2023, 17 chủ doanh nghiệp trong HAWEE đã tham gia chuỗi hội chợ Lifestyle ở Đài Loan (Trung Quốc), qua đó kết nối được khá nhiều doanh nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức nhóm “HAWEE giao thương” để buôn bán trong nội bộ HAWEE. Chúng tôi sẽ thành lập nhóm tương tác giao thương theo từng ngành nghề để hỗ trợ thành viên hiệu quả hơn.

HAWEE cũng liên kết với sở công thương các tỉnh, thành và hệ thống phân phối để tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp do nữ làm chủ; tiếp thêm nguồn vốn, đầu tư tự động hóa; đào tạo chuyên sâu, trang bị kiến thức cho nữ chủ doanh nhân. Ngoài ra, chúng tôi còn có chương trình “Mentoring”, nghĩa là mỗi nữ doanh nhân có nhiều kinh nghiệm, đã thành công trong sản xuất, kinh doanh kèm cặp 1 nữ doanh nhân mới khởi nghiệp. Chúng tôi muốn chương trình này được mở rộng chứ không chỉ trong nội bộ HAWEE.

 Bà Lê Thị Thanh Lâm 
- Phó chủ tịch HAWEE

Đặt ra chỉ tiêu mua hàng hướng đến bình đẳng giới
P&G có chương trình Equality and Inclusion (bình đẳng giới và hòa nhập, không loại trừ một ai) hướng đến các nhà cung ứng ở tất cả các nước mà P&G hiện diện. Để thực hiện, chúng tôi đề ra chỉ tiêu cho phòng mua hàng là 5% doanh số mua hàng toàn cầu của P&G đến từ các doanh nghiệp do nữ lãnh đạo, làm chủ. Với mục tiêu đó, trong 3-5 năm qua, P&G tại Việt Nam đã giúp nhiều nữ doanh nhân trong nước phát triển kinh doanh. Hiện tại, chúng tôi đang dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về doanh số mua hàng từ những doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Phan Thị Thanh Nhàn

- Giám đốc mua hàng, Công ty TNHH P&G Việt Nam

Xoay xở để tồn tại và phát triển

3 tháng nay, chị Nguyễn Thị Nhung - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nội thất Huyền Trang - liên tục ra nước ngoài tìm nguồn nguyên liệu mới để chuẩn bị ra mắt dòng sản phẩm chăn, drap, gối cho phân khúc thị trường mới. Chị nói: “Bây giờ kinh doanh khó lắm. Tôi đang cố gắng sản xuất cầm chừng để duy trì việc làm cho công nhân”.

Công ty của chị Nhung đã hoạt động 20 năm qua, hiện có 30 nhân công, trong đó nữ chiếm hơn 50%. Sản phẩm của công ty được khoảng 5.000 cửa hàng phân phối. Từ khi xảy ra dịch COVID-19, việc kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn nên nhiều tháng, chị Nhung phải dùng tiền tích lũy để trả lương cho công nhân. Chị phải tìm kiếm nguyên liệu phù hợp để đa dạng hóa sản phẩm, nhắm đến các phân khúc thị trường khác nhau, từ đó có doanh thu và tạo việc làm cho công nhân.

Bà Trần Thùy Dương - Phó giám đốc Công ty cổ phần Bột thực phẩm Tài Ký (TaikyFood) - cho biết, hoạt động xuất khẩu gần đây gặp khó khăn nên công ty đẩy mạnh quảng bá và bán sản phẩm ở thị trường trong nước. Bà mong các ban, ngành tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại trong nước để công ty có thêm nhiều khách hàng.

Tháng 8/2022, từ số vốn ít ỏi tích cóp được trong nhiều năm làm việc trong ngành xuất khẩu đồ may mặc, chị Trần Thị Ngọc Lan thành lập Công ty TNHH Trà AnTo chuyên sản xuất trà tía tô. Chị cho biết, 3 năm trước, chị đã nhen nhóm ý tưởng sản xuất trà tía tô theo hướng bền vững, thân thiện môi trường. Tháng 12/2022, sản phẩm trà thảo mộc Hibiso kết hợp lá tía tô với hoa bụp giấm đã có mặt trên thị trường.

Khởi nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng, việc gọi vốn đầu tư không hề dễ dàng. Để có vốn, chị Ngọc Lan tham gia các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và tìm được 3 đối tác nữ đã qua tuổi 30 như mình cùng góp vốn. 4 người đều chấp nhận làm không lương trong thời gian đầu. Họ rủ thêm được 1 nam vào nhóm để chia nhau vận hành công ty và đỡ đần bớt số vốn ban đầu. Ai cũng là chủ công ty nên rất nhiệt tình bán hàng. 

Họ tìm mọi cách mở rộng hệ thống bán hàng của mình, đồng thời bỏ mối cho các tiệm, cửa hàng có sẵn, bán và ăn chia trên lợi nhuận để giảm chi phí mặt bằng. Từ đầu năm 2023 đến nay, sản phẩm trà Hibiso của Công ty TNHH Trà AnTo đã có doanh thu 400 triệu đồng. Hiện tại, sản phẩm trà Hibiso đã bắt đầu tiếp cận thị trường Hà Lan, Hàn Quốc và công ty đang hướng sản phẩm đến thị trường Úc, Anh và Mỹ. “Muốn tồn tại và phát triển, phải luôn xoay xở tìm đầu ra cho sản phẩm” - chị Ngọc Lan đúc kết.

 Mỹ Huyền - Thiên Ân

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI