Hô hào trồng mắc-ca: Giấc mộng này chưa qua, chạy theo giấc mộng khác

25/11/2016 - 06:56

PNO - Ông Đinh Duy Vượt - Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cho rằng, sau rất nhiều bài học đau xót từ cây cao su, kinh nghiệm xương máu hiện vẫn đang còn đó.

Không thể tiếp tục đẩy dân vào thế khó

Trước việc một số khu vực có nhiều động thái thúc đẩy trồng cây mắc-ca, ĐBQH Đinh Duy Vượt - Tỉnh ủy viên, Ủy viên Đảng đoàn, Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai nhận định rằng, Gia Lai không hồ hởi, vội vàng chạy theo phong trào trồng mắc-ca mở rộng.

Điều này thể hiện qua việc, trong quy hoạch của tỉnh chưa đề cập đến loại cây trồng này. Đồng thời, theo nghị quyết của tỉnh ông cũng chưa thấy chủ trương trồng cây mắc-ca.

Ông Vượt nhấn mạnh, sau rất nhiều bài học đau xót từ cây cao su, kinh nghiệm xương máu hiện vẫn đang còn đó. Do vậy, tỉnh không thể tiếp tục mạo hiểm đẩy người nông dân vào thế bí, thế khó.

Ho hao trong mac-ca: Giac mong nay chua qua, chay theo giac mong khac
Không ít người phải nhận những đắng cay, tủi nhục khi trồng mắc-ca. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ông Vượt đánh giá, Gia Lai là vùng có chất đất đặc biệt, không những phù hợp với cây cafe, cao su mà còn rất phù hợp với cây mắc-ca.

Cũng theo ông Vượt, mặc dù đã có nhiều bài học nhưng do người dân thiếu kinh nghiệm, kiến thức nên người nông dân chỉ tư duy theo hướng cái gì có lợi thì làm. Thêm vào đó là sự hồ hởi của một số ngân hàng, doanh nghiệp bán cây giống khiến nhiều người chạy theo. Cuối cùng đã không ít người phải nhận những đắng cay, tủi nhục.

Đó cũng chính là lý do tại sao người dân địa phương đua nhau mở rộng diện tích, phá rừng trồng cafe, cao su, làm vỡ quy hoạch. 

Nhiều bài học, kinh nghiệm xương máu từ cao su

Vị ĐBQH thừa nhận, tại địa phương đã có nhiều hộ dân chạy theo lời mời gọi của doanh nghiệp mà tự phá cao su, cafe lấy rừng trồng mắc-ca.

Nói về việc trồng loại cây này để phát triển kinh tế, ông Vượt nghi ngại: "Chưa ai đảm bảo chắc chắn được đầu ra. Chúng ta chưa có nhà máy chế biến mà trồng ồ ạt, trồng đại trà thì lúc đó giá có còn cao nữa không? Sản phẩm liệu có bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, để rồi lại bị ép giá, khiến nông dân tiền mất, tật mang?".

Trước các lời quảng bá "trên trời" về cây mắc-ca như: giá trị kinh tế cao, sản lượng tốt, thu lợi lớn... vị ĐBQH cho rằng cũng chỉ được nghe từ phía doanh nghiệp, các đơn vị bán cây giống chứ thực tế chưa được chứng minh, thị trường tiêu thụ chưa chắc chắn.

Vị lãnh đạo địa phương khẳng định, không những chưa có chủ trương trồng mắc-ca mà thậm chí tỉnh Gia Lai còn liên tục đưa ra những lời khuyến cáo người dân phải thận trọng, không nên chạy theo phong trào phá rừng trồng mắc-ca ồ ạt.

Ông Vượt bày tỏ: "Bài học phá rừng trồng cao su đã quá đủ đau xót rồi. Gia Lai không thể phá rừng tự nhiên lấy đất trồng mắc-ca nữa. Muốn trồng mắc-ca chỉ còn cách phải phá bỏ cây cao su".

Tuy nhiên, điều này là không khả thi. Ông chỉ ra một thực tế, khi đuổi theo giấc mơ trồng cao su người dân đã phải đầu tư, bỏ vốn không ít vào đó. Nếu bây giờ, tiếp tục vận động người dân chặt bỏ cao su để đổ tiền nuôi một giấc mộng khác, chưa biết rõ hiệu quả ra sao là một điều quá mạo hiểm.

Cùng với việc khẳng định, Gia Lai chưa có chủ trương khuyến khích trồng loại cây này, ông cũng cho rằng, Chính phủ đã tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu ha từng tự nhiên còn lại sang mục đích khác kể cả các dự án được phê duyệt, trừ các dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh. Không có chủ trương chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc Gia Lai cũng không còn đất để trồng mắc-ca.

Hoàng Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI