|
Ảnh minh họa |
Chuyện kể rằng, xưa có một đám yêu tinh luôn tìm cách phá hoại cuộc sống của loài người. Sau khi bàn bạc, chúng thống nhất sẽ đánh cắp thứ quý giá nhất của loài người mang đi giấu. Đó là hạnh phúc. Đám yêu tinh đã tìm mọi cách để giấu hạnh phúc. Mang lên núi cao, con người chinh phục được núi. Giấu dưới đáy đại dương, con người lặn xuống đáy đại dương. Rốt cuộc bầy yêu tinh phát hiện ra một điều: con người tìm kiếm hạnh phúc khắp mọi nơi; nhìn thấy hạnh phúc nơi người khác nhưng lại không thấy hạnh phúc nơi mình. Chúng quyết định giấu hạnh phúc trong chính mỗi con người để họ không thể nào tìm được...
Kết quả là chúng ta cả đời cứ loay hoay đi tìm hạnh phúc của chính mình.
Hãy thử lắng nghe những lời chia sẻ này vào ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, để biết những người phụ nữ đi tìm hạnh phúc ở đâu!
Tạ Khánh Tâm (thực hiện)
Huỳnh Thị Minh Châu - Ngân hàng Vietcombank: Hạnh phúc vốn quanh đây...
Buổi chiều trên đường về nhà, mẹ con tôi thường ghé vào xe bán trái cây của một cặp vợ chồng già. Chiều nào họ cũng đẩy xe ra bán vào giờ tan tầm, cho những người đi đường, ghé vội. Nhìn họ khắc khổ lam lũ đứng bên vệ đường, con trai tôi hỏi, ông bà có nhà không, sao phải đứng bán ở đây vậy mẹ…Có chứ, có thể là nhà của ông bà, cũng có thể nhà trọ, nhưng vẫn có nơi để về. Chắc con cháu họ còn vất vả, nên họ phải còn cố gắng đó con.
Tôi thường đong niềm vui của những người xung quanh qua ánh mắt nụ cười của họ, cách họ nghĩ về cuộc sống, đếm hạnh phúc cũng từ những thứ rất đời thường, giống như cách hai ông bà già giúp nhau, càu nhàu với nhau, trách móc nhau mà sóng đôi cùng nhau, đến tận tuổi này. Như cái cách cô bạn tôi ríu rít vào cái giờ đang bận nhất, xuống đây đi ăn với tao, có chuyện này hay lắm, rồi khóc cười không cần khách sáo.
Gọi cho bạn, hỏi lâu nay mày sống thế nào, có vui không, có hạnh phúc không, nghe bạn cười giòn, biết là ổn. Tôi vẫn luôn tự nhủ, hạnh phúc chính là niềm vui mỗi ngày nhìn thấy con vào giờ tan học, nghe con líu lo suốt đường về, là mua được cái áo đẹp, được gặp bố mẹ hàng ngày, giúp được vài người, nấu vài món đơn giản cho người thân, được làm công việc yêu thích….
Tưởng nhẹ nhàng vậy thôi mà kiếm tìm, nắm níu giữ gìn cũng gian nan, cái gọi tên là hạnh phúc. Chúng ta thường đọc được những câu chuyện bắt đầu bằng cụm từ: họ từng là một đôi hạnh phúc, họ từng có một gia đình hạnh phúc... chứ không phải câu chuyện kết thúc bằng: Từ đó họ sống với nhau rất hạnh phúc đến đầu bạc răng long như khi còn là những đứa trẻ. Bởi vậy, tôi vẫn luôn thấy thích thú khi quan sát những người già hạnh phúc và khỏe mạnh, cách họ sống và hình dung họ góp nhặt niềm vui như thế nào để học làm theo.
Vậy thôi, nếu không nói chuyện vĩ mô như tính chỉ số hạnh phúc người dân của một quốc gia, chiều nay tôi nhẩm tính nguyên liệu để nấu mì Quảng.
Hoàng Thị Thúy Hà - Đại học RMIT: Tôi tận hưởng hạnh phúc ngay tại đây, lúc này
Hạnh phúc với tôi là tiếng cười giòn tan của cậu út, là cái ôm ngái ngủ của cậu cả và là nụ hôn phớt lên má của chồng mỗi sáng đưa tôi đi làm. Với tôi, hạnh phúc là yêu thương nho nhỏ góp nhặt từ những điều nhẹ nhàng, phơn phớt diễn ra hàng ngày. Nó không quá mạnh khiến tim tôi phải lỗi nhịp nhưng đủ lan tỏa giúp tôi vượt qua những lo toan cơm áo gạo tiền cũng như những áp lực trong công việc. Cũng có thời gian tôi đưa hạnh phúc lên bàn cân để so đo với sự lãng mạn chỉ tìm thấy trong phim Hàn quốc, với những tiêu chuẩn tuyệt đối trong sự trưởng thành của con trẻ, với đòi hỏi về cách ứng xử của bạn bè đồng nghiệp.
Hạnh phúc bị tôi gắn vào những điều to tát đã lý tưởng hóa vô tình kéo chùng không khí gia đình tôi xuống trong thời gian dài. “Không thay đổi được hoàn cảnh thì thay đổi bản thân vậy” là câu thần chú mà hiện tôi luôn tự nhủ với mình. Và rồi tôi thấy hạnh phúc tràn ngập trong không khí tôi đang hít thở hàng ngày, chờ tôi mở lòng và tận hưởng. Bạn sẽ nhăn mặt nghi ngờ và kể ra một lô lốc những lý do cũng như lợi thế khiến tôi có thể dễ dàng nói ra những điều mang tính lý thuyết này.
Thật ra, trình tự diễn ra hoàn toàn ngược lại. Chồng tôi vẫn mê công việc và “nhường” hết phần chăm sóc con cái, quán xuyến nhà cửa cho tôi, cậu cả chưa qua hết khủng hoảng tuổi dậy thì còn cậu út lại đang len lén bước vào, có những sáng vẫn mệt mỏi và không tìm thấy động lực để đến chỗ làm...