Hồ sơ những sai sót chấn động dư luận của VTV

14/05/2015 - 10:37

PNO - PN - Từ giữa năm 2014 đến nay, VTV liên tục mắc phải những sai phạm không đáng có trong khâu kiểm duyệt chương trình trước khi mang đến khán giả truyền hình cả nước.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tính đến thời điểm hiện tại, đài truyền hình quốc gia đã lọt vào tốp đầu những cơ quan truyền thông bị xử phạt với liên tiếp những sai phạm mà hầu hết đều được xem là lỗi cẩu thả. Hãy cùng điểm lại một số vụ việc nổi cộm để tự trả lời câu hỏi điều gì đang xảy ra ở đài truyền hình quốc gia.

Điều ước thứ 7 bị phạt 40 triệu đồng

Chương trình Điều ước thứ 7 phát sóng trên VTV3 vào trưa 10/1/2015 kể về số phận và tình yêu đẹp như cổ tích của chàng trai rất đỗi bình thường quê ở Thanh Hóa - Nguyễn Nhật Thanh và cô gái khiếm thị hát rong đến từ Nghệ An - Nguyễn Như Đào đã khiến hàng triệu người rơi nước mắt vì xúc động.

Thế nhưng, ngay sau khi chương trình phát sóng, nhiều khán giả đã viết thư khiếu nại rằng nhiều thông tin trong chương trình cung cấp là bịa đặt. Sự thật được phơi bày là nhân vật người chồng trong câu chuyên trên không phải tên Nguyễn Nhật Thanh mà là Nguyễn Bá Thanh. Anh này đã có một vợ và hai con gái ở quê nhà Thanh Hóa. Anh cũng không tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia như Điều ước thứ 7 đưa tin.

Ho so nhung sai sot chan dong du luan cua VTV

Những thông tin sai sự thật như trên trong một chương trình như Điều ước thứ 7 - nơi tập trung những câu chuyện cảm động, lấy nước mắt khán giả khiến nhiều người cho rằng mình đã bị lừa, niềm tin sụp đổ. Dù khi đó ê-kíp Điều ước thứ 7 đã thừa nhận trách nhiệm, VTV vẫn tạm dừng phát sóng chương trình, tạm đình chỉ công tác đối với đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng (con trai MC Lại Văn Sâm) và biên tập viên Diệp Chi. Chưa kể, vào ngày 19/1, thanh tra Bộ TT-TT đã ký quyết định xử phạt VTV với mức phạt 40 triệu vì đưa tin sai sự thật, gây tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu tới dư luận, vi phạm Nghị định 159/CP về xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Chuyển động 24h bị phạt 15 triệu đồng

Vẫn chưa rút ra kinh nghiệm đau thương từ sau vụ Điều ước thứ 7, VTV tiếp tục khiến khán giả truyền hình cả nước và cả đồng nghiệp trong giới báo chí phẫn nộ khi trong chương trình Chuyển động 24h, VTV phát phóng sự điều tra nghi án cầu thủ bóng đá Công Phượng gian luận tuổi. Cụ thể, VTV đưa một loạt thông tin khiến dư luận xôn xao gồm: "Năm sinh 1995 của Công Phượng bắt đầu xuất hiện từ năm 2006" (chương trình phát ngày 8/11/2014) và "Đến thời điểm này, tất cả các giấy tờ khác như chúng tôi đã chứng minh, là vô hiệu" (chương trình phát ngày 16/11/2014).

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra. Dư luận bắt đầu được trấn an khi đến ngày 5/12/2014, Sở Tư pháp Nghệ An khẳng định: "Công Phượng sinh ngày 21/1/1995". Lời khẳng định này cũng chính thức chấm dứt câu chuyện tranh cãi kéo dài trên Chuyển động 24h cũng như các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Đứng trước việc đưa thông tin sai sự thật nhằm tăng độ "hot" cho chương trình, đại diện của VTV cho rằng không thể kết luận chương trình có nội dung sai sự thật vì họ chưa đưa ra bất cứ kết luận nào về năm sinh của Công Phượng mà chỉ nêu những mâu thuẫn trong các hồ sơ có ghi độ tuổi của cựu đội trưởng U19 Việt Nam. Tuy nhiên, VTV cũng thừa nhận thiếu sót trong cách đưa chương trình và thời lượng phát sóng chưa phù hợp.

Ho so nhung sai sot chan dong du luan cua VTV

Kết quả: VTV bị xử phạt hành chính 15 triệu vì đã đưa thông tin sai lệch.

Quà tặng cuộc sống bị phạt 30 triệu đồng

Tiếp sau vụ Công Phượng, VTV lại dính tiếp một scandal khác. Chương trình Quà tặng cuộc sống phát sóng tối 19/11/2014, câu chuyện dân gian Nhặt xương cho thầy đã được chọn để xây dựng thành câu chuyện hoạt hình phát nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Câu chuyện lập tức gây phản ứng dữ dội từ phía các thầy cô giáo trong cả nước.

Đơn vị sản xuất đã thêm hai chữ "cho thầy" hay vì tên gốc là "Nhặt xương" để phù hợp với nội dung về ngày Nhà giáo Việt Nam. Nhưng do phát sóng vào thời điểm được coi là "nhạy cảm", giữa lúc cả nước đang tri ân thầy cô nhân ngày Hiến chương Nhà giáo nên bị coi là xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của cả xã hội.

Bộ TT-TT đã ban hành quyết định xử phạt VTV 30 triệu đồng, buộc phải xin lỗi theo quy định.

X Factor - Nhân tố bí ẩn 2014 bị phạt 15 triệu đồng vì khăn Piêu làm khố

Ở mảng giải trí, VTV cũng mắc phải những sai phạm khó chấp nhận. Ngay trong đêm bán kết của chương trình X Factor - Nhân tố bí ẩn 2014, phát sóng ngày 12/10/2014, nhóm F-Band đã biểu diễn một liên khúc các ca khúc về Tây Nguyên và mặc trang phục dân tộc để biểu diễn. Chùm ca khúc chiếm được cảm tình của khán giả nhưng sau đó đã bị khán giả phát hiện rằng chiếc khố F-Band mặc chính là chiếc khăn Piêu - biểu tượng văn hóa, tâm linh của phụ nữ dân tộc Thái.

Ho so nhung sai sot chan dong du luan cua VTV

Trước sự phẫn nộ của công chúng, F-Band đã phải công khai xin lỗi khán giả và nhầ sản xuất chương trình cũng, thông qua MC, gởi lời xin lỗi. Dù vậy,VTV vẫn bị phạt hành chính 15 triệu đồng.

Điệp vụ tuyệt mật bị phạt 15 triệu vì đặt Hà Nội ở Trung Quốc

Lỗi được xem là nghiêm trọng nhất của VTV gần đây liên quan đến chủ quyền quốc gia. Chương trình Điệp vụ tuyệt mật phát sóng vào tối 2/5 đã phát đi hình ảnh bản đồ Việt Nam không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; đồng thời, vị trí Thủ đô Hà Nội bị xê dịch, nằm lọt vào địa phận của Trung Quốc. Đơn vị sản xuất cho biết, hình ảnh đồ họa này do hãng hàng không Air Asia (nhà tài trợ) cung cấp. Dù ngay trong chiều 4/5, AirAsia đã có công văn nhận trách nhiệm và xin lỗi, VTV vẫn bị phạt 15 triệu đồng và đến nay vẫn chưa thể tiếp tục lên sóng.

Giọng hát Việt 2015 phát hình ảnh của Paris by night

Khi vụ việc Điệp vụ tuyệt mật vẫn chưa kịp nguội, chương trình Giọng hát Việt 2015 bị phát hiện đã lấy một phần nội dung chương trình Paris by Night để giới thiệu về giám khảo Thu Phương. Paris by Night là chương trình hiện vẫn chưa được cấp phép biểu diễn và phát hành tại Việt Nam.

Qua những sự việc nêu trên, có thể thấy hầu hết những lỗi VTV mắc phải đều nằm ở việc trao quá nhiều quyền hành cho các công ty truyền thông, đối tác mà thiếu hẳn sự phối hợp, kiểm tra. Tuy nhiên, dù với lý do gì, dù do đơn vị xã hội hóa nào thực hiện thì VTV vẫn là đơn vị chịu trách nhiệm cuối cùng.

Qua 6 vụ sai phạm điển hình kể trên (và còn nhiều vụ khác), khán giả đang dần mất niềm tin vào truyền hình quốc gia. Một câu hỏi khác mà khán giả vẫn chưa có lời giải đáp: Sau nhiều vụ sai phạm, VTV vẫn chưa rút xong sợi dây kinh nghiệm hay vì vị thế của nhà đài quá lớn nên dẫu có bị xử phạt vài mươi triệu đồng cũng chẳng ảnh hưởng gì?

LAM KHÁNH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI