Hô hào trồng mắc-ca: Bài học trồng cao su của Trung Quốc

22/11/2016 - 11:26

PNO - TS Hoàng Thanh Tiệm cho rằng, đã có rất nhiều diện tích rừng cao su được Trung Quốc trồng ngay sát khu vực biên giới dù biết rõ điều kiện không phù hợp, không thể cho ra mủ nhưng họ vẫn trồng.

3 vấn đề cần xem xét trước khi trồng mắc-ca

Thời gian gần đây, tại một số khu vực trong nước có nhiều động thái thúc đẩy việc trồng cây mắc-ca, trao đổi với PV trước vấn đề này, TS. Hoàng Thanh Tiệm - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã có những phân tích thừa nhận về lợi thế, cũng như những vấn đề đáng lưu tâm khi trồng loại cây này ở nước ta.

TS Tiệm Hoàng Thanh Tiệm cho rằng, loại cây này không cần nhiều nước tưới, có thể phủ xanh đồi núi trọc, cộng với việc giá nhân công lao động thấp là những lợi thế có thể nhìn thấy.

Ngoài ra, cây mắc-ca cũng là loại cây ôn đới, phù hợp với độ cao từ 700m trở lên. Ở điều kiện này nếu trồng các loại cây khác sẽ rất khó phát triển do thiếu nước tưới.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra những vấn đề cần cân nhắc trước khi đầu tư vào loại cây trồng này.

Ho hao trong mac-ca: Bai hoc trong cao su cua Trung Quoc
Tại một số nơi đã trồng mắc-ca. Ảnh: Tuổi trẻ

Vấn đề thứ nhất vị TS chỉ ra, đó là song song với việc trồng mắc-ca phải phát triển cùng với công nghệ chế biến. 

Cây mắc-ca là loại cây lâu năm, giá trị của cây chỉ có thể tính được từ năm thứ 7 trở đi và sản lượng tăng dần từ 40-50 năm tiếp sau đó. Nếu trồng cây ghép, giống tốt thì mỗi cây cho khoảng 20kg/hạt/cây. Cây càng lớn, tán càng rộng, lượng hạt sẽ càng nhiều.

Giá mắc-ca hiện nay trên thị trường vào khoảng 4-5USD/kg, nhưng nếu mắc-ca đã thành nhân thì có giá lên tới 4.000 USD/tấn. Như vậy, nếu có thể xây dựng được nhà máy chế biến thì giá trị của hạt có thể tăng gấp chục lần.

"Vì vậy, bắt buộc phải xây dựng nhà máy chế biến đi cùng với vùng nguyên liệu để giữ được phẩm cấp, chất lượng hạt sau khi thu hoạch", ông Tiệm nhấn mạnh.

Thứ hai, cây mắc-ca kén giống, không dễ trồng. Ở Việt Nam chỉ có hai khu vực có thể trồng được mắc-ca đó là Tây Nguyên và Tây Bắc. Nhưng cả 2 vùng này không phải khu vực nào cũng có thể trồng loại cây này được do phụ thuộc vào độ cao, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Với những độ cao thấp hơn 700m sẽ khiến cây không thể ra hoa, cho quả hoặc có sẽ rất ít.

Thứ ba, vị chuyên gia cho rằng, hiện nay diện tích có thể trồng được mắc-ca tại Việt Nam là rất hạn chế. Tính gộp cả Tây Nguyên và Tây Bắc may ra có khoảng hơn 100.000 ha diện tích phù hợp với loại cây này. 

Điều khiến ông lo ngại hơn ở chỗ, khu vực trồng được cao su, cafe thì không trồng được mắc-ca. Như vậy, đồng nghĩa với việc muốn trồng mắc-ca sẽ phải tiếp tục phá bỏ đi một diện tích rừng mới. Trong khi đó thực tế tình trạng chặt rừng trồng cao su rồi chuyển đổi mục đích sử dụng, làm thủy điện đã lấy đi không biết bao nhiêu diện tích rừng giàu của Việt Nam.

Ông Tiệm nghi ngại: "Liệu cây mắc-ca có trở thành cái cớ để làm lợi cho doanh nghiệp bán giống, làm lợi cho các ngân hàng vay vốn và mắc-ca có trở thành mục tiêu của cơ chế xin-cho, trồng rồi chặt, rồi chuyển đổi mục đích, rồi khai thác, tàn phá rừng... Đây là vấn đề rất phức tạp".

Bài học trồng cao su của Trung Quốc

Một vấn đề nữa được đặt ra, gần đây lại xuất hiện thông tin đại diện các cục, sở chức năng cùng các hộ dân điển hình của Việt Nam đi khảo sát thực tế phát triển mắc-ca tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc trong khi chính nước này cũng đang trong tình trạng trồng, chặt liên miên.

TS Hoàng Thanh Tiệm cho rằng, thực tế đang phản ánh bản chất trồng mắc-ca của Trung Quốc cũng giống như trồng cao su ở Việt Nam. Ồ ạt trồng ở cả những nơi không thích hợp, trồng cả những loại giống không phù hợp. Cao su trồng ở Tây Nguyên, Bình Phước, Bình Dương thì lại đưa lên cả Tây Bắc, thậm chí đưa cả về miền Trung nên mới có tình trạng cứ nơi trồng, nơi lại chặt.

Vị chuyên gia đặc biệt lưu ý bài học trồng cao su của Trung Quốc. Đã có rất nhiều diện tích rừng cao su được Trung Quốc trồng ngay sát khu vực biên giới dù biết rõ điều kiện không phù hợp, không thể cho ra mủ nhưng họ vẫn trồng. Điều này cho thấy, họ trồng cao su nhưng không đặt cao chất lượng, hiệu quả mà đôi khi còn vì mục đích khác. 

Ông nhận định, cây mắc-ca cũng vậy, diện tích trồng mới của Trung Quốc hiện nay vẫn chưa cho quả, còn diện tích đã trồng thì hiệu quả không cao, nhiều nơi đã trồng và phải chặt nhưng chính phủ nước này vẫn có những chính sách hỗ trợ người dân phát triển mắc-ca.

Khẳng định lại quan điểm, TS Hoàng Thanh Tiệm cho rằng: "Việt Nam không thể học theo cách làm của Trung Quốc để trồng mắc-ca".

Hoàng Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI