Họ không phải “người rừng”

21/08/2013 - 19:15

PNO - PN - Cánh cửa phòng bệnh của họ tại Khoa Ngoại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi luôn đóng, muốn vào, phải xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện, bởi thiên hạ hiếu kỳ, báo chí săn đón và… họ không muốn gặp ai cả.

“Cha và anh Lang cứ ho suốt” - anh Tri nói. Anh Tri là con ông Thanh, được mẹ đưa từ Trà Xinh, huyện Tây Trà về Trà Phong, huyện Tây Trà ở, khi ông Thanh ôm anh Lang chạy mất dấu vào rừng năm 1974.

Hôm trước ở Trà Phong, tôi nghe vợ anh Tri nói ông Thanh không chịu nhận anh là con, nhưng đó là cha và anh, máu mủ ruột rà, phận làm con làm em, sống chết không buông. Anh đang tiếp thức ăn cho họ. “Ăn được mỗi người hai chén. Ông già hay đòi gạo đỏ, nhưng ở thành phố thì tìm đâu ra”.

Lúc mới ra khỏi rừng về bệnh viện huyện chữa trị, ông cũng đòi ăn cơm nấu từ gạo đỏ, thứ gạo rẫy của đồng bào miền núi. Dây truyền dịch lủng lẳng trên tay họ. Phòng trống trơn, không áo quần, phích nước. Im lặng. Những cái nhìn, không còn như lẩn tránh nữa mà như cam chịu. “Truyền dịch mấy ngày rồi” - cũng chỉ giọng anh Tri.

Hơn 40 năm ở rừng, hẳn cha con ông đã trải qua không ít đau ốm, nhưng họ vượt qua được mà không cần đến kim tiêm, viên thuốc. Anh Lang bị sốt siêu vi, có lẽ do thay đổi môi trường. Ông Thanh hơi bị phù, bác sĩ bảo có dấu hiệu nan thận nhưng không đáng kể. Những thuật ngữ y học họ chưa từng nghe từng biết. Ông Thanh bị hư một con mắt, con còn lại nhỏ thó, trầm đục nhưng khi ông bất ngờ ngẩng lên thì ánh nhìn phóng chiếu như một dấu hỏi mệt mỏi. Lúc ấy tôi thấy dường như cánh cửa chật hẹp chặn khoảng trời xanh ngoài kia chính là một bệnh án.

Ho khong phai “nguoi rung”

Từ trái sang: Anh Lang, anh Tri và ông Thanh

Chuyện cha con ông Hồ Văn Thanh “người rừng” vẫn chưa dứt ồn ào. Câu hỏi tôi hay gặp ở người tò mò là “họ ăn đũa hay ăn bốc?”. Hơn 20 năm trước, bộ đội biên phòng Quảng Bình đã phát hiện người Rục, người Chứt sống trong hang đá theo kiểu bầy đàn và từ đó, bản đồ dân tộc học lại thay đổi, cộng đồng ngỡ ngàng kinh ngạc rồi quyết định đưa họ ra khỏi hang, bắt đầu cuộc cách mạng thay đổi tư duy sống của họ, trầy trật mãi đến giờ vẫn chưa yên tâm vì cách họ du canh du cư.

Hôm cha con ông Thanh vừa từ rừng về được một ngày, khi nghe anh Hồ Minh Tuấn, cháu gọi ông Thanh là chú ruột kể: một năm vài lần, cha con anh vào thăm, tiếp tế muối, áo quần, rồi được họ tặng thịt rừng, mật ong mang về, vận động về với làng thì ông Thanh từ chối, thú thật tôi không nén nổi tiếng thở dài, nói ngay với hai đồng nghiệp đi cùng là như vậy sao gọi là “người rừng”? Ở đây, cha con ông Thanh, sau biến cố chiến tranh và gia đình, đã rời bỏ làng vào rừng để sống, nhưng lại kết nối với bên ngoài là anh Tuấn và anh Tri con trai ông. Ông Trương Ngọc Đông, Chủ tịch xã Trà Phong nói: “Chính quyền, bà con ai cũng biết họ sống ở đó, đi rừng gặp hoài, nhưng thấy không có vấn đề gì, họ không ở đây thì ở đó, nên xem như bình thường và nếu ông Thanh không đau nặng thì đã không đưa cha con ông về”.

Nhiều người ngạc nhiên với kiểu nhà “tổ chim” của cha con ông Thanh. Người miền núi sống nhà sàn, nếu quần cư thì nhà thấp, nhưng ở một mình thì làm trên cao để chống thú dữ, chẳng có gì lạ. Ở đó, họ có rẫy thuốc lá, nghệ, gừng, lúa, bắp… “Chiến lợi phẩm” mà chính quyền mang về từ nhà họ là những gùi, ống lồ ô có hạt giống dự trữ trong đó, cùng với mật ong, dụng cụ làm rẫy, áo quần. Có lẽ nhiều người lấy làm lạ với hình ảnh anh Lang đóng khố bằng vỏ cây, nói chính xác hơn là sợi dây rừng tước nhỏ, bện chặt, cũng như những chiếc áo mà ông Thanh đã bện với đường chỉ sắc sảo. Anh Tuấn cho hay ông Thanh từ chối không chịu mặc áo quần mới mà ông chỉ thích mặc đồ ông tự làm.

Ông Hồ Văn Biên, một người già ở Trà Phong cho hay, trước khi vào rừng, ông Thanh là một tay thợ rèn có hạng, nên vật dụng dao rìu ông làm từ mảnh bom, không hề là chuyện khó. Họ đâu có ăn sống nuốt tươi đâu, ở đó còn có vài ba cái nồi nhôm, bùi nhùi cất kỹ dùng để tạo lửa. Bữa tôi gặp anh Lang ở nhà anh Tuấn, nhà đang cúng để “thông báo” với ông bà tổ tiên là họ về, ngó cái cách cầm đũa ăn thịt gà của anh Lang rồi anh đón điếu thuốc từ tay tôi rít ào ào, chẳng khác gì dân nhậu!

Ho khong phai “nguoi rung”

Anh Lang và cha.

“Ông còn đòi về rừng không?”. “Còn chứ, giữ ở đây thì không biết đường chứ mai này về lại nhà, mệt nữa, có dám rời ông đâu”, anh Tri nói. Còn anh Tuấn thuật lại, sau vài ngày ở nhà anh, ông Thanh và anh Lang mở miệng nói câu đầu tiên là muốn về rừng, muốn đi thăm rẫy, anh Lang đã vụt chạy nhưng họ đuổi theo kịp và giữ lại. Điều đó dễ hiểu. Mấy mươi năm họ đã hít thở không khí của đại ngàn. Với ông Thanh, đây tạm xem là cuộc trở về, bởi ông từng ra đi, nhưng với anh Lang, đây là cánh cửa mở ra một thế giới khác, là cuộc ra đi lạ lẫm không biết phía trước ra sao.

“Xem họ là “người rừng” à? Vô lý - ông Nguyễn Tri Hùng, cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam nói - Vùng đó giáp với Quảng Nam. Vậy họ có khác gì 12 hộ với 32 khẩu ở làng Pê ta poot xã Đăkpring huyện Nam Giang đâu. Những năm 1983, có hai người Cơ tu xã Tr’Hy bên Tây Giang bỏ làng sang sống ở Chaval - Nam Giang, là dân ngụ cư nên bị ruồng bỏ, hai anh em quyết vào rừng sâu sống, sau đó lập làng, sinh con đẻ cái, một tháng họ ra đường lớn mua muối, thế thôi, không thực hiện cái gì gọi là trách nhiệm và nghĩa vụ công dân, mãi về sau họ mới ra với cộng đồng, một người trong họ là tay thẩm âm cồng chiêng nổi tiếng hiện giờ, nhưng có ai gọi họ là “người rừng” đâu! Họ là người thiểu số sống ở rừng sâu, vậy thôi”.

Họ đã sống một cuộc sống đúng nghĩa của người miền núi - miền núi nguyên thủy chứ không phải là miền núi cải biên ào ạt, phong trào do chính người Kinh mang lại cho họ. Hơn 40 năm ở rừng, cha con ông Thanh đã sống đến bây giờ và chắc chắn họ đã trải qua nhiều biến cố trong việc kiếm cái ăn, chống lại thú dữ, bệnh tật, chứng tỏ họ đã thích nghi tốt và ứng xử hòa hợp với rừng. Gia đình ông lo ông ốm nặng sẽ chết nên báo chính quyền.

Một nhà báo có ý kiến: “Chúng ta đã làm sai quy trình. Biết họ như thế, thì việc đầu tiên là đi cùng người thân lên, tìm cách tiếp cận với họ, nắm bắt tâm lý, nguyện vọng họ, sau đó đưa y tế lên hỗ trợ, sau cùng mới tính chuyện đưa họ về hay không. Vấn đề then chốt là họ đang sống bình yên, không đụng chạm đến ai cả, giờ họ đau ốm thì mình chạy chữa giúp, còn về hay không, tùy thuộc vào họ chứ không phải chúng ta”. Một cuộc “giải cứu” khẩn cấp đã được thực hiện, để rồi bây giờ họ bị canh giữ, mà lẽ ra giải cứu là để được tự do! “Sợ chết ư? Rồi sẽ chết - ông Nguyễn Tri Hùng nói - người miền núi chết là về với rừng, với tổ tiên đang ngự trị đâu đó trong rừng sâu, với họ sống ở rừng mà không chết được ở rừng mới đáng sợ, đáng buồn”.

Một xã hội văn minh là xã hội hướng tới sự hoàn thiện con người, trong đó tự do như một thành tố hàng đầu để người ta chứng tỏ mình là một cá nhân. Phải chăng ở đây, văn minh, dù thiện chí và nhân đạo, đã vội vã tước đi tự do của cha con ông Thanh, xô họ lạc lõng giữa rừng người? Ông Thanh đã già lắm rồi. Anh Lang mới hơn 40 tuổi. Anh sẽ sống ra sao với quãng đời còn lại với ràng buộc khi anh vừa được làm chứng minh nhân dân, hộ khẩu, khi rừng hoang núi thẳm đã in vết hằn trong cuộc đời anh?

“Xã vừa cấp đất, tiền cho được 100 triệu, sắp tới sẽ làm nhà bê tông, nhà đất chứ không làm nhà sàn”, anh Tri nói. Tôi mường tượng cha con ông Thanh sống giữa tường vách vôi vữa, có chỗ nào để đặt một bếp lửa với dáng ngồi bó gối? Nhớ chuyện chị Thủy ở UBND huyện Tây Trà kể, bữa anh Lang vừa được đưa về, chị đến và chị là người phụ nữ đầu tiên ở đây mạnh dạn… nắm tay anh, chị nói thấy thương họ quá, nhất là anh Lang, chừng đó tuổi rồi nhưng chắc chưa biết phụ nữ là gì, mình nắm tay là thương yêu đồng loại chứ không có ý gì cả. Hỏi, cảm giác bàn tay anh Lang lúc đó ra sao? Lạnh lắm.

 Lê Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI