Họ làm gì ở những trạm ngăn dịch?

06/04/2020 - 07:05

PNO - 62 chốt, trạm ở các cửa ngõ ra vào thành phố được ví như 62 phòng tuyến ngăn dịch cho TPHCM. Ngay trong ngày đầu tiên “kích hoạt”, lực lượng chức năng tại các chốt bắt đầu thi hành nhiệm vụ với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Căng thẳng trên các “phòng tuyến”

13g ngày 5/4, chốt kiểm dịch liên ngành của TPHCM tại chân cầu Đồng Nai (hướng về TPHCM) bắt đầu hoạt động. Nằm trên tuyến Quốc lộ 1, lượng phương tiện lưu thông theo hướng Bắc - Nam rất đông nên đây được xem là chốt kiểm dịch COVID-19 quan trọng nhất của TPHCM.

Đa số người dân đồng tình và chấp hành nghiêm quy định kiểm soát dịch khi vào TP.HCM
Đa số người dân đồng tình và chấp hành nghiêm quy định kiểm soát dịch khi vào TPHCM

Tại chốt kiểm dịch này, lực lượng chức năng dùng rào chắn chia thành ba làn đường để kiểm soát phương tiện. Trong đó, một làn đường dành cho ô tô, một làn đường dành cho xe máy và làn đường còn lại dành cho các phương tiện không bị kiểm tra y tế như xe container, xe tải. Ở mỗi làn có lực lượng y tế, cảnh sát giao thông, quân đội, thanh tra giao thông phụ trách. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, những người lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1 qua cầu Đồng Nai về hướng TPHCM được yêu cầu dừng xe để lực lượng y tế đo thân nhiệt. Ai có thân nhiệt bình thường mới được vào thành phố, người có thân nhiệt cao, có biểu hiện sốt sẽ được giữ lại, phun thuốc khử trùng và theo dõi. Nếu sau đó, thân nhiệt trở lại bình thường do sốc nhiệt khi đi ngoài trời nắng, sẽ được tiếp tục đi.

Sau chưa đầy 10 phút triển khai, ở làn đường dành cho người điều khiển xe mô tô, lực lượng chức năng phát hiện một thanh niên chạy xe từ hướng tỉnh Đồng Nai về TPHCM có biểu hiện sốt cao (quá 38 độ C), liền đưa vào khu vực riêng để phun thuốc khử trùng và lấy thông tin y tế. 

Tại chân cầu Đồng Nai, một căn lều dã chiến được dựng lên để phục vụ công tác kiểm soát dịch COVID-19. Những người có thân nhiệt cao sẽ được mời vào trong lều dã chiến để phun thuốc khử trùng, khai báo y tế và chờ đo thân nhiệt trở lại, nếu thân nhiệt sau nhiều lần đo vẫn cao, sẽ được lực lượng y tế đưa đi cách ly bắt buộc.

Khoảng 15g, phát hiện có hai xe ô tô 29 chỗ chở người, lực lượng chức năng liền yêu cầu dừng lại, các nhân viên y tế nhanh chóng kiểm tra thân nhiệt tài xế và tất cả hành khách trên xe. Một trong hai xe khách chở theo 12 người nhưng năm người trong số đó có thân nhiệt cao hơn bình thường, liền được hướng dẫn vào khu vực riêng. Lực lượng cảnh sát giao thông dùng bộ đàm báo về trung tâm chỉ huy để sẵn sàng có kế hoạch ứng phó với trường hợp này.

Toàn cảnh chốt chặn kiểm tra y tế người dân tại cửa ngõ TPHCM
Các trạm, chốt được lập để đảm bảo kiểm tra y tế người ra, vào địa phận TPHCM. Ảnh: Tam Nguyên

Một cảnh sát giao thông cho biết: “Chúng tôi đã có kịch bản ứng phó cho nhiều tình huống xảy ra, trong đó có tình huống nhiều người trên xe khách có thân nhiệt cao, tình huống người bị kiểm tra không chấp hành hoặc chống đối”.

Khoảng 15 phút sau, lực lượng y tế tiến hành kiểm tra y tế lần hai đối với những người có mặt trên xe khách. Rất may, ở lần kiểm tra thứ hai, thân nhiệt của tất cả hành khách đều bình thường. Không khí căng thẳng ở chốt kiểm dịch cầu Đồng Nai tạm thời lắng xuống. Một nhân viên y tế nhận định: “Có thể do nhiệt độ ngoài đường cao nên nhiệt độ cơ thể tăng lên. Do đó, những ai có nhiệt độ cơ thể cao sẽ vào khu vực riêng để kiểm tra lại nhiều lần”.

Không khí căng thẳng vừa qua đi thì lực lượng y tế phát hiện nhiều người đang từ hướng tỉnh Đồng Nai vào TPHCM có thân nhiệt cao bất thường. Sáu người thân nhiệt cao bất thường đã được lực lượng chức năng giữ lại theo dõi và thực hiện các biện pháp y tế cần thiết tiếp theo.

Tương tự, từ 13g chiều 5/4, lực lượng chức năng cũng đã “kích hoạt” chốt kiểm soát dịch tại trạm thu phí Long Phước (đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây). Cũng như nhiều chốt kiểm dịch khác, lực lượng liên ngành sẽ dừng phương tiện, kiểm tra y tế và giám sát đối với người có thân nhiệt cao.

Đại diện Phòng Tham mưu, Công an TPHCM cho biết, Công an TPHCM đã xây dựng phương án, thành lập 62 chốt (16 chốt chính, 46 chốt phụ) tại các cửa ngõ ra vào thành phố, khu vực giáp ranh, bến tàu, bến xe, nhà ga. Từ 13g ngày 5/4, lực lượng chức năng đã triển khai sáu trạm, chốt kiểm soát dịch kiểu mẫu nằm giáp ranh giữa TPHCM và các tỉnh lân cận.

Việc kiểm tra y tế không phải là “ngăn sông cấm chợ” mà nhằm kiểm soát tốt y tế đố i vớ i người từ các tỉnh vào TP.HCM Ả NH: SƠN VINH
Việc kiểm tra y tế không phải là “ngăn sông cấm chợ” mà nhằm kiểm soát tốt y tế đối với người từ các tỉnh vào TPHCM 

Không phải “ngăn sông, cấm chợ”

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngay trong ngày đầu triển khai “phòng tuyến” chống dịch, nhiệt độ ở TPHCM đang lên cao. Dưới cái nắng gay gắt, các nữ nhân viên y tế phải vừa mặc đồ bảo hộ, vừa đứng ở các làn đường làm nhiệm vụ y tế. Hình ảnh trên khiến rất nhiều người xúc động.

Bà Đỗ Thị Ngọc Diệu - công tác tại Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, được Sở Y tế phân công thực hiện nhiệm vụ tại chốt cầu Đồng Nai - cho biết, việc kiểm soát y tế ở các chốt, trạm kiểu dã chiến trên đường khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều so với điều kiện bình thường. Đặc biệt, TPHCM hiện đang nắng nóng gay gắt nên việc phải vừa mặc đồ bảo hộ, vừa làm nhiệm vụ trên đường là rất khó khăn.

“Dù vậy, chúng tôi vẫn sẽ vượt mọi khó khăn, mong góp chút sức nhỏ bé của mình vào công cuộc phòng, chống dịch” - bà Diệu nói.

Ngay trong ngày đầu triển khai “phòng tuyến” chống dịch, hầu hết người dân đều chấp hành nghiêm việc kiểm tra y tế. Ông Nguyễn Cường - 42 tuổi, ở Q.6, TPHCM - chia sẻ: “Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với việc kiểm tra y tế này, vì ai cũng mong muốn mau chóng đẩy lùi dịch bệnh”.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng (Bộ Y tế) - đánh giá, việc tổ chức chốt, trạm kiểm dịch giống như tạo tấm lá chắn để hạn chế dịch bệnh lây lan vào thành phố. 

Theo lãnh đạo Công an TPHCM, việc kiểm tra tại các chốt, trạm chỉ áp dụng đối với những trường hợp nghi vấn liên quan dịch bệnh. Do đó, người dân cần hợp tác với lực lượng chức năng để góp sức đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Nhân viên y tế tieesns hành mặt đồ bảo hộ trước khi kiểm tra y tế người tham gia giao thông
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ trước khi kiểm tra y tế người tham gia giao thông

Ông Từ Lương - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM - khẳng định, việc kiểm tra này không phải là “ngăn sông, cấm chợ” mà nhằm kiểm soát tốt y tế đối với người từ các tỉnh vào TPHCM. Việc này giúp người dân trong nội đô an toàn hơn, yên tâm hơn, giúp ngành chức năng và cơ quan y tế có điều kiện kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ. Theo quyết định của UBND TPHCM, các chốt, trạm này sẽ hoạt động trong 15 ngày cao điểm, từ ngày 1-15/4 và sau đó, căn cứ tình hình thực tế, UBND TPHCM sẽ xem xét, có quyết định tiếp theo. 

Sáu chốt kiểu mẫu được lập từ 13g ngày 5/4

Từ 13g ngày 5/4, TPHCM đã đưa vào hoạt động sáu chốt kiểm tra y tế kiểu mẫu, gồm: chốt trạm thu phí Long Phước (đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây), chốt cao tốc Trung Lương (tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương), chốt cầu Vĩnh Bình (Quốc lộ 13, quận Thủ Đức, giáp với tỉnh Bình Dương), đường Ba Làng (huyện Bình Chánh, giáp tỉnh Long An), đường Xuyên Á, Quốc lộ 22 (huyện Củ Chi, giáp tỉnh Tây Ninh), chân cầu Đồng Nai (Quốc lộ 1A, giáp tỉnh Đồng Nai).

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI