Hô hào chống vắc xin là tội ác

20/08/2024 - 06:08

PNO - Trong nhiều thế kỷ, bệnh đậu mùa là nỗi ám ảnh của nhân loại, cướp đi tính mạng của hàng triệu người mỗi năm. Năm 1796, Edward Jenner - một bác sĩ danh dự trong Hội Hoàng gia London (Anh) - đã nghiên cứu ra phương thức lấy vi rút gây bệnh đậu mùa từ động vật mắc bệnh, làm cho vi rút suy yếu rồi tiêm vào cơ thể người, giúp cơ thể người hình thành kháng thể chống lại bệnh. Phát minh vĩ đại này khiến Edward Jenner được xem là “cha đẻ của vắc xin”.

Sau khi được vận động, nhiều người dân đã đưa trẻ đến các cơ sở y tế ở quận Bình Tân tiêm vắc xin ngừa bệnh sởi - Ảnh: S.V.
Sau khi được vận động, nhiều người dân đã đưa trẻ đến các cơ sở y tế ở quận Bình Tân, TPHCM tiêm vắc xin ngừa bệnh sởi - Ảnh: S.V.

Nửa sau thế kỷ XIX, Louis Pasteur - nhà khoa học lừng danh của Pháp - kết luận rằng, phương pháp tiêm chủng có thể được áp dụng để điều trị các bệnh truyền nhiễm khác. Từ đó, vắc xin đã mở ra một “kỷ nguyên” mới trong bảo vệ sức khỏe nhân loại, giúp kiểm soát, đẩy lùi hàng loạt bệnh dịch chết người trên khắp thế giới như bệnh dại, bệnh tả, dịch hạch, phong cùi, lao... , và mới đây nhất là COVID-19.

Nhờ có vắc xin, mỗi năm, thế giới có hàng triệu trẻ em thoát khỏi tử vong do mắc các bệnh truyền nhiễm. Ở Việt Nam, chương trình tiêm chủng mở rộng đã giúp thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2025, tỉ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm giảm mạnh...

Thế nhưng, trong lịch sử phát triển của mình, vắc xin cũng gặp không ít trở ngại mà rào cản lớn nhất là tư tưởng bài xích vắc xin. Năm 1974, báo cáo sai lệch của một nhóm tác giả ở Anh đã khiến làn sóng “anti vắc xin” phát triển mạnh mẽ. Theo nhóm này, có 22 trẻ chậm phát triển và động kinh sau khi tiêm vắc xin ho gà toàn tế bào. Thông tin này khiến tỉ lệ tiêm chủng ho gà ở Anh giảm mạnh, từ trên 80% xuống còn khoảng 30%, là lý do khiến 100.000 trẻ mắc bệnh ho gà và 31 trẻ tử vong.

Báo cáo của nhóm này cũng làm giảm tỉ lệ tiêm và tăng số ca tử vong do ho gà ở Nhật Bản, Thụy Điển và xứ Wales. Tuy nhiên, sau đó, nhiều nghiên cứu đối chứng chỉ ra, tỉ lệ mắc bệnh trong báo cáo hoàn toàn tương đồng với tỉ lệ ở những trẻ không tiêm vắc xin; nhiều trường hợp trong các trẻ này thật ra đã mắc hội chứng Dravet.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) - từng ngao ngán với thái độ bài xích vắc xin của một số phụ huynh. Theo ông, không phải ngẫu nhiên mà vắc xin ra đời. Đó là thành quả của quá trình dày công trăn trở, nghiên cứu của các nhà khoa học trong hàng trăm năm qua, nhằm tạo ra vũ khí để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của con người.

Ông nói, một người không tiêm vắc xin có thể gây hại cho chính mình nhưng việc hô hào nhiều người cùng chống vắc xin sẽ tạo ra lỗ hổng miễn dịch trong cộng đồng, khiến bệnh bùng phát thành dịch. Đó hẳn là tội ác bởi cộng đồng sẽ phải trả giá bằng tiền bạc, công sức, bằng sự quá tải của hệ thống y tế và nặng nề, đau xót hơn cả chính là sức khỏe và tính mạng của con người.

Do vậy, việc ngành y tế TPHCM yêu cầu thanh tra xử lý nghiêm những người thông tin, tuyên truyền sai lệch về vắc xin là giải pháp phù hợp, mạnh mẽ nhằm loại bỏ những thông tin “rác” gây hại sức khỏe cộng đồng.
Thế giới hiện nay đang đứng trước thách thức mới là sự biến đổi khí hậu. Tình trạng này khiến dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường hơn. Cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều loại bệnh dịch mới, có nguy cơ đe dọa sức khỏe toàn nhân loại.

Trong bối cảnh đó, không gì hữu hiệu hơn là tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Diễn biến đáng lo ngại của nhiều bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, bạch hầu... ở Việt Nam có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh những ai còn đang nghi ngờ hiệu quả của vắc xin. Mỗi bậc phụ huynh hãy trở thành những ông bố, bà mẹ thông thái để lựa chọn phương pháp bảo vệ sức khỏe của con cái và bản thân một cách đúng đắn nhất. Đừng chạy theo trào lưu “thuận tự nhiên” mông muội khiến bản thân, gia đình và cộng đồng phải trả giá.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI