Họ sẵn sàng 'thiêu sống' sự an toàn xã hội

17/06/2019 - 07:33

PNO - Việc đại gia Trịnh Sướng bị bắt giữ và chắc chắn sẽ bị xử lý không thể làm sạch những tạp chất đang nằm trong động cơ của vô số chiếc xe đang lưu thông trên đường mỗi ngày và nguy cơ cháy nổ chực chờ.

Sáng 16/6, theo ghi nhận từ Sóc Trăng, các cửa hàng xăng dầu của Công ty TNHH Mỹ Hưng và Công ty TNHH Gia Thành do đại gia Trịnh Sướng và em vợ ông làm giám đốc đã đóng cửa, ngừng kinh doanh. Một số đại lý của hai đơn vị này treo bảng tạm nghỉ. Các cửa hàng xăng dầu từng nhận nguồn hàng từ công ty của ông Trịnh Sướng tháo dỡ toàn bộ logo của Gia Thành, Mỹ Hưng. Thậm chí màu sơn xanh - đỏ đặc trưng trên các bảng hiệu cũng bị xóa và sơn lại.

Những động thái của các cửa hàng xăng dầu được cho là để xóa dấu vết có liên quan đến scandal xăng giả đang cực nóng trong dư luận những ngày qua, để tránh những phản ứng tiêu cực từ phía người tiêu dùng.

Nhưng, dù có bôi xóa thế nào, hậu quả của đường dây sản xuất, tiêu thụ xăng giả này đã có và sẽ lưu lại dấu vết trên từng chiếc xe đã trót đổ loại xăng kém phẩm chất. 6 triệu lít xăng đưa ra thị trường mỗi tháng. Tổng lượng xăng giả đã được tiêu thụ tại 7 tỉnh, thành đã lên đến hàng trăm triệu lít. Việc đại gia Trịnh Sướng bị bắt giữ và chắc chắn sẽ bị xử lý không thể làm sạch những tạp chất đang nằm trong động cơ của vô số chiếc xe đang lưu thông trên đường mỗi ngày và nguy cơ cháy nổ chực chờ.

Ho san sang 'thieu song' su an toan xa hoi
Hàng trăm triệu lít xăng giả đã được Trịnh Sướng tung ra thị trường, gây hậu quả khủng khiếp cho môi trường và an toàn xã hội

Từ góc độ khoa học, tiến sĩ Hồ Quang Như - giảng viên bộ môn chế biến dầu khí, Khoa Kỹ thuật hóa học, Trường đại học Bách khoa TP.HCM - khẳng định: sử dụng xăng giả có thể gây cháy nổ xe và thải ra môi trường nhiều chất độc.

Theo tiến sĩ Hồ Quang Như, các đối tượng làm xăng giả có thể sử dụng các dung môi hữu cơ trong công nghiệp (trong sơn dầu, tẩy rửa…) để pha với xăng có chất lượng thấp và kèm thêm các loại phụ gia để kích chỉ số RON. Hầu hết các dung môi hữu cơ phổ biến như toluene, xylene, ethanol, methanol, acetone, butyl acetate… đều là những chất dễ cháy.

Nếu chỉ thuần túy xét về mặt khoa học, những dung môi này đều có thể pha vào xăng, làm nhiên liệu cháy cho động cơ, nhưng chất lượng cũng như liều lượng sử dụng như thế nào để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của xăng thương phẩm là chuyện hoàn toàn khác. Chưa bàn tới chất lượng, việc tổ chức sản xuất xăng giả đã là hành vi vi phạm pháp luật.

Các dung môi công nghiệp nhập theo thùng từ nước ngoài về thường đảm bảo chất lượng, các chỉ tiêu kỹ thuật được nhà cung cấp công bố đầy đủ. Khả năng các đối tượng làm xăng giả sử dụng dung môi công nghiệp chất lượng cao để pha trộn vào xăng là không cao, do lợi nhuận không nhiều. Tiến sĩ Như suy luận, có thể các đối tượng làm xăng giả đã sử dụng các dung môi thu hồi được sau khi tái sinh bằng các phương pháp chưng cất thủ công.

Hiện nay, mỗi ngày, lượng chất thải sinh ra sau quá trình vệ sinh, tẩy rửa trong công nghiệp là rất lớn. Về nguyên tắc, lượng chất thải này cần phải được các đơn vị có chức năng, nghiệp vụ thu gom và xử lý thu hồi dung môi. Tuy nhiên, do việc quản lý chất thải công nghiệp của chúng ta còn lỏng lẻo nên một số đơn vị, cá nhân đã tiến hành thu gom và tái sinh trái phép.

Dung môi thu hồi bằng phương pháp tái sinh thủ công thường có thành phần không ổn định, lẫn nhiều tạp chất như nước và các hợp chất có tính ăn mòn. Một số dung môi như ethanol, methanol hay butyl acetate đều có thể hòa tan với nước, nên dung môi tái sinh nhìn rất trong, không bị đục, rất khó phân biệt bằng mắt thường.

Khi pha dung môi tái sinh này với xăng thương phẩm, ở một tỷ lệ nào đó thì nước tự do sẽ tách ra khỏi hỗn hợp xăng và đây chính là nguyên nhân gây tắc nghẽn bình xăng con, làm xe bị chết máy. Các chủ ga-ra, tiệm sửa xe đều đặc biệt khuyến cáo khách hàng về chuyện xăng giả là vì vậy.

“Các chất có tính a-xít trong dung môi tái sinh thủ công, nếu không được xử lý đúng, sẽ ăn mòn động cơ và các chi tiết kim loại khác. Thêm nữa, một số dung môi hữu cơ có khả năng làm trương nở và biến đổi cơ tính của các chi tiết không kim loại như ống xăng, joăn làm kín. Nếu sử dụng lâu ngày, các chi tiết này sẽ bị rạn nứt, gây rò rỉ xăng ra bên ngoài, gây cháy xe.

Việc ảnh hưởng đến môi trường khi sử dụng phải xăng giả là chắc chắn có, nhưng cụ thể thải ra những chất độc gì và mức độ nghiêm trọng đến như thế nào thì cần phải có số liệu cụ thể của thành phần xăng giả và chất lượng của khói thải” - vị tiến sĩ cảnh báo.

Chia sẻ về cách phân biệt đâu là xăng giả, tiến sĩ Hồ Quang Như khẳng định là rất khó. Chỉ những người trong nghề (nghiên cứu xăng dầu hoặc đang thật sự quan tâm muốn tìm hiểu) mới có thể nhận biết qua mùi xăng hăng hắc, “lạ” so với các loại xăng thương phẩm.

Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp đó thì cũng chỉ có thể nói đó là xăng “có vấn đề” chứ chưa thể khẳng định là xăng giả, vì còn phải lấy mẫu phân tích mới biết và kết luận chính xác. Trong trường hợp các đối tượng pha xăng giả vào xăng thương phẩm với tỷ lệ nhỏ thì hầu như rất khó phát hiện. Riêng người tiêu dùng bình thường thì chắc chắn không thể phân biệt được.

Trước thực trạng xăng giả đang hoành hành và cơ quan chức năng chưa có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu, để bảo vệ tài sản, tính mạng của mình, tiến sĩ Như khuyên người tiêu dùng nên đổ xăng tại các cây xăng có uy tín, hạn chế các cây xăng không tên tuổi và nhất là tránh các điểm bán xăng lẻ dọc đường. 

Phương Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI