Hỗ trợ đồng đẳng giúp mọi người vượt qua nỗi đau

28/11/2023 - 09:00

PNO - Ở không ít nơi trên thế giới nhất là châu Á, nơi mà việc một người tìm kiếm sự hỗ trợ về tinh thần để có thể vượt qua mất mát, tổn thương thường bị coi là yếu đuối, hỗ trợ đồng đẳng là phương pháp hiệu quả giúp họ vượt qua sự ngại ngùng, chịu đựng, nhờ sự chia sẻ, động viên của nhiều người khác.

Học cách đứng lên sau mất mát

Đầu năm 2020, Jess Hulton đang sống và làm việc tại California (Mỹ) thì nghe tin cha mắc bệnh nan y. Cô trở về Anh giữa lúc đại dịch COVID-19 càn quét khắp thế giới để cùng mẹ chăm sóc cha. Sau khi cha cô qua đời vào tháng 6/2020, Jess gặp khó khăn khi tìm kiếm sự hỗ trợ về tinh thần bởi hệ thống y tế công cộng bị quá tải trong khi việc sử dụng dịch vụ tư vấn tư rất tốn kém.

Cô quyết định tìm kiếm những lời khuyên trên mạng để có thêm sức mạnh đương đầu với nỗi đau mất mát. Jess kể: “Tôi tìm thấy nhóm TNN trên Instagram thông qua một bài đăng của người sáng lập Ben May. Tôi bắt đầu tham gia các nhóm hỗ trợ đồng đẳng và nhanh chóng nhận ra rằng, tất cả những gì tôi cần là được nghe ai đó nói họ từng trải qua hoàn cảnh của tôi và mọi chuyện sẽ trở nên tốt hơn. Sự hỗ trợ đồng đẳng đem đến món quà tuyệt nhất cho tôi: hy vọng”.

Jess Hulton (bìa phải) cùng các tình nguyện viên của TNN - Désirée, Anna và Connor - tại một sự kiện gây quỹ vào tháng 9/2023 - ẢNH: SCMP
Jess Hulton (bìa phải) cùng các tình nguyện viên của TNN - Désirée, Anna và Connor - tại một sự kiện gây quỹ vào tháng 9/2023 - Ảnh: SCMP

Tổ chức từ thiện The New Normal (TNN) thành lập tại Anh vào năm 2018, cung cấp hỗ trợ đồng đẳng miễn phí cho những người trải qua mất mát. Hoạt động của tổ chức hiện đã lan tỏa khắp nước Anh và hơn thế nữa.Khi Jess Hulton chuyển đến Hồng Kông (Trung Quốc) để làm việc, cô cũng giúp mở rộng phạm vi hoạt động của TNN. Tháng 1/2022, Jess tổ chức cuộc gặp gỡ hỗ trợ đồng đẳng đầu tiên ở quận Wan Chai. Ban đầu, các buổi họp nhóm chỉ thảo luận bằng tiếng Anh, do Jess Hulton chủ trì, sau đó dần dần mở rộng thêm phần trò chuyện bằng tiếng Quảng Đông nhờ đội ngũ hơn 30 tình nguyện viên. Jess Hulton chia sẻ: “Mọi người thực sự không biết phải đi đâu để tìm sự giúp đỡ ở Hồng Kông”.

Môi trường chia sẻ và hàn gắn

Thử thách của việc tổ chức các buổi hỗ trợ đồng đẳng không nằm ở việc tìm người tổ chức các cuộc họp, bởi nhóm tình nguyện viên luôn sẵn sàng giúp đỡ. Vấn đề khó nhất xoay quanh cách tổ chức những cuộc trò chuyện. Annissa Suen - người trước đây từng đấu tranh với sức khỏe tâm thần của bản thân - đăng ký làm tình nguyện viên tại TNN bằng cách hỗ trợ các nhóm. Cô nói: “Ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi là tiếng Quảng Đông, nhưng tôi cảm thấy thoải mái hơn khi chia sẻ trải nghiệm của mình bằng tiếng Anh”.

Cô Hulton đã mời Stephanie Ng - người sáng lập Body Banter, một tổ chức từ thiện chuyên giúp đỡ những người trẻ tuổi trò chuyện về hình ảnh cơ thể và sức khỏe tâm thần - đến hỗ trợ nhóm tình nguyện. Cô Ng - nghiên cứu sinh tiến sĩ về ngôn ngữ học và tâm lý học tại Đại học Hồng Kông - cho biết, những tình nguyện viên điều phối buổi trò chuyện thường lo ngại về việc nói sai hoặc có những khoảng thời gian im lặng khó xử. Cô trấn an họ rằng việc có những khoảng dừng là điều hoàn toàn bình thường.

Ngoài ra, cô nói thêm: “Khi mọi người trò chuyện bằng tiếng Quảng Đông, họ thường chuyển sang tiếng Anh để gọi tên cho các chẩn đoán như lo lắng hoặc trầm cảm, sau đó chuyển lại sang tiếng Quảng Đông. Đây không chỉ vì thói quen né tránh thảo luận về vấn đề sức khỏe tâm thần, mà rất có thể do mọi người ít trải qua tình huống đối thoại để nói những lời này". Một số nền văn hóa châu Á không né tránh cái chết, nhưng mọi người lại ít nói về quá trình vượt qua đau buồn vì sợ sẽ tạo gánh nặng cho người khác bởi cảm xúc của mình. 

Các cuộc trò chuyện của nhóm dần mang lại cho Suen sự tự tin để lãnh đạo các nhóm hỗ trợ đồng đẳng. Bây giờ, cô nhận ra, việc sử dụng ngôn ngữ phù hợp không phải vấn đề quan trọng mà là cách giữ không gian chia sẻ thoải mái, không phán xét. Suen nói: “Mọi thứ nằm ở cách bạn phản hồi khi ai đó chia sẻ trải nghiệm của họ và tạo ra một không gian an toàn, cho phép mọi người được nhìn nhận, được lắng nghe. Trong hỗ trợ đồng đẳng, khi những người có trải nghiệm tương tự đến với nhau, điều đó thật kỳ diệu. Bạn không cảm thấy như đang yêu cầu người khác giúp đỡ. Đó là một cộng đồng gồm những người đã trải qua thời kỳ thử thách và muốn giúp hàn gắn lẫn nhau”. 

Linh La (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI