Họ hàng của SARS-CoV-2 xuất hiện tại Campuchia từ năm 2010

01/02/2021 - 16:52

PNO - Các nhà khoa học phát hiện ra những con dơi, sống trong một hang động ở Campuchia từ năm 2010, mang mầm bệnh "gần giống" với virus gây bệnh COVID-19.

Các mẫu thử nghiệm thu thập từ bầy dơi đã được bảo quản trong tủ đông tại Viện Pasteur ở Phnom Penh, Campuchia, kể từ tháng 12/2010 sau một nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Paris, dưới sự ủy quyền của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO). Bằng cách giải trình tự các mẫu virus từ 430 con dơi các nhà khoa học từ Campuchia, Pháp và Mỹ đã tìm thấy virus "gần giống" với SARS-CoV-2 ở hai cá thể dơi Rhinolophus shameli – chúng còn được gọi là dơi móng ngựa Shemal và phân bổ rộng khắp ở Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan...

Trong một báo cáo chưa được đánh giá ngang hàng vừa công bố trong tuần này, nhóm chuyên gia cho biết mẫu virus từ những con dơi này có chung 92,6% đặc điểm nhận dạng với SARS-CoV-2.

Trước đây vào tháng 11/2020, các tác giả đã công bố phát hiện trên nhưng vẫn chưa giải trình tự bộ gen toàn diện, để xem nó có họ hàng gần như thế nào với SARS-CoV-2.

Kết quả này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc truy tìm nguồn gốc của COVID-19, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu giám sát dơi và các loài động vật hoang dã khác trong khu vực, nhằm giúp thế giới ứng phó với đại dịch tốt hơn.

Các nhà nghiên cứu viết: “Một số phần trong bộ gen virus từ loài dơi móng ngựa gần gũi về mặt di truyền với SARS-CoV-2 hơn bất kỳ loại virus nào khác được phát hiện cho đến nay".

Năm 2020, các nhà khoa học ở Vân Nam, Trung Quốc, phát hiện ra virus trong một mẫu dơi móng ngựa từ năm 2013 và một mẫu khác từ năm 2019 có quan hệ mật thiết với SARS-CoV-2.

Hai loại virus có họ hàng với SARS-CoV-2 cũng được tìm thấy vào tháng 2/2020 trên cá thể tê tê từ Malaysia, buôn lậu vào miền nam Trung Quốc.

Các nhà khoa học của Viện Pasteur Campuchia - được tài trợ bởi chính phủ Mỹ và Pháp - cho biết, phát hiện của họ "chỉ ra rằng các virus liên quan đến SARS-CoV-2 có phân bố địa lý rộng hơn nhiều so với những gì thế giới biết đến trước đây, và có khả năng lưu hành qua nhiều loài động vật khác nhau".

Mẫu sinh phẩm từ các cá thể dơi ở Campuchia cho thấy nét tương đồng đáng kể với SARS-CoV-2
Mẫu sinh phẩm từ các cá thể dơi ở Campuchia cho thấy nét tương đồng đáng kể với SARS-CoV-2

Nhóm điều tra viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện đang ở Vũ Hán, để xác định chính xác vị trí và cách thức mà đại dịch bắt đầu sau khi loại virus này xuất hiện lần đầu vào cuối năm 2019 tại thành phố miền trung Trung Quốc.

Các nhà khoa học của Viện Pasteur cảnh báo khu vực Đông Nam Á, chứ không chỉ Trung Quốc, sở hữu nhiều loài động vật hoang dã đa dạng và có nhiều "hoạt động buôn bán, tiếp xúc giữa con người với các vật chủ của coronavirus".

Khu vực này cũng đang trải qua "những thay đổi mạnh mẽ về cách khai thác tài nguyên rừng và đất... có thể làm tăng mối liên hệ giữa dơi và người".

Họ kết luận: “Việc tiếp tục giám sát dơi và các loài động vật hoang dã chủ chốt khác ở Đông Nam Á là rất quan trọng, không chỉ để tìm ra ổ chứa dịch bệnh tiềm năng, mà còn để chuẩn bị tốt hơn cho đại dịch tiếp theo”.

Linh La (theo Skynews)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI