Hồ thu

26/06/2016 - 18:19

PNO - Tôi nghĩ: người ta lớn lên. Tôi đã lớn lên. Nhưng cô bé không thay đổi. Cô bé vẫn nhỏ. Cô bé vẫn mười hai. Cái chết không cho phép trưởng thành hay đổi thay.

Ray Bradbury (Mỹ) qua đời ngày 5/6/2012, để lại một văn nghiệp sung mãn của 70 năm sáng tác. Sinh ngày 22/8/1920, ông bắt đầu viết văn chuyên nghiệp từ tuổi 20 và là tác giả của 10 tiểu thuyết cùng khoảng 700 truyện ngắn.

Sóng ngăn cách tôi với thế giới, với lũ chim trên trời, bầy trẻ trên bãi cát, với mẹ tôi trên bờ. Một thoáng im lặng màu lục. Rồi sóng trả lại tôi bầu trời, bãi cát, bầy trẻ la ó. Tôi rời khỏi hồ và thế giới vẫn đang chờ đón, không xê dịch mảy may từ khi tôi bỏ đi.

Ho thu

Tôi chạy lên bãi cát.

Mẹ lấy khăn lông lau cho tôi. Bà nói:

- Đứng đó cho khô người. Tôi đứng ngắm nghía ánh nắng lấy đi những hạt nước trên cánh tay. Tôi điền vào chỗ trống bằng những đốm gai ốc nổi sần trên da.

- Ồ, trời trở gió kìa

- Mẹ nói

- Mặc áo vào đi con.

- Chờ chút, con muốn xem con nổi da gà - tôi nói. - Harold

- Mẹ nhắc nhở. Tôi mặc áo vào và nhìn những con sóng hết tiến vào lại lùi xa trên bãi cát. Rất đều đặn. Có chủ đích, một nhịp đều đều xanh xanh điệu đàng. Ngay cả người say cũng không thể nào ngã quỵ xuống điệu đàng như những con sóng ấy.

Lúc đó là tháng Chín. Vào những ngày cuối cùng khi mọi thứ đâm ra buồn buồn chẳng có nguyên do. Bãi cát hun hút và hiu quạnh chỉ có sáu bóng người. Mấy đứa nhỏ đã thôi nhồi bóng vì không hiểu sao làn gió cũng khiến chúng buồn, khi gió cứ rít vi vu như thế, và đám trẻ con ngồi xuống cảm nhận mùa thu đang đến trên bờ hồ vô tận này.

Mọi quầy sạp bán xúc xích đã đóng kín bằng những tấm ván sơn sọc vàng, khóa chặt bên trong bao mùi vị thịt thà, hành tây, mù tạt của mùa hè vui thú dài lâu. Cứ như mùa hè đã bị đóng đinh nhốt trong một dãy quan tài. Từng cái một, các quầy sạp đóng sầm mái che, móc khó a vào cửa và gió tới vuốt ve mặt cát, thổi tan đi cả hàng triệu dấu chân của tháng Bảy và tháng Tám. Cứ như thế tới giờ, đến tháng Chín, chẳng còn gì ngoài dấu giày thể thao cao su của tôi, dấu chân của Donald và Delaus Arnold mon men xuống gần gợn nước.

Cát bay tung lớp lớp trên các vỉa hè và vòng đu quay đã trùm kín trong vải bạt, tất cả những con ngựa gỗ đứng sững giữa trời trên những cột đồng, nhe răng, trong nước kiệu bất động. Luồn qua tấm vải bạt chỉ có gió làm tiếng nhạc.

Tôi đứng đó. Mọi người khác đã đến trường. Tôi thì không. Ngày mai tôi sẽ lên đường xuyên nước Mỹ về miền Tây bằng tàu lửa. Mẹ và tôi đến bờ hồ này chỉ một lần ngắn ngủi cuối cùng.

Cảnh cô tịch này có cái gì đó khiến tôi cứ muốn được tránh xa một mình.

- Mẹ, con muốn chạy ngược theo bờ hồ này ra đằng xa - tôi nói.

- Được, nhưng quay về cho mau và tránh xa bờ nước.

Tôi chạy. Cát xoay tít dưới chân và gió nâng tôi lên. Bạn biết cảm giác đó mà, chạy nhanh, hai cánh tay dang ra để ta nhận thấy gió như đang giăng mành giữa các ngón tay mình. Như chim tung cánh.

Mẹ ngồi đó, thu nhỏ dần theo khoảng cách. Chẳng mấy chốc bà chỉ còn là một đốm nâu và chỉ mình tôi đơn độc.

Được một mình là cái cảm giác mới mẻ đối với một đứa trẻ mười hai. Nó đã quá quen có nhiều người chung quanh. Cách duy nhất để nó được một mình là tưởng tượng. Có quá nhiều con người thực ở khắp nơi, bảo ban lũ trẻ phải làm gì và làm sao, tới mức một thằng bé phải chạy thật xa ngoài bờ hồ, cho dù chỉ chạy trong đầu, thì mới được ở một mình trong thế giới của riêng nó.

Vậy là bây giờ tôi thật sự một mình.

Tôi đi xuống nước và để cho nước mát ngập tới bụng. Mọi lần trước đây, khi có đám đông, tôi không dám nhìn, không dám tới chỗ này để tìm quanh mặt nước và gọi một cái tên ai đó. Nhưng bây giờ…

Nước giống như nhà ảo thuật. Cưa đôi người ta ra. Ta có cảm tưởng như bị cắt làm hai nửa, một phần của ta, phần bên dưới, là đường, tan chảy, biến mất. Nước mát, và đôi khi một gợn sóng xô rất điệu đàng rủ xuống một màn lụa nước rập rờn.

Tôi gọi tên cô bé. Hơn chục lần, tôi gọi mãi.

- Tally! Tally! Tally ơi!

Khi ta còn nhỏ thì ta thật sự mong mỏi tiếng gọi của mình được đáp lời. Ta tưởng như bất cứ thứ gì ta nghĩ ra cũng đều có thể có thật. Và có khi điều đó hẳn cũng không sai.

Tôi nhớ Tally đã bơi ra ở khoảng hồ này tháng Năm vừa rồi, hai bím tóc lướt thướt đằng sau, tóc vàng. Cô bé vừa đi vừa cười vang, và nắng rọi trên hai bờ vai mười hai nhỏ nhắn. Tôi nhớ mặt nước này khép lại im lìm, nhớ người cứu hộ đã lao xuống hồ, nhớ tiếng gào của mẹ Tally, và nhớ Tally đã trốn biệt tăm ra sao…

Người cứu hộ đã cố sức thuyết phục cô bé đi ra, nhưng cô vẫn trốn. Ông ta quay lại, trong mấy ngón tay đầy khớp đốt to lớn chỉ có mấy nhánh rong, còn Tally biến mất. Cô bé không còn ngồi ngay trước mặt tôi ở trường, mà cũng không còn chạy đuổi theo những quả bóng con trên hè phố lát gạch những đêm hè nữa. Cô bé đã đi ra quá xa, và hồ nước đã không cho cô trở về.

Và bây giờ trong mùa thu đìu hiu này khi bầu trời mênh mông, mặt nước mênh mông và bờ cát lê thê, tôi đã đi xuống chỗ đó lần cuối cùng, một mình.

Tôi gọi tên cô bé mãi. Tally ơi, Tally!

Gió thổi rất khẽ bên tai tôi, giống như cách gió thổi qua miệng các vỏ sò để làm cho chúng rung ngân thì thầm. Nước dâng lên, ôm choàng lấy ngực tôi, rồi hai đầu gối, lên rồi xuống, hết dâng lại rút, hút lấy hai gót chân tôi.

- Tally! Về đi, Tally!

Tôi chỉ mới mười hai. Nhưng tôi biết mình yêu cô bé biết bao. Đó là thứ tình yêu nảy sinh trước mọi ý nghĩa của thân thể và đạo lý. Đó là thứ tình yêu chẳng khác gì gió, biển và cát, mãi mãi nằm bên nhau. Tình yêu ấy hình thành từ những ngày dài ấm áp cùng chơi trên bờ hồ này, và những ngày ầm ừ lặng lẽ của những bài học ê a ở trường. Từ suốt những ngày thu dằng dặc mấy năm qua khi tôi mang cặp sách cho cô bé từ nhà đến trường.

Tally!

Tôi gọi tên cô bé lần cuối cùng. Tôi rùng mình. Tôi cảm thấy nước ướt mặt mình và không hiểu sao nước lại bám ở đó. Sóng hồ đâu vỗ cao đến vậy.

Quay lại, tôi rút lui lên bãi cát và đứng đó cả nửa giờ, mong mỏi một thoáng hiện, một dấu hiệu, một chút gì của Tally để nhớ. Rồi, tôi quỳ xuống và đắp một lâu đài cát, tạo hình thật đẹp, vun đắp nó như Tally và tôi đã từng xây biết bao lâu đài. Nhưng lần này, tôi chỉ đắp một nửa. Rồi tôi đứng lên.

Tally, nếu bạn nghe mình thì hãy vào đây đắp phần còn lại.

Tôi đi về phía cái đốm nhỏ xa tít là mẹ ngồi kia. Sóng tràn vào, hòa tan lâu đài cát với từng vòng nước cuốn xoay tròn, từng chút một nghiền nát lâu đài trở thành mặt cát phẳng phiu như cũ.

Lặng lẽ tôi đi ven bờ hồ.

Xa xa, vòng đu quay kêu lanh canh, nhưng đó chỉ là tiếng gió khua.

oOo

Ngày hôm sau, tôi lên tàu ra đi.

Đoàn tàu không nhớ được lâu; nó nhanh chóng bỏ hết tất cả đằng sau. Nó quên mất những cánh đồng ngô Illinois, những dòng sông tuổi thơ, quên những chiếc cầu, hồ ao, thung lũng, mái tranh, quên bao nỗi đau và niềm vui. Nó vung vãi chúng sau lưng và chúng rơi rụng dưới chân trời.

Tôi dãn xương dãn cốt, thêm thịt thêm da, đầu óc trẻ thơ trở thành già dặn, vứt bỏ bao quần áo không còn mặc vừa, chuyển từ trường cơ sở lên trung học, rồi đại học. Và rồi xuất hiện một cô gái ở Sacramento. Tôi quen nàng một thời gian dài và chúng tôi cưới nhau. Đến lúc tôi hai mươi hai tuổi thì tôi hầu như đã quên mất miền Đông ngày trước ra sao.

Margaret đề nghị rằng chúng tôi nên đi ngược về hướng đó hưởng tuần trăng mật đã trì hoãn lâu nay.

Giống như ký ức, đoàn tàu hoạt động cả hai chiều. Một đoàn tàu có thể ào ào gom về tất cả những gì ta đã bỏ lại đằng sau biết bao năm trước.

Lake Bluff, dân số mười nghìn người, hiện ra cuối trời. Margaret trông thật ưa nhìn trong áo xống mới đẹp xinh. Nàng quan sát tôi trong khi tôi nhận ra thế giới ngày xưa đang đón nhận mình vào cuộc sống cũ. Nàng nắm lấy cánh tay tôi khi đoàn tàu lướt vào ga Bluff Station và hành lý được chuyển ra.

Bao nhiêu năm và bao đổi thay trên gương mặt và thân xác bao người. Khi chúng tôi dạo khắp thị trấn cùng nhau, tôi không gặp một ai mà mình có thể nhận quen. Có những gương mặt mang nhiều dư âm. Dư âm của những chuyến cuốc bộ dã ngoại trên các đường mòn hẻm núi. Nhiều gương mặt hồi vọng những tiếng cười khúc khích từ các trường tiểu học đã đóng cửa, từ vòng đong đưa của những chiếc đu treo bằng chuỗi xích sắt, và từ nhịp vút lên hạ xuống của những chiếc bập bênh. Nhưng tôi không bắt chuyện. Tôi cứ dạo bước và nhìn, lấp đầy cõi lòng với mọi hoà i niệm, như những chiếc lá chất đống chờ thiêu hủy những mùa thu.

Chúng tôi ở lại tổng cộng hai tuần, cùng nhau thăm viếng lại mọi nơi. Những ngày hạnh phúc. Tôi thấy mình yêu Margaret lắm. Ít nhất thì tôi cũng tưởng như thế.

Vào một trong những ngày cuối cùng, chúng tôi đi dạo xuống bờ hồ. Mùa này trong năm chưa muộn như cái ngày ấy bao năm trước, nhưng những dấu hiệu ruồng bỏ đầu tiên đang xuất hiện trên bãi cát. Người đã thưa thớt hẳn, nhiều quầy bán xúc xích đã sập mái xuống đóng đinh chặt, và gió, như mọi khi, vẫn chờ đó vi vu hát cho chúng tôi nghe.

Tôi cơ hồ nhìn thấy mẹ đang ngồi trên cát như bà ngày ấy thường ngồi. Tôi lại có cái cảm giác muốn được một mình. Nhưng tôi không thể buộc mình phải nói điều đó với Margaret. Tôi chỉ đi sát bên nàng và chờ đợi.

Ngày đã dần tàn. Hầu hết lũ trẻ đã về nhà, chỉ còn vài người đàn ông và đàn bà vẫn phơi nắng trong ánh chiều lộng gió.

Chiếc thuyền của người cứu hộ tấp vào bờ. Người cứu hộ bước ra, chầm chậm, ôm cái gì đó trong tay.

Tôi đứng sững. Tôi nín thở và thấy mình nhỏ lại, mới tuổi mười hai, rất nhỏ; bé bỏng vô cùng và đầy sợ hãi. Gió hú. Tôi không còn nhìn thấy Margaret. Tôi chỉ thấy được bãi cát, thấy người cứu hộ từ trên thuyền chầm chậm hiện ra với một bao tải màu xám trong hai bàn tay, không nặng lắm, và gương mặt ông cũng xám xịt, nhăn nhàu như vậy.

- Cứ đứng ở đây, Margaret,

- tôi nói. Tôi không hiểu tại sao mình nói thế.

- Nhưng sao vậy?

- Cứ đứng đây, chỉ vậy thôi… Tôi từ từ đi xuống bờ cát tới chỗ người cứu hộ đứng. Ông ta nhìn tôi.

- Chuyện gì thế?

- Tôi hỏi.

- Lạ thật - ông nói khe khẽ. - Chuyện lạ nhất tôi từng gặp. Cháu gái này chết lâu rồi.

Tôi lặp lại lời ông ta. Ông gật đầu.

- Mười năm, tôi dám chắc. Năm nay không có trẻ em nào chết đuối ở đây. Từ năm 1933 tới giờ ở đây có mười hai trẻ chết đuối, nhưng chúng tôi tìm ra được hết chỉ sau vài tiếng đồng hồ. Tìm được hết, tôi nhớ rõ, chỉ trừ một vụ. Cái xác này đây, ồ, nó hẳn phải ở dưới nước cả mười năm. Thật là… khó chịu.

Tôi dán mắt vào chiếc bao tải xám trong tay ông.

- Mở ra đi, - tôi nói. Tôi không hiểu sao mình nói thế. Gió hú mạnh hơn.

Ông lóng ngóng với chiếc bao.

- Mau lên, ông ơi, mở ra đi! - Tôi kêu lên.

- Tôi không muốn mở ra, - ông nói. Rồi có lẽ ông nhìn thấy vẻ mặt của tôi lúc đó. - Cháu gái này bé nhỏ quá…

Ông chỉ mở hờ miệng bao. Vậy là đủ.

Bãi cát hoang vắng. Chỉ có bầu trời và gió và nước và mùa thu đang đến đìu hiu. Tôi nhìn xuống cô bé đó.

Tôi cứ lặp đi lặp lại lời nào đó. Một cái tên. Người cứu hộ nhìn tôi. Tôi hỏi:

Ông tìm thấy cô bé ở đâu?

- Bãi cát đằng kia, hướng đó, trong vùng nước cạn. Cháu gái này ở đó quá lâu, quá lâu rồi, phải không?

Tôi lắc đầu nhưng lại nói:

- Vâng, đúng thế. Chúa ơi, đúng thế

Tôi nghĩ: người ta lớn lên. Tôi đã lớn lên. Nhưng cô bé không thay đổi. Cô bé vẫn nhỏ. Cô bé vẫn mười hai. Cái chết không cho phép trưởng thành hay đổi thay. Cô bé vẫn có mái tóc vàng. Cô bé sẽ mãi mãi mười hai và tôi sẽ mãi mãi yêu cô, Chúa ơi, tôi sẽ mãi mãi yêu cô bé.

Người cứu hộ buộc chặt miệng bao lại.

Phía bờ cát dưới xa, mấy phút sau, tôi đi tới một mình. Tôi dừng lại, và cúi xuống nhìn điều gì đó. Đây là nơi người cứu hộ tìm ra cô bé, tôi nhủ thầm.

Ở đó, ngay bờ nước, là một lâu đài cát, chỉ đắp có một nửa. Giống như Tally và tôi ngày trước thường chơi. Cô bé một nửa và tôi một nửa.

Tôi nhìn lâu đài cát. Tôi quỳ xuống bên cạnh và nhận ra những dấu chân nhỏ từ dưới hồ đi lên rồi quay ngược lại xuống hồ và không trở về.

Và rồi… tôi biết.

- Mình sẽ giúp bạn làm cho xong - tôi nói.

Tôi làm. Tôi đắp nửa lâu đài còn lại rất từ tốn, rồi tôi đứng lên, quay lưng và đi thẳng, để không phải nhìn thấy lâu đài cát ấy sụp đổ trong sóng nước, như mọi thứ đều sụp đổ.

Tôi đi ngược lại bãi cát, tới nơi có một người đàn bà xa lạ tên là Margaret đang tươi cười, đợi chờ tôi…

tác giả Ray Bradbury

Trần Ngọc Đăng (dịch)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI