Họ ra đi, để lại những khoảng trống trong làng nhạc

05/07/2015 - 18:26

PNO - PN - Đúng ngày 24/6/2015, khi Hội Nhạc sĩ Việt Nam mừng thắng lợi đại hội, Nhạc sĩ - Giáo sư Trần Văn Khê qua đời.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ho ra di, de lai nhung khoang trong trong lang nhac

Tên tuổi Trần Văn Khê thì quá nổi tiếng. Người trong nước biết ông như một nhà truyền bá âm nhạc cổ truyền Việt Nam ra khắp hành tinh. Vốn cùng học Lycée Pétrus Ký ở Sài Gòn với Lưu Hữu Phước, hai ông cùng Huỳnh Văn Tiểng và Mai Văn Bộ lập ra “Câu lạc bộ học sinh” viết những hành khúc đầu tiên của đời mình ở đó.

Họ còn cùng nhau ra học ở Hà Nội. Khi Lưu Hữu Phước viết ca kịch Tục lụy (thơ Thế Lữ), thì Trần Văn Khê là người chỉ huy. Song ấn tượng nhất vẫn là cái đêm Trần Văn Khê chỉ huy ban hợp xướng hát Người xưa đâu tá của Lưu Hữu Phước. Đêm ấy, mười phút trước khi bắt đầu hòa nhạc, một người lính mang sắc lệnh của Sở Kiểm duyệt và Sở Mật thám xuống cấm hát Người xưa đâu tá.

Khi được lệnh, Trần Văn Khê nói với dàn nhạc: “Tuân lệnh cấm hát. Ban hợp xướng đứng im. Nhưng dàn nhạc thì vẫn chơi tác phẩm vì cấm hát chứ không cấm tấu nhạc”. Nhạc cứ vang lên. Toàn thể khán thính giả đứng dậy nghiêm trang. Có lẽ, bài ca còn vang hơn trong đầu những người thuộc lời ca.

Vụ đó, cả hai ông đều bị nhà chức trách làm rầy rà. Chiến tranh đã đưa hai ông về hai nơi. Lưu Hữu Phước ở Việt Bắc, còn Trần Văn Khê sau mấy năm công tác ở Nam bộ thì sang du học ở Pháp. Xa xôi cách trở nhưng họ vẫn nhớ về nhau, theo dõi về nhau. Cả việc Lưu Hữu Phước chui vào Sài Gòn đi thực tế trước Tết Mậu Thân, Trần Văn Khê đều biết. Họ gặp lại nhau khi hội nghị bốn bên về Việt Nam diễn ra ở Paris.

Thống nhất đất nước, với tư cách Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, Lưu Hữu Phước đã mời Trần Văn Khê về nước tham gia nghiên cứu nhiều công trình, trong đó có công trình đàn đá nổi tiếng. Khi ấy, quan niệm về ca trù của giới lãnh đạo còn rất nặng nề. Từ sự gợi ý của Trần Văn Khê, Lưu Hữu Phước đã cùng anh em phòng thu Đài Tiếng nói Việt Nam “thu chui” một cách ngoạn mục giọng ca Quách Thị Hồ, rồi gửi cho Trần Văn Khê quảng bá ra thế giới, đặt nền móng để sau này ca trù được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại.

Ông may mắn trước khi ra đi đã kịp tìm ra thêm một chân truyền âm nhạc cổ truyền Việt Nam bên cạnh Trần Quang Hải - con ông. Đó là nhà nghiên cứu trẻ Bùi Trọng Hiền. Ra đi ở tuổi 95, Trần Văn Khê hoàn toàn mãn nguyện ở vị trí cây đại thụ làng nhạc Việt Nam.

Bây giờ người ta hay hát Em đi chùa Hương với tiết tấu rộn ràng và với nghi án không biết có phải do ca sĩ Trung Đức sáng tác, nhưng riêng tôi vẫn thích Em đi chùa Hương mà Trần Văn Khê phổ nguyên bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp. Nó gợi lại đúng cảnh, đúng tình của một thời đại trước khi bùng nổ cách mạng.

Không chỉ để lại những luận văn nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng như Âm nhạc truyền thống Việt Nam hay Khổng Tử với âm nhạc, ông còn hướng dẫn gần một vạn sinh viên qua nhiều khóa học quốc tế và trong nước.

Ho ra di, de lai nhung khoang trong trong lang nhac

Chính 10g15 ngày 29/6/2015, khi xe đưa linh cữu Trần Văn Khê về nơi yên nghỉ thì tại bệnh viện Thống Nhất, Phan Huỳnh Điểu tạ thế. Người tài đến vậy, tài từ khi viết Trầu cau năm 20 tuổi, thế rồi lại bước vào hành khúc cách mạng cứ nhẹ như không qua Đoàn giải phóng quân (sau đổi là Đoàn vệ quốc quân).

Một suy nghĩ đầy ý thức cách mạng: “Ra đi ra đi bảo tồn sông núi - Ra đi ra đi thà chết chớ lui”. Thà chết như một người tự do còn hơn sống như một người nô lệ.

Trong âm nhạc Phan Huỳnh Điểu, người ta cứ nghe đâu đó tiếng vê dây đàn mandoline nhỏ nhắn khiêm nhường của ông. Vậy mà nhờ Đoàn giải phóng quân được ấn hành ở Huế, nhuận bút đã đủ để ông mua được cây guitare của vua Bảo Đại. Một chuyện bản quyền âm nhạc vô tiền khoáng hậu.

Ông quả là một người tưởng tượng lạc quan. Đứng ở góc phố Huế (Hà Nội), nhìn những khu tập thể mới xây có vài tầng mà đã viết ngay cho Quốc Hương thả sức lên nốt cao nhất trong âm vực của mình qua Những ánh sao đêm: “Xây cho nhà cao cao cao mãi - Ôi xinh đẹp tổ quốc của ta ...”.

Tuổi thơ từ thời tôi, chả đứa bé nào mà không thuộc Đội kèn tí hon: “Te tò te đây là ban kèn hơi - Tò tò tò te có anh nào muốn chơi ...”. Vậy mà giữa lúc lòng người đang hoan hỉ với những giai điệu đẹp đẽ của ông, Phan Huỳnh Điểu lại bí mật vào khu Năm dịp Noel 1964. Khi ấy, ông đã ở tuổi “tứ thập bất hoặc”.

Đấy là tư cách dấn thân của một người lính. Dấn thân để có thể hét lên hành khúc nóng bỏng Ra tiền tuyến với bút danh Huy Quang: “Ngày từng ngày qua súng quân xâm lược Mỹ - Bắn giết đồng bào giết bao nhiêu đồng chí chúng ta ...”.

Phan Huỳnh Điểu rất ngạc nhiên khi biết tôi đã từng đi theo dấu chân ông để lại chiến trường khu Năm. Khi tôi vào thì ông đã ra Bắc, mang theo hơi thở hầm hập của chiến trường để có thể lại ca vang Cuộc đời vẫn đẹp sao (thơ Bùi Minh Quốc), Hành khúc ngày và đêm (thơ Bùi Công Minh), Bóng cây Kơ nia (thơ Ngọc Anh).

Phan Huỳnh Điểu là “nhạc sĩ của tình yêu”. Điều đó thực sự phát lộ tài năng ở ông từ ngày thống nhất đất nước. Càng nhiều tuổi, nhạc Phan Huỳnh Điểu lại càng trẻ trung. Từ bài thơ Gửi miền hạ của Hoài Vũ chứa chất nhiều tâm tư chiến tranh, Phan Huỳnh Điều đã biến nó thành một tình ca hay đến nỗi khi hát ca từ, người ta chả thấy gì có ùng oàng trong đó: “Đất quê ta dập dìu tôm cá - Giặc nhảy vào đất dựng thành đồng ...”.

Rồi Sợi nhớ sợi thương bài thơ ba chữ của Thúy Bắc, vậy mà qua cái tài phổ thơ “phù thủy” của bậc thày này, nó trở thành một tình ca Trường Sơn đến là dễ chịu. Đặc biệt là mối giao duyên giữa nhạc của ông với thơ Xuân Quỳnh. Ngọc Tân khi giọng vàng của anh lên đến đỉnh cao dâng hiến, cũng là lúc anh hát rất thành công Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu...

Vậy mà nay mới đầu tháng Bảy, người đã vội vàng khuất bóng. Ông đã không còn thời gian để cuối tháng Tám chiêm ngưỡng Hành khúc ngày và đêm trong chương trình Giai điệu tự hào mang tên “Đất nước - tình yêu”. Nhưng thọ ở tuổi 92 thì cũng có thể xem như “chín bỏ làm mười”, đại thọ lắm rồi với một tài năng âm nhạc Giải thưởng Hồ Chí Minh như ông.

Ho ra di, de lai nhung khoang trong trong lang nhac

Chỉ sau khi Phan Huỳnh Điểu tạ thế hơn một giờ đồng hồ, hồi 11g45 nhạc sĩ Phan Nhân cũng qua đời ở Sài Gòn. Phan Nhân tham gia quân đội từ Nam bộ kháng chiến và ở tổ quân nhạc khu 8. Tập kết ra Bắc, Phan Nhân cũng trong tốp hát với Trần Chung, Thế Song, Văn Dung... Chính cuộc chiến tranh chống Mỹ đã khiến các anh trở thành tác giả.

Ca khúc đầu tiên của Phan Nhân mà tôi biết là Con dao làm nương, cây súng giữ bản anh viết năm 1965. Đấy là một ca khúc mang âm hưởng dân ca Việt Bắc: “Cài con dao rừng ta đi làm nương - Khoác bên mình súng đây là bạn đường - Trên cành cây cao chim rừng đua hát như hòa theo - Suối reo ca bình minh”.

Cũng ngày ấy, trẻ con chả đứa nào là không thuộc Chú ếch con: “Kìa chú là chú ếch con, có hai là hai mắt tròn...”. Đứa nào lớn hơn thì còn biết đến cả Em là con gái má Út Tịch: “Khi mà ba má em vẫn còn đi đánh giặc - thì em còn thay má mà trông em”.

Có lẽ cuộc tu nghiệp âm nhạc ở Hungari đã chính thức đưa Phan Nhân lên tầm cỡ một tác giả âm nhạc có năng lực, nhưng cũng phải nhờ cú huých “Hà Nội 12 ngày đêm” với “Điện Biên Phủ trên không”, Phan Nhân mới thực sự đạt đến đỉnh cao sáng tạo qua Hà Nội niềm tin và hy vọng. Lúc ấy, chúng tôi ở Trường Sơn, anh như đang dõi theo bước chân chúng tôi “Sáng soi bóng đêm Trường Sơn - lắng trong nước sông Cửu Long - dệt nên tiếng ca - át tiếng bom rền”.

Một ca khúc chống Mỹ, nhưng lại được trường nghệ thuật Mecca ở thành phố Houston - bang Texas - Mỹ chọn làm tác phẩm dạy sáng tác ca khúc. Ngạc nhiên mà không ngạc nhiên vì người Mỹ rất trọng sự độc đáo trong sáng tạo. Song đấy là cái hay.

Cái vừa hay vừa lạ ở Phan Nhân chính là Cây đàn guitar của Victo Hara mà Hạnh Hà đã hát rất hay: “Cây đàn guitar của Victo Hara - là súng gươm tiêu diệt thù... có trái tim Chi Lê trong hộp cây đàn Victo Hara ...” và miên man theo đèo dốc Trường Sơn, người ra thấy lãng tử Phan Nhân đi tìm cô thanh niên xung phong “chỉ nghe tiếng hát - mà đem lòng yêu thương”.

Một cái gì rất quan họ Bắc Ninh cứ luồn vào giai điệu với những chùm nốt luyến lay động và xót xa: “Hỡi người con gái dãi dầu mưa nắng Trường Sơn”.

Thống nhất đất nước, Phan Nhân hào sảng tấu lên Tình ca đất nước qua giọng vàng Trần Khánh: “Rằng đã về ta cỏ cây sông núi ruộng đồng - Cửu Long, sông Hồng xóa bao chờ mong ...”. Đây là một ca khúc ngợi ca đất nước ngắn gọn nhất, súc tích nhất được viết ở thể một đoạn kép, kiểu như Chiều ngoại ô Moscow.

Nét nhạc cao trào da diết lạ: “Sài Gòn mến yêu của ta - đêm dài đã qua - tình quê hương thêm thiết tha - ngọt ngào hương hoa - đẹp ngàn lần non sông ta - ngân vang tiếng ca”. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam và phương Bắc xảy ra, Phan Nhân lại đưa ra một tự sự mang tính chất hành khúc Chớ buồn nghe em: “chớ buồn em yêu dấu - khi non nước chưa yên lành anh đi chiến đấu - tình em như nắng hồng - vượt đường xa qua gian khó thành niềm vui...”.

Ra đi ở tuổi 86, sau gần hai giờ di quan Trần Văn Khê và sau hơn một giờ Phan Huỳnh Điểu tạ thế, Phan Nhân như góp trọn vào giữa hạ này một sự ra đi của ba tài năng âm nhạc, để lại dương thế đầy lưu luyến.

Ho ra di, de lai nhung khoang trong trong lang nhac

Những tưởng lưỡi hái thần chết đã dừng lại, không ngờ vào hồi 17g45 ngày 3/7/2015, nó lại lạnh lùng cướp đi thêm nhạc sĩ An Thuyên đương độ tài năng ở tuổi 67.

An Thuyên là một nhạc sĩ thuộc thời kỳ đầu hậu chiến. Tuy đã làm công việc sưu tầm âm nhạc dân gian Nghệ An từ 1967, phải sau khi gia nhập quân đội 1975 đến ba năm - năm 1978, anh mới có ca khúc đầu tiên được thu thanh ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Ca khúc Em chọn lối này lúc ấy được Thanh Hoa thể hiện để đặt cột mốc đầu tiên trong hành trình sáng tạo âm nhạc của anh: “Chân em đi rừng nhiều đường lắm lối - này người ơi í em chọn lối này ...”.

Người mến mộ nhanh chóng biết đến anh qua Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác với đoạn dùng nhịp lẻ 7/8 chuyên dụng của ví dặm: “Tuổi ấu thơ Bác đã đi suốt chiều dài câu dân ca - tuổi ấu thơ Bác đi đi suốt chiều rộng câu dân ca ...”.

Thời kỳ học sáng tác ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) đã đưa An Thuyên đến với những cung bậc mới đều gây ấn tượng. Đó là Hành quân lên Tây Bắc (giải thưởng Bộ Quốc phòng 1984), Tiếng đàn Balalaica trên sông Đà (phỏng thơ Quang Huy) đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác ca khúc toàn quốc 1985, rồi Xe tăng qua miền dân ca (phỏng thơ Nguyễn Ngọc Phú) đoạt giải nhất cuộc thi Bộ Văn hóa - Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1988.

Nhưng thời kỳ nở rộ nhất những sáng tạo âm nhạc của anh lại chính là thời kỳ anh về công tác tại trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quân đội từ năm 1992 (Nay là trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội).

Đấy là thời kỳ Việt Nam cần nhiều tình ca mới nhằm đẩy lùi nạn “nhạc hải ngoại” đang xâm nhập vào đất nước qua những băng video thẩm lậu. Tuy không tham gia nhóm “Những người bạn” ở Sài Gòn, nhóm “Tứ quái” như nhóm Nguyễn Cường, Dương Thụ, Phó Đức Phương, Trần Tiến, An Thuyên vẫn “một mình một ngựa” như Phú Quang, leo lên Chín bậc tình yêu, Neo đậu bến quê, Huế thương, Ca dao em và tôi...

Một giọng điệu âm nhạc được xác lập ngay từ Em chọn lối này đã được An Thuyên triển khai bằng chính tâm hồn mình, bằng chính những thủ pháp âm nhạc của riêng mình xen kẽ giữa ngũ âm Việt Nam và thất âm phương Tây.

Thế là bốn nhạc sĩ, hai người thuộc thế hệ 2X, một người thuộc thế hệ 3X, một người thuộc thế hệ 4X liên tiếp ra đi giữa mùa hè nóng nực đầy hiểm họa bất trắc của thế giới này. Mỗi người đều để lại một di sản âm nhạc riêng biệt đầy đóng góp của mình vào làng nhạc Việt Nam. Họ đã có thể thanh thản khi ra đi khỏi cõi đời. Nhưng khoảng trống họ để lại trong làng nhạc thì không sao bù đắp nổi. Bởi thế, mới thấy nhiều tiếc thương. Bởi thế, mới thấy đầy trân trọng.

NGUYỄN THỤY KHA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI