Hồ sơ Pandora: Hơn 130 tỷ phú cất giấu tài sản thông qua các công ty “ma” ở nước ngoài

07/10/2021 - 12:09

PNO - Theo các nguồn tài liệu từ Hồ sơ Pandora, có rất nhiều tỷ phú trên thế giới sử dụng các công ty “ma” ở nước ngoài, nhất là những nơi được gọi là “thiên đường” về thuế và các hoạt động bí mật để hợp pháp hóa các nguồn thu nhập phi pháp từ nước nhà.

Các tài liệu do Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) thu thập, chia sẻ với tờ The Washington Post và các nhà báo ở 117 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đã làm sáng tỏ các thương vụ dầu mỏ của Nigeria, qua đó cho thấy giới giàu có trên thế giới đã sử dụng các công ty nước ngoài để che mắt cho các hoạt động kinh doanh phi pháp trong nước.

Hồ sơ Pandora hé lộ hàng trăm tỷ phú thế giới dùng công ty bình phong ở nước ngoài để che giấu hoạt động phi pháp
Hồ sơ Pandora hé lộ hàng trăm tỷ phú thế giới dùng công ty bình phong ở nước ngoài để che giấu hoạt động phi pháp

Hiện, hơn 130 người giàu trong danh sách các tỷ phú trên thế giới của Forbes đang sở hữu hoặc là người thụ hưởng các nguồn tài sản ở nước ngoài.

Các tài liệu nói trên được thu thập từ 14 công ty làm dịch vụ tài chính đang hoạt động trên khắp thế giới, trong đó có Seychelles, đảo Síp, quần đảo Virgin thuộc Anh và Singapore. Những công ty này đã giúp giới tỷ phú trên thế giới thành lập các cơ sở kinh doanh ở nước ngoài.

Nếu chỉ nhìn vào những tài liệu do các công ty nói trên cung cấp thì sẽ rất khó để biết được vì sao các tỷ phú lại thành lập công ty ở nước ngoài. Trong một số trường hợp, lý do có thể đơn giản là để bảo vệ các thông tin riêng tư. Nhưng lại có rất nhiều tỷ phú làm điều này nhằm mục đích khác.

Một số tỷ phú đã phải đối mặt với cáo buộc lập ra các công ty “bình phong” ở nước ngoài để bòn rút tiền bạc hoặc tài nguyên thiên nhiên của nước nhà. Một số khác có thể sẽ bị áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế vì có mối quan hệ với những người chuyên quyền. Một số ít thậm chí đã bị kết án tù.

Các nhà điều tra liên bang có kinh nghiệm trong các vụ án gian lận và rửa tiền của Mỹ cho biết, họ thường phát hiện các công ty “ma” ở nước ngoài. Đó là những pháp nhân không hề có văn phòng hoặc nhân viên nhưng lại có những nguồn tài sản khổng lồ dưới hình thức bất động sản hoặc tiền trong tài khoản ngân hàng.

Chẳng hạn, theo Hồ sơ Pandora, một tỷ phú Israel đã bị cáo buộc sử dụng các công ty “vỏ bọc” để biển thủ hàng trăm triệu USD từ Congo, một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới.

Một ông trùm truyền hình người Venezuela đã dùng chiêu bài tương tự để hợp thức hóa nguồn tiền hối lộ trị giá 1 tỷ USD. Và có ít nhất 7 nhà tài phiệt người Nga đã bị Hoa Kỳ trừng phạt do liên quan đến các công ty vỏ bọc.

Nghiên cứu Pandora đã phản ảnh một thực trạng đau lòng về sự bất bình đẳng ở các nền kinh tế mới nổi. Đó là, trong khi những người giàu có sử dụng các công ty vỏ bọc để trốn thuế và các nghĩa vụ khác, thì hàng triệu đồng hương của họ phải sống trong cảnh nghèo đói.

Indonesia là một điển hình trong số các nền kinh tế này, với 31 cá nhân hoặc gia đình được Forbes liệt kê là những người giàu nhất đất nước, mỗi người có tài sản ròng trị giá hơn 1 tỷ USD. Những người giàu ở nước này cũng đã lập ra 10 công ty “bình phong” ở nước ngoài.

Tương tự, Thái Lan có 34 cá nhân hoặc gia đình được Forbes liệt kê là những người giàu nhất đất nước, mỗi người cũng có tài sản ròng giá trị hơn 1 tỷ USD, và có 8 công ty nước ngoài liên quan đến những tỷ phú này. Trong số đó, những người thừa kế tài sản của Công ty Red Bull đã thành lập 3 công ty đăng ký tại quần đảo Virgin để nhận hàng triệu USD cổ tức của Red Bull.

Theo một ước tính được công nhận rộng rãi dựa trên các số liệu kinh tế quốc gia về đầu tư, số tiền mà giới giàu có trên thế giới đang "giấu" trong các công ty vỏ bọc nước ngoài hiện đã lên đến khoảng 5.000-8.000 tỷ USD, tương đương 10% GDP toàn cầu. Theo một nghiên cứu năm 2019, có 0,01% gia đình giàu nhất trên thế giới đang sở hữu 50% nguồn tài sản này.

“Bằng chứng cho thấy những người rất giàu trên thế giới có đầy đủ phương tiện và sự trợ giúp pháp lý vô cùng tinh vi để che giấu tiền. Tình trạng này đã trở thành một vấn nạn lây lan rất nhanh trên toàn cầu”, giáo sư Annette Alstadsaeter - đến từ Trung tâm Nghiên cứu thuế thuộc Đại học Khoa học đời sống Na Uy và là một trong những tác giả của nghiên cứu - cho biết.

Nhất Nguyên (theo The Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI