“Hồ sơ Pandora”: Khi nhiều bí mật bị phơi bày

08/10/2021 - 23:11

PNO - “Hồ sơ Pandora” làm rung chuyển dư luận quốc tế khi tiết lộ khối thông tin khổng lồ nhất từ trước đến nay về các tài sản bí ẩn, các “chiêu” trốn thuế, giao dịch mật và rửa tiền của những nhân vật giàu có và quyền lực trên thế giới.

Hơn 330 chính trị gia thuộc 90 quốc gia được “nêu tên”

Toàn bộ dữ liệu do Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) - trụ sở tại Washington DC, Mỹ - chủ trì thu thập, xác minh toàn cầu cùng sự cộng tác của hơn 600 nhà báo từ 117 quốc gia và 150 tổ chức truyền thông. “Hồ sơ Pandora” có dung lượng lên đến 2,94 terabyte chứa 6,4 triệu trang văn bản, gần 3 triệu hình ảnh, hơn 1 triệu email và gần 500.000 bảng tính. Các tài liệu cho thấy cách mà một số người quyền lực nhất thế giới, bao gồm hơn 330 chính trị gia thuộc 90 nước, đã bí mật sử dụng mô hình công ty offshore (hoạt động ở nước ngoài nhằm né tránh thuế trong nước) để che đậy sự giàu có của mình. 

Minh họa “hồ sơ Pandora” của AFP
Minh họa “hồ sơ Pandora” của AFP

“Hồ sơ Pandora” cho biết, hơn 1.500 bất động sản tại Vương quốc Anh đã được chủ sở hữu mua bằng cách thành lập và sử dụng các công ty offshore. Trong số đó có cả các cá nhân bị cáo buộc tham nhũng. Với siêu biệt thự ở London, một gia đình cầm quyền ở Qatar đã trốn thuế 18,5 triệu bảng Anh. Philip Green (cựu Chủ tịch Công ty Bán lẻ Arcadia Group) và vợ đã tham gia một cuộc đấu giá bất động sản ngay sau khi chuỗi bán lẻ BHS sụp đổ. Hồ sơ còn “gọi tên” Mohamed Amersi, người liên quan đến một trong những vụ bê bối tham nhũng lớn nhất châu Âu. Ông đã thực hiện hàng loạt hợp đồng gây tranh cãi cho một công ty viễn thông Thụy Điển và bị phạt 965 triệu USD trong một vụ xét xử ở Mỹ.

Pandora phơi bày những mạng lưới phức tạp với các công ty offshore được thiết lập xuyên biên giới, đa phần để phục vụ việc che giấu tài sản. Theo đó, vua Jordan chi 70 triệu bảng vào thị trường bất động sản ở Anh và Mỹ thông qua các công ty sở hữu bí mật. Thủ tướng Séc không khai báo về một công ty đầu tư ra nước ngoài offshore từng mua hai biệt thự ở Pháp với giá 12 triệu bảng. Gia đình Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đã bí mật sở hữu một mạng lưới các công ty ở nước ngoài trong nhiều thập kỷ cũng được “mô tả” khá chi tiết. Ngay cả cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cũng bị “kéo” vào thế giới âm u của nguồn tài chính ở nước ngoài…

Các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ được những nhân vật “máu mặt” chọn thiết lập mô hình offshore thường là nơi dễ dàng đầu tư mở công ty, có điều luật bảo vệ định danh chủ sở hữu, đánh thuế thấp hoặc không có. Chưa có danh sách chính xác các “thiên đường thuế”, nhưng có thể điểm tên gồm các lãnh thổ hải ngoại của Anh như quần đảo Cayman và Virgin; Thụy Sĩ, Singapore.

Những bí mật được “bật mí” như thế nào?

Mặc dù sở hữu tài sản bí mật ở nước ngoài không hoàn toàn là bất hợp pháp tại một số quốc gia, nhưng sử dụng một mạng lưới phức tạp gồm các công ty bí mật để chuyển dòng tiền và tài sản là cách hoàn hảo để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của khối tài sản. Không thể có con số cụ thể rằng bao nhiêu tiền đang được “cất giấu” ở nước ngoài, nhưng theo ước tính của ICIJ, con số đó dao động từ 5.600 tỷ đến 32.000 tỷ USD. 

Một lần nữa, ICIJ lại gây chấn động thế giới kể từ sau những tài liệu đình đám tương tự được công bố như Offshore Leaks (năm 2013), “hồ sơ Panama” và Bahamas Leaks (2016), “hồ sơ Paradise” (2017) hay “hồ sơ FinCEN” (2020) liên quan đến tài sản bí mật, trốn thuế, rửa tiền quy mô lớn thông qua các công ty offshore. ICIJ đã dành gần một năm để phối hợp xử lý khối dữ liệu khổng lồ mang tên “hồ sơ Pandora”. Theo Pierre Romera - Giám đốc công nghệ của ICIJ - một trong những thử thách là lấy dữ liệu. Ban đầu, ICIJ ký thỏa thuận với các nguồn tin cho phép gửi dữ liệu từ xa, nhưng khi kích thước của “kho tài liệu” ngày càng lớn, việc bảo đảm tất cả dữ liệu có thể được gửi đến máy chủ một cách an toàn là rất khó.

“Chúng tôi cũng luôn cảnh giác để biết liệu mình có bị xâm nhập hay không. Quy trình hoạt động tiêu chuẩn của ICIJ là rút quyền truy cập của đối tác nào truy cập các tài liệu trong vòng vài tuần kể từ lần tiếp cận đầu tiên và yêu cầu họ phải khôi phục lại nhằm bảo đảm không có kẻ xấu nào có thể lợi dụng”, Pierre Romera nói.

Được thành lập bởi ý tưởng của nhà báo Mỹ Charles Lewis đưa ra vào năm 1997 với mục đích vạch trần tội phạm tham nhũng xuyên biên giới, ICIJ hiện là mạng lưới toàn cầu độc lập gồm 280 nhà báo điều tra, hơn 100 tổ chức truyền thông trải rộng tại hơn 100 quốc gia.  

 Nam Anh (theo Wired, Sputnik)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI