Hồ sơ Paradise tiết lộ bí mật về tài sản giấu kín của tinh hoa thế giới

06/11/2017 - 16:20

PNO - Hồ sơ Paradise, tài liệu của một công ty luật hải ngoại, tiết lộ các giao dịch tài chính của Nữ hoàng Anh cho đến các công ty đa quốc gia khổng lồ, và các thành viên trong nội các nhiều nước.

Một năm sau vụ "Hồ sơ Panama" rúng động thế giới, truyền thông quốc tế hôm 5/11 đồng loạt đưa tin về một vụ rò rỉ hồ sơ tài chính mang tên "Hồ sơ Paradise" - tiết lộ bí mật về tài sản giấu kín của nhiều nhân vật tên tuổi trên thế giới.

Ho so Paradise tiet lo bi mat ve tai san giau kin cua tinh hoa the gioi
 

Các doanh nghiệp lớn nhất thế giới, các nguyên thủ quốc gia và những nhân vật tầm cỡ toàn cầu trong các lĩnh vực chính trị, giải trí và thể thao đang "cất" tài sản của mình tại các thiên đường thuế bí mật, tuần này bị đưa ra ánh sáng trong một cuộc điều tra “các đế chế hải ngoại” của Anh.

Các chi tiết tài chính bí mật bị tiết lộ sau vụ rò rỉ 13,4 triệu tệp tin phơi bày môi trường toàn cầu của những người "né tránh" thuế, đồng thời là các cách thức phức tạp và dường như nhân tạo mà các tập đoàn giàu nhất sử dụng để bảo vệ hợp pháp tài sản của mình.

Tài liệu nhạy cảm này đến từ hai nhà cung cấp dịch vụ hải ngoại và các bản niêm yết công ty tại 19 thiên đường trốn thuế mà tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung có được. Những thông tin này được Liên hiệp các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) – trong đó có Guardian, BBCNew York Times – chia sẻ công khai.

Hồ sơ Paradise tiết lộ điều gì?

• Tờ Guardian đưa tin khu điền trang Duchy of Lancaster của Nữ hoàng Elizabeth II đã đầu tư hàng triệu bảng Anh vào một quỹ đầu tư trên Đảo Cayman. Báo trên cho biết điền trang này đã sử dụng các quỹ đầu tư tư nhân nước ngoài thường được giới đầu tư Anh sử dụng để trốn thuế.

Tuy nhiên, một người phát ngôn của điền trang Duchy of Lancaster khẳng định tất cả các khoản đầu tư của điền trang này đều được kiểm toán đầy đủ và hợp pháp.

• Các giao dịch tài chính lớn ở hải ngoại của các thành viên nội các, các cố vấn và nhà tài trợ của Tổng thống Mỹ, trong đó có nêu tên ông Wilbur Ross, Bộ trưởng Thương mại.

Hãng Reuters dẫn hồ sơ cho rằng Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, cũng là một tỷ phú đầu tư, nắm giữ 31% cổ phần của tập đoàn Navigator Holdings thông qua một mạng lưới đầu tư phức tạp.

Theo đó, Navigator Holdings có quan hệ đối tác làm ăn với tập đoàn năng lượng Sibur của Nga.

Trong một tuyên bố chính thức, người phát ngôn Bộ Thương mại Mỹ khẳng định ông Ross "không liên quan tới các quyết định làm ăn với Sibur của Navigator và chưa từng gặp các cổ đông của Sibur cũng như biết về quan hệ giữa 2 công ty".

Tờ New York Times đăng tải tuyên bố của Sibur cho biết các đàm phán với Navigator do giới lãnh đạo điều hành của công ty tiến hành chứ không liên quan đến các cổ đông. Công ty này cũng chưa từng gặp Bộ trưởng Ross. 

• Một khoản tín thác hải ngoại 450 triệu đô la trước đó chưa được biết của ngài Michael Ashcroft, nguyên Phó chủ tịch đảng Bảo thủ Anh.

• Việc trốn thuế triệt để bởi các tập đoàn đa quốc gia, trong đó có Nike và Apple.

• Cách thức một số tên tuổi lớn nhất trong điện ảnh và truyền hình bảo vệ tài sản của họ thông qua các chương trình ở hải ngoại.

• Hàng tỷ đô la hoàn thuế của đảo Man và Malta cho chủ sở hữu các máy bay tư nhân và du thuyền sang trọng.

• Khoản vay và liên minh bí mật được công ty đa quốc gia Glencore (niêm yết ở London) trong nỗ lực bảo vệ quyền khai thác mỏ ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

• Các trang web hải ngoại phức tạp được hai tỷ phú Nga sử dụng để mua cổ phần các câu lạc bộ bóng đá  Arsenal và Everton.

Việc tiết lộ hồ sơ Paradise gây áp lực lên các nhà lãnh đạo thế giới từng cam kết kiềm chế các hoạt động trốn thuế.

Việc đăng tư liệu cuộc điều tra của Anh, trong đó hơn 380 nhà báo đã phải bỏ ra một năm để xâu chuỗi dữ liệu trải dài trong vòng 70 năm, diễn ra vào thời điểm sự bất bình đẳng về thu nhập toàn cầu đang gia tăng mạnh mẽ.

Trong khi đó, các công ty đa quốc gia đang chuyển một phần lợi nhuận của mình ra nước ngoài - 600 tỷ euro riêng trong năm 2016. Vấn đề này sẽ được chuyên gia kinh tế hàng đầu Gabriel Zucman sẽ được tiết lộ trong một nghiên cứu công bố vào cuối tuần này.

"Thiên đường trốn thuế là một trong những động cơ quan trọng thúc đẩy gia tăng bất bình đẳng toàn cầu. Khi bất bình đẳng gia tăng, việc trốn thuế ở hải ngoại trở thành ‘môn thể thao’ của giới tinh hoa”, ông Zucman nói.

Tiêu điểm của vụ rò rỉ Paradise là Appleby, một công ty luật có văn phòng ở Bermuda, quần đảo Cayman, quần đảo Virgin thuộc Anh, đảo Man, Jersey và Guernsey. Trái ngược với Mossack Fonseca, công ty mất uy tín trong cuộc điều tra hồ sơ Panama năm ngoái, Appleby tự cho mình là thành viên hàng đầu trong "vòng tròn ma thuật" các nhà cung cấp dịch vụ tài chính hải ngoại lớn nhất.

Công ty luật Appleby cho biết họ đã điều tra tất cả các cáo buộc và thấy rằng "không có bằng chứng về bất kỳ hành động sai trái nào, cả ở công ty cũng như khách hàng”. Công ty khẳng định họ “không chấp nhận bất kỳ hành vi bất hợp pháp nào”.

Tô Châu (Theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI