PNO - Không đợi trường kêu gọi quyên góp, nhiều học sinh, sinh viên tại TPHCM đã chủ động hỗ trợ đồng bào miền Bắc bị bão lũ bằng cách góp tiền, góp sức…, mong xoa dịu phần nào khó khăn của bạn bè, đồng bào nơi xa.
Một ngày giữa tháng Chín, An Nhiên - học sinh lớp Lá 2, Trường mầm non Tân Phong (quận 7) - cùng mẹ xem tin tức về bão lũ miền Bắc. Dõi theo từng hình ảnh, Nhiên quay sang nói với mẹ: “Hôm nay là sinh nhật con, con muốn gửi món quà của mình là chiếc áo ấm mới cho các bạn ở ngoài miền Bắc, để các bạn được ấm áp. Các bạn gặp mưa bão, không có cơm ăn, cũng không đến trường được, con thương các bạn lắm”. Mẹ Nhiên hỏi lại rất nhiều lần, cô bé 5 tuổi vẫn khẳng định sẽ tặng đi món quà yêu thích của mình.
“Mong các bạn sớm được đi học” Ngay hôm sau, mẹ đã đưa An Nhiên đến trường để em tự tay trao chiếc áo cho cô giáo với nụ cười hạnh phúc. Nhà trường sẽ tập hợp các vật phẩm, tiền mà học sinh quyên góp để gửi đồng bào miền Bắc trong thời gian tới. Đây cũng chính là điều mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhắn nhủ đến toàn thể ngành giáo dục, dẫu các em ủng hộ 1.000 đồng hay 1 chiếc bút chì cũng rất cần thiết và đáng quý, bởi đó là tinh thần giáo dục, tinh thần chia sẻ…
Học sinh Trường tiểu học Phạm Hồng Thái gửi thư tay kèm tiền mặt đến các bạn miền Bắc
Không đợi Trường THCS Kiến Thiết (quận 3) kêu gọi quyên góp, 2 học sinh lớp Tám của trường là Từ Đăng Nguyên và Nguyễn Huỳnh Bảo Nhi đã đập heo đất, gom hết tiền tiết kiệm gửi cho Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM. Với Nguyên, hơn 1 triệu đồng này là số tiền tiết kiệm từ tiền ăn sáng để mua dụng cụ học tập cần thiết cho năm học mới. Nguyên nói: “Em vẫn còn nhiều đồ cũ dùng lại được, em nghĩ mọi người cần số tiền đó hơn. Sách vở được thưởng em cũng đem tặng cho các bạn, dù em rất quý và chưa dám dùng. Mong các bạn sớm vượt qua khó khăn và quay trở lại trường”. Còn Nguyễn Huỳnh Bảo Nhi thì cảm thấy an lòng vì phần tiền nhỏ 500.000 đồng của mình có thể giúp được bạn nào đó đang khó khăn. Hiện tại, Nhi đã mua heo đất mới và góp tiền mỗi ngày để có thể tiếp tục cho đi số tiền tiết kiệm này.
Ngày 12/9, học sinh Trường tiểu học Phạm Hồng Thái (quận 5) đã cùng nhau viết thư tay, gửi tiền ủng hộ các bạn ở miền Bắc. “Mình rất lo lắng và thương cảm về sự mất mát của các bạn. Mình xin chúc và cầu nguyện cho các bạn cùng gia đình luôn khỏe mạnh, cố gắng vượt qua khó khăn, vất vả mà các bạn đang phải chịu đựng” là một đoạn ngắn trong lá thư tay đầy xúc động của học sinh lớp Năm Nguyễn Quang Phú. Những ngày qua, Phú không chỉ xem được tình cảnh của miền Bắc qua truyền hình mà còn từ chính những thước phim mà cha của Phú - người trực tiếp tham gia cứu trợ - gửi về. Em kể mình rất lo lắng cho cha, nhưng càng lo lắng hơn khi thấy cơn bão tàn phá nhiều nhà cửa, công trình.
“Em đã góp 100.000 đồng cho trường. Hiện tại, em vẫn đang trích tiền ăn sáng mỗi ngày, gom quần áo, tập vở, cặp sách để sắp tới cha em lại mang đi hỗ trợ các bạn” - Phú nói. Còn Nguyễn Lưu Gia Như - học sinh lớp Hai của trường - tâm sự: “Con xem truyền hình thấy ngoài đó gió rất lớn, nước cuốn trôi đồ đạc của mọi người nên rất buồn. Con đã gửi đến các bạn 200.000 đồng. Mong các bạn sớm được đi học trở lại giống như con”. Trường tiểu học Phạm Hồng Thái là một trong số những trường đầu tiên thực hiện quyên góp, đến nay đã được hơn 75 triệu đồng.
Nhiều học sinh, giáo viên, phụ huynh các trường cũng chung tay hướng về đồng bào miền Bắc. Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) quyên góp được hơn 100 triệu đồng, 60 bếp gas, 208 bình gas, 54 thùng mì ăn liền, 185 cuốn tập, 20 hộp bánh quy… Trong tuần này, nhiều trường học khác cũng sẽ triển khai quyên góp.
Đồng lòng vượt qua
17g ngày 13/9, sau khi kết thúc một ngày học tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam phân hiệu TPHCM, Bùi Trần Quang Linh - sinh viên năm thứ hai - lập tức lên xe buýt, ngồi hơn nửa tiếng đồng hồ để đến điểm tập kết nhu yếu phẩm hỗ trợ miền Bắc mang tên Xanh Việt Nam (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh). Bước xuống xe buýt, trời mưa như trút nước, cả người ướt đẫm, Linh vẫn bắt tay vào việc. Tại đây, mỗi ngày có rất nhiều sinh viên tình nguyện đến làm các công việc như: làm muối mè đậu phộng; nhận quyên góp thực phẩm (bánh ngọt, lương khô, sữa…), thuốc không kê đơn (dầu gió, thuốc trị nấm ngoài da, thuốc đau bụng, sốt, ho, ghẻ…), sản phẩm vệ sinh (xà phòng, dung dịch vệ sinh phụ nữ, băng vệ sinh…).
Sinh viên nhiều trường đại học tại TPHCM làm muối mè, muối đậu gửi người dân miền Bắc
Vừa đảo đều phần muối mè trước khi cho vào hũ, Linh vừa kể: “Hầu như ngày nào tan học tôi cũng đến đây. Tôi làm tới gần 0g mới về nhà, cứ liên tiếp như vậy nhưng lại không biết mệt vì thấy bà con ngoài kia đang vất vả, cực khổ hơn mình rất nhiều”. Cũng tại đây, Nguyễn Ngọc Thanh Thảo - sinh viên năm thứ ba Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM - đảm nhận viết thông điệp lên bao bì để động viên đồng bào. “Không có cơn bão nào có thể dập tắt lòng kiên cường của chúng ta”, “muối lạc, vừng trắng, mè đen; ăn cùng cơm nắm, đồng lòng vượt qua”, “mọi người không đơn độc trong trận chiến này”… là những dòng nhắn gửi ngắn gọn mà sinh viên TPHCM gửi đến đồng bào miền Bắc. Ngày đầu tiên hỗ trợ, Thảo đã làm việc đến hơn 1g sáng mới trở về nhà. Tại nhiều địa điểm tập kết vật phẩm khác của TPHCM vẫn không ngớt những đợt tình nguyện viên thay nhau đến làm việc bất chấp ngày đêm, mưa gió.
Là người con của Hưng Yên - một trong những địa phương chịu ảnh hưởng của bão Yagi - Nguyễn Đình Quốc Việt (sinh viên Trường đại học Công nghệ TPHCM) đã chủ động trích số tiền chi tiêu một ngày của mình là 100.000 đồng để gửi đến Ủy ban MTTQ Việt Nam. Việt bộc bạch: “Hiện tôi và bạn bè đang gom góp quần áo, vật phẩm cần thiết để gửi đến mọi người. Hy vọng những phần công sức nhỏ bé này có thể san sẻ phần nào cho người gặp khó khăn”.
Sinh viên, giảng viên của nhiều trường đại học cũng đã và đang dành những tình cảm của mình gửi đến đồng bào khó khăn phương xa. Điển hình như Trường đại học Nguyễn Tất Thành quyên góp gần 700 triệu đồng; Trường đại học Sư phạm TPHCM đóng góp hơn 562,5 triệu đồng; Trường đại học Công Thương TPHCM đã ủng hộ khoảng 400 triệu đồng…
Trường đại học hoãn, hủy lễ khai giảng để ủng hộ đồng bào
Dù công tác tổ chức đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, cuối tuần qua, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM vẫn quyết định không tổ chức lễ khai giảng năm học 2024-2025. Khoảng 100 triệu đồng kinh phí dự kiến tổ chức sẽ được trường chuyển cho Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhằm tiếp sức cho các tỉnh miền Bắc. Tuy nhiên, các hoạt động chào đón tân sinh viên trong khuôn khổ chương trình vẫn diễn ra bình thường.
Trường đại học Công nghiệp TPHCM đã quyết định tạm hoãn lễ khai giảng và ngày hội chào đón tân sinh viên năm học 2024-2025 để tiếp nối tinh thần đoàn kết, sẻ chia mất mát, động viên người dân vùng bão lũ.
Đại học Kinh tế TPHCM dành 100 suất học bổng, mỗi suất trị giá 10 triệu đồng cho sinh viên có địa chỉ thường trú tại 26 tỉnh miền Bắc đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 3. Đồng thời giãn thời gian đóng học phí cho những sinh viên này.
Hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều sinh viên không những vượt qua mà còn có thành tích học tập rất tốt, tham gia nghiên cứu khoa học, làm gia sư miễn phí...
Chiều 14/11, tại Hà Nội, diễn ra buổi gặp mặt các nhà giáo của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương.